BÁO CÁO
VỀ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
TẠI KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA VII
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Hội đồng Nhà nước báo cáo với Quốc hội về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội, từ kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đến nay.
I- CÔNG TÁC LẬP PHÁP
Tại phiên họp ngày 26-02-1985, sau khi nghe đại diện Hội đồng Bộ trưởng trình bày, căn cứ vào kinh nghiệm công tác của năm 1984 và xét khả năng của ta hiện nay, Hội đồng Nhà nước đã quyết định chương trình xây dựng pháp luật trong năm 1985.
Trong 6 tháng đầu năm 1985, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước và Pháp lệnh bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Pháp lệnh về việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc.
Để chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Dự thảo Bộ luật hình sự tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6-1985), thi hành chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Hội đồng Nhà nước, Ủy ban pháp luật của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã cho công bố để lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Phần các tội phạm của Bộ luật này. Thường trực Ủy ban pháp luật cùng Ban Dự thảo Bộ luật hình sự đã họp nhiều lần để nghiên cứu, tiếp thụ ý kiến đóng góp của cán bộ và nhân dân. Tại phiên họp tháng 4 năm 1985, Hội đồng Nhà nước đã nghe báo cáo và cho ý kiến để chỉnh lý bản Dự thảo Bộ luật này.
Ngày 9 và 10 tháng 5 năm 1985, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã họp với thường trực Ủy ban pháp luật và Ban Dự thảo Bộ luật hình sự để cho ý kiến chỉnh lý lần cuối. Ngày 29-5-1985, toàn bộ Dự thảo Bộ luật hình sự đã được trình xin ý kiến Bộ Chính trị Trung ương Đảng.
Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã tổ chức ba cuộc họp để thảo luận về Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình, Dự thảo Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự, Dự thảo Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự, thẩm tra Hiệp định về tương trợ tư pháp giữa nước ta với Cuba, Hunggari; góp ý kiến chỉnh lý Dự thảo Pháp lệnh về nghĩa vụ lao động, Dự thảo Pháp lệnh về đất đai, Dự thảo Pháp lệnh về bắt giam, khám xét.
II- CÔNG TÁC GIÁM SÁT
Tại phiên họp ngày 26-02-1985, Hội đồng Nhà nước đã kiểm điểm việc thực hiện chương trình giám sát, kiểm tra trong năm 1984 và quyết định các vấn đề cần xem xét, kiểm tra trong năm 1984 nhằm thi hành Nghị quyết 6 và Nghị quyết 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1985; cử một số đoàn do các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước dẫn đầu đi một số địa phương kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
1. Đối với công tác của Hội đồng Bộ trưởng:
Ngày 27-02-1985, Hội đồng Nhà nước đã nghe đại diện Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về việc Hội đồng Bộ trưởng trước đây đã ban hành một số Nghị định quy định việc tặng thưởng các danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ sĩ nhân dân" và "Nghệ sĩ ưu tú", "Nhà báo nhân dân" và "Nhà báo ưu tú", quy định Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, là không đúng với Hiến pháp và không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bộ trưởng, nay Hội đồng Bộ trưởng đề nghị Hội đồng Nhà nước cho sửa lại đúng với Hiến pháp. Hội đồng Nhà nước đã cho ý kiến để Hội đồng Bộ trưởng chuẩn bị các dự thảo văn bản Pháp lệnh cần thiết trình Hội đồng Nhà nước xét ban hành để sửa lại thiếu sót nói trên.
Ngày 26-3-1985, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình thiếu ăn trong thời gian giáp hạt của nông dân ở một số tỉnh miền Bắc, tình hình cung cấp lương thực cho công nhân viên chức, đời sống của cán bộ và chiến sĩ trên tuyến biên giới phía Bắc và đang làm nghĩa vụ quốc tế. Hội đồng Nhà nước đã có kết luận gửi đến các cấp, các ngành có trách nhiệm và các đồng chí Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.
Tại phiên họp ngày 30-5-1985, Hội đồng Nhà nước đã nghe đại diện Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tiến hành vào ngày 21-4-1985; nghe báo cáo về việc các đoàn của Hội đồng Nhà nước đi kiểm tra công tác bầu cử ở một số địa phương.
2. Đối với công tác của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Trong các phiên họp thường lệ hàng tháng của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tham dự để trình bày ý kiến đối với những vấn đề có liên quan đến công tác của hai ngành Tòa án và Kiểm sát.
Ngày 30-5-1985, Hội đồng Nhà nước đã nghe đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về tình hình công tác của hai ngành Tòa án và Kiểm sát trong 6 tháng đầu năm 1985. Hội đồng Nhà nước đã cho ý kiến để chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Hội đồng Nhà nước đã nhấn mạnh một số biện pháp nhằm làm cho hoạt động của hai ngành này ngày càng có hiệu quả hơn.
3. Hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội:
Từ sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, nhất là từ sau cuộc họp của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước với Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm các Uỷ ban (ngày 12-3-1985) để bàn về chương trình hoạt động của Hội đồng và các Uỷ ban theo nhiệm vụ của Hội đồng Nhà nước giao cho và thảo luận các biện pháp điều hòa, phối hợp hoạt động, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội đã đẩy mạnh công tác.
Hội đồng dân tộc:
- Từ ngày 02 đến ngày 17-6-1985, Hội đồng đã cử đoàn do đồng chí Hoàng Trường Minh làm Trưởng đoàn đi kiểm tra ở hai tỉnh Đắc Lắc và Lâm Đồng về việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống, củng cố an ninh, quốc phòng ở những vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện ở miền núi.
Ủy ban pháp luật:
- Đã nghe đại diện Bộ Quốc phòng báo cáo về tình hình 3 năm thi hành Luật nghĩa vụ quân sự.
- Đã cử đoàn đi kiểm tra việc thi hành pháp luật nói chung và việc xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân ở các tỉnh Vĩnh Phú, Thái Bình, thành phố Hải Phòng.
Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách:
- Đã cử đoàn đi Nghệ Tĩnh xem xét tình hình thiếu ăn trong thời gian giáp hạt; đã làm tờ trình Hội đồng Nhà nước về vấn đề thiếu ăn giáp hạt và tình hình đời sống của bộ đội, nhất là ở biên giới, hải đảo.
- Đã tổ chức 3 đoàn đi Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hà Bắc để nghiên cứu tỉnh hình đầu tư xây dựng cơ bản và việc thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Thường trực mở rộng của Uỷ ban đã nghe Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước báo cáo về hai vấn đề nói trên và thẩm tra tờ trình của Hội đồng Bộ trưởng về sửa đổi, bổ sung một số điều trong Pháp lệnh về phát hành công trái xây dựng Tổ quốc.
Uỷ ban văn hóa và giáo dục:
- Đã tổ chức hai tổ nghiên cứu về nội dung, chương trình cải tiến sách giáo khoa ở các trường phổ thông; đã cử đoàn do đồng chí Trần Độ làm Trưởng đoàn đi xem xét tình hình bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hóa, tình hình thực hiện kết luận của Hội đồng Nhà nước về cải cách giáo dục ở Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng.
- Thường trực Uỷ ban đã nghe Bộ Văn hóa và một số địa phương ở miền Bắc và miền Nam báo cáo về tình hình bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa.
Uỷ ban khoa học và kỹ thuật:
Đã cử đoàn do đồng chí Trần Đức Lương làm Trưởng đoàn đi xem xét tình hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, vấn đề chất lượng sản phẩm ở Hà Nam Ninh, Thái Bình, Hải Phòng.
Uỷ ban y tế - xã hội:
Đã cử đoàn do đồng chí Dương Quốc Chính làm Trưởng đoàn đi Hà Nam Ninh và Thái Bình để xem xét tình hình bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm ở các khu lao động, đông dân cư và tình hình kế hoạch hóa phát triển dân số.
Uỷ ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng:
Đã tổ chức đoàn đi xem xét tình hình dạy nghề và giải quyết công việc làm cho thanh niên ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Uỷ ban đối ngoại:
Đã họp ba lần để nghe báo cáo tình hình quốc tế và đề ra phương hướng hoạt động cùng với các Đoàn các nước xã hội chủ nghĩa tham gia đấu tranh ở các diễn đàn của Liên minh Quốc hội.
4. Công tác dân nguyện:
Từ sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đến nay, đã có 2.519 đơn, thư của công dân gửi lên Quốc hội và Hội đồng Nhà nước để khiếu nại, tố cáo và đề đạt nguyện vọng (đơn khiếu nại chiếm 64%, đơn tố cáo chiếm hơn 10%, còn lại là thư dân nguyện).
Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tiếp 450 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và trình bày nguyện vọng.
Qua các đơn, thư khiếu tố và qua việc tiếp dân, có những vấn đề đáng chú ý sau đây:
- Các vi phạm pháp luật của cán bộ chính quyền và công an cấp xã, phường, huyện, quận trong công tác tuyển quân, trong việc khám nhà, thu giữ tài sản, bắt, giam giữ, cải tạo vẫn còn nhiều. Có một số trường hợp sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng.
- Việc lạm dụng hình thức kỷ luật "buộc thôi việc" để trù úm cán bộ, công nhân vẫn xảy ra nhiều trong các cơ quan nhà nước, xí nghiệp, công trường...
- Các khiếu nại về nhà đất (chủ yếu là giữa cơ quan nhà nước với công dân) thường chậm được xem xét, có vụ việc kéo dài 5, 7 năm, 10 năm; một số trường hợp khiếu nại của công dân là chính đáng, nhưng Nhà nước chưa có chủ trương giải quyết cụ thể nên Uỷ ban nhân dân các cấp (nhất là ở các thành phố lớn) gặp khó khăn không thể giải quyết được.
- Tệ tham ô, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều, đã gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và của tập thể. Một số cán bộ chủ chốt ở cấp xã, huyện, cấp sở ở tỉnh và một số ít cán bộ cao cấp đã bị tố cáo tham ô, sa sút về phẩm chất, gây mất đoàn kết nội bộ.
- Tuy việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn trước, đã giải quyết được một số vụ việc tồn đọng, kéo dài, song nhìn chung vẫn còn trì trệ nhiều, nhất là các vụ việc có liên quan đến cán bộ có chức, có quyền thường chậm được xem xét, kết luận; có vụ việc đã được Tòa án xét xử hoặc cơ quan có thẩm quyền ra văn bản giải quyết song vẫn không được thực hiện, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân không được bảo vệ, người vi phạm thường là chậm hoặc không bị xử lý; một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng đáng lẽ phải được xử lý theo pháp luật thì giữ lại để xử lý nội bộ.
5. Việc giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân:
- Kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh:
Trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5 năm 1985, Hội đồng Nhà nước đã cử một số đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: đồng chí Chu Huy Mân đã kiểm tra ở Long An, Đồng Nai; đồng chí Lê Thanh Nghị đã kiểm tra ở Sơn La, Phú Khánh, Thuận Hải; đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã kiểm tra ở thành phố Hà Nội, Đắc Lắc, Gia Lai - Kon Tum, Nghĩa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua kiểm tra, Hội đồng Nhà nước nhận thấy: nhìn chung, cuộc bầu cử lần này bảo đảm dân chủ, đúng luật, an ninh và trật tự tốt, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt cao, như Đồng Tháp: 99,85%, Vũng Tàu - Côn Đảo: 99,81%, Phú khánh: 99,59%, Gia Lai - Kon Tum: 99,26%... Kết quả bầu cử bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu và thành phần, không có địa phương nào phải bầu lại. Có 9 địa phương bầu thêm cho đủ số đại biểu (Hà Nội, Hải Phòng, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Tây Ninh...). Riêng Thành phố Hồ Chí Minh được sự đồng ý của Hội đồng Nhà nước, đã tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố vào ngày 26-5-1985.
- Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp:
Hiện nay, các địa phương đã và đang tiến hành kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa mới, bầu Uỷ ban nhân dân, Tòa án nhân dân, các ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định những vấn đề trước mắt nhằm hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1985.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã tiến hành việc kiểm điểm nhiệm kỳ 1981 - 1985, tổng kết, đánh giá thành tích, tổng hợp ý kiến phê bình, đóng góp của cử tri, nêu rõ những thiếu sót, tồn tại trong hoạt động của mình. Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh, huyện đã cùng với đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh thảo luận, đóng góp ý kiến vào bản Dự thảo Bộ luật hình sự.
III- CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI
1. Cử đoàn đi thăm nước ngoài:
- Từ ngày 11 đến ngày 15-3-1985, Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta do đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước dẫn đầu đi Liên Xô dự Lễ tang đồng chí C.U. Trécnencô, Tổng Bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô.
- Từ ngày 22 đến ngày 27-5-1985, Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta do đồng chí Trường Chinh dẫn đầu đi thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và từ ngày 03 đến ngày 08 tháng 6 năm 1985 đi thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia.
- Từ ngày 03 đến ngày 17 tháng 01 năm 1985, Đoàn đại biểu của Nhà nước ta do đồng chí Chu Huy Mân, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước dẫn đầu đi Nicaragoa dự Lễ nhậm chức của Chủ tịch nước Đanien Oóctêga.
- Từ ngày 16 tháng 3 đến ngày 28 tháng 4 năm 1985, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu đi thăm hữu nghị chính thức Anbani, Cuba, Mêhicô, Nicaragoa và Liên Xô.
2. Đón tiếp khách nước ngoài:
Nhận lời mời của Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội, Đoàn đại biểu Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, do ông Iôsiô Xacurauchi, Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do, cựu Bộ trưởng ngoại giao Nhật, Chủ tịch Liên minh Quốc hội làm Trưởng đoàn đã sang thăm Việt Nam từ ngày 03 đến ngày 11 tháng 01 năm 1985.
3. Tiếp nhận đại diện ngoại giao của nước ngoài:
Hội đồng Nhà nước đã tiếp và nhận thư ủy nhiệm của Đại sứ các nước Ghinê, Nigiêria, Bănglađét, Mông Cổ, Ấn Độ, Áchentina, Iran, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaixia, Đan Mạch, Xri Lanca, Tandania, Vương quốc Anh.
4. Hoạt động của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội:
Ta đã cử các đoàn đi dự Hội nghị tư vấn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa tại Béclin (từ ngày 20 đến ngày 21 tháng 02 năm 1985); dự Hội nghị về sức khỏe và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương do Liên minh Quốc hội và Tổ chức y tế thế giới triệu tập tại Băngcốc (từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 3 năm 1985); dự Hội nghị mùa Xuân của Liên minh Quốc hội tại Lômê Tôgô (từ ngày 