BÁO CÁO
VỀ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC TẠI KỲ HỌP THỨ 11, QUỐC HỘI KHÓA VII, NGÀY 20-6-1986
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Hội đồng Nhà nước báo cáo với Quốc hội về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội, từ kỳ họp thứ 10 của Quốc hội đến nay.
I- CÔNG TÁC LẬP PHÁP
Tại phiên họp ngày 27 tháng 2 năm 1986, sau khi nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình xây dựng pháp luật trong năm 1985, căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và khả năng làm luật thực tế hiện nay, Hội đồng Nhà nước đã thông qua chương trình xây dựng pháp luật trong 6 tháng đầu năm 1986; cho ý kiến chỉnh lý bản Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình để lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, các ngành, các cấp.
Tại phiên họp ngày 14 và 16 tháng 6 năm 1986, Hội đồng Nhà nước đã nghe Ban Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình báo cáo về những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các ngành, các cấp, và cho ý kiến để Ban Dự thảo chỉnh lý trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này.
Uỷ ban pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra xong Phần I và đang tiếp tục thẩm tra Phần II, Phần III của Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự.
II- CÔNG TÁC GIÁM SÁT
Tại phiên họp ngày 30 tháng 01 năm 1986, Hội đồng Nhà nước đã kiểm điểm công tác giám sát của Hội đồng Nhà nước trong năm 1985, quyết định các vấn đề cần xem xét, kiểm tra trong năm 1986 và những vấn đề Hội đồng Nhà nước giao cho Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội xem xét, kiểm tra, làm báo cáo chuyên đề trình Hội đồng Nhà nước trong năm 1986 (đã có văn bản gửi đến các đồng chí Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội).
1. Đối với công tác của Hội đồng Bộ trưởng
Tại phiên họp ngày 30 tháng 1 năm 1986, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về khóa họp đặc biệt (tại Mátxcơva, ngày 17 và 18 tháng 12 năm 1985) của Hội đồng Tương trợ kinh tế thông qua chương trình tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến năm 2000.
Tại phiên họp ngày 10 tháng 6 năm 1986, sau khi nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 1986 và dự tính lại thu, chi ngân sách nhà nước năm 1986, Hội đồng Nhà nước đã góp ý kiến với Hội đồng Bộ trưởng để chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp này.
2. Đối với công tác của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Trong các phiên họp thường lệ của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tham dự để trình bày ý kiến đối với những vấn đề có liên quan đến công tác của hai ngành Tòa án và Kiểm sát.
Tại phiên họp ngày 01 tháng 4 năm 1986, sau khi nghe báo cáo về đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ý kiến nhất trí của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, của Thường vụ Thành ủy và Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Nhà nước đã quyết định giải thể Tòa án nhân dân đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa án nhân dân đặc biệt này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra quyết định thành lập ngày 24-11-1976, trong tình hình lúc đó cần xét xử kịp thời những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về an ninh và trật tự xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nay, công việc xét xử này thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân.
Để bảo đảm các công tác bắt, giam, giữ, khám xét, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tiến hành đúng với pháp luật đã ban hành, sau khi nghiên cứu Báo cáo số 05/BC-VKS ngày 09-4-1986 của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả kiểm tra liên ngành theo Chỉ thị số 70/TC-TW của Ban Bí thư, Hội đồng Nhà nước đã có Công văn số 50/HĐNN7, ngày 31-5-1986, lưu ý các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp và các ngành có liên quan phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót trong thời gian qua và đề ra biện pháp khắc phục có hiệu quả, bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Bộ luật hình sự.
Trong phiên họp ngày 16-6-1986, Hội đồng Nhà nước đã nghe và cho ý kiến nhận xét về tình hình công tác của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
3. Hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội
Ngày 06-5-1986, đồng chí Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước đã họp với các đồng chí Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm các Uỷ ban thường trực của Quốc hội để kiểm điểm hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực, bàn chương trình và kế hoạch hoạt động nhằm phục vụ việc xây dựng pháp luật và việc giám sát những vấn đề đã được Hội đồng Nhà nước giao cho; tham gia ý kiến về dự kiến chương trình làm việc trong kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa VII.
Hội đồng dân tộc đã cử đoàn do đồng chí Chủ tịch Hội đồng dân tộc làm Trưởng đoàn đi xem xét tình hình cải cách giáo dục ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tình hình định canh, định cư ở hai tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách đã họp thường trực mở rộng để nghe Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Bộ Nội thương, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước báo cáo về tình hình thu chi tài chính, quản lý tiền mặt, tín dụng trong 5 tháng đầu năm 1986 và những biện pháp cấp bách nhằm thực hiện đúng đắn Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng. Uỷ ban đã cử đoàn do đồng chí Phó Chủ nhiệm Uỷ ban làm Trưởng đoàn đi Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Hưng để nghiên cứu những vấn đề nói trên.
Uỷ ban y tế và xã hội đã cử đoàn do đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban làm Trưởng đoàn đi nghiên cứu, xem xét tình hình thực hiện kế hoạch hoá gia đình, chất lượng điều trị của y tế cơ sở các tỉnh Bến Tre, Minh Hải và tình hình thực hiện việc cứu trợ sau khi có thiên tai, bão lụt ở Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên.
Uỷ ban văn hóa và giáo dục đã cử đoàn do đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban làm Trưởng đoàn đi xem xét tình hình thực hiện vòng một cải cách giáo dục, tình hình thực hiện nếp sống mới, chống mê tín dị đoan và các hủ tục ở các tỉnh Bắc Thái, Cao Bằng và tại hội chùa Hương ở tỉnh Hà Sơn Bình. Uỷ ban cũng đã họp Thường trực mở rộng để nghe Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục báo cáo về tình hình tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đội ngũ cán bộ giảng dạy và đi xem xét tình hình thực tế ở một số trường sư phạm tại thành phố Hà Nội; đã nghe Tổng cục Dạy nghề báo cáo về công tác đào tạo giáo viên dạy nghề và đi thăm một trường đào tạo giáo viên dạy nghề ở tỉnh Hải Hưng.
Uỷ ban khoa học và kỹ thuật đã họp Thường trực mở rộng để bàn kế hoạch cụ thể triển khai chương trình công tác năm 1986 của Uỷ ban; đã cử đoàn do đồng chí Phó Chủ nhiệm Uỷ ban làm Trưởng đoàn đi nghiên cứu, xem xét tình hình thực hiện chủ trương sắp xếp lại hệ thống nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, huy động đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Uỷ ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã cử đoàn do đồng chí Phó Chủ nhiệm Uỷ ban làm Trưởng đoàn đi xem xét tình hình phân bổ, sử dụng lao động trẻ và giải quyết công việc làm cho thanh niên ở các tỉnh Bến Tre, Minh Hải.
Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội đã nghe Bộ Ngoại giao báo cáo về tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Nhà nước ta, chuẩn bị kế hoạch thẩm tra tình hình hợp tác lao động của nước ta với nước ngoài.
4. Việc giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp
Xét việc Hội đồng Bộ trưởng quyết định tổ chức việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1986 là không phù hợp với tình hình, sau khi trao đổi ý kiến nhất trí với Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định hoãn việc bầu cử này và sẽ tổ chức cùng với ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII vào tháng 4 năm 1987.
Tại phiên họp ngày 01-4-1986, Hội đồng Nhà nước đã nghe báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp từ khi Quốc hội ban hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Hội đồng Nhà nước đã quyết định đến hết tháng 7-1986, Hội đồng nhân dân các cấp tiến hành việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của mình từ đầu năm 1984 đến nay, góp ý kiến vào bản dự thảo báo cáo về tình hình và bản Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Nhiều tỉnh, thành phố như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Bắc, Hà Sơn Bình, Tiền Giang, v.v. đã làm xong kế hoạch tiến hành việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương. Các tỉnh An Giang, Sông Bé, Lạng Sơn đã tổ chức thảo luận, góp ý kiến xong về bản dự thảo báo cáo tình hình và bản Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Qua báo cáo của nhiều địa phương gửi Hội đồng Nhà nước, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nhất là cấp tỉnh bước đầu có chuyển biến khá: bảo đảm họp Hội đồng nhân dân đúng kỳ theo Luật định, nội dung của kỳ họp được cải tiến một phần, các đại biểu có những ý kiến đóng góp thiết thực vào những vấn đề quan trọng về kinh tế và đời sống ở địa phương; mối liên hệ giữa đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri được chú ý hơn trước.
5. Công tác dân nguyện
Từ sau kỳ họp thứ 10 của Quốc hội đến nay, đã có 2.216 đơn, thư khiếu tố và dân nguyện gửi tới Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Đơn thư khiếu nại chiếm 52%, tố cáo chiếm 31%, còn lại là đơn, thư dân nguyện.
Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tiếp 439 lượt người đến khiếu tố và trình bày nguyện vọng.
Qua các đơn, thư khiếu tố, dân nguyện và qua việc tiếp dân, có những vấn đề đáng chú ý:
- Đơn, thư tố cáo tập trung vào các việc: một số cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp và cán bộ quản lý kinh tế, thường là ở cơ sở, xâm phạm tài sản của tập thể và tài sản xã hội chủ nghĩa; hiện tượng bao che và phe cánh gây mất đoàn kết nội bộ xảy ra ở cơ quan, xí nghiệp; tình trạng bắt người, vi phạm quyền tự do thân thể của công dân vẫn thường xảy ra (bắt, giam giữ người trái phép; đánh đập hoặc bắt buộc nhận tội, gây chết người trong lúc giam giữ, tập trung cải tạo oan...); trong đợt phê bình và tự phê bình theo Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã có nhiều đơn tố cáo những hiện tượng thiếu phẩm chất của một số cán bộ cao cấp, đại biểu Quốc hội, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp.
- Đơn thư khiếu nại tập trung vào các vấn đề: nhiều vụ tranh chấp nhà đất không được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc giải quyết không đúng chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý kỷ luật oan với hình thức buộc thôi việc vẫn xảy ra nhiều ở một số cơ quan, xí nghiệp; bị truy trù do dám tố cáo cán bộ lãnh đạo có những việc làm sai trái; cách thi hành kỷ luật thiếu dân chủ, tùy tiện và có nhiều vụ, việc đã được xác minh, cấp trên đề nghị xóa kỷ luật nhưng cấp dưới không chịu thi hành...
Việc xét xử của Tòa án các cấp nhất là cấp quận, huyện có nhiều vụ, việc chưa được công minh, chứng lý không rõ ràng, để quên hoặc để lọt bị cáo, vi phạm thủ tục xét xử, không tôn trọng đầy đủ các quyền lợi của bị cáo hoặc những người có liên quan đến vụ án; việc thi hành án để chậm trễ, không nghiêm và không có hiệu lực.
- Đơn thư dân nguyện, ngoài nội dung xin ân giảm, ân xá, xin ra nước ngoài cư trú, xin trợ cấp do có khó khăn, tập trung phản ánh tình hình giá cả tiếp tục tăng nhanh, đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức, những người nghỉ hưu và chiến sĩ lực lượng vũ trang ngày càng khó khăn, mong Nhà nước sớm có biện pháp giải quyết.
III- CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI
1. Cử đoàn đi thăm nước ngoài
Ngày 18 tháng 02 năm 1986, đồng chí Chu Huy Mân, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã sang Phnôm Pênh, thay mặt Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Sao Vàng cho đồng chí Hêng Xomrin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Campuchia; trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho một số đồng chí cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Campuchia, Huân chương Quân công cho một số đơn vị và cá nhân thuộc Quân đội nhân dân Campuchia.
Nhân dịp sang Ulan Bato dự Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, ngày 30 tháng 5, đồng chí Chu Huy Mân đã trao tặng Huân chương Sao Vàng cho đồng chí G. Bátmơnkhơ, Tổng Bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ.
Từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 3 năm 1986, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu đã đi thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 4 năm 1986, đã đi thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia.
Từ ngày 26 đến ngày 27 tháng 02 năm 1986, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do đồng chí Vũ Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội dẫn đầu đã đi dự Hội nghị tư vấn Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa châu Á tại Ulan Bato (Mông Cổ).
2. Đón, tiếp khách nước ngoài
Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã tiếp: đồng chí Saplin, Đại sứ Liên Xô tại nước ta để bày tỏ sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước ta đối với bản Tuyên bố quan trọng ngày 15-01-1986 của đồng chí M.X. Goócbachốp; Luật sư Caman Hácxan En Máchua, đặc phái viên của Đại tá Muamma En Cađaphi, nhà lãnh đạo cách mạng 1-9 quang vinh của nước Arập Libi Nhân dân xã hội chủ nghĩa; tiếp và trao Huân chương Hồ Chí Minh cho đồng chí Rômét Chanđra, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới.
Đồng chí Vũ Quang, Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội đã tiếp Đoàn đại biểu hữu nghị Nhật - Việt do ông I.Dumi Inôuê, Nghị sĩ Đảng Xã hội Nhật Bản làm Trưởng đoàn; tiếp Đoàn Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội Anh do ông Anthôni Kêrha, Chủ tịch Uỷ ban làm Trưởng đoàn.
3. Tiếp nhận đại diện ngoại giao của nước ngoài
Hội đồng Nhà nước đã tiếp và nhận thư ủy nhiệm của Đại sứ các nước Ôxtrâylia, Pháp, Bungari, Nêpan và Burunđi.
4. Hoạt động của đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội
Từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 2 năm 1986, Đoàn đại biểu Việt Nam trong Liên minh Quốc hội do đồng chí Phan Anh, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã đi dự Hội nghị tư vấn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa tại Vácsava (Ba Lan); ngày 29-3-1986, đã đi dự Hội nghị Liên minh Quốc hội tại Mêhicô.
IV- VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ƯỚC, HIỆP ĐỊNH
Tại phiên họp ngày 30 tháng 01 năm 1986, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã phê chuẩn Hiệp ước hoạch định biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia, ký ngày 27 tháng 12 năm 1985 và Hiệp định lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, ký ngày 20 tháng 11 năm 1985.
Tại phiên họp ngày 01 tháng 4 năm 1986, Hội đồng Nhà nước đã phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, ký ngày 18 tháng 7 năm 1977.
V- VỀ NHÂN SỰ CỦA NHÀ NƯỚC
1. Về nhân sự của Hội đồng Bộ trưởng
Tại phiên họp ngày 30 tháng 1 năm 1986, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định đồng chí Trần Phương thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Cũng tại phiên họp này, Hội đồng Nhà nước đã quyết định thăng quân hàm từ cấp Trung tướng lên cấp Thượng tướng cho 10 cán bộ cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Về bổ nhiệm đại sứ
Tại phiên họp ngày 30 tháng 1 năm 1986, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Tiệp Khắc, Dimbabuê, Liên hợp Vương quốc Anh và Bắc Ailen kiêm nhiệm Canađa; Ảrập Ai Cập kiêm nhiệm Xuđăng và Ảrập Yêmen; Tuynidi, Ảrập Xarauy, Buốckina Phaxô; Cáp Ve.
3. Cử Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Tại phiên họp ngày 27 tháng 2 năm 1986, Hội đồng Nhà nước đã quyết định cử bốn Thẩm phán của Tòa án quân sự cấp cao, 35 Thẩm phán của Tòa án quân sự cấp quân khu và 36 Thẩm phán của Tòa án quân sự khu vực.
Tại phiên họp ngày 16 tháng 6 năm 1986, Hội đồng Nhà nước đã quyết định cử bốn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
VI- CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
Hội đồng Nhà nước đã quyết định:
- Tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho đồng chí Hêng Xomrin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Campuchia và đồng chí Giambưn Bátmơnkhơ, Tổng Bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ đã có những cống hiến to lớn vào việc củng cố, tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia, giữa Việt Nam - Mông Cổ.
- Tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho: 5 đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Campuchia (đồng chí Chia Xim, đồng chí Hunxen, đồng chí Xải Phuthoong, đồng chí Bu Thoong, đồng chí Chia Xốt) đã có những cống hiến xuất sắc vào việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị đặc biệt, tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa Cộng hòa Nhân dân Campuchia và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Saplin, Đại sứ Liên Xô tại nước ta đã có những cống hiến xuất sắc vào việc phát triển tình hữu nghị anh em, tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên Xô; đồng chí Rômét Chanđra, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới.
- Tặng thưởng Huân chương Độc lập cho 4 đơn vị và 1.926 cá nhân đã có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng hoặc lập được nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Hội đồng Nhà nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Giải phóng, Huân chương Quyết thắng, Huân chương Chiến công cho các đơn vị và cá nhân đã có nhiều thành tích trong lao động, chiến đấu và phục vụ chiến đấu; tặng thưởng Huân chương Hữu nghị cho các đơn vị và cá nhân thuộc các nước xã hội chủ nghĩa đã có công giúp Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VII- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Phần lớn các Đoàn đại biểu Quốc hội như ở Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Phú, Hà Tuyên, Sơn La, Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh đã báo cáo với cử tri ở nhiều nơi (kể cả những vùng xa xôi, hẻo lánh) về kết quả của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VII; dự họp với Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố để góp ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương; họp đoàn để thảo luận, tham gia ý kiến về bản Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình.
Nhiều đoàn đã duy trì đều đặn công tác tiếp dân như ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Hậu Giang, Thuận Hải, Cao Bằng, v.v., theo dõi và đôn đốc việc giải quyết các đơn, thư khiếu nại và tố cáo của nhân dân.
Một số Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức các buổi tiếp xúc với cử tri ở địa phương, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 của Quốc hội.
*
* *
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trên đây là những điểm chính về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội, hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp thứ 10 của Quốc hội đến nay.
Hội đồng Nhà nước xin báo cáo với các đồng chí đại biểu Quốc hội.