VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

 

BÁO CÁO BỔ SUNG
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI NĂM 1987

(Do ông Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
trình bày tại kỳ họp thứ 12, Quốc hội khóa VII, ngày 24-12-1986)

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong báo cáo chung về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 1987 trình bày sáng nay, đã nêu toàn diện về đánh giá tình hình năm 1986 cũng như kế hoạch năm 1987. Về giá lương tiền, Hội đồng Bộ trưởng đã có bản tự kiểm điểm gửi đến từng đồng chí đại biểu Quốc hội. Trong báo cáo bổ sung này, tôi chỉ xin trình bày rõ thêm một số điểm để các đồng chí đại biểu Quốc hội có cơ sở thảo luận và quyết định.

Như các đồng chí đều biết, chúng ta bước vào năm 1987 trong tình hình chung của đất nước còn nhiều khó khăn. Một mặt, phải giải quyết các tồn đọng của năm 1986 để lại; mặt khác, các cân đối vật chất chưa thật sự bảo đảm, tình hình giá lương tiền còn biến động phức tạp. Song, cũng có những thuận lợi cơ bản, đó là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đã xác định phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của thời kỳ 1986-1990, đề ra các chủ trương, biện pháp về chuyển hướng cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư và đổi mới cơ chế quản lý, nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

I. VỀ BA CHƯƠNG TRÌNH KINH TẾ LỚN

Năm 1987, năm thứ hai của kế hoạch 1986-1990, năm đầu thực hiện Nghị quyết VI, mặc dầu có nhiều khó khăn như vừa kể, nhưng đặt ra cho chúng ta những yêu cầu rất quan trọng, đồng thời, cũng rất bức xúc là tạo bằng được những chuyển biến tích cực, tuy chỉ bước đầu, trong tình hình kinh tế - xã hội. Để đạt được sự chuyển biến đó, về mặt sản xuất, phải tập trung toàn lực thực hiện tốt ba chương trình kinh tế lớn:

1. Về lương thực - thực phẩm

Yêu cầu lương thực năm 1987 trên 19,5 triệu tấn. Thực tế những năm qua cho thấy: trong 5 năm 1981-1985, bình quân mỗi năm tăng 70 vạn tấn, chỉ riêng năm 1982 tăng được 1,8 triệu tấn so với năm 1981; nhưng trong hai năm 1985-1986, bình quân mỗi năm chỉ tăng trên 30 vạn tấn. Trong kế hoạch 1987, các địa phương xây dựng kế hoạch 20,5 triệu tấn nhưng đòi hỏi một lượng vật tư quá lớn. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Hội đồng Bộ trưởng đề nghị bố trí sản lượng lương thực năm 1987 là 19,2 triệu tấn, trong đó thóc 16,8 triệu tấn, số tăng bằng mức tăng bình quân của 5 năm 1981-1985. Nếu chúng ta tạo thêm được điều kiện vật chất và tập trung sức chỉ đạo tốt thì cũng có thể đạt mức cao hơn.

Về các cân đối, dự kiến bố trí như sau:

- Phân bón và thuốc trừ sâu ngoài việc tận lực phát triển phân xanh, phân chuồng, bèo dâu để bảo đảm ít nhất 30% nhu cầu, cần có 1,9 triệu tấn phân đạm quy tiêu chuẩn cho các nhu cầu chung, trong đó cho lương thực 1,6 triệu tấn. Kế hoạch nhập từ Liên Xô và sản xuất trong nước được 1,4 triệu tấn và đã bố trí gần 60 triệu đô la trong số ngoại tệ thu được của cả nước do xuất khẩu sang thị trường tư bản chủ nghĩa để nhập thêm 50 vạn tấn phân đạm và 12.500 tấn thuốc trừ sâu, bảo đảm đủ nhu cầu và kịp thời vụ. Trong số phân đạm nói trên, dự tính cung ứng cho các tỉnh miền Bắc 43%, miền Nam 57%. Lượng phân bón cần cho vụ đông - xuân gần 90 vạn tấn, đến cuối tháng 12-1986 đã có trên 60 vạn tấn, còn 30 vạn tấn sẽ điều tiếp từ Liên Xô về trong tháng 01-1987.

