VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC CỦA QUỐC HỘI VỀ CÔNG TÁC GIẢNG DẠY
CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC, VĂN, TIẾNG VIỆT VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN PHÁP LỆNH
"BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH"
(Do ông Trần Độ, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 10,
Quốc hội khóa VII)

Kính thưa Quốc hội.

Trong năm 1985, Ủy ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội được Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội trao nhiệm vụ là: xem xét và làm báo cáo chuyên đề về tình hình thực hiện kết luận của Hội đồng Nhà nước về cải cách giáo dục và Pháp lệnh "bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh".

Ủy ban chúng tôi đặt kế hoạch đi sâu nghiên cứu tình hình chất lượng dạy và học các môn quan trọng là môn đạo đức - chính trị và môn tiếng Việt, môn văn trong các trường phổ thông. Chúng tôi đã kết hợp cả xem xét thực tế ở địa phương, nghe báo cáo của các cơ quan hữu quan và xem toàn bộ sách giáo khoa về các môn đó.

Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức những cuộc đi xem xét và nghe báo cáo của 12 tỉnh trên cả nước về tình hình thực hiện Pháp lệnh "bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh".

PHẦN MỘT

VỀ TÌNH HÌNH GIÁO DỤC

Ủy ban chúng tôi có phân công hai tổ nghiên cứu chuyên đề, mỗi tổ đã có một tờ trình chi tiết để báo cáo Hội đồng Nhà nước, ở đây chúng tôi xin tóm tắt những nhận xét chủ yếu:

A- Về tình hình chất lượng dạy và học môn đạo đức và môn chính trị ở các trường phổ thông

Từ lâu, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đặc biệt đến chất lượng dạy và học đạo đức và chính trị ở các trường học. Năm 1979, Ủy ban Cải cách giáo dục Trung ương đã có Quyết định mở cuộc vận động "Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng trong các trường học" (Quyết định 01).

1. Ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng, nhiều biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức - chính trị, đặc biệt là các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt Đoàn, Đội, những chủ đề của năm học, tháng học, v.v.. Những biện pháp đó thực sự đã mang lại một số chuyển biến ở phần lớn các trường học. Nhiều trường, lớp có tiến bộ về kỷ luật, trật tự, lễ phép, vệ sinh.

2. Tuy nhiên, sự biến chuyển này chưa lớn, chưa căn bản, chưa đồng đều, chưa vững chắc, tình hình vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề cần được tiếp tục giải quyết, cụ thể là:

Trước hết là vấn đề vị trí của môn học: Môn học chưa được coi trọng đúng mức như vai trò cần thiết của nó đối với mục tiêu xây dựng con người mới, điều này thể hiện ở chỗ:

a) Ở cấp I và cấp II, không có giáo viên dạy chuyên mà do những giáo viên Chủ nhiệm, Hiệu trưởng, Hiệu phó, Bí thư đoàn..., có người là giáo viên bộ môn khoa học tự nhiên kiêm nhiệm. Những cán bộ này không được bồi dưỡng để dạy đạo đức, chính trị một cách chu đáo, đầy đủ, nên dạy khô khan, không có những phương pháp thích hợp, đạt ít kết quả. Từ đó đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần học tập của học sinh.

Ở cấp III, số giáo viên cần để dạy môn chính trị thiếu đến 3/4 (cần 4.800, mới có 1.100).

b) Chưa có một chế độ thi cử và kiểm tra để đánh giá kết quả học tập môn học này một cách nghiêm túc, nên chưa tạo được ý thức tôn trọng thực sự môn học (ở cấp I và cấp II chỉ có xếp loại hạnh kiểm, ở cấp III không phải là một môn thi cơ bản).

Đồ dùng học tập không đủ hoặc không có, kinh phí để hoạt động ngoại khóa (hội thảo, đi tham quan), cũng không được chú ý.

c) Đi sâu vào chương trình và sách giáo khoa thì còn nhiều điểm đáng quan tâm hơn.

Bộ Giáo dục đã xác định đầy đủ mục đích, yêu cầu biên soạn sách giáo khoa. Nhưng thực tế, chương trình và sách giáo khoa về môn này vẫn nổi lên mấy điểm đáng chú ý:

- Nội dung còn nặng nề, quá tải nhưng lại nhạt nhẽo đối với tâm sinh lý của trẻ nhỏ, nhất là lúc tuổi cấp I và cấp II.

Tuy việc xây dựng "chủ điểm" là một biện pháp sư phạm tốt, song cách thể hiện trong sách giáo khoa quá gò bó, cứng nhắc, làm hạn chế những sáng kiến linh hoạt của giáo viên. Thêm nữa là phương pháp dạy và học lại lệ thuộc quá chặt chẽ vào sách (kể cả câu hỏi chuẩn bị bài, đề bài kiểm tra) nên giáo viên và học sinh đều vất vả với phần lý thuyết, với những khái niệm, phạm trù đạo đức, chính trị - kinh tế học, v.v.. Đã thế lại không có sách hướng dẫn giáo viên để giúp giáo viên giảng dạy môn này.

- Nội dung dạy chính trị ở cấp III chưa giải đáp được đúng đặc điểm tâm lý, tư tưởng của lứa tuổi, chưa sát yêu cầu của thời đại và của tình hình xã hội, chưa giúp cho học sinh sắp đến tuổi thành niên biết cách tự giải quyết cho mình những mối quan tâm về xã hội và về tương lai bản thân. Giáo viên dạy chính trị lẽ ra cần được coi như những cán bộ tuyên huấn trong nhà trường, cần được thường xuyên bồi dưỡng về các vấn đề chính trị, thời sự mới phát sinh, để họ có thể kịp thời hướng dẫn tư tưởng cho học sinh, nhưng nói chung, giáo viên dạy chính trị không có được sự bồi dưỡng như vậy.

Tất cả tình hình trên đưa đến tình trạng: Người dạy không hào hứng, thiếu tin tưởng; người học ngại hoặc không thích học và học ít hiệu quả; đặc biệt là hiệu quả về hình thành nhân cách và chuẩn bị tư tưởng, tinh thần cho học sinh vào đời.

B- Về tình hình chất lượng dạy và học môn tiếng Việt và môn văn

1. Hiện nay, ngành Giáo dục đang thực hiện dạy và học tiếng Việt theo chương trình cải cách giáo dục ở cấp I. Cũng có nhiều ý kiến trong ngành Giáo dục và của phụ huynh học sinh nhận xét là học sinh học tốt hơn trước. Nhưng, nhìn tổng quát thì tỷ lệ học sinh lên lớp vẫn không thay đổi, nhiều em viết chữ còn rất xấu và chưa sử dụng tốt được tiếng Việt, cho nên sự đánh giá này chưa thật vững chắc.

2. Trong hai môn, môn tiếng Việt là môn yêu cầu học sinh học để có thể sử dụng chính xác và thành thạo công cụ ngôn ngữ tiếng Việt để nâng cao nhận thức nhiều mặt và diễn đạt tư duy của mình, môn văn là môn yêu cầu học sinh học để nâng cao trình độ thẩm mỹ trong tiếng Việt, biết thưởng thức văn chương, qua yêu thích văn chương mà nâng cao tình cảm, tư tưởng và đạo đức, mở rộng hiểu biết cuộc sống để phát triển tâm hồn.

Trên thực tế, hai môn này khó có ranh giới dứt khoát. Môn tiếng Việt dạy cách nói gẫy gọn, biểu đạt tư duy, còn môn văn hướng đến cái đẹp, tính nghệ thuật trong tiếng Việt.

Nhưng, bản thân hai môn này đều có những vấn đề cần được tiếp tục giải quyết: Môn tiếng Việt cần nhằm giải quyết các mặt khoa học về ngôn ngữ và ngữ pháp của tiếng Việt cho chính xác và thống nhất. Về môn văn, phải có quan nhiệm chung và đúng đắn về tính nghệ thuật trong văn, mà tính nghệ thuật này là một yêu cầu của giáo dục thẩm mỹ nói chung và phát triển hài hòa tình cảm, tâm hồn cho học sinh nói riêng.

3. Trên những quan điểm vừa nêu, chúng tôi báo cáo mấy nhận xét như sau:

a) Chương trình và sách giáo khoa môn văn còn nhiều nhược điểm:

- Sách dạy văn có vẻ nặng về truyền đạt nội dung kiến thức cho nên các bài được tuyển chọn để trích giảng thiên về thể loại văn nghị luận (nhất là nghị luận - chính trị, bố cáo, kêu gọi...), chú trọng tới những bài mang tính chất diễn giải, lý trí và có phần coi nhẹ các thể loại văn học có tính chất "văn chương"- những thể loại biểu đạt tâm hồn, tính cảm, dễ rung động, lắng đọng và vun đắp cho trẻ em những cảm xúc thẩm mỹ để giáo dục học sinh thành con người toàn diện.

- Tỷ lệ giữa văn học dân gian, văn cổ và văn hiện đại chưa hợp lý (30%, 10% và 60%). Theo ý chúng tôi, trong văn học dân gian phải coi trọng ca dao, tục ngữ hơn là truyện cổ tích; văn học cổ phải chiếm tỷ lệ từ 50% trở lên vì vốn cha ông ta khá giàu có và quý giá, đặc biệt nhiều giá trị nhân văn, dạy người ta yêu thiên nhiên, cây cỏ, chim muông, sông núi, quê hương, tình yêu thương đối với con người. Đó là những tình cảm cao quý mà con người mới cần có. Khi chọn tác phẩm để trích giảng, không nên chỉ coi trọng cốt truyện, mà còn phải chú ý đến nghệ thuật kể chuyện của người thuật câu chuyện ấy.

Đối với văn học hiện đại, tỷ lệ tuyển chọn nên ít hơn và hết sức tinh lọc hơn, không nên "liên hiệp" trích mỗi tác giả một ít.

Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đã quá chú trọng đến đề tài chiến đấu mà coi nhẹ đề tài lao động, sáng tạo, và coi nhẹ cả đề tài về tình yêu thương, lòng khoan dung, nhân hậu. Ngay đối với những đề tài chiến đấu, hy sinh, sách giáo khoa dạy văn cũng chưa định hướng rõ ràng về lòng căm thù, ý chí đấu tranh... cho thanh, thiếu niên (vì chân dung, bản chất của kẻ thù còn quá mờ nhạt hoặc chung chung). Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình hình thành nhân cách của học sinh và chưa có tác dụng tích cực trong việc giáo dục, cảm hóa những học sinh cá biệt, những thanh, thiếu niên bị tiêm nhiễm những tiêu cực trong xã hội.

- Nhà nước cần có những chính sách và biện pháp để cung cấp đủ sách giáo khoa và các tác phẩm văn học Việt Nam, văn học thế giới hiện đại giới thiệu cho học sinh học và đọc thêm.

b) Giáo viên dạy văn chưa được đào tạo và bồi dưỡng tốt. Việc giảng dạy bị lệ thuộc vào sách giáo khoa, người dạy ít cảm hứng, dạy không có sức truyền cảm, hấp dẫn và chinh phục được học sinh. Học sinh cũng không hào hứng học môn văn. Việc thi và đánh giá kết quả học môn văn vẫn theo đường mòn, ít cải tiến, không kích thích học sinh học, lệ thuộc vào các quan điểm cứng nhắc thể hiện ở sách giáo khoa. Do đó, môn tiếng Việt và môn văn chưa phát huy được nhiều sức mạnh vốn có của nó trong việc dạy người, xây dựng con người mới.

C- Chung quanh môn tiếng Việt và văn, chúng tôi thấy còn có hai vấn đề cần báo cáo, đó là việc cải tiến chữ viết và thống nhất quy tắc chính tả:

Về hai vấn đề này, nhiều cử tri và đại biểu có quan tâm hỏi đến, vì nó không phải chỉ là những việc có liên quan đến hơn chục triệu học sinh mà liên quan cả đến hơn 60 triệu nhân dân mà trong đó có nhiều cơ quan nhà nước, nhiều cơ quan văn hóa. Chúng tôi được Bộ Giáo dục báo cáo là Bộ nhận thấy có những yếu tố đòi hỏi sự cải tiến chữ viết, nhưng hiện nay mới chỉ thử nghiệm. Song, điều đáng chú ý là hình thức "thử nghiệm" này được áp dụng trong phạm vi cả nước đã bước sang năm học thứ 5 và chắc chắn sẽ còn tiếp tục. Chúng tôi cho rằng, ý kiến trên của Bộ Giáo dục thiếu tính thuyết phục.

Vấn đề thống nhất quy tắc chính tả cũng ít đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách, lại có liên quan ít nhiều đến vấn đề chữ viết của các dân tộc thiểu số nữa. Ủy ban chúng tôi thấy đây là vấn đề của toàn dân. Bộ Giáo dục có thể nghiên cứu và đề nghị các phương án, còn quyền quyết định phải thuộc về cơ quan có thẩm quyền về mặt này. Trong điều kiện hiện nay, cơ quan đó chỉ có thể là Hội đồng Nhà nước, hoặc một hội đồng liên cơ quan nào của Hội đồng Bộ trưởng, được Hội đồng Nhà nước ủy quyền.

PHẦN HAI

VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN PHÁP LỆNH "BẢO VỆ
VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA,
DANH LAM, THẮNG CẢNH"

Sau khi Pháp lệnh được ban hành, ở tất cả các tỉnh chúng tôi đã làm việc đều có tổ chức hội nghị phổ biến do Ủy ban nhân dân chủ trì, sau đó có các hội nghị nhiều cấp trong tỉnh, có in tài liệu phổ biến, có kế hoạch hành động để chấp hành (mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn của Hội đồng Bộ trưởng). Pháp lệnh có tác dụng thúc đẩy các Ủy ban nhân dân quan tâm hơn đến việc quy hoạch, đôn đốc việc kiểm kê, bảo quản di tích, ngăn chặn nhiều hành động phá hoại. Ý thức trong nhân dân có được nâng lên một bước, và những hiện tượng phá hoại hoặc xâm phạm được giảm đi khá rõ ở nhiều nơi. Nhiều địa phương xúc tiến việc kiểm kê lập hồ sơ khoa học, xuất bản các tài liệu, danh mục, ảnh và di tích trong địa phương (Hà Nội, Hà Bắc).

Những vấn đề mà Ủy ban chúng tôi thấy cần báo cáo trước Quốc hội là:

I- VỀ ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC DI TÍCH DANH LAM, THẮNG CẢNH Ở NƯỚC TA

Số lượng rất lớn, mật độ rất dầy. Các tỉnh đều có hàng nghìn di tích. Những thành phố lớn có đến trên 3.000 di tích.

Nhiều di tích vừa rất lâu đời, vừa đồng thời là di tích lịch sử, di tích văn hóa và di tích cách mạng. Các di tích này lại trải qua nhiều đời sửa chữa, tu bổ, nên đã biến dạng, biến tính chất, làm khó khăn rất nhiều cho các công tác xác minh khoa học và định các phương án trùng tu, tôn tạo.

Cũng do di tích phần lớn lâu đời và chịu điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nên tình trạng bị phá hoại rất nặng. Chúng tôi ước lượng là có trên một nửa số di tích đang ở tình trạng bị hủy hoại nghiêm trọng. Quá trình hủy hoại vẫn đang tiếp diễn, với tốc độ ngày càng nhanh. Nếu chúng ta không có những biện pháp thật kịp thời thì trong một thời gian nữa nhiều di tích quan trọng cũng chỉ còn là một địa danh. Đặc biệt đáng quan tâm là các di tích quan trọng và độc đáo ở tỉnh Bình Trị Thiên, (thành phố Huế) bị các cơn bão phá hoại nghiêm trọng, đang có nguy cơ bị hủy hoại cần được đặc biệt chú ý.

Sự phá hoại có ý thức hay vô ý thức từ phía nhân dân thì quy mô không lớn và đang được giảm dần. Nhưng sự phá hoại di tích với quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng thường xảy ra từ phía các cơ quan nhà nước (một số Bộ, ngành kinh tế, nhiều đơn vị bộ đội). Cho nên các di tích như núi Sam, Yên Tử, thành Bắc Ninh, vịnh Hạ Long... đã và đang bị vi phạm nghiêm trọng. Một số Ủy ban nhân dân địa phương còn tùy tiện ký quyết định phá đình, chùa, cây cổ thụ hoặc sử dụng đình chùa vào những việc có nguy hại đến việc bảo quản.

II- NHỮNG VẤN ĐỀ LÀM HẠN CHẾ HIỆU LỰC CỦA PHÁP LỆNH

Sau khi Pháp lệnh được Hội đồng Nhà nước ban hành (31-3-1984), chưa có những văn bản pháp lý và nghiệp vụ hướng dẫn việc thi hành của Hội đồng Bộ trưởng và của Bộ Văn hóa, nên nhiều địa phương gặp lúng túng trong triển khai cụ thể và khó xử lý khi có những tranh chấp về mặt pháp lý.

Chưa có sự phân cấp, phân công cho rõ rệt để xác định trách nhiệm các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền và cơ quan nghiệp vụ địa phương, nên tình trạng trông chờ, ỷ lại còn khá phổ biến.

Chưa có những ý đồ quy hoạch việc bảo quản, trùng tu, tôn tạo di tích (trên cơ sở kiểm kê và xác định), nhất là việc tôn tạo, nên nhiều địa phương thực hiện những nhiệm vụ này một cách tự phát, dẫn đến tình trạng lộn xộn, khó khắc phục sau này.

Cơ quan nghiệp vụ từ trên xuống dưới chưa đủ mạnh, cán bộ nghiệp vụ chưa được chú trọng đào tạo. Nhưng, dù cho ngành Văn hóa có cố gắng thêm nhiều, thì cũng vẫn không đủ sức làm một việc quy mô lớn và phức tạp như vậy. Cần phải có sự quan tâm đầy đủ của các cấp chính quyền và có chính sách huy động lực lượng tự nguyện của nhân dân vào sự nghiệp văn hóa quan trọng và cấp thiết này.

III- NHỮNG ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ

1. Đề nghị Đảng và chính quyền các cấp cần có những nghị quyết, chỉ thị cần thiết và quan tâm chỉ đạo, nhằm chấm dứt tình trạng phá hoại hoặc sử dụng các di tích một cách tùy tiện.

2. Việc bảo vệ các di tích liên quan lớn đến toàn bộ sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc, vì các di tích liên quan nhiều đến lịch sử, có tác dụng lớn đối với sự nghiệp hoàn chỉnh cứ liệu lịch sử của từng địa phương và của cả dân tộc. Đây là những kỷ vật của lịch sử dân tộc, và lịch sử văn hóa, nó làm nên bộ mặt văn hóa của dân tộc và có giá trị chứng cứ cho lịch sử dân tộc. Không coi trọng Pháp lệnh là không coi trọng luôn cả lịch sử dân tộc và nền văn hóa của dân tộc.

3. Việc sử dụng các di tích cần được quan niệm một cách toàn diện và linh hoạt:

- Ngành Du lịch hiện coi các di tích là đối tượng khai thác của du lịch, vừa có ý nghĩa kinh tế vừa có ý nghĩa văn hóa. Nhưng ngành Du lịch mới chỉ khai thác mà chưa được trao trách nhiệm tham gia việc bảo quản, trùng tu, tôn tạo.

- Không nên coi các di tích chỉ như "giáo cụ" của bài học giáo dục truyền thống, mà cần coi như những cơ sở để phát triển các hình thức sinh hoạt văn hóa, có ý nghĩa giáo dục truyền thống, đồng thời xây dựng những nếp nghĩ tốt đẹp, gắn bó với quá khứ hào hùng và vạch hướng cho sự thừa kế có sáng tạo trong thực tiễn trước mắt và tương lai, qua đó mà không ngừng nâng cao tâm hồn con người, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng cao.

Các di tích còn phải là những hiện vật để nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học lịch sử.

4. Như trên đã báo cáo về vấn đề quy hoạch, tôn tạo di tích, hiện nay nhiều nơi đua nhau làm tượng đài mà chưa có quy hoạch và chưa có quan niệm đầy đủ về việc tôn tạo các di tích, nhất là các địa điểm nổi tiếng, các thành quách lớn, các núi non, cảnh quan, chưa có ý thức rõ rệt về yêu cầu nghệ thuật trong quy hoạch và trong xây dựng công trình. Đã có một số tượng đài được xây dựng mà chất lượng nghệ thuật rất thấp, tác dụng giáo dục và giá trị thẩm mỹ cũng không cao, do đó gây nên lãng phí lớn. Việc xây dựng vẫn còn tùy thuộc vào sự hào hứng của cán bộ lãnh đạo và nhân dân địa phương. Sự hào hứng đó là tốt, song phương pháp làm việc thì cần có sự chỉ đạo và cần nằm trong quy hoạch tổng thể của cả nước cũng như từng địa phương.

Các cơ quan có trách nhiệm và có thẩm quyền cần phải gấp rút xây dựng một quy trình chỉ đạo việc này.

5. Việc bảo vệ và sử dụng di tích (bao gồm cả việc bảo quản, trùng tu, tôn tạo) đòi hỏi những chi phí rất lớn (không kém chi phí cho các công trình kinh tế, công nghiệp), vật tư quý hiếm (đá quý, ximăng loại tốt, gỗ quý, các hóa chất hiếm và quý, v.v.) và những biện pháp khoa học - kỹ thuật phức tạp; không thể coi đó là những món chi tiêu phụ. Nếu di tích nào chưa thể trùng tu, tôn tạo được thì cố gắng bảo đảm nguyên trạng, còn những di tích đã có kế hoạch thực hiện thì phải thể hiện tầm quan trọng của nó bằng những chính sách đầu tư cụ thể và thỏa đáng. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước mới đây đã làm việc với Bộ Văn hóa và xác định là phải chuẩn bị để tôn tạo 16 di tích quan trọng trong cả nước và đã phải dự chi cho việc chuẩn bị này trong 5 năm (1986-1990) với gần 500 triệu đồng cũ, theo giá cũ. Như thế cũng chỉ mới đáp ứng được 1/5 yêu cầu thực sự, vì mỗi năm, bình quân mỗi di tích được chi 6 triệu (giá cũ), trong khi chỉ riêng Hà Nội, 10 năm qua, chi để sửa chữa 46 di tích loại nhỏ đã mất mỗi năm 1,6 triệu đồng (tiền cũ).

Để thực hiện đúng tinh thần của Pháp lệnh "bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh", cần phải có sự chi tiêu. Ở đây chúng tôi chưa thể có đề nghị cụ thể. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng ta cần quan niệm rõ đó là một khoản chi phí rất lớn. Chúng tôi đề nghị Hội đồng Bộ trưởng, khi cân đối kế hoạch, ngân sách năm 1986 cần coi trọng khoản chi này.

6. Về vấn đề bộ máy và lực lượng thực hiện nhiệm vụ này, tất cả các địa phương đều nhận thấy bộ máy để thực hiện quá yếu, cán bộ chưa được đào tạo tương xứng. Đề nghị Bộ Văn hóa có sự nghiên cứu thêm, và do tình hình di tích các địa phương khác nhau, không thể bình quân, san đều bộ máy hoạt động và biên chế cán bộ nghiệp vụ. Đồng thời, Nhà nước nên nghiên cứu thử một hình thức tổ chức quần chúng để huy động lực lượng nhân dân tham gia công tác này mạnh mẽ hơn. Ví dụ có thể tổ chức "Hội bảo vệ di tích", thu hút nhiều người tâm huyết vào hoạt động và có thể huy động thêm cả tiền vốn trong nhân dân. Hội này có thể là đơn vị trong Ủy ban Liên hiệp văn học - nghệ thuật, có Ban Chấp hành toàn quốc và có chi hội ở các địa phương. Hội này (nếu có) chắc chắn thu hút được phần lớn lực lượng các cán bộ, các nhà trí thức đã về hưu đầy tâm huyết.

Trên đây chúng tôi báo cáo những vấn đề trong nội dung công tác cả năm 1985 của Ủy ban chúng tôi. Ở kỳ họp này, chúng tôi thấy cần phải lưu ý các cơ quan có trách nhiệm của Hội đồng Bộ trưởng và một tình hình nóng bỏng của các vấn đề giá và tiền tác động trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Chúng ta cần hết sức quan tâm mặt xã hội của các vấn đề giá, tiền. Vấn đề giá và tiền đang có nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục như học sinh bỏ học, nhiều gia đình không chịu đựng nổi gánh nặng đóng góp cho con học hành. Chi phí cho hoạt động giáo dục tăng nhiều mà ngân sách không theo kịp sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động giáo dục. Tiêu biểu là giá giấy cao làm đảo lộn nhiều mặt hoạt động văn hóa - giáo dục (giá sách giáo khoa, nhiều Nhà xuất bản bị lỗ và đình đốn, giá báo tăng nhiều, nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật và chiếu phim không có người xem).

Chúng tôi đề nghị:

1. Trong khi xử lý các vấn đề giá, không thể chỉ xem xét tác động các giá cả vật tư trong sản xuất vật chất, mà phải quan tâm đến các tác động xã hội đối với đời sống các tầng lớp nhân dân, cả đời sống vật chất và đời sống văn hóa, tinh thần.

2. Trong khi chống bao cấp, phải khẳng định cần có những chính sách xã hội trong các mặt hoạt động văn hóa và xã hội, và phải khẩn trương giải quyết kịp thời những vấn đề này, không nên để xảy ra những đình đốn trong các hoạt động xã hội như vấn đề xuất bản, vấn đề học bổng, các hoạt động giáo dục và văn hóa - nghệ thuật...

Những nhận xét của Ủy ban chúng tôi về một số tình hình giáo dục và văn hóa trong một số vấn đề đã xác định, chính là những kiến nghị phương hướng và biện pháp của chúng tôi để đạt tới được việc "nâng cao chất lượng giáo dục" và thực hiện tốt "Pháp lệnh về di tích".

Xin cám ơn các vị đại biểu.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội