THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN KINH TẾ, KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI
VỀ KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
(Do ông Nguyễn Đăng, Quyền Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách
trình bày tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VII, ngày 26-12-1985)
Để thẩm tra các báo cáo về kế hoạch và ngân sách nhà nước mà Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội tại kỳ họp này, Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội cùng với thường trực Hội đồng dân tộc và 5 Ủy ban thường trực khác của Quốc hội đã làm việc với các đại diện của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Vật giá Nhà nước. Qua làm việc với các cơ quan nói trên và dựa vào kết quả nghiên cứu, xem xét trong năm nay, Ủy ban chúng tôi trình Quốc hội những ý kiến về các vấn đề sau đây:
I- Về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1985.
II- Về phương hướng nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1986.
III- Về tình hình tài chính quốc gia.
IV- Một số vấn đề về quản lý và chỉ đạo điều hành.
I- VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1985
Bước vào năm 1985, năm kết thúc kế hoạch 5 năm 1981-1985, các cấp, các ngành và nhân dân ta, tuy tiếp tục có những khó khăn, mất cân đối, nhưng vẫn tích cực thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1985 với tinh thần cố gắng, tự lực, tự cường.
Về sản xuất nông nghiệp, mặc dù gặp thiên tai bão lụt lớn, nhưng sản lượng lương thực vẫn tăng 40 vạn tấn so với năm 1984; diện tích các cây công nghiệp đều tăng; chăn nuôi tiếp tục phát triển ở cả ba khu vực: quốc doanh, tập thể và gia đình. Khai thác thủy sản vượt kế hoạch 3%. Việc trồng rừng, bảo vệ và tu bổ rừng cũng bước đầu có chuyển biến tốt hơn.
Về sản xuất công nghiệp, với tinh thần nỗ lực, khắc phục khó khăn, các cấp, các ngành và cơ sở đã cố gắng khai thác bốn nguồn khả năng và đẩy mạnh liên kết kinh tế nên sản xuất vẫn phát triển, nhất là công nghiệp địa phương và tiểu, thủ công nghiệp.
Các tỉnh và thành phố ở Nam bộ đã hoàn thành về cơ bản hợp tác hóa nông nghiệp với hai hình thức tập đoàn sản xuất và hợp tác xã.
Sự nghiệp giáo dục, văn hóa, y tế và xã hội vẫn tiếp tục phát triển.
Điểm đáng lưu ý là trong cả nước đã có nhiều huyện, hàng trăm xí nghiệp quán triệt tốt các Nghị quyết 6, 7, 8 của Trung ương Đảng, đổi mới cách lãnh đạo và quản lý, chỉ đạo sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn.
Nhìn chung, nền kinh tế nước ta đến hết quý III/1985 tuy còn nhiều khó khăn phức tạp, nhưng đã có đà phát triển tốt. Song từ quý IV/1985, do có những khuyết điểm trong việc thực hiện Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về giá - lương - tiền, nên giá cả thị trường và tiền tệ có nhiều biến động xấu, phức tạp, ảnh hưởng không tốt trực tiếp đến nhiều mặt hoạt động kinh tế - xã hội; sản xuất của nhiều cơ sở bị ngừng trệ, phân phối - lưu thông bị ách tắc, các nguồn thu bị giảm sút, làm gay gắt thêm tình hình bội chi ngân sách, đời sống nhân dân khó khăn thêm.
Về giá - lương - tiền
Sau khi thực hiện đổi tiền, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành hệ thống lương mới, sau đó lại áp dụng hệ thống giá mới. Cả ba phương án tiến hành theo trình tự tiền - lương - giá, có nhiều điểm chưa sát với thực tế, nhất là thực tế ở cơ sở và được tổ chức thực hiện vội vã, cập rập, thiếu đồng bộ, tiến hành dồn dập trong khi chưa chuẩn bị đầy đủ, chu đáo về các điều kiện vật chất, về tổ chức và chính sách. Việc triển khai các phương án giá - lương - tiền theo Nghị quyết 8 lại chưa gắn chặt với việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng và hình thành cơ chế quản lý mới, nhất là việc bảo đảm quyền chủ động trong sản xuất, kinh doanh của cơ sở, nhằm đẩy mạnh sản xuất với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Việc đổi tiền, do kế hoạch bị lộ sớm, không những không đạt được yêu cầu điều tiết một phần thu nhập của những kẻ làm ăn phi pháp, hạn chế phương tiện tiền tệ trong tay tư nhân gây rối thị trường, mà còn tạo kẽ hở cho bọn đầu cơ, bọn xấu và những người có nhiều tiền lợi dụng phân tán tiền, mua vét hàng, làm hỗn loạn thị trường, giá cả và trật tự xã hội. Về hệ thống giá mới, có một số giá đưa lên quá cao trái với chính sách của Đảng và Nhà nước, đã gây tác động mạnh đến tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân. Về lương mới, tuy là bước tiến quan trọng trong quá trình xóa bỏ bao cấp, nhưng hệ thống lương mới còn có nhiều chỗ chưa hợp lý, chưa khuyến khích sản xuất, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; các chế độ khác kèm theo lương làm chậm hoặc chưa đúng mức, và điều đáng lưu ý là lương và giá không ăn khớp. Việc đổi tiền và thực hiện hệ thống giá mới lại thiếu kết hợp chặt chẽ với cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý thị trường; đã không kịp thời phát hiện và trừng trị đúng mức những kẻ địch phá hoại tiền tệ và bọn đầu cơ, buôn lậu, tích trữ, ăn cắp.
Những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng nói trên đã gây nhiều hậu quả, tác hại lớn, thêm vào đó bọn địch lợi dụng gây rối loạn và phá hoại, làm trầm trọng thêm tình hình, đã gây tác động mạnh đến tâm lý và lòng tin của quần chúng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, phân phối - lưu thông và đời sống nhân dân.
Từ xem xét những vấn đề trên, Ủy ban chúng tôi có một số nhận xét, kiến nghị như sau:
1. Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về giá - lương - tiền là đúng đắn nhưng do có khuyết điểm về tổ chức, chỉ đạo, điều hành, làm cho tình hình kinh tế - xã hội của nước ta có nhiều mặt xấu đi. Ủy ban chúng tôi cho rằng hậu quả của sai lầm khuyết điểm này còn tác động trong một thời gian nhất định nữa, làm cho nền kinh tế - xã hội có thêm khó khăn, phức tạp mới.
Do đó, trong khi thảo luận và chuẩn bị thuyết trình, Ủy ban chúng tôi có ý kiến nhất trí với đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cần nghiêm khắc kiểm điểm để làm rõ nguyên nhân cụ thể, từ đó có những kết luận thích đáng và xử lý nghiêm minh với tổ chức, cá nhân đã phạm khuyết điểm sai lầm.
Vào kỳ họp này, sau khi nghe báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1986, Ủy ban chúng tôi hoan nghênh về sự tự phê bình của Hội đồng Bộ trưởng. Tuy nhiên, Ủy ban chúng tôi thấy không nên dừng lại sự tự phê bình chung như trong báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng. Do tính chất của sai lầm, khuyết điểm trong việc thực hiện giá - lương - tiền vừa qua là hết sức nghiêm trọng, có tác hại nặng nề và sâu rộng cho nền kinh tế - tài chính của đất nước và tác động mạnh đến đời sống và tâm tư của mọi người dân, cho nên đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cần phân tích sâu sắc, chỉ rõ chỗ sai lầm, khuyết điểm vừa qua, phân tích rõ nguyên nhân và đặc biệt cần đề ra các biện pháp, kể cả biện pháp về tổ chức, có tính cấp bách và kịp thời, đủ sức thuyết phục để sớm khắc phục các khuyết điểm sai lầm, để tạo được sự đồng tình, nhất trí trong cán bộ và nhân dân để họ tin tưởng, ủng hộ Nhà nước, cùng với Nhà nước khắc phục các hậu quả.
2. Trong tình hình hiện nay, điều mấu chốt cần phải giải quyết là tập trung lực lượng các ngành, các cấp lo xử lý các "rối" về giá để làm cho sản xuất và lưu thông hoạt động trở lại bình thường, làm theo đúng tinh thần các nghị quyết Trung ương và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị. Đó là phải làm cho hệ thống giá Nhà nước nói chung không đội giá thị trường xã hội đã hình thành, giá cả phù hợp với sức mua của xã hội, cần phải:
- Một mặt, xác định giá vật tư, nguyên liệu, năng lượng (đầu vào) sao cho các xí nghiệp hoạt động bình thường có giá thành và giá tiêu thụ (đầu ra) hợp lý, tiêu thụ được sản phẩm, có lãi thỏa đáng, mở rộng được sản xuất và kinh doanh, phấn đấu để có tích lũy ngày càng tăng cho công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
- Mặt khác, phải làm tốt khâu sản xuất, sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, giảm biên chế, giảm định mức tiêu hao vật tư, để từ đó mà có giá thành hạ, không đội giá tiêu thụ mà xã hội có thể chấp nhận được. Trong điều kiện hiện nay, tiềm năng hạ giá thành và phí lưu thông còn rất nhiều. Chỉ có ra sức phát triển sản xuất và năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao thì mới có hệ thống giá - lương - tiền hợp lý và đi dần vào thế ổn định.
- Sửa lại cơ chế định giá và quản lý giá, phân công, phân cấp hợp lý trong việc định giá nhằm bảo đảm cho hệ thống giá của Nhà nước sát hợp với tình hình thực tế của sản xuất và đời sống, bảo đảm cho các địa phương và cơ sở có điều kiện vận dụng linh hoạt, nhạy bén chính sách giá và các khung giá của Nhà nước, làm cho sản xuất phát triển, kinh doanh sống động và lưu thông thông suốt, có hiệu quả.
- Vấn đề quan hệ tỷ giá giữa hàng công nghệ phẩm với giá thu mua hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là giá mua lúa cần được giải quyết đúng đắn và kịp thời theo hướng giữ vững nguyên tắc lấy giá thóc làm chuẩn. Đồng thời trước mắt, để mua được thóc thừa còn lại sau khi đóng thuế và làm xong các nghĩa vụ thì cho phép các địa phương được vận dụng linh hoạt mua theo giá thỏa thuận trong từng vùng theo sự hướng dẫn của Trung ương.
- Nhanh chóng tổ chức và củng cố lại thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, nhất là ngành Thương nghiệp quốc doanh, kiên quyết giảm bớt khâu trung gian không cần thiết, tổ chức lại công tác thu mua và bán hàng để Nhà nước nắm được phần lớn hàng hóa nông, lâm, thủy sản và hàng tiểu thủ công nghiệp, nắm toàn bộ sản phẩm các xí nghiệp quốc doanh, bảo đảm cho Nhà nước làm chủ thị trường. Tổ chức phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
II- VỀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1986
Năm 1986 là năm mở đầu kế hoạch 5 năm 1986-1990, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện những nhiệm vụ và mục tiêu kinh tế - xã hội trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ mà Đại hội lần thứ V của Đảng đã đề ra, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phải cụ thể hóa các Nghị quyết 6, 7, 8 và 9 của Trung ương Đảng, đưa các nghị quyết đó vào thực tiễn của cuộc sống, đi vào hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ tình trạng tập trung quan liêu bao cấp. Do đó, nhiệm vụ kế hoạch năm 1986 là vô cùng nặng nề và phức tạp, đòi hỏi chúng ta cần phải phân tích kỹ những căn cứ xác định các mục tiêu và chỉ tiêu kế hoạch, có được những biện pháp có hiệu lực để thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu đó.
Ủy ban chúng tôi trình Quốc hội một số ý kiến sau đây:
a) Về tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch nhà nước năm 1986
1. Ủy ban chúng tôi xin lưu ý Hội đồng Bộ trưởng điều quan trọng đầu tiên và có tính chất quyết định trong chỉ đạo thực hiện có kết quả kế hoạch nhà nước năm 1986 là phải sớm xử lý và ổn định được vấn đề giá - lương - tiền một bước căn bản.
2. Kế hoạch năm 1986 phải tập trung giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất, những nhu cầu bức thiết nhất, từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống, tạo nguồn tích lũy, chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho những bước phát triển mạnh hơn trong những năm sau. Với điều kiện vật chất có hạn, nền kinh tế lại mất cân đối nghiêm trọng trên nhiều mặt, cần tập trung đầu tư thích đáng cho việc phát triển mạnh mẽ, toàn diện nông nghiệp, trước hết là lương thực, thực phẩm, đi đôi với đẩy mạnh công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản và các ngành công nghiệp nặng then chốt để phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng, xuất khẩu và giao thông vận tải.
Đẩy mạnh phân công và bố trí lại lao động, sắp xếp và tổ chức lại sản xuất trên địa bàn cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề phân phối, lưu thông; Nhà nước làm chủ thị trường, từng bước ổn định tình hình giá cả, tài chính, tiền tệ và đời sống nhân dân. Tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước, với những hình thức và bước đi thích hợp.
3. Tiếp tục tạo ra sự chuyển biến mới trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1986 nhằm quán triệt và thấu suốt tư tưởng chỉ đạo và nội dung các Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng 6, 7, 8 và 9 mà quan trọng nhất là:
- Hình thành cơ chế quản lý mới, dành quyền chủ động cho các cơ sở, xí nghiệp để chuyển mạnh, chuyển nhanh sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa; đổi mới kế hoạch hóa, sửa đổi cơ chế hoạt động của tài chính, ngân hàng, vật giá... nhằm đáp ứng yêu cầu hạch toán, kinh doanh của cơ sở.
- Kiên quyết sửa chữa và thực hiện từng bước, đồng bộ, vững chắc chủ trương giá - lương - tiền gắn chặt với việc bảo đảm quyền thực sự chủ động của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh, gắn chặt việc xóa bỏ bao cấp với xóa bỏ tập trung quan liêu từng bước qua quá trình thực hiện.
4. Đất nước ta vẫn đang trong tình trạng vừa có hòa bình, vừa phải đương đầu với một cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng bá quyền... do đó, cần phải cố gắng bảo đảm các nhu cầu thiết yếu về củng cố quốc phòng và an ninh, trong đó quan tâm đến việc giải quyết tốt hơn nữa về đời sống của lực lượng vũ trang, nhất là ở biên giới phía Bắc. Đồng thời, phải thực hiện tốt việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế một cách có hiệu quả, vừa bảo đảm hợp lý vừa tiết kiệm nhất.
b) Về các chỉ tiêu và biện pháp của kế hoạch
Đối với các chỉ tiêu và biện pháp của kế hoạch năm 1986, Ủy ban chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:
1. Về sản xuất nông nghiệp:
Để khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp bấp bênh và quyết tâm thực hiện bằng được chỉ tiêu 20 triệu tấn lương thực, ngoài việc tăng cường đầu tư cho thủy lợi và tiếp tục thực hiện các biện pháp đã có hiệu quả trong nhiều năm qua, Ủy ban chúng tôi thấy cần tập trung đầu tư đồng bộ cho nông nghiệp, tìm mọi cách để có thêm phân bón, thuốc trừ sâu, làm tốt thủy lợi, sử dụng giống mới, áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm đẩy mạnh thâm canh. Đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cần quan tâm đến việc cân đối vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, v.v. cho các hợp đồng kinh tế trong nông nghiệp với các địa phương và cơ sở. Cần có biện pháp và chính sách cụ thể giải quyết có hiệu quả việc tăng diện tích, sản lượng màu, bảo đảm việc chế biến và tiêu thụ màu.
Cần quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất lương thực ở miền Bắc, trước hết tập trung vào các vùng, các vụ lúa có khả năng cho năng suất, và sản lượng cao. Việc này có ý nghĩa cả về mặt quốc phòng.
2. Về sản xuất công nghiệp:
Trong tình hình hiện nay, vật tư, nguyên liệu, phụ tùng mới cân đối được 50%. Đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cần sớm có những biện pháp và chính sách giải quyết tốt sự mất cân đối này.
Để khắc phục được tình trạng trên đây, Ủy ban chúng tôi đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cần ưu tiên bảo đảm cân đối đồng bộ các điều kiện vật chất cho những sản phẩm trọng yếu nhất, đặc biệt cần sớm tập trung và triển khai biện pháp, kế hoạch giải quyết đồng bộ cho ngành Than. Đồng thời có chính sách, biện pháp khuyến khích việc khai thác than địa phương để tự cân đối. Cần kiên quyết chấn chỉnh việc quản lý phân phối điện và có biện pháp có hiệu quả giảm tỷ lệ tổn thất điện và tiết kiệm điện tiêu dùng.
Cần sớm làm tốt việc sắp xếp lại sản xuất và xây dựng, bảo đảm quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh cải tiến quản lý công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Cần nghiên cứu thực hiện chính sách thỏa đáng về giá vật tư và các biện pháp cần thiết khác để huy động và cung ứng nguyên, vật liệu được kịp thời cho các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Cần có chính sách kinh tế - xã hội kết hợp đúng đắn ba lợi ích, khuyến khích kinh tế tập thể, kinh tế gia đình nhằm huy động thêm vốn đầu tư, lao động, mở rộng thêm ngành nghề, góp phần quan trọng tăng thêm nhiều sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu.
3. Về đầu tư xây dựng cơ bản:
Từ tình hình khó khăn, tồn tại hiện nay và qua xem xét chỉ tiêu về tổng mức đầu tư năm 1986, Ủy ban chúng tôi xin kiến nghị với Quốc hội và Hội đồng Bộ trưởng như sau:
- Trước hết, Ủy ban chúng tôi đề nghị cần xem xét thêm về tỷ lệ vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản trong ngân sách nhà nước năm 1986. Tỷ lệ này quá cao sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt cân đối của nền kinh tế hiện đang còn nhiều khó khăn.
- Trong điều kiện khả năng tiền vốn và vật tư có hạn, cần bố trí đầu tư xây dựng cơ bản một cách chặt chẽ, hướng vào các mục tiêu chủ yếu, tập trung dứt điểm và kiên quyết điều chỉnh, sửa lại cơ cấu nhằm xây dựng và hoàn thiện từng bước cơ cấu kinh tế hợp lý theo ngành, theo lãnh thổ.
Cần tăng cường đầu tư theo chiều sâu, chú trọng đồng bộ hóa các công trình hiện có, ưu tiên đối với các công trình trọng điểm.
- Sớm cải tiến chế độ kế hoạch hóa đầu tư cơ bản, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng và quản lý xây dựng, chế độ quản lý, tiết kiệm vốn đầu tư. Vấn đề tiết kiệm vật tư và các chi phí khác trong xây dựng cơ bản cần được đề ra ngay từ khi bắt đầu xây dựng công trình, nhưng phải bảo đảm chất lượng công trình.
4. Về xuất nhập khẩu:
Ủy ban chúng tôi xin kiến nghị với Hội đồng Bộ trưởng:
- Cần kiên quyết dành ưu tiên sản phẩm hàng hóa cho xuất khẩu, có biện pháp có hiệu quả chấm dứt tình trạng sa sút liên tục chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
- Cần bảo đảm sự thống nhất tổ chức và quản lý công tác xuất nhập khẩu, bổ sung kịp thời các chính sách về thu mua, hợp đồng hai chiều, giá cả tín dụng, v.v. nhằm khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, thu mua và tạo được các nguồn hàng xuất khẩu chủ lực. Cần có quy hoạch xây dựng được các vùng xuất khẩu tập trung. Đồng thời, cần tập trung và quản lý chặt chẽ nhập khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng cấm hoặc hạn chế nhập vào nước ta.
- Cần tìm và tranh thủ vốn bên ngoài nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt ngoại tệ tư bản. Phải thực hiện mở rộng liên doanh hợp tác và tranh thủ tín dụng của các nước xã hội chủ nghĩa, bảo đảm các hợp đồng xuất nhập khẩu, tập trung và giao đúng hạn hàng xuất khẩu cho các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô. Cần tăng cường tổ chức cho thống nhất việc huy động kiều hối và có chính sách, biện pháp mở rộng hàng hóa dịch vụ tại chỗ.
- Cần sắp xếp, kiện toàn và sớm ổn định các tổ chức xuất nhập khẩu của các ngành.
III- VỀ TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH QUỐC GIA
1. Về tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1984
Dự toán ngân sách nhà nước năm 1984 được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 6 năm 1983 với tổng số thu dự kiến 85.500 triệu đồng, tổng số chi dự kiến 88.500 triệu đồng, số bội chi 3.000 triệu đồng.
Đến nay, Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1984 như sau:
Tổng số thu: 111.398.143.908 đồng, đạt 130,2% kế hoạch.
Tổng số chi: 115.448.523.353 đồng, đạt 130,4% kế hoạch.
Ngân sách nhà nước bội chi: 4.050.379.445 đồng.
Qua báo cáo tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1984, chúng tôi nhận thấy:
Trong năm 1984, tuy thời tiết có nhiều khó khăn, hạn hán kéo dài, lũ lụt, bão lốc xảy ra ở nhiều địa phương, nền kinh tế - xã hội có nhiều mất cân đối, nhưng các ngành, các địa phương và cơ sở đã có nhiều cố gắng, chủ động đẩy mạnh sản xuất, cải tiến một bước công tác phân phối - lưu thông, từng bước giải quyết những khó khăn về đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang. Ngành Tài chính đã có những cố gắng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm tình hình thu chi ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, nền kinh tế tài chính vẫn còn nhiều khó khăn, công tác quản lý tài chính vẫn còn có những yếu kém: nguồn thu từ nội bộ nền kinh tế quốc dân tăng lên chậm, chế độ thu nộp chấp hành chưa nghiêm chỉnh, thất thu về thuế công thương nghiệp còn lớn, về thuế nông nghiệp còn khê đọng nhiều. Do đó, số bội chi đã tăng 35% so với số bội chi đã được Quốc hội thông qua là khó tránh.
Ủy ban chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét và phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1984.
2. Về ngân sách nhà nước năm 1985 và năm 1986:
Tại kỳ họp thứ 8 năm 1984, Quốc hội đã phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước năm 1985.
Tổng số thu: 156.000 triệu đồng tiền cũ.
Tổng số chi: 162.000 triệu đồng tiền cũ.
Số bội chi: 6.000 triệu đồng tiền cũ.
Theo báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng thì ngân sách nhà nước năm 1985 ước thực hiện như sau:
Tổng số thu: 19.650 triệu đồng tiền mới.
Tổng số chi: 27.150 triệu đồng tiền mới.
Số bội chi: 7.500 triệu đồng tiền mới.
Số bội chi này tăng trên 12 lần so với số bội chi đã được Quốc hội thông qua, một con số bội chi quá lớn chưa từng có từ trước tới nay.
Qua việc xem xét tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1985, Ủy ban chúng tôi có mấy nhận xét như sau:
(1) Năm 1985, nhân dân ta thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước trong khi nền kinh tế tài chính của ta còn có nhiều khó khăn, mất cân đối gay gắt. Công tác quản lý kinh tế có nhiều mặt yếu kém và việc sửa đổi các chính sách, chế độ về tài chính, ngân hàng làm quá chậm. Đặc biệt là từ sau khi thực hiện Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng về giá - lương - tiền, có những khuyết điểm, tình hình ngân sách nhà nước (cả Trung ương và địa phương) đều thiếu hụt nghiêm trọng, bội chi lớn về ngân sách và tiền mặt, gây ra những hậu quả rất xấu và phức tạp trong năm 1985 và trong những năm tới.
(2) Việc quản lý tài chính và tiền mặt có nhiều yếu kém, thiếu chặt chẽ, vòng quay của đồng tiền quá chậm, không nắm chắc được tình hình lưu thông tiền tệ trong xã hội. Tiền mặt trong lưu thông lớn (đến cuối năm 1985 bằng 2,2 lần so với cuối năm 1984 và bằng 1,4 lần trước khi thu đổi tiền). Nhiều đơn vị để mức tồn quỹ tiền mặt cao, đòi thanh toán với nhau bằng tiền mặt, trong khi đó thiếu tiền nghiêm trọng cho thu mua lúa và các hàng hóa khác. Việc đổi tiền cũ, lưu hành tiền mới có nhiều sơ hở và thiếu sót, cơ cấu đồng tiền không phù hợp với yêu cầu lưu thông tiền tệ, tiền nhỏ thiếu nghiêm trọng (nhất là ở miền Nam) nên đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất, thu mua, cho mua bán sinh hoạt của nhân dân và có kẽ hở để địch lợi dụng phá giá đồng tiền mới, phá rối thị trường giá cả. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa chuyển được sang cơ chế kinh doanh xã hội chủ nghĩa để góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
(3) Quản lý thị trường và cải tạo công thương nghiệp làm chưa tích cực, thiếu biện pháp cụ thể để thị trường luôn biến động, giá cả không ổn định (kể cả thị trường có tổ chức). Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, tuy đã được tăng cường thêm lực lượng, đã mở rộng thêm mạng lưới, nhưng vẫn không đủ sức để chiếm lĩnh thị trường, bình ổn được thị trường giá cả.
Để góp phần làm cho tình hình kinh tế năm 1986 được ổn định và phát triển, nhiệm vụ của công tác tài chính là phấn đấu để nhanh chóng ổn định tình hình tài chính, tiền tệ, thu hẹp mức bội chi ngân sách nhà nước.
Với phương hướng đó, Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước năm 1986 với:
Tổng số thu: 50.000 triệu đồng,
Tổng số chi: 58.000 triệu đồng,
Bội chi: 8.000 triệu đồng.
Với mức bội chi ngân sách như trên, mức bội chi tiền mặt ước tính khoảng 15 tỷ đồng.
Năm 1986, tình hình ngân sách và tiền mặt vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng, tình hình lưu thông tiền tệ còn diễn biến phức tạp. Do đó, sau khi nghe báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về ngân sách nhà nước năm 1986, Ủy ban chúng tôi thấy các nguồn thu, nguồn chi, và số bội chi chưa được tính toán có cơ sở đầy đủ và vững chắc.
Để góp phần ổn định nền tài chính quốc gia, Ủy ban chúng tôi xin có một số kiến nghị như sau:
(1) Cũng như năm 1985, Ủy ban chúng tôi cho rằng nếu chỉ xem xét riêng ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính quản lý, thì không thể hiểu được một cách đầy đủ tình hình nền tài chính quốc gia để có căn cứ xem xét được rõ phương hướng thu chi của Nhà nước. Do đó, cần kết hợp xem xét cả quan hệ vay mượn, tạm ứng hoặc cấp thay giữa ngân hàng và tài chính, cũng như tình hình thu chi tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước để từ đó ban hành được một hệ thống chính sách đồng bộ về quản lý tài chính, quản lý tiền tệ phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Chỉ có trên cơ sở tính toán chặt chẽ các khoản thu chi thì mới có kế hoạch chủ động phát hành tiền phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả sớm và cho thu mua nắm nguồn hàng.
(2) Muốn nền tài chính quốc gia tiến dần tới ổn định, cân bằng thu chi ngân sách và có tích lũy, điều chủ yếu và quyết định là sản xuất phát triển. Muốn vậy, cần phải chuyển cách quản lý, lựa chọn những ngành sản xuất, những địa phương và những cơ sở có nguồn thu lớn để tập trung đầu tư tạo ra được nhiều sản phẩm; đồng thời, các cơ sở sản xuất của tất cả các ngành, các cấp phải kiên trì phấn đấu, sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, lao động được hợp lý, tăng cường quản lý và làm tốt việc chuyển lao động dư thừa sang lĩnh vực sản xuất.
(3) Chấp hành nghiêm ngặt kỷ luật tài chính, xử lý thích đáng các trường hợp tồn quỹ quá lớn, quá mức, tọa chi tiền mặt quá mức, không thực hiện đúng kế hoạch giao nộp sản phẩm và lợi nhuận cho ngân sách, chống tình trạng lập quỹ riêng.
Cần nghiên cứu sửa đổi chính sách về điều tiết ngân sách giữa Trung ương và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện được phần kế hoạch của mình.
(4) Cần có những biện pháp cụ thể về giảm giá thành sản phẩm và phí lưu thông. Coi đó là chỉ tiêu pháp lệnh để xét việc hoàn thành kế hoạch nhà nước.
(5) Phải xây dựng cơ chế mới về quản lý tài chính, sửa đổi các chính sách về tài chính nhằm bảo đảm quyền tự chủ tài chính của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cần sửa đổi chế độ thu quốc doanh, bổ sung chính sách thuế xuất, nhập khẩu, thuế hải quan, thuế hàng hóa, định mức lợi nhuận và phân phối lợi nhuận.
(6) Ngành Ngân hàng phải xây dựng cơ chế chuyển mạnh sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa; phải khẩn trương và cố gắng đến mức cao nhất cải thiện cơ cấu tiền trong lưu thông và tổ chức cung ứng tiền mặt đầy đủ và kịp thời cho nhu cầu của nền kinh tế quốc dân.
IV- MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ VÀ CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Về vấn đề quản lý và chỉ đạo điều hành năm 1986, Ủy ban chúng tôi hoan nghênh Hội đồng Bộ trưởng đã có dự thảo nghị quyết công tác về chỉ đạo 5 loại việc. Ủy ban chúng tôi lưu ý Hội đồng Bộ trưởng cần thực sự đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành, đề cao phê bình và tự phê bình một cách nghiêm túc, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đi sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của cán bộ và nhân dân. Cần đặc biệt tập trung làm thật tốt vấn đề phân bổ lao động gắn liền với sử dụng đất đai và cơ sở vật chất sẵn có mà chưa được sử dụng, vấn đề xử lý các "rối" do việc tổ chức thực hiện giá - lương - tiền vừa qua và nhanh chóng thực hiện Nghị quyết 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới cơ chế quản lý với việc dành quyền chủ động cho địa phương và cơ sở.
Ủy ban chúng tôi đề nghị Hội đồng Bộ trưởng về mặt quản lý, cần phải:
Một là, kế hoạch là khâu trung tâm của cơ chế quản lý kinh tế phải được sớm đổi mới gắn liền với việc đổi mới các mặt trong toàn bộ cơ chế. Kế hoạch phải thật sự được xây dựng từ cơ sở lên, phải gắn chặt kế hoạch hiện vật với kế hoạch giá trị. Cần nghiên cứu giảm bớt một số chỉ tiêu pháp lệnh, coi đó là chỉ tiêu hướng dẫn. Cần có chính sách và biện pháp vừa khuyến khích, vừa bắt buộc các đơn vị cơ sở, các cấp và các ngành phải coi trọng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và công tác, thực hành triệt để tiết kiệm.
Hai là, cần có chính sách và biện pháp thiết thực có hiệu quả củng cố, tăng cường và mở rộng thành phần kinh tế - xã hội chủ nghĩa, đồng thời sử dụng, hướng dẫn và cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa.
Ba là, sớm hoàn thành việc phân cấp quản lý cho tỉnh, huyện, vừa bảo đảm phát huy quyền chủ động của cơ sở, địa phương, vừa bảo đảm sự tập trung của kế hoạch và đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đồng thời phải kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại sản xuất và xây dựng, bố trí hợp lý cán bộ, kiên quyết giảm biên chế.
Về chỉ đạo điều hành, cần có sự đồng bộ theo kế hoạch và dành sự tập trung cho những nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch. Toàn bộ hệ thống chính sách kinh tế - tài chính cần được đồng bộ và có sự phân công chỉ đạo cụ thể và thống nhất. Việc phát động mạnh mẽ phong trào cách mạng và tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân lao động, của cán bộ, đảng viên, của các cấp quản lý cần được gắn chặt với công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan cấp trên, xử lý kịp thời những bất hợp lý, những sai sót trong sản xuất và công tác, có khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.
Trên đây là một số ý kiến của Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách trình Quốc hội xem xét và quyết định.