- Về sức kéo, thực tế hiện nay nhiều nơi đang thiếu nghiêm trọng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long và những vùng phát triển cây vụ đông. Trong kế hoạch năm 1987, đã bố trí sản xuất 2.000 máy kéo nhỏ, và nhập 500 máy kéo lớn của Liên Xô, dự kiến sẽ cung ứng chủ yếu cho hai vùng lớn là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Bắc bộ. Mặt khác, Hội đồng Bộ trưởng cũng đang bàn với Liên Xô để nhập thêm khoảng 1.000 máy kéo lớn nữa. Vấn đề đặt ra là phải sắp xếp lại các trạm máy kéo, điều hòa kịp thời sức kéo giữa nơi thừa và nơi thiếu; có cơ chế chính sách đúng để tăng công suất sử dụng máy kéo lên gấp rưỡi, gấp đôi hiện nay. Mặt khác, các Bộ Cơ khí - Luyện kim và Nông nghiệp tổ chức tốt việc sửa chữa máy kéo, để sử dụng có hiệu quả số máy kéo hiện có. Riêng về sức kéo súc vật, năm 1987, Bộ Nông nghiệp sẽ mua khoảng 1,2 vạn trâu bò ở các tỉnh miền núi, trung du cung ứng cho các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Đồng thời ở đồng bằng, phải đẩy mạnh chăn nuôi sinh sản đi đôi với chăm sóc đàn trâu bò cày kéo.

Bằng tất cả những biện pháp đó, chúng ta sẽ giảm bớt đáng kể tình hình căng thẳng về sức kéo hiện nay. Xăng dầu cung ứng cho nông nghiệp sẽ tăng 17% trong khi tổng số xăng dầu của nền kinh tế chỉ tăng 10%; điện cung ứng cho tưới tiêu thường xuyên 3-4 vạn kW, khi hạn úng nặng sẽ cố gắng bố trí 8 - 10 vạn kW.

Về vốn đầu tư, trong khi tổng vốn đầu tư của nền kinh tế tăng không đáng kể so với năm 1986, lại phải dồn cho một số công trình lớn sắp đưa vào sử dụng như thủy điện Trị An, Hòa Bình, dầu khí Vũng Tàu, v.v. nhưng đã cố gắng sắp xếp nâng tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp từ 24,5% năm 1985 lên 28,5% năm 1987, riêng đầu tư cho thủy lợi tăng 24% so với năm 1986, trong đó dành ¼ cho các công trình thủy lợi của đồng bằng sông Cửu Long. Ở miền Bắc không chỉ đầu tư cho thủy lợi mà cần chú ý tới cả đê điều vì năm 1986 nhiều đoạn đê bị nước to sạt lở nghiêm trọng.

Về huy động lương thực:

Tinh thần chung là để bảo đảm đời sống công nhân, cán bộ, lực lượng vũ trang và một số nhu cầu bức bách khác, Nhà nước phải nắm được từ 4,3 triệu đến 4,5 triệu tấn lương thực, tăng 12,7% so với năm 1986, trong đó:

- Miền Bắc: 1,33 triệu tấn;

- Miền Trung: 57 vạn tấn;

- Miền Nam: 2,6 triệu tấn.

Với số huy động này, chia ra như sau:

- Thuế (hiện vật): 1,3 triệu tấn;

- Mua theo hợp đồng kinh tế: 2,36 triệu tấn;

- Mua theo giá thỏa thuận: 87 vạn tấn.

Như vậy, các tỉnh miền Trung (kể cả Tây Nguyên) tự trang trải được nhu cầu, miền Bắc thiếu 60 vạn tấn (quy gạo). Đồng bằng sông Cửu Long ngoài việc bảo đảm cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ, cần cố gắng điều ra miền Bắc 35 - 40 vạn tấn (quy gạo), chủ yếu cho nhu cầu quân đội và khu mỏ Quảng Ninh.

Cân đối lương thực chung cả nước còn thiếu 20 vạn tấn (quy gạo), chủ yếu trong 6 tháng đầu năm. Hội đồng Bộ trưởng đang tìm nguồn giải quyết.

2. Về hàng tiêu dùng

Đẩy nhanh sản xuất hàng tiêu dùng là một mục tiêu quan trọng của kế hoạch nhà nước. Trong kế hoạch năm 1987, dự kiến bố trí tăng 10% so với năm 1986 (năm 1986 chỉ tăng 6,3% so với năm 1985).

Yếu tố quyết định để phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng là nguyên liệu, trong đó nguyên liệu nhập khẩu chiếm 55-58% tổng số nguyên liệu sản xuất hàng tiêu dùng. Đó là những loại nguyên liệu có tính chiến lược như bông, xút, đồng, nhôm, chì, kẽm, chất dẻo, v.v., trong số này, một bộ phận quan trọng phải nhập từ thị trường tư bản chủ nghĩa.

Theo tính toán chung, để có tốc độ phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng hằng năm là 7% thì phải có ít nhất 40 triệu đô la nhập vật tư nguyên liệu; muốn có tốc độ 10% phải có 70 triệu đô la; muốn có tốc độ 13 - 15% phải có 100 triệu đô la. Trong kế hoạch năm 1987, đã bố trí 70 triệu đô la, chiếm 28% tổng số 250 triệu đô la dự kiến Trung ương chi phối, để nhập nguyên liệu cho sản xuất một số mặt hàng chủ yếu như vải, giấy, thuốc chữa bệnh, bột giặt, pin đèn, sữa hộp, vải đi mưa, v.v..

Trong từng sản phẩm cũng đã tính toán cơ cấu hợp lý nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, chẳng hạn như, bố trí sản lượng vải có mức độ, chỉ bằng năm 1986, nhưng tăng mạnh vải màn, khăn mặt…; đối với giấy thì tăng giấy viết, giấy in báo, in sách giáo khoa… Trong bố trí kế hoạch cũng đã tập trung năng lượng, vật tư cho các cơ sở quốc doanh để nâng mức sử dụng công suất trung bình lên khoảng 70% và chuẩn bị điều kiện để tăng hơn nữa trong các năm sau.

Cùng với những cân đối vật chất do Nhà nước bố trí, phải ban hành gấp một số chính sách về nguyên liệu trong nước, về sử dụng khả năng của tất cả các ngành sản xuất, kể cả công nghiệp nặng và công nghiệp quốc phòng, của các khu vực tập thể, gia đình, tư nhân, cá thể, để phát triển rộng rãi các loại hàng tiêu dùng đa dạng. Chú trọng trước hết đến những chính sách sau đây:

- Đầu tư cho các vùng nguyên liệu (quốc doanh, hợp tác xã và nhân dân) để hình thành nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến; chính sách giá mua hợp lý nhằm khuyến khích mạnh người sản xuất nguyên liệu, chính sách bảo hiểm cây trồng khi thiên tai mất mùa; tổ chức tốt việc cung ứng vật tư, hàng hóa theo hợp đồng đã ký kết, bảo đảm đủ lương thực cho người trồng cây công nghiệp….

Đối với tiểu, thủ công nghiệp (kể cả ngành, nghề ở nông thôn), một khu vực có tiềm năng còn rất lớn, sản phẩm rất đa dạng, cần được phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Vấn đề quan trọng có tính quyết định là các chính sách cụ thể thỏa đáng đối với khu vực này. Các cơ quan nhà nước đang cùng Liên hiệp Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Trung ương xây dựng các mặt chính sách và Nhà nước dành một số vốn đầu tư qua khâu tín dụng cho phát triển tiểu, thủ công nghiệp. Tinh thần chung là xóa bỏ triệt để thái độ “phân biệt đối xử” đối với khu vực kinh tế quan trọng này; mạnh dạn cho họ tự tìm mọi cách để phát triển sản xuất và mở mang dịch vụ; Nhà nước quản lý họ chủ yếu bằng quy hoạch phát triển ngành, nghề, các chính sách bán vật tư, thiết bị, mua sản phẩm, lưu thông hàng hóa dễ dàng, thuận lợi, v.v..

3. Xuất khẩu và cân đối ngoại tệ tư bản

Nhu cầu xuất khẩu tối thiểu 850 triệu rúp, đô la, trong đó đối với các nước xã hội chủ nghĩa, theo Hiệp định, phải giao hàng 540 triệu rúp. Ngoài ra, phải xuất sang khu vực tư bản chủ nghĩa ít nhất 300 triệu đô la để có điều kiện nhập những vật tư, nguyên liệu không có ở thị trường xã hội chủ nghĩa và trả một phần nhỏ những món nợ không thể trì hoãn. Không đạt được mức xuất khẩu này thì toàn bộ kế hoạch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong xuất khẩu hiện nay, ngoài việc bảo đảm đầu tư và cung ứng vật tư cho sản xuất và thu mua hàng xuất khẩu, nổi lên mấy vấn đề cấp bách cần giải quyết:

- Tình trạng tranh mua, tranh bán trên thị trường trong nước và ngoài nước còn khá phổ biến, gây nhiều thiệt hại về cả hai mặt kinh tế và xã hội. Do đó, cần sắp xếp lại các đầu mối xuất, nhập khẩu theo hướng mỗi mặt hàng hoặc nhóm hàng quan trọng chỉ nên có một hay hai đầu mối thống nhất trong cả nước. Trong tổ chức đó, có sự tham gia bình đẳng của các ngành, các địa phương liên quan.

- Những năm gần đây, việc sử dụng ngoại tệ tư bản quá phân tán, chẳng hạn năm 1986, Nhà nước Trung ương chỉ nắm được 16,5% tổng số ngoại tệ xuất khẩu sang khu vực II, do đó, không bảo đảm nhập khẩu những vật tư, nguyên liệu tối cần thiết cho nền kinh tế, nhiều mục tiêu quan trọng của kế hoạch phải bị bỏ dở. Vì lẽ đó, Nghị quyết 10 của Trung ương Đảng đã nhấn mạnh đến việc Trung ương thống nhất quản lý ngoại tệ, để thực hiện được kế hoạch đã vạch ra, năm 1987, Nhà nước Trung ương cần nắm cho được khoảng 70% ngoại tệ làm ra trong nền kinh tế bằng cách: bảo đảm đủ vật tư cho sản xuất và thu mua hàng xuất khẩu và sửa đổi tỷ giá kết hối để cho cơ sở sản xuất và địa phương có hàng xuất khẩu không những không bị lỗ mà còn có lãi thích đáng.

Nếu không có nguồn ngoại tệ tập trung vào Nhà nước thì các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch không thể thực hiện được, nhất là việc nhập phân bón, thuốc trừ sâu cho nông nghiệp, nguyên liệu cho sản xuất hàng tiêu dùng, những thiết bị, phụ tùng cho các ngành kinh tế quan trọng như than, điện, xi măng, giao thông vận tải, v.v.. Tuy vậy, so với nhu cầu cũng chỉ mới bảo đảm ở mức tối thiểu; chưa có ngoại tệ để trả nợ.

Việc mở rộng buôn bán và hợp tác sản xuất với các nước xã hội chủ nghĩa hiện còn nhiều khả năng; song điều kiện ngoại thương chặt chẽ, khó hơn trước. Trừ Liên Xô, việc xuất nhập nói chung phải cân bằng, chỉ có hàng có giá trị mới đổi được hàng có giá trị; nếu ta không bảo đảm giao hàng đầy đủ với chất lượng đã cam kết thì bạn sẽ chủ động cắt giảm việc giao hàng cho ta, kể cả xăng dầu, phân bón, v.v. mặc dầu hai bên đã ký hiệp định dài hạn. Vì vậy, phải bằng mọi cách, đẩy mạnh sản xuất, tập trung đủ nguồn hàng, không kể hàng trung ương hay địa phương để giao cho các nước, nhất là Liên Xô, là một yêu cầu nghiêm ngặt, đòi hỏi các ngành, các địa phương phải cố gắng vượt bậc. Những vướng mắc gì trong nội bộ ta đều cần được giải quyết kịp thời, không để ảnh hưởng đến quan hệ giữa nước ta với các nước.

4. Đầu tư xây dựng cơ bản

Năm 1987, tổng hợp nhu cầu đầu tư của các Bộ và các địa phương là 46 tỷ đồng. Nhưng khả năng vật tư, tài chính dành cho xây dựng cơ bản rất hạn chế: xăng dầu, gỗ chỉ bằng mức năm 1986; thép và xi măng có tăng, nhưng không nhiều; với các tính toán về ngân sách thì khả năng tài chính cho đến nay không thể chi cho xây dựng cơ bản (cả Trung ương và địa phương) vượt quá 26 tỷ đồng.

Sau khi cân nhắc các mặt, Hội đồng Bộ trưởng đề nghị bố trí vốn đầu tư năm 1987 là 26 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 22 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương và vốn tự có 4 tỷ đồng. Nhà nước sẽ cân đối vật tư cho cả 26 tỷ đồng này. Đây là mức bố trí khá chặt, không thể lùi hơn được nữa. Trong quá trình thực hiện, nếu có thêm điều kiện thì có thể tăng thêm một ít cho một số mục tiêu quan trọng nhất.

Trong tổng số vốn đầu tư nói trên đã dành 57,5% cho ba chương trình kinh tế lớn: chương trình lương thực - thực phẩm 23,7%; chương trình hàng tiêu dùng 16%; chương trình hàng xuất khẩu 17,8%. Riêng chương trình năng lượng (điện, than, dầu khí) không thể dưới 30% bao gồm một bộ phận đã được tính vào ba chương trình kinh tế lớn; các ngành văn hóa, xã hội ít nhất 13%.

Trong từng chương trình, đã bố trí tập trung cho những công trình và sản phẩm chủ yếu có hiệu quả nhanh. Đối với chương trình lương thực - thực phẩm, đã tập trung cao cho thủy lợi. Vốn ngân sách trung ương và địa phương dành cho thủy lợi phải cố gắng tăng 24% so với năm 1986.

Để thực hiện được việc bố trí vốn một cách tập trung trong năm 1987 cũng như trong các năm sau, Nhà nước đã quyết định đình hoãn và giãn tiến độ hơn 20 công trình lớn, chiếm khoảng ¼ số vốn công trình đã ký kết với nước ngoài. Đây là một việc làm không đơn giản. Ngay trong những công trình được ghi kế hoạch xây dựng, cũng cần được rà soát kỹ từng hạng mục để có sự sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Cái gì cần, gấp thì hãy xây; cái gì có thể hoãn thì kiên quyết hoãn. Trong tình hình vốn đầu tư eo hẹp hiện nay, trong các năm 1986, 1987, thậm chí cả 1988, nói chung, chưa khởi công công trình mới hoàn toàn. Yêu cầu tất cả các ngành, các cấp không được tự động mở thêm công trình ngoài kế hoạch, nhất là những công trình đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, nhiều xăng dầu, vật liệu (sắt thép, xi măng…). Nếu không giữ vững được kỷ luật này thì mặt trận xây dựng cơ bản sẽ mắc phải khuyết điểm cũ là tràn lan, dàn đều, hiệu quả thấp, không bảo đảm được cơ cấu kinh tế hợp lý.

II- VỀ GIÁ, LƯƠNG, TIỀN

1. Về giá: Phấn đấu giảm tốc độ tăng giá, điều chỉnh những giá bất hợp lý, từng bước ổn định giá cả thị trường xã hội.

Thi hành các biện pháp đồng bộ: phát triển sản xuất, nắm hàng, nắm tiền, làm chủ thị trường, giảm bội chi ngân sách, đặc biệt là chống lạm phát để hãm nhịp độ tăng giá, bình quân từ 20-25% tháng hiện nay xuống khoảng 10% tháng trong năm 1987. Trong tình hình giá leo thang hàng ngày như hiện nay mà đạt được mức như vậy là một cố gắng lớn, một dấu hiệu tốt. Nhưng cần thấy rằng, đạt được mức đó thì giá cuối năm 1987 vẫn còn tăng khoảng ba lần so với cuối năm 1986.

Giá bán vật tư, đối với vật tư cho khu vực kinh tế quốc doanh, cần nghiên cứu sửa từng phần bất hợp lý, từng bước với tính toán cẩn thận, xem xét điều chỉnh giá bán buôn một số vật tư sản xuất trong nước và cước vận tải hàng hóa đường sông; giá bán một số vật tư dùng để sản xuất hàng tiêu dùng cho khớp với giá bán lẻ đã nâng lên; giá bán một số máy móc, thiết bị, phụ tùng nhập khẩu trước đây tính quá thấp. Đối với vật tư nông nghiệp, trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, Nhà nước bảo đảm cung ứng kịp thời cho nông dân theo đúng giá nhà nước ở địa điểm quy định, tránh thất thoát qua các khâu trung gian.

Về giá mua, xem xét điều chỉnh giá mua một số sản phẩm cây công nghiệp, bảo đảm tương quan hợp lý với giá lúa. Ngoài phần lương thực, nông sản, thủy sản mua theo hợp đồng kinh tế, Nhà nước sẽ mua theo giá thỏa thuận thật sự. Đồng thời, Nhà nước bán lại cho nông dân, ngư dân các loại vật tư và hàng tiêu dùng theo giá kinh doanh thương nghiệp, tránh tình trạng nông dân phải mua đắt của tư thương.

Về giá bán lẻ hàng tiêu dùng ngoài các định lượng dành cung cấp cho cán bộ, công nhân và bộ đội, cần tích cực tạo điều kiện bán hàng tiêu dùng theo giá kinh doanh thương nghiệp.

Tiếp tục thực hiện chính sách bán theo định lượng 6 mặt hàng thiết yếu; bán theo giá ổn định các mặt hàng thuộc diện chính sách xã hội. Việc điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng phải được xem xét gắn liền với việc điều chỉnh phụ cấp chênh lệch giá tính vào lương và các khoản trợ cấp xã hội, nhằm ổn định đời sống người lao động trước hết là những người lao động sống bằng tiền lương, những người hưu trí, thương binh và gia đình liệt sĩ, v.v..

Đối với mặt hàng bán theo giá kinh doanh, cần xem xét điều chỉnh kịp thời để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống giá bán lẻ nhà nước và sự tương quan hợp lý với giá mua thỏa thuận nông sản, thủy sản, hàng tiểu, thủ công nghiệp…

2. Về tiền lương và đời sống

Biện pháp bảo đảm đời sống và lương thực tế phải gắn liền với biện pháp đẩy mạnh sản xuất, tạo thêm việc làm, ổn định dần giá cả, thị trường. Trước mắt, biện pháp quan trọng là bán đủ và kịp thời 6 mặt hàng thiết yếu theo định lượng, nhất là lương thực, chất đốt, v.v. cho các công trường, xí nghiệp trọng điểm, các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung.

Việc bù giá vào lương phải được tính toán kỹ các mặt và được điều hành chặt chẽ. Hội đồng Bộ trưởng sẽ xem xét và phê duyệt mức bù giá vào lương ở các địa phương để bảo đảm sự tương quan hợp lý giữa các địa phương và giữa các vùng trong cả nước, bảo đảm tính thống nhất của chế độ tiền lương. Thực hiện đúng đắn chế độ bữa ăn giữa ca và ca đêm theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng. Các địa phương cần chỉ đạo các đơn vị kinh doanh trên địa bàn thực hiện đúng đắn các chế độ về tiền lương, tiền thưởng đã quy định.

Khi Nhà nước điều chỉnh lên giá bán lẻ hàng tiêu dùng, cần xét tăng phụ cấp cho công nhân, cán bộ và các đối tượng chính sách khác, nhưng cần có quỹ hàng hóa bảo đảm, chấm dứt tình trạng các ngành, các địa phương, cơ sở tự đặt ra chế độ trợ cấp, phụ cấp trái với chế độ lương đã ban hành.

3. Ngân sách và tiền mặt

Cấp bách nhất của ngân sách và tiền mặt là bằng mọi cách hạn chế tốc độ lạm phát, tiến tới chấm dứt lạm phát là một trong những tiền đề cực kỳ quan trọng để ổn định thị trường, giá cả, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, v.v. muốn vậy, cần bố trí lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng mạnh các nguồn thu, tiết kiệm chi triệt để, để giảm bội chi ngân sách đến mức thấp nhất.

Tăng cường quản lý tiền mặt, tổ chức kiểm tra, thu hồi số tiền mặt tồn quỹ vượt định mức ở các cơ sở, hạn chế và chấm dứt tọa chi không hợp lý. Khôi phục và mở rộng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (chuyển khoản qua ngân hàng); phát hành các loại séc định mức cầm tay để chi tiêu thay tiền mặt.

Nâng tỷ lệ nộp tiền mặt bán hàng vào ngân hàng từ 60% hiện nay lên 75% trong năm 1987.

Tiếp tục huy động tiền gửi tiết kiệm bằng cách bảo đảm giá trị đồng tiền và có lãi suất thỏa đáng.

Động viên nông dân bán chịu sản phẩm cho Nhà nước trong 3-4 tháng; lãi suất tiền bán chịu được thưởng 7% tháng (như lãi suất đặc biệt đối với tiền gửi tiết kiệm).

Mở rộng hoạt động của hợp tác xã tín dụng, để tăng cường huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân, củng cố hợp tác xã tín dụng thực sự trở thành tổ chức tập thể, hoạt động độc lập phục vụ tiền tệ, tín dụng ở nông thôn.

Trên đây là những vấn đề chủ yếu xin báo cáo bổ sung. Việc tìm kiếm thêm vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, đặc biệt việc cụ thể hóa các chính sách đòi hỏi phải làm gấp trên cơ sở những tư duy đã được đổi mới. Như vậy, chúng tôi nghĩ rằng mặc dù việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 1987 còn nhiều khó khăn có những mặt cân đối chưa thật chắc, nhưng nếu cải tiến được sự điều hành, thiết lập được kỷ luật và kỷ cương ở mọi ngành, mọi cấp, thì nhất định chúng ta sẽ tạo ra những chuyển biến có ý nghĩa trong năm 1987.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.