VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

THUYẾT TRÌNH
CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP
NHẰM THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1986
VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - VĂN HÓA Ở MIỀN NÚI
(Do ông Hoàng Trường Minh, Chủ tịch Hội đồng dân tộc
trình bày tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VII, ngày 26-12-1985)

Kính thưa Quốc hội,

Thưa các đồng chí đại biểu,

Miền núi nước ta chiếm 2/3 diện tích toàn quốc, và giữ một vị trí rất quan trọng về mọi mặt của Tổ quốc. Trong mọi giai đoạn của cách mạng, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi miền núi nói chung, vùng cao, biên giới phía Bắc nói riêng càng có vị trí quan trọng về mọi phương diện. Trung ương Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, trong đó đề ra các chủ trương, chính sách nhằm từng bước xóa bỏ sự chênh lệch, nhất là sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế và văn hóa giữa các vùng, giữa các dân tộc do lịch sử để lại.

Tại các kỳ họp của Quốc hội từ năm 1981 đến nay, trong các bản thuyết trình của mình, Hội đồng dân tộc chúng tôi đã nhiều lần đề cập và kiến nghị về một số phương hướng, chế độ, chính sách và những biện pháp để giải quyết các vấn đề cấp bách ở miền núi như: vấn đề giải quyết lương thực và phát huy các thế mạnh, gắn với trồng rừng, bảo vệ rừng theo phương thức thâm canh, định canh, nông - lâm kết hợp; vấn đề xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và định canh định cư; vấn đề tổ chức chỉ đạo đối với miền núi, v.v..

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra, các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương đã có nhiều cố gắng phấn đấu, đưa tình hình kinh tế - xã hội ở miền núi ngày càng tiến bộ và phát triển.

Sự phát triển đáng kể là việc phấn đấu giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm tại chỗ của các tỉnh, các huyện miền núi đã giành được thành tích rõ rệt. Trải qua sự kiên trì phấn đấu vượt nhiều khó khăn về thiên tai, địch họa liên tiếp xảy ra, đến nay, đại bộ phận các tỉnh miền núi đã tự cân đối được nhu cầu lương thực trong phạm vi địa phương hoặc đã giảm được phần lương thực do Trung ương cung cấp (kể cả lúa và hoa màu).

Các tỉnh vùng Tây Nguyên và miền núi dọc Trường Sơn, qua 10 năm khôi phục và phát triển kinh tế, tích cực khai hoang, phục hóa, đẩy mạnh sản xuất lương thực, đến nay nhiều tỉnh đã tạm đủ lương thực để cân đối cho các huyện còn thiếu ăn.

Các tỉnh biên giới phía Bắc trong mấy năm nay có rất nhiều khó khăn do bọn bành trướng... chống phá và phá hoại, nhưng đến nay nhiều tỉnh cũng đã tự giải quyết được nhu cầu lương thực tại địa phương (trừ nhu cầu của lực lượng A và cơ sở công nghiệp lớn của Trung ương). Huyện Mèo Vạc (Hà Tuyên) một trong những huyện vùng cao có khó khăn lớn về sản xuất lương thực, chủ yếu phải canh tác trên đất núi đá tai mèo, nay cũng đã phấn đấu được mức bình quân lương thực đầu người là 300kg/năm (chủ yếu là ngô).

Đi đôi với phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, các tỉnh đã từng bước phát triển cây công nghiệp, cây đặc sản, cây xuất khẩu, trồng rừng và chăn nuôi. Một số vùng cây công nghiệp tập trung đã hình thành và cho sản phẩm mỗi năm một tăng, như các vùng chè, quế, hồi, trẩu, thuốc lá, tre, luồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các vùng cao su, cà phê, chè, đậu, lạc, v.v. ở miền núi phía Nam và Tây Nguyên. Việc trồng rừng được đẩy mạnh; bảo vệ rừng ở một số nơi có tiến bộ. Việc giao đất, giao rừng cho quốc doanh, tập thể và gia đình nhân dân đang được thực hiện ở nhiều nơi.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở miền núi từng bước có phát triển. Công tác tổ chức phân phối, lưu thông, giao thông vận tải, cung ứng vật tư cho sản xuất và phục vụ đời sống đồng bào các dân tộc ở miền núi, ngày càng được quan tâm của Trung ương và có sự cố gắng của các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương.

Việc phát triển đường giao thông ở miền núi và vùng biên giới để đáp ứng yêu cầu quốc phòng và kinh tế được chú trọng đẩy mạnh. Một số đoạn đường mới, mỗi đoạn dài 4-50 km đã được mở mang thêm ở vùng Tây Nguyên và một số tỉnh biên giới phía Bắc (Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn). Việc xây dựng một số cơ sở vật chất - kỹ thuật cho huyện và thị trấn ở một số huyện biên giới phải di chuyển địa điểm cũng đã làm xong được một số công trình cần thiết.

Công tác xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và công tác định canh định cư, tổ chức lại sản xuất ở miền núi được thường xuyên tiến hành và đã đạt được những kết quả nhất định. Một số hợp tác xã làm ăn khá, giỏi đã được tuyên dương là đơn vị anh hùng.

Tình hình văn hóa, giáo dục, y tế... ở miền núi nói chung tiếp tục phát triển.

Đời sống của nhân dân miền núi, về lương thực và thực phẩm nói chung được bảo đảm, một số nơi có được cải thiện. Các mặt về đi lại, học hành, chữa bệnh, cung cấp loa, đài, sách báo, v.v. được quan tâm hơn.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội, kể cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ở miền núi, còn nhiều yếu kém, phát triển chậm so với miền xuôi, nhất là trình độ ở vùng cao còn cách quá xa so với miền xuôi, khoảng cách chênh lệch của miền núi so với miền xuôi vẫn còn lớn, thậm chí có một số nơi chưa có gì thay đổi đáng kể với trước. Điều đó thể hiện một số mặt sau đây:

- Sản xuất lương thực tuy có tăng khá, nhưng vẫn trong tình hình quảng canh, du canh là phổ biến. Lương thực tăng nhưng rừng tiếp tục bị tàn phá, vốn rừng tiếp tục giảm sút nghiêm trọng. Ngoài việc phá rừng làm nương rẫy trồng lương thực, mấy năm gàn đây do lực lượng bộ đội và dân cư ở vùng biên giới ngày càng tăng lên, vật liệu xây dựng và chất đốt thiếu, nên sinh ra cảnh đốt phá rừng càng mạnh. Riêng 9 tháng năm 1985 đã có 11 ngàn ha rừng bị cháy, 32,4 ngàn ha rừng bị chặt phá trong toàn quốc, tăng hơn năm trước 58%.

- Đất đai, tài nguyên ở miền núi còn lớn, nhưng việc đầu tư khai thác của ta còn ít và thiếu đồng bộ, toàn diện nên các thế mạnh về cây công nghiệp, nghề rừng, chăn nuôi vẫn phát triển ở mức cầm chừng, không toàn diện. Giao lưu kinh tế ở miền núi, nhất là vùng cao còn bị hạn chế; giao thông vận tải, đi lại còn nhiều khó khăn; đường mới chưa được phát triển; đường cũ ngày càng hư hỏng nặng, xe cộ cũng thiếu nhiều. Một số nơi ở vùng cao xa xôi, hẻo lánh thu mua được thóc, lợn nhưng chưa có đường và phương tiện vận chuyển để đưa về sử dụng được.

- Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở vùng cao nói chung còn yếu, nhiều hợp tác xã chỉ có tính chất hình thức. Đáng chú ý là ở một số huyện thuộc Cao Bằng, Lạng Sơn, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp bị sút kém, nhiều hợp tác xã bị tan vỡ chưa củng cố được. Công tác xây dựng và tăng cường cấp huyện ở miền núi, chuyển biến chưa mạnh. Kết quả đạt được về công tác vận động định canh định cư còn hạn chế. Diện du canh du cư tăng lên, trong khi đó nhiều nơi thực hiện định canh định cư từ năm 1968 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hoặc có nơi đồng bào đã thực hiện phương án định canh định cư, đã có cơ sở sản xuất định canh, đã cho sản phẩm thu hoạch, nhưng việc đầu tư chiều sâu vào thâm canh không được tiếp tục và vì lương thực, hàng đối lưu của Nhà nước không bảo đảm, nên dân vẫn muốn đi nơi khác (như Hợp tác xã Cao Thượng - Cao Bằng). Số người di cư tự do (do sản xuất và đời sống khó khăn là chính), từ tỉnh này sang tỉnh khác, tìm nơi còn rừng để phát nương trồng lương thực, đã và đang phát triển (tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đã có trên 2 vạn người vào vùng Tây Nguyên). Do đó, đã gây ra sự tranh chấp đất đai, có nơi đã xảy ra mâu thuẫn lớn giữa người tại chỗ với người mới đến (như ở huyện Bảo Yên - Hoàng Liên Sơn).

- Tình hình văn hóa - xã hội ở miền núi, phát triển chậm. Số người mù chữ và mù chữ trở lại ngày càng tăng. Phong trào phát triển giáo dục ở vùng cao còn rất yếu; giáo viên thiếu, học sinh ít... Tỉnh Lai Châu còn tới 70% số người ở vùng cao  còn mù chữ. Xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là nơi căn cứ kháng chiến cũ, trước đây đã thanh toán nạn mù chữ, nhưng đến nay 42% số dân còn mù chữ. Nhiều cán bộ, đảng viên ở vùng cao vẫn còn mù chữ. Một số bệnh như kiết lỵ, sốt rét, bướu cổ... chưa được dập tắt. Sách báo, tranh ảnh, chiếu phim, loa, đài... đưa lên miền núi và vùng cao còn ít. Có nơi hàng chục năm nay, đội chiếu bóng chưa đến chiếu phim 1 lần (bản Chiềng Noi, huyện Mai Sơn - Sơn La). Nạn nghiện hút thuốc phiện đang có nguy cơ phát triển ở một số vùng cao (kể cả trong cán bộ huyện cũng có người nghiện).

- Đời sống của đồng bào ở vùng cao, biên giới, có một số nơi vẫn bị thiếu ăn trong lúc giáp hạt. Việc cung ứng và vận chuyển các mặt hàng thiết yếu cho chiến sĩ, cán bộ, đồng bào vùng cao, nhất là vùng biên giới vẫn còn có lúc chưa đủ định lượng theo kế hoạch. Một số mặt hàng thị hiếu dân tộc từ lâu vẫn thường nhắc đến, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, mặc dù số lượng không nhiều lắm như: vải đen, đỏ, xanh, chỉ màu, diêm, đá lửa... Thuốc chữa bệnh ở vùng cao, nhiều lúc vẫn thiếu, trong khi đó thuốc dân tộc chưa được chú ý phát triển. Việc đi lại của cán bộ và đồng bào miền núi, nhất là ở vùng cao còn nhiều khó khăn, vì đường sá đã hỏng hoặc chưa có và thiếu xe cộ.

- Tình hình an ninh, trật tự ở miền núi, nói chung được đảm bảo. Công tác bảo vệ biên giới phía bắc giành được nhiều thắng lợi. Việc giải quyết vấn đề Fulro ở vùng Tây Nguyên được đẩy mạnh. Quan hệ quân - dân, cơ bản là tốt, nhưng ở vùng biên giới phía Bắc, vẫn xảy ra những vụ, việc không tốt, trong đó có một số vụ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của dân đối với bộ đội ta (như trộm cắp, buôn lậu, thậm chí gây án mạng chết người).

Sở dĩ còn những mặt yếu kém, tồn tại như trên, một phần là do có những khó khăn chưa giải quyết được, nhưng phần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối, chủ trương về phát triển kinh tế - văn hóa ở miền núi, về thi hành chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước còn có khuyết điểm, thiếu sót. Nhiều chủ trương về kinh tế chưa được các ngành cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chưa chu đáo, nên phong trào ở miền núi tiến bộ, phát triển chậm, không đều, thậm chí dẫm chân tại chỗ, cá biệt có nơi bị sút kém. Nhận thức về vị trí quan trọng của miền núi chưa được quán triệt sâu sắc, đồng đều trong các cấp, các ngành. Sự quan tâm của nhiều ngành ở Trung ương chưa đúng mức đối với miền núi, chưa tổ chức chỉ đạo và nắm tình hình chuyên về miền núi. Việc đầu tư của Nhà nước đối với miền núi còn ít, lại không cân đối giữa khai thác với tái tạo và phát triển sức sản xuất. Trong chỉ đạo thì chưa kết hợp, liên kết hỗ trợ giữa kinh tế miền núi với miền đồng bằng, miền biển, v.v.. Việc ban hành các văn bản quy định cụ thể về chế độ, chính sách của các ngành Trung ương để hướng dẫn thực hiện cũng chậm (như nhiều ngành chưa có kế hoạch thực hiện và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 133 của Hội đồng Bộ trưởng, các Quyết định 02, 109 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Ngay trong kế hoạch kinh tế - xã hội của Nhà nước hàng năm cũng chưa bao giờ được ghi rõ, hoặc chỉ có một vài câu xen vào một vài chỗ nói đến miền núi hoặc biên giới.

Về mặt chính sách kinh tế của Nhà nước trong nhiều năm qua cũng có những điểm chưa thể hiện được yêu cầu khai thác và phát triển mạnh kinh tế miền núi, nhất là vấn đề thâm canh, định canh, vấn đề phát triển sản xuất lương thực mà vẫn bảo vệ và làm giàu vốn rừng, v.v.; do đó sự đầu tư của Nhà nước vào các mặt này còn nhỏ giọt, chưa toàn diện, chưa đồng bộ. Việc khuyến khích mở rộng giao lưu kinh tế, trao đổi sản phẩm giữa miền núi và miền xuôi cũng chậm ban hành chính sách, nên hạn chế sản xuất (như ở nhiều vùng trâu, bò thừa nhưng không được thông thương ra ngoài địa phương, nên dân cũng chỉ chăn nuôi cầm chừng). Giá cả thu mua một số mặt hàng nông sản, lâm sản, đặc sản còn thấp, hàng hóa đối lưu của Nhà nước lại không bảo đảm hợp đồng, nên dân không phấn khởi phát triển sản xuất.

Việc xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, củng cố các tổ chức ở huyện và cơ sở cùng với việc bồi dưỡng đào tạo cán bộ dân tộc địa phương, điều động cán bộ và bổ sung chính sách khuyến khích cán bộ miền xuôi lên công tác miền núi, v.v. chưa được tích cực thực hiện.

Thưa Quốc hội,

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, nhất là ở vùng cao, biên giới phía Bắc, vùng Tây Nguyên, nhằm từng bước  tích cực xóa bỏ sự chênh lệch giữa các vùng và các dân tộc, Hội đồng dân tộc chúng tôi đề nghị: Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm đúng mức hơn nữa và có chủ trương, chính sách rõ ràng và mạnh mẽ hơn đối với các miền núi và vùng cao, biên giới. Trước hết, Nhà nước cần sớm xác định phương hướng chiến lược kinh tế đối với miền núi, sát hợp với đất đai, tài nguyên và lao động, v.v. của mỗi vùng. Từ đó, có quy hoạch và kế hoạch cụ thể thực hiện hàng năm và 5 năm. Trong kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1986 của Nhà nước, chúng tôi đề nghị nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu kế hoạch đối với miền núi, biên giới.

Từ chiến lược kinh tế, quy hoạch và kế hoạch phát triển đã xác định, Nhà nước bổ sung và sửa đổi, sớm ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện vật chất, kỹ thuật và khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp. Trước mắt, cần có chính sách tăng cường đầu tư lao động, vốn, kỹ thuật, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển và liên kết chặt chẽ với nhau, chính sách mở rộng giao lưu kinh tế, trao đổi sản phẩn hàng hóa giữa các địa phương, kể cả hàng xuất khẩu, theo kế hoạch của địa phương, có sự chỉ đạo của Trung ương, đồng thời chỉnh một số giá cả chưa thật hợp lý, v.v..

Về chỉ đạo, Hội đồng Bộ trưởng và các ngành Trung ương cần có bộ phận chuyên trách chỉ đạo, theo dõi miền núi.

Với tinh thần trên, Hội đồng dân tộc chúng tôi xin kiến nghị với Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và các Bộ, ngành ở Trung ương một số vấn đề sau đây:

1. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất lương thực nhưng phải đi đôi với bảo vệ và làm giầu vốn rừng, sớm hoàn thành cuộc vận động định canh, định cư: Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần tập trung lực lượng các ngành kinh tế hoàn thành sớm việc quy hoạch, phân định rõ đất đai từng huyện và từng cơ sở (đất trồng cây lương thực, thực phẩm, đất trồng rừng; rừng bảo vệ, rừng để tái sinh; đất chăn nuôi, v.v..).

Trên đất đã khoanh, nhanh chóng hoàn thành việc giao đất, giao rừng và hướng dẫn đồng bào thực hiện thâm canh, tăng vụ và định canh, luân canh theo những cây, con thích hợp đã định, để tự giải quyết lấy lương thực đến mức cố gắng cao nhất, còn thì tập trung lao động vào phát triển cây công nghiệp, cây đặc sản, làm nghề rừng và chăn nuôi.

Đối với một số thôn, xã ở vùng cao đã phấn đấu đến mức cao nhất về sản xuất lương thực nhưng vẫn thiếu ăn thì Nhà nước cần có chính sách không thu thuế, thu mua lương thực ở nơi đó, phần lương thực còn thiếu do tỉnh, huyện điều hòa hoặc trao đổi các nông - lâm sản khác với các nơi để giải quyết. Kế hoạch huy động lương thực của các tỉnh miền núi còn có nơi bị thiếu lương thực cũng cần được tính toán cân đối lại cho đúng với khả năng huy động của mỗi địa phương.

Ngoài ra, ở vùng cao, nhiều nơi đồng bào đã có tập quán từ lâu nay vẫn sử dụng ngô là lương thực chính, do đó nên đẩy mạnh khâu chế biến màu và vận động đồng bào sử dụng ngô và một phần màu khác vào các bữa ăn của người và để chăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời, vận động tiêu dùng lương thực một cách có kế hoạch và tiết kiệm.

Đối với công tác vận động định canh định cư: để tích cực hoàn thành sớm cuộc vận động định canh định cư từ nay đến năm 1990, cần tổ chức lại bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời, Nhà nước có chính sách bổ sung, tăng cường đầu tư hỗ trợ đối với công tác này.

Nội dung định canh định cư là phải trên cơ sở quy hoạch và phương hướng phát triển kinh tế của từng vùng, gắn lao động với đất đai, cây trồng phù hợp ở từng nơi.

Về mặt chỉ đạo, cần thống nhất kế hoạch về định canh định cư vào kế hoạch của từng cấp, từng ngành, gắn trách nhiệm của ngành với cấp cùng tham gia thực hiện, gắn công tác định canh định cư với xây dựng vùng kinh tế mới, với xây dựng và tăng cường cấp huyện, dưới sự chỉ đạo và quản lý tập trung, thống nhất vào cấp ủy Đảng và Uỷ ban nhân dân các cấp; ở Trung ương là Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, Ban Định canh định cư các cấp (kể cả ở Trung ương và địa phương) nên xác định lại chức năng nhiệm vụ là cơ quan tham mưu trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các cấp, làm nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi, nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách, biện pháp. Phải đặt việc chỉ đạo công tác định canh, định cư chặt chẽ như chỉ đạo các cuộc vận động lớn thì mới có hiệu lực.

Việc đầu tư vốn, vật tư... vào công tác định canh định cư cần được tăng thêm cho các tỉnh, đồng thời huy động các ngành kinh tế đầu tư vào các cây, con thuộc mỗi ngành chủ quản từ Trung ương đến cơ sở sản xuất. Cần sử dụng một cách tổng hợp, kết hợp và tập trung đối với các nguồn vốn đầu tư để đem lại hiệu quả hơn (vốn định canh, định cư, vốn xây dựng vùng kinh tế mới, vốn các ngành kinh tế đầu tư, vốn xây dựng vùng biên giới (nơi có biên giới), v.v..

2. Phát triển giao thông vận tải, tổ chức phân phối - lưu thông, giao lưu hàng hoá ở miền núi, nhất là đối với vùng cao, vùng biên giới phía Bắc, Tây Nguyên:

Cần coi vấn đề này là một nhiệm vụ có tính chất hàng đầu trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi và vùng cao, biên giới. Do đó, phải bằng việc thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", cộng với Nhà nước tăng cường vốn và lao động đẩy mạnh việc tu sửa và nâng cấp các đoạn đường quốc lộ, tỉnh lộ đang ngày càng hư hỏng nặng, đồng thời tích cực mở mang thêm những đoạn đường mới cần thiết cho kinh tế, quốc phòng và dân sinh ở các tỉnh, huyện miền núi và biên giới. Việc tăng thêm phương tiện ôtô vận tải hàng hóa và hành khách cho các tỉnh và huyện biên giới cũng cần được Nhà nước quan tâm ưu tiên.

Trong lưu thông, phân phối, cần tổ chức rộng khắp màng lưới quốc doanh, hợp tác xã mua bán ở các xã, bản, các cụm kinh tế tập trung ở mỗi huyện, đồng thời Nhà nước cần có chính sách điều chỉnh một số giá cả thu mua nông, lâm sản, đặc sản, dược liệu, kể cả dược liệu đặc sản I, v.v. còn quá thấp, không khuyến khích người sản xuất. Việc vận chuyển và cung cấp lương thực, thực phẩm, vật tư (sắt, thép, xi măng, xăng dầu, phân hóa học...) và các hàng hóa khác, nhất là các hàng thiết yếu hàng ngày, kể cả văn hóa phẩm, cho bộ đội, cán bộ và nhân dân vùng biên giới phải được bảo đảm ưu tiên hơn, kiên quyết không để thiếu thốn, đứt bữa, đứt quãng, trước hết là lương thực, thực phẩm, muối, dầu thắp, thuốc chữa bệnh. Đối với một số mặt hàng thuộc thị hiếu dân tộc, các ngành có liên quan cần có kế hoạch giải quyết bằng được trong năm 1986, không để dân kêu ca, phàn nàn từ trước đến nay.

3. Về mặt phát triển giáo dục và đào tạo cán bộ dân tộc địa phương: cần đẩy mạnh công tác giáo dục ở miền núi, nhất là ở vùng cao phát triển một bước mới, nhằm sớm thanh toán nạn mù chữ và tạo nguồn cho việc đào tạo cán bộ dân tộc địa phương.

Cần rút kinh nghiệm về việc tổ chức trường, lớp, nội dung dạy và học trong việc thực hiện cải cách giáo dục ở vùng cao, nơi xa xôi kẻo lánh. Từ đó, tổ chức lại trường lớp cho thích hợp với đặc điểm và điều kiện sản xuất, sinh hoạt của từng vùng. Đối với các xã vùng cao, các thôn, bản ở xa trường chính, vẫn cần có các lớp mẫu giáo, vỡ lòng cấp I tại chỗ để tiện cho con em các dân tộc vùng cao đi học, đồng thời giáo viên ở đây làm cả nhiệm vụ thanh toán mù chữ và bổ túc văn hóa cho người lớn và cán bộ cơ sở.

Cần tích cực đào tạo và tăng cường giáo viên cho vùng cao, đồng thời, Nhà nước có chính sách cụ thể phát triển các trường thanh niên, thiếu nhi dân tộc ở các huyện vùng cao, tăng kinh phí xây dựng trường sở, trang bị đồ dùng dạy học và tăng chế độ cấp sinh hoạt phí, v.v. cho học sinh các trường thanh niên, thiếu nhi vùng cao ở các huyện, tỉnh, bảo đảm cho các cháu có nơi học hành tương đối khang trang, ăn đủ no, mặc đủ ấm... Các trường cũng cần tổ chức cho các cháu mỗi năm được 1-2 lần đi thăm quan Thủ đô và các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng để mở rộng sự am hiểu về đất nước, xây dựng lòng yêu nước và ý thức quốc gia dân tộc thống nhất cho các cháu. Ngoài ra, cần có chính sách giúp đỡ tạo điều kiện và khuyến khích cho con em các dân tộc thiểu số đi học sơ cấp, trung cấp và đại học (như có chế độ cấp học bổng thỏa đáng, chế độ tuyển sinh ưu tiên, v.v..).

Đối với công tác đào tạo cán bộ dân tộc địa phương, cần được các cấp, các ngành coi trọng hơn, đặt thành chỉ tiêu kế hoạch hàng năm để thực hiện. Mặt khác, Nhà nước cần bổ sung thêm các chính sách, chế độ như: tăng thêm kinh phí đào tạo, chế độ ưu đãi, ưu tiên đối với cán bộ dân tộc địa phương và cán bộ nơi khác đến, kể cả cán bộ thoát ly và cán bộ xã, để động viên, khuyến khích cán bộ an tâm công tác lâu dài ở miền núi, nhất là ở vùng cao, biên giới (như lương bậc, phụ cấp thâm niên miền núi, phụ cấp khu vực, v.v..). Hiện nay, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 02 ngày 02-01-1985 bổ sung một số chế độ đối với công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, cán bộ xã, bản ở biên giới phía Bắc, nhưng còn thiếu sự hướng dẫn và cụ thể hóa của các ngành nên các địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện.

Thưa Quốc hội,

Trên đây là một số ý kiến đề xuất của Hội đồng dân tộc chúng tôi, mong được Quốc hôi, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ, các ngành ở Trung ương và các địa phương quan tâm nghiên cứu và giải quyết.

Xin cám ơn các đồng chí đại biểu Quốc hội.

Chúc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội thành công tốt đẹp.

 

Toàn văn Văn kiện
lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội