VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

 

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 8
CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ GIÁ - LƯƠNG - TIỀN VÀ NHỮNG BIỆN PHÁP
CẤP BÁCH NHẰM TIẾP TỤC THỰC HIỆN  NGHỊ QUYẾT 8 TRONG THỜI GIAN TỚI
(Do ông Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
trình bày tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VII, ngày 24-6-1986)

Thưa đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong kỳ họp Quốc hội tháng 12 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng đã báo cáo với Quốc hội việc thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương (Khóa V) và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về giá - lương - tiền.

Được sự ủy nhiệm của đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tôi xin thay mặt Hội đồng Bộ trưởng báo cáo trước Quốc hội về tình hình hiện nay và những biện pháp cấp bách nhằm tiếp tục thực hiện đúng đắn Nghị quyết lần thứ 8 của Trung ương, kết luận của Hội nghị lần thứ 10 Trung ương về giá - lương - tiền, các Nghị quyết 28, 31, của Bộ Chính trị về các vấn đề trên và Nghị quyết 306 (dự thảo) của Bộ Chính trị về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở.

Báo cáo gồm hai phần:

I- Những việc đã làm từ sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội (khóa VII) đến nay; kết quả và những vấn đề cần được tiếp tục giải quyết.

II- Những chủ trương và biện pháp cấp bách về giá - lương - tiền.

PHẦN THỨ NHẤT

NHỮNG VIỆC ĐÃ LÀM TỪ SAU KỲ HỌP THỨ 10
 QUỐC HỘI (KHÓA VII) ĐẾN NAY;
KẾT QUẢ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC TIẾP TỤC
 GIẢI QUYẾT

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Chấp hành Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 và các Nghị quyết 28, 31 của Bộ Chính trị, các ngành, các cấp đã tiến hành một số công tác cấp bách, lấy biện pháp đẩy mạnh sản xuất làm biện pháp cơ bản hàng đầu, và đã đạt được tiến bộ nhất định.

1. Về sản xuất: Trong 6 tháng đầu năm, đã tập trung giải quyết những yêu cầu bức thiết về vật tư, năng lượng, nhiên liệu, thiết bị, phụ tùng, v.v. để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp.

a) Về nông nghiệp

Trước tình hình cung ứng phân đạm cho vụ đông - xuân chỉ bằng 70% cùng kỳ năm ngoái và thuốc trừ sâu bằng 56% cùng kỳ, chủ yếu là do thiếu ngoại tệ tư bản, nhiều địa phương đã tự cân đối được khoảng 10 vạn tấn phân bón, và một số thuốc trừ sâu bằng nguồn ngoại tệ tự đi vay hoặc từ xuất khẩu ngoài chỉ tiêu kế hoạch để nhập bổ sung.

Lương thực: Ở miền Bắc, vụ đông, sản lượng ngô gấp đôi năm ngoái, khoai lang Trung Quốc tăng 60%, khoai tây tăng 59% và rau đậu tăng 8 vạn hécta; nhưng lúa đông xuân chỉ đạt 97% diện tích so vụ đông xuân năm ngoái. Tháng 4, tháng 5 gặp mưa lớn, tiếp đó sâu bệnh phát triển nhanh đã gây thiệt hại nặng. Sơ bộ đánh giá sản lượng vụ này miền Bắc có thể giảm trên dưới 40 vạn tấn thóc so với năm ngoái. Vụ đông - xuân ở miền Nam tăng 4,4 vạn hécta, ước tính sản lượng tăng 20 - 30 vạn tấn. Tính chung cả nước, vụ đông - xuân có thể đạt khoảng 7 triệu tấn, xấp xỉ năm 1985 là năm đạt sản lượng cao từ năm 1981 đến nay.

Cây công nghiệp: một số cây phát triển khá; lạc, đỗ tương đều tăng so với 6 tháng đầu năm ngoái; riêng mía giảm, do chưa giải quyết đồng bộ các vấn đề giá cả và tổ chức thu mua.

Chăn nuôi: Đàn trâu, bò tiếp tục phát triển; ở một số nơi, đàn lợn giảm do thiếu thức ăn và do giá thu mua.

Thủy sản: Đánh bắt và xuất khẩu bằng cùng kỳ năm ngoái.

Lâm nghiệp: Trồng rừng tăng 6%; khai thác gỗ đạt 48% kế hoạch năm, nhưng nạn cháy rừng và phá rừng ở một số địa phương vẫn còn nghiêm trọng.

b) Về công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp

Nhiều ngành và địa phương có cố gắng khắc phục một phần khó khăn về nguyên liệu như: tìm nguyên liệu thay thế các loại nguyên liệu nhập khẩu; huy động và đưa vào sản xuất những vật tư tồn đọng, chưa dùng đến; tiết kiệm vật tư, nguyên liệu và chống hư hao, mất mát trong các khâu từ sản xuất, phân phối, vận chuyển, bảo quản đến sử dụng; thực hiện việc liên kết, liên doanh với các địa phương khác..., đồng thời cũng đã thông qua việc xuất khẩu một số nông sản để nhập khẩu bổ sung được một số nguyên liệu, vật liệu cho sản xuất.

Giá trị tổng sản lượng công nghiệp đạt 45,5% kế hoạch năm, tăng 5,3% so với 6 tháng đầu năm ngoái, trong đó công nghiệp trung ương đạt 44,8%, tăng 3,4%; công nghiệp địa phương đạt 46%, tăng 6,3%. Một số sản phẩm trọng yếu như điện, than, máy biến thế, que hàn, thuốc lá điếu, bia, mì chính, v.v. đạt kế hoạch khá (trên 4,8%), do thiếu vật tư, nhất là vật tư nhập từ thị trường tư bản.

2. Các ngành, các địa phương đã có cố gắng nắm hàng vào tay nhà nước:

- Về lương thực: Tính chung cả nước, 6 tháng đầu năm ước huy động tăng 6 vạn tấn so cùng kỳ năm ngoái, riêng miền Bắc thấp hơn 2 vạn tấn.

- Về hàng nông, lâm, hải sản: đạt được 34,7% kế hoạch năm.

- Thu mua hàng công nghiệp: đạt 46,3% kế hoạch năm.

3. Đã ngăn chặn một bước tình trạng tự động nâng giá không đúng thẩm quyền trong thị trường có tổ chức; đấu tranh hạn chế tình trạng treo hàng chờ giá lên, nâng giá để tranh mua các mặt hàng xuất khẩu có giá trị (tôm, cà phê, trầm kỳ, hạt tiêu...). Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành giá bán một số vật tư nông nghiệp (thuốc trừ sâu, sắt xây dựng, v.v.) để đưa vào hợp đồng kinh tế mua lúa, đồng thời, cũng đã ban hành khung giá thỏa thuận để mua lúa vụ hè thu, vụ đông - xuân còn lại ở phía Nam và vụ chiêm xuân ở miền Bắc. Về hàng tiêu dùng, đã ban hành mức giá bán lẻ ổn định đối với một số mặt hàng thiết yếu, khung giá kinh doanh thương nghiệp một số mặt hàng tiêu dùng.

4. Để bảo đảm đời sống cho công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, các địa phương đã tiến hành việc bán theo định lượng một số mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm chủ yếu và mấy mặt hàng công nghiệp tiêu dùng). Diện mặt hàng do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định, căn cứ vào tình hình cụ thể từng địa phương. Có những nơi bán số mặt hàng này với mức giá ổn định do Nhà nước chỉ đạo; có những nơi bán với mức giá kinh doanh thương nghiệp và bù phần chênh lệch giữa mức giá kinh doanh thương nghiệp với mức giá ổn định do Nhà nước chỉ đạo vào lương cho các đối tượng được hưởng.

Đi đôi với việc bán một số mặt hàng theo định lượng, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định tăng thêm 15% vào mức phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt ở từng vùng.

5. Công tác cải tạo công thương nghiệp tư nhân, sắp xếp lại và quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu vừa qua nói chung bị buông lỏng, nhưng một số địa phương đã có chú ý đẩy lên, đạt kết quả nhất định.

6. Nhiều cơ sở công nghiệp, nông nghiệp đã bước đầu tiến hành cải tiến quản lý xí nghiệp, từng bước sắp xếp lại sản xuất và thực hiện hạch toán kinh tế có hiệu quả theo Nghị quyết 8 của Trung ương và Nghị quyết 306 (dự thảo) của Bộ Chính trị.

Các ngành phân phối - lưu thông cũng đang bước đầu sắp xếp lại hệ thống mạng lưới quốc doanh và tập thể, thu mua và bán lẻ, đi vào trật tự kinh doanh, theo hướng chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Trên đây là những việc đã làm và kết quả thu được trong thời gian qua trong việc thực hiện Nghị quyết 8 và các Nghị quyết khác của Đảng và Nhà nước về giá - lương - tiền. Trong tình hình đang còn biến động về giá cả, thị trường, có khó khăn lớn về thiếu thốn vật tư, thiết bị, những kết quả về mặt duy trì và phát triển sản xuất thể hiện sự cố gắng lớn của các ngành, các cấp; đồng thời, trên mặt trận phân phối - lưu thông, chúng ta cũng đã có những nỗ lực đáng kể trong việc thu mua, nắm hàng, nhất là ở các địa phương.

Tuy vậy, hiện nay, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn; những mặt mất cân đối trong nền kinh tế quốc dân và những thiếu sót trong quản lý từ nhiều năm nay chưa được khắc phục. Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan nhà nước đã đề ra nhiều biện pháp tích cực để thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhưng chưa đạt được chuyển biến đáng kể; chưa bảo đảm Nhà nước nắm chắc được các nguồn hàng, kiểm soát được thị trường, giá cả, lưu thông tiền tệ; chưa đề cao được kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, thiết lập trật tự trong phân phối - lưu thông nói riêng và trong quản lý nền kinh tế quốc dân nói chung.

Những vấn đề mới nổi lên hiện nay là:

1. Sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp vẫn đang gặp khó khăn lớn về vật tư, năng lượng, nguyên liệu, phụ tùng.

2. Nhà nước chưa nắm chắc và quản lý chặt chẽ việc phân phối các nguồn vật tư, hàng hóa; ngay sản phẩm nhà nước, nhiều xí nghiệp quốc doanh trung ương và địa phương chưa giao đủ cho Nhà nước theo đúng quy định, bị tuồn ra ngoài. Hàng của tiểu, thủ công nghiệp cũng còn một bộ phận không nhỏ bán ra thị trường tự do (ước khoảng 30 - 40%). Lương thực Nhà nước huy động được ở miền Bắc thấp hơn so với năm ngoái. Thực phẩm và các nông sản khác đều không đạt kế hoạch huy động, thịt lợn, mía đường bị sụt nhiều nhất.

3. Vật tư, hàng hóa của Nhà nước thiếu nhưng phân phối còn nhiều chỗ không hợp lý, chưa tập trung đúng mức cho những mục tiêu chủ yếu; tổ chức cung ứng quá phân tán ra nhiều đầu mối, qua nhiều cấp, nhiều khâu trung gian; tình trạng tiêu cực còn nhiều, người sản xuất phải mua vật tư, hàng hóa với giá cao hơn nhiều so với giá Nhà nước quy định.

4. Cân đối ngoại tệ tư bản tiếp tục căng thẳng, không đủ tiền trả nợ cũ nên không vay được nợ mới, ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất của một số ngành công nghiệp. Việc quản lý ngoại hối vẫn còn phân tán, không được tập trung vào giải quyết các nhu cầu cấp bách nhất.

5. Giá cả vẫn tiếp tục tăng và đang là mối lo ngại hàng ngày của toàn dân. Giá trong thị trường có tổ chức có nhiều lộn xộn. Giá bán buôn vật tư do Trung ương thống nhất quản lý không được nghiêm chỉnh chấp hành; các cơ sở sản xuất phải mua vật tư cao hơn mức Nhà nước quy định. Nhiều địa phương bán hàng công nghiệp tiêu dùng cao hơn giá Trung ương quy định; phần chênh lệch giá này không được tập trung vào ngân sách Trung ương.

Giá trong thị trường không có tổ chức biến động không bình thường. Bình quân một tháng trước khi đổi tiền, giá tăng trên dưới 5%; 3 tháng cuối năm tăng 8,9%; 6 tháng đầu năm 1986, tăng 20%.

6. Thị trường còn nhiều diễn biến phức tạp, chưa thiết lập được trật tự ngay trong thị trường có tổ chức: từng khu vực, từng địa phương giải quyết giá cả theo nhiều cách khác nhau; hiện tượng tranh mua, tranh bán chưa chấm dứt; vật tư, hàng hóa của Nhà nước còn bị tuồn ra ngoài với nhiều hình thức và vào tay tư thương. Thị trường không có tổ chức chẳng những không được thu hẹp mà còn rộng ra; tư thương có xu hướng phát triển và nhiều người vẫn kinh doanh những mặt hàng do Nhà nước sản xuất, nhập khẩu, kể cả những mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý và độc quyền kinh doanh. Nạn đầu cơ, chợ đen, buôn lậu vẫn còn nghiêm trọng. Bọn địch vẫn tìm mọi cách khai thác tình trạng thị trường rối ren để tăng cường phá hoại ta.

7. Đời sống

Nhà nước không đủ hàng, trong khi đó tiền phát hành lớn, giá cả tăng nhanh, làm cho đời sống cán bộ, công nhân, viên chức, trước hết là trong khu vực hành chính, sự nghiệp, và các lực lượng vũ trang gặp nhiều khó khăn, nhất là những gia đình chính sách, gia đình đông con, thiếu công việc làm. Chỉ số giá sinh hoạt nhất là ở các thành phố, khu công nghiệp tập trung tăng lên nhanh, tiền lương thực tế giảm sút. Những cơ sở thiếu nguyên vật liệu hoặc đạt kế hoạch sản xuất thấp, do đó tiền lương ít, thì đời sống công nhân càng khó khăn.

Đối với lực lượng vũ trang, 6 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng phục vụ đời sống được cung cấp thấp. Vì vậy, đời sống bộ đội gặp khó khăn, nhất là những đơn vị ở biên giới.

Đời sống nông dân ở những nơi bị thiên tai mất mùa nặng cũng đang gặp khó khăn, trước hết là những gia đình neo đơn, thiếu sức lao động.

8. Tài chính, tiền tệ

Về ngân sách: Báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng đã trình bày, chỉ xin nhấn mạnh: nhiều khoản thu dự kiến đầu năm không thực hiện được: kế hoạch sản xuất nhiều ngành đạt thấp; thuế nông nghiệp và thuế công, thương nghiệp thu được còn thấp xa so với yêu cầu thu đủ và thu đúng Pháp lệnh, nhất là các loại thuế trong kinh doanh thương nghiệp.

Chưa có những biện pháp tiết kiệm chi một cách nghiêm ngặt. Chi xây dựng cơ bản chưa giảm được mấy, mà việc xây dựng ngoài kế hoạch vẫn còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi; chi phí về quản lý hành chính còn lớn.

Về tiền mặt: Mặc dù lượng tiền trong lưu thông lớn hơn nhiều so với dự kiến đầu năm, nhưng tiền gửi tiết kiệm 6 tháng mới đạt 50% kế hoạch năm.

Việc quản lý tiền mặt, nhất là tiền mặt tồn quỹ và tọa chi vượt mức quy định của các đơn vị kinh tế quốc doanh, của các cơ quan nhà nước, chưa nghiêm. Việc thanh toán bằng chuyển khoản thực hiện được ít.

Ngân hàng Nhà nước chậm thay đổi cơ chế hoạt động; vòng quay vốn đồng tiền quá chậm; chưa có những biện pháp mạnh mẽ để thu hút được nhiều tiền mặt trong nhân dân.

Tình hình các mặt, nhất là tiền mặt trên đây rõ ràng đang tác động không tốt đến sản xuất, xây dựng và đời sống của các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang; đến nhiều mặt tâm lý xã hội. Tình hình đó đang đòi hỏi sự phấn đấu rất cao, sự nỗ lực to lớn và kiên trì của cả nước để thực hiện cho được các biện pháp cấp bách đề ra trong kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 về giá - lương - tiền, trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị nhằm thực hiện đúng và tốt Nghị quyết 8 của Trung ương và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị.

PHẦN THỨ HAI

NHỮNG CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH
VỀ GIÁ - LƯƠNG - TIỀN

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa là một vấn đề có ý nghĩa cách mạng to lớn trong việc đổi mới cơ chế quản lý, nhưng phải là một quá trình, có chuẩn bị tích cực, có bước đi khẩn trương và vững chắc.

Yêu cầu cấp bách nhất hiện nay là phải có những biện pháp đặc biệt để bảo đảm thực hiện thắng lợi những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 1986, tạo điều kiện từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) khẳng định tinh thần và nội dung cơ bản của Nghị quyết 8 Trung ương và các Nghị quyết 28, 31 của Bộ Chính trị về giá - lương - tiền là đúng đắn, và đề ra các biện pháp đặc biệt cần được thực hiện một cách kiên quyết. Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đang chuẩn bị tích cực triển khai các biện pháp này theo hướng như sau:

1. Cố gắng đến mức cao nhất cân đối trong kế hoạch các loại vật tư cho sản xuất nông nghiệp (trước hết là phân bón và thuốc trừ sâu), cho sản xuất công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp (trước hết là năng lượng và vật tư, nguyên liệu chủ yếu).

a) Đối với nông nghiệp: Yêu cầu là phải tập trung sức bảo đảm gieo cấy vượt kế hoạch diện tích vụ hè thu và vụ mùa bảo đảm các khâu kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất bù cho số sản lượng vụ đông xuân chưa đạt kế hoạch; đồng thời phải chuẩn bị tốt cho vụ đông - xuân 1986 - 1987.

Muốn vậy, phải giải quyết bằng được số phân đạm và thuốc trừ sâu cần thiết cho cả hai vụ. Hiện nay, còn một số phân đạm nhập khẩu của Liên Xô chưa đưa về hết. Cần tranh thủ đưa tiếp số phân này về trước tháng 10 năm 1986, đồng thời, phải thương lượng với Liên Xô cho ứng trước khoảng 30 - 35 vạn tấn phân đạm nhập khẩu năm 1987, và đưa về trong tháng 12-1986. Số phân còn thiếu và số thuốc trừ sâu phải nhập bổ sung từ thị trường tư bản bằng ngoại tệ tư bản. Nguồn ngoại tệ này sẽ được giải quyết bằng biện pháp nói ở điểm 2 dưới đây.

b) Đối với công nghiệp, tiểu và thủ công nghiệp

Tiến hành tốt việc kiểm kê vật tư. Nhà nước thống nhất quản lý vật tư và ưu tiên phân phối cho các sản phẩm trọng yếu, cho các khu công nghiệp tập trung, cho các thành phố công nghiệp lớn và cho các sản phẩm phục vụ đời sống và hàng xuất khẩu. Các ngành, địa phương và cơ sở cần sử dụng tốt vật tư để đẩy mạnh sản xuất phát triển. Cần tranh thủ đưa về sớm số vật tư, nguyên liệu nhập khẩu từ trước, hiện còn đọng tại các cảng ở các nước ngoài.

c) Cần cung ứng vật tư theo đúng yêu cầu của cơ sở, của địa phương, đặc biệt là chấn chỉnh ngay tổ chức cung ứng theo hướng tập trung vào đầu mối, bỏ ngay những khâu trung gian không cần thiết, để cho vật tư được lưu thông thẳng theo con đường ngắn nhất, giảm phí lưu thông.

Thực hiện Nhà nước độc quyền kinh doanh vật tư, trước hết là các vật tư chiến lược (xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, sắt thép, xi măng...). Cấm tư nhân buôn bán các vật tư của Nhà nước. Xóa bỏ thị trường tự do về vật tư. Chấm dứt tình trạng các ngành, địa phương, cơ sở mua đi bán lại các vật tư dưới mọi hình thức.

2. Thực hiện Nhà nước độc quyền ngoại thương, Trung ương thống nhất quản lý ngoại hối theo một kế hoạch thống nhất. Trong 6 tháng cuối năm, cần xử lý vấn đề xuất nhập khẩu và cân đối ngoại tệ bằng những biện pháp đặc biệt theo tinh thần và nội dung của kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (khóa V) như sau:

- Các cơ quan, xí nghiệp, địa phương không được mua, bán trong nước trực tiếp bằng ngoại tệ.

- Các địa phương phải giao nộp đầy đủ hàng xuất khẩu cho Trung ương theo chỉ tiêu kế hoạch, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, nhất là đối với Liên Xô. Các nguồn ngoại tệ cần được quản lý và sử dụng thống nhất bảo đảm lợi ích chung, đồng thời, bảo đảm lợi ích của địa phương và của các tổ chức cung ứng hàng xuất khẩu.

Trước mắt, nắm lại các nguồn ngoại tệ tư bản của cả Trung ương và địa phương, đồng thời tìm thêm nguồn vay, kể cả việc tranh thủ nhập trước xuất sau, điều chỉnh lại việc sử dụng theo hướng tập trung vào việc nhập khẩu những vật tư, nguyên liệu bức thiết cho sản xuất, nông nghiệp và công nghiệp, ưu tiên cho địa phương có đóng góp ngoại tệ, trước hết là nhập phân bón và thuốc trừ sâu còn thiếu, để đáp ứng cho nhu cầu vụ mùa năm nay và vụ đông - xuân 1986 - 1987. Đình chỉ ngay việc nhập những hàng hóa chưa cần thiết từ các thị trường tư bản, như xe du lịch, xe máy, đồ dùng điện tử và các mặt hàng tiêu dùng khác, kể cả những mặt hàng đã được cấp giấy phép, nhưng chưa nhập.

Giải quyết gấp ngoại tệ để thuê tàu chở về sớm những hàng nhập còn nằm tại cảng nước ngoài.

Giải quyết cho Ngân hàng một số ngoại tệ để trả nợ nước ngoài (đối với nước được cho phép trả nợ) để vay tiếp ngoại tệ.

Có chính sách khuyến khích mạnh mẽ các Việt kiều gửi ngoại tệ và nguyên liệu, vật tư, máy móc, phụ tùng, tân dược về nước.

3. Tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa; thiết lập trật tự xã hội chủ nghĩa trong phân phối - lưu thông, trước hết trong thị trường có tổ chức

a) Thu mua, nắm hàng

Về hàng công nghiệp: Quản lý chặt chẽ chế độ giao nộp sản phẩm của các đơn vị sản xuất quốc doanh; nếu có những vướng mắc trong hệ thống giá giao nhận thì phải xử lý gấp, nhất là đối với những sản phẩm mà đơn vị tự tìm kiếm một phần vật tư, nguyên liệu.

Áp dụng hình thức mua bán theo hợp đồng kinh tế trong khu vực tiểu, thủ công nghiệp để nắm đại bộ phận sản phẩm hàng hóa với giá ổn định. Trước mắt, dành một số vật tư, thiết bị lẻ để nắm thêm khoảng 30% khối lượng hàng tiểu, thủ công nghiệp.

Đối với hàng công nghiệp từ nước ngoài đưa về qua đường phi mậu dịch, Hội đồng Bộ trưởng đang chuẩn bị bổ sung, sửa đổi chính sách và những quy định về giá cả, về phương thức thu mua để nắm cho được phần lớn các mặt hàng mà chủ hàng không dùng đến hoặc cần bán.

Về nông sản: Hội đồng Bộ trưởng đã và đang tiếp tục xác định giá mua lương thực và giá mua các nông sản khác, bảo đảm cho người sản xuất bù đắp đủ chi phí, có lãi hợp lý, nhằm khuyến khích nông dân hăng hái sản xuất, như Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 và Nghị quyết 28 đã quy định. Giữ giá mua lúa và các nông sản khác trong hợp đồng kinh tế, điều chỉnh một số giá xét thấy bất hợp lý. Để bảo đảm Nhà nước nắm được tuyệt đại bộ phận nông sản hàng hóa, nhất là lương thực, cần có kế hoạch tập trung vật tư, hàng hóa đưa vào ký kết hợp đồng kinh tế với nông dân ngay từ đầu vụ sản xuất. Cần có phương thức mua bán thích hợp nhằm tránh tình trạng nông dân bán vật tư, hàng tiêu dùng ra thị trường.

Phần mua ngoài hợp đồng kinh tế thì mua theo giá linh hoạt ở từng vùng, có sự hướng dẫn của Trung ương, như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Trung ương quy định.

- Đối với lương thực: Cân đối lương thực trong 6 tháng cuối năm ở phía Bắc rất căng thẳng, Hội đồng Bộ trưởng đã cùng các tỉnh bàn và thực hiện các biện pháp để đạt và vượt kế hoạch huy động cả năm, trước mắt là huy động vụ chiêm xuân ở miền Bắc và vụ hè thu ở miền Nam. Thu đủ thuế nông nghiệp theo đúng Pháp lệnh, kể cả các khoản thuế còn khê đọng từ các năm trước; thu đủ lúa trong hợp đồng kinh tế, kể cả các khoản nợ hợp đồng hai chiều cũ. Triệt để thực hiện tiết kiệm trong thu mua, vận chuyển, bảo quản, phân phối và tiêu dùng lương thực.

Trên cơ sở thu đúng, thu đủ thuế nông nghiệp, thu đủ các khoản dịch vụ sản xuất mà các tổ chức quốc doanh cho các đơn vị sản xuất (thủy lợi, máy kéo, xay xát...), thanh lý sòng phẳng các hợp đồng hai chiều đã ký, Nhà nước nắm số lượng lương thực cần thiết để đáp ứng các nhu cầu tập trung của Nhà nước (cung ứng cho các lực lượng vũ trang, công nhân, viên chức, và các đối tượng có quan hệ hợp đồng kinh tế với Nhà nước). Phần lương thực hàng hóa còn lại, thì các địa phương chủ động kinh doanh bằng cách thu mua theo khung giá thỏa thuận trong từng vùng, bán ra cho các đối tượng khác theo giá bảo đảm kinh doanh (Nhà nước không bù lỗ), mở rộng kinh doanh chế biến và ăn uống công cộng. Bộ Lương thực có trách nhiệm điều hòa lương thực giữa nơi thừa và nơi thiếu trong cả nước, và cùng Bộ Giao thông vận tải giải quyết tốt việc vận chuyển, nhất là từ Nam ra Bắc.

Chuẩn bị chính sách, tổ chức, lực lượng để thực hiện Nhà nước thống nhất quản lý và độc quyền kinh doanh lương thực, xóa bỏ thị trường tự do về lương thực.

Về lợn: Tích cực xây dựng và mở rộng vành đai thực phẩm ở các thành phố và khu công nghiệp tập trung; chú trọng khôi phục và phát triển các trại quốc doanh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tận dụng các nguồn thức ăn (phần lương thực để lại chăn nuôi trong các hợp tác xã nông nghiệp, các nguồn cám, bã và các nguồn thức ăn chế biến...), phát triển hệ thống giống, dịch vụ, bảo hiểm thú y, cung cấp vật liệu xây dựng chuồng trại, v.v. để phát triển chăn nuôi. Thông qua các hợp đồng, các hình thức gia công..., mà bảo đảm Nhà nước nắm được các nguồn thịt của các hợp tác xã và kinh tế gia đình xã viên, kinh tế cá thể theo giá chỉ đạo của Nhà nước.

Ngoài ra, thu mua theo giá thỏa thuận.

b) Đi đôi với việc nắm hàng, các ngành thương nghiệp (Lương thực, Nội thương, Thủy sản...) tiếp tục phát triển hệ thống mạng lưới phân phối, đồng thời, phải biết dựa vào các tập đoàn sản xuất, các liên tập đoàn sản xuất và các hợp tác xã, thông qua các hợp đồng kinh tế hai chiều, để đưa hàng đến tay nông dân theo đúng giá chỉ đạo của Nhà nước. Ở các thành thị, cần sử dụng tốt mạng lưới căng tin trong các cơ quan, xí nghiệp và các hợp tác xã mua bán phường. Cần có biện pháp tích cực và có hiệu quả ngăn chặn các hoạt động tiêu cực trong khu vực kinh tế - xã hội chủ nghĩa (cả sản xuất, lưu thông, vận tải...) không để hàng hóa, vật tư của Nhà nước lọt vào tay tư thương mua đi bán lại trên thị trường tự do.

c) Từng địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thường xuyên công tác cải tạo công thương nghiệp tư doanh và quản lý thị trường, nhất là ở các thành phố trọng điểm, có sự kết hợp đồng bộ trên từng khu vực. Không quản lý tốt thị trường, không thể chặn được tình trạng giá lên nhanh, vì hiện nay, xu hướng tăng giá trên thị trường tự do vẫn còn nhiều. Nghiêm trị bọn đầu cơ, buôn lậu, móc ngoặc, ăn cắp, tuồn hàng từ khu vực quốc doanh ra ngoài; xóa bỏ tư sản thương nghiệp, chuyển một bộ phận tiểu thương sang hoạt động sản xuất, dịch vụ.

Chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các tổ chức kinh tế nhà nước và tình trạng các cơ quan, đơn vị kinh tế nhà nước không có chức năng buôn bán cũng ra buôn bán trên thị trường.

Thực hiện ngay việc Nhà nước độc quyền kinh doanh những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đổi mới phương thức kinh doanh để bán những mặt hàng này đến tận tay người tiêu dùng. Xóa thị trường tự do về những mặt hàng này.

Tăng cường quản lý hàng tận gốc. Chấn chỉnh các trạm kiểm soát cố định liên ngành, bỏ ngay các trạm kiểm soát dọc đường gây tình trạng cấm chợ ngăn sông.

4. Về giá cả

Các ngành, các cấp cần tiếp tục thực hiện đúng đắn những nguyên tắc, chính sách và biện pháp về giá cả đã được quy định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương (khóa V), Nghị quyết 28 và 31 của Bộ Chính trị về giá - lương - tiền.

Yêu cầu cấp bách hiện nay là: "đấu tranh bình ổn vật giá, kiểm soát và chi phối giá cả trên thị trường xã hội, chặn đứng tình trạng giá lên cao đột biến, không bị động chạy theo thị trường tự do".

Dưới đây là các biện pháp chủ yếu:

a) Giữ giá vật tư cơ bản (bao gồm cả giá các dịch vụ kỹ thuật) và giữ các tỷ lệ trao đổi đã được xác định hợp lý giữa nông sản với vật tư và hàng công nghiệp, bảo đảm phát triển sản xuất, mở rộng thu mua trên cơ sở kế hoạch hoá.

b) Thực hiện đúng đắn giá mua lúa và nông sản khác như phần trên đã trình bày.

c) Về giá bán lẻ, yêu cầu cấp bách nhất hiện nay là phấn đấu để từng bước ổn định giá, nhất là những mặt hàng thiết yếu; nói chung, phải phấn đấu thực hiện cơ chế một giá theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương, các Nghị quyết 28, 31 của Bộ Chính trị và gần đây là kết luận của Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương.

Theo tinh thần kết luận Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương, những nơi có điều kiện về quỹ hàng hóa và làm chủ được thị trường thì vẫn thi hành cơ chế một giá. ở những nơi tình hình cung cầu còn căng thẳng, thị trường, giá cả đang biến động thì trước mắt, tạm thời cho phép áp dụng hai giá đối với một số ít mặt hàng thiết yếu:

- Trong tình hình thị trường, giá cả đang còn biến động, cung cầu còn mất cân đối lớn, tiếp tục bán theo định lượng với giá ổn định cho công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, các đối tượng chính sách (học sinh các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp và đại học...) và những người có quan hệ hợp đồng kinh tế với Nhà nước. Tùy tình hình quỹ hàng và thị trường từng nơi, từng lúc là Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định cụ thể diện mặt hàng bán theo định lượng (lương thực, thực phẩm chủ yếu và một ít hàng công nghiệp tiêu dùng).

Nơi nào bán mặt hàng nào trong số các mặt hàng định lượng nói trên theo một giá, với mức giá kinh doanh thương nghiệp thì bù giá vào lương cho các đối tượng được hưởng; nói chung không dùng ngân sách mà dùng số tiền chênh lệch về giá bán để bù.

- Bán theo giá kinh doanh thương nghiệp cho các đối tượng khác theo khung giá do Trung ương (đối với những mặt hàng do Trung ương định giá) hoặc do cấp tỉnh, thành phố (đối với những mặt hàng phân cấp cho tỉnh, thành phố định giá) chỉ đạo một cách linh hoạt.

Đối với những mặt hàng không thiết yếu, những mặt hàng cao cấp thì bán theo giá kinh doanh linh hoạt và có chỉ đạo, có tác dụng đấu tranh chống đầu cơ và bình ổn giá cả.

Chủ trương trên đang được vận dụng, nhưng tình hình đang có diễn biến phức tạp, cần có biện pháp xử lý linh hoạt cho thống nhất trong từng khu vực, đối với từng mặt hàng cụ thể.

d) Cấm các ngành, địa phương, cơ sở tự động nâng giá không đúng thẩm quyền. Xử phạt nghiêm khắc đối với đơn vị, cá nhân vi phạm kỷ luật giá. Thực hiện việc công bố giá, niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành chính sách giá và chế độ phân công, phân cấp quản lý giá.

5. Về tiền lương và đời sống

a) Trước mắt, để bảo đảm đời sống cho công nhân, viên chức..., cần ra sức bình ổn giá thị trường xã hội, làm tốt việc phân phối theo phương thức thích hợp một số mặt hàng thiết yếu như đã nói trong phần giá bán lẻ.

Nếu Nhà nước điều chỉnh giá những mặt hàng thiết yếu thì phải tính phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng cho công nhân, viên chức, theo như tinh thần kết luận của Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương.

Trung ương cùng các tỉnh bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và chất đốt cho các thành phố và vùng công nghiệp tập trung, trước hết là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời, các địa phương trên cần ra sức phát triển sản xuất để cung ứng cho các tỉnh ngày càng nhiều hàng công nghiệp.

b) Đối với các lực lượng vũ trang, phải bảo đảm cung cấp hiện vật theo đúng định lượng đã quy định. Các ngành có liên quan và các địa phương có trách nhiệm bảo đảm các chỉ tiêu cung cấp hiện vật cho quân đội và công an. Phải dành ưu tiên cung cấp đủ hàng và hàng có chất lượng cho quân đội, trước hết cho các lực lượng ở tuyến I. Nếu thứ hàng nào thiếu thì phải thay bằng mặt hàng khác có giá trị sử dụng tương đương. Khi Nhà nước điều chỉnh giá những mặt hàng cung cấp thì phải tính lại kinh phí nuôi quân. Đồng thời, các lực lượng vũ trang cũng phải tích cực tổ chức sản xuất, chăn nuôi..., để tự lo một phần.

6. Về tài chính, tiền tệ

Về tài chính, báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng đã trình bày các biện pháp đẩy mạnh khai thác các nguồn thu, triệt để tiết kiệm chi trong mọi lĩnh vực, phấn đấu giữ mức bội chi cả năm đã được Quốc hội phê chuẩn.

Song tình hình thu chi hiện nay chưa chuyển biến theo chiều hướng tích cực, riêng 6 tháng đầu năm ước tính đã bội chi 5.500 triệu đồng, bằng 68,7% mức bội chi dự kiến cho cả năm. Nếu trong những tháng tới, không có sự phấn đấu chung của các ngành, các cấp, với các biện pháp đặc biệt và sự chỉ đạo chặt chẽ, thì không thể giữ được mức bội chi mà Quốc hội cho phép. Các cơ quan nhà nước đang tiếp tục nghiên cứu để ban hành các quyết định về tăng thu, giảm chi, với tinh thần khẩn trương nhất. Trong kỳ họp này, xin đề nghị Quốc hội cho phép giữ mức bội chi đã được phê chuẩn.

Về tiền tệ, Hội đồng Bộ trưởng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tích cực nghiên cứu để đổi mới cơ chế hoạt động trên cơ sở phân biệt rõ hai chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh tiền tệ mà sắp xếp lại tổ chức và đổi mới phương thức kinh doanh.

Trước mắt, điều rất quan trọng là phải có những chính sách và biện pháp có hiệu hiệu lực để thu hút nhanh tiền vào Ngân hàng Nhà nước, hạn chế phát hành. Sẽ ban hành sớm các biện pháp, như:

- Bảo hiểm giá trị đồng tiền bằng những hiện vật phù hợp với từng vùng để người gửi tiền vẫn giữ được vốn và có lãi.

- Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu biện pháp khuyến khích mạnh mẽ việc gửi tiền tiết kiệm bằng lãi suất đặc biệt trong một thời gian nhất định, v.v..

Về tín dụng, Ngân hàng phải bảo đảm cung ứng kịp thời vốn cho sản xuất, tạo thuận lợi cho người vay vốn, tăng nhanh vòng quay của đồng tiền, mở rộng việc thanh toán bằng chuyển khoản. Đồng thời, tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc với cá nhân và đơn vị không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ thu, chi và tồn quỹ tiền mặt. Đẩy mạnh hoạt động của hợp tác xã tín dụng ở nông thôn, xóa nạn cho vay nặng lãi.

Cuối cùng, để bảo đảm cho những công việc trên đây được thực hiện tốt, cần phải làm tốt công tác tổ chức và cán bộ.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Bản báo cáo này đã trình Quốc hội những công việc đã làm được từ sau kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa VII đến nay và những biện pháp cấp bách nhằm thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giá - lương - tiền, gần đây là kết luận của Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V).

Vấn đề phân phối - lưu thông vốn rất phức tạp và khó khăn, do nền kinh tế còn mất cân đối nghiêm trọng; các sai lầm, khuyết điểm lớn trong việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị lại làm cho tình hình càng thêm khó khăn, phức tạp. Thời gian qua, việc thực hiện các nghị quyết của Đảng và Nhà nước nhằm khắc phục các khó khăn, chuyển biến tình hình, tuy đã có nhiều cố gắng của các ngành, các cấp, song kết quả chưa được như mong muốn. Điều này có liên quan đến những nhược điểm, thiếu sót trong sự chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng. Chúng tôi nhận thức với đầy đủ trách nhiệm rằng còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải tiếp tục xử lý, gỡ dần các mắc mứu trong quá trình chỉ đạo thực hiện. Báo cáo này mới nêu lên những điểm chính trong các biện pháp chủ yếu đã và đang được triển khai. Tuy vậy, tình hình còn đang diễn biến phức tạp, những biện pháp nêu trong bản báo cáo này cũng chưa đạt được yêu cầu như tinh thần kết luận của Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cũng chưa giải đáp được đòi hỏi của tình hình không bình thường hiện nay. Xin báo cáo với Quốc hội về hai loại việc đang được tiến hành:

1. Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Tiểu ban nghiên cứu những giải pháp cấp bách và đặc biệt về tài chính, tiền tệ, giá cả và tiền lương do đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng làm Trưởng tiểu ban, gồm có một số đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và nhiều đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng và cán bộ cao cấp của Đảng. Tiểu ban này đang triển khai việc nghiên cứu trong 6 tổ chuyên đề, làm việc khẩn trương để trong vòng hai tháng, đề ra được các giải pháp cấp bách và đặc biệt về tài chính, tiền tệ, giá cả, tiền lương để trình Bộ Chính trị, nhằm đẩy mạnh sản xuất xây dựng sớm khắc phục tình trạng rối ren trong phân phối - lưu thông.

2. Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đang tiếp tục xử lý từng vấn đề cấp bách cần thiết giải quyết trước (như các vấn đề có tính chất thời vụ, phục vụ vụ mùa năm 1986 và vụ đông xuân 1986 - 1987). Đồng thời, để phù hợp với tình hình đang rất nóng bỏng và cấp bách này, cũng đã quyết định sau kỳ họp Quốc hội này, sẽ họp ngay với các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trong cả nước để cùng các ngành có liên quan bàn từng phương án giải quyết từng vấn đề cụ thể nhằm đạt cho được những chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực giá - lương - tiền, đồng thời bảo đảm cho sự thống nhất rất cao về các phương án cụ thể, từ đó, hành động thật thống nhất và có hiệu lực.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Hiện nay, tình hình sản xuất trong 6 tháng cuối năm đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, tình hình giá - lương - tiền đang còn nhiều khó khăn, phức tạp, khối lượng công việc còn khá lớn lại phải tính toán chặt chẽ, không thể giản đơn. Nhân dân lao động cả nước đang trông chờ một cách rất chính đáng ở các biện pháp giải quyết của Đảng và Nhà nước, nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Nền kinh tế đang đòi hỏi được sắp xếp lại và từng bước đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, để có thể phát huy các tiềm năng còn khá lớn. Các cấp cũng đang tiến hành tự phê bình và phê bình, bước vào Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Tình thế cấp bách đó đang đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta sự nhất trí trong nhận thức và thống nhất trong các biện pháp cụ thể, trên cơ sở Nghị quyết 8 của Trung ương, các Nghị quyết 28, 31 và 306 (dự thảo) của Bộ Chính trị và kết luận của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, - trong đó ý nghĩa cách mạng sâu sắc và tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết 8 đã được thực tiễn khẳng định một cách mạnh mẽ.

Cũng như trước đây, trước mỗi khó khăn của sự nghiệp cách mạng, nếu chúng ta nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, thống nhất ý kiến về các chủ trương, biện pháp cụ thể thì có khả năng chuyển biến tình hình, giành thắng lợi, ngày nay, chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống đó, đặc biệt là đề cao phong cách làm việc dân chủ, tập thể, tập trung trí tuệ của cán bộ các ngành, các cấp, nhất là của các tập thể lao động ở đơn vị cơ sở, chúng ta nhất định sẽ chuyển biến được tình hình rối ren hiện nay về giá - lương - tiền, thiết lập trật tự mới, đưa nền kinh tế - xã hội từng bước đi vào thế ổn định.

Hội đồng Bộ trưởng nhận rõ trách nhiệm đổi mới sự chỉ đạo thực hiện của mình theo hướng đó để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nguyện vọng rất chính đáng của nhân dân. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng kỳ họp Quốc hội này sẽ mang lại một sự nhất trí cao và tạo ra một không khí mới, một niềm tin mới trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, dấy lên một phong trào thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm trong cả nước. Chúng tôi đề nghị các đồng chí đại biểu Quốc hội hợp sức cùng các cơ quan nhà nước thúc đẩy và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương và biện pháp đã đề ra, góp phần tích cực vào làm chuyển biến tình hình, lập thành tích chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng.

Xin cám ơn và xin chúc sức khoẻ các đồng chí đại biểu Quốc hội.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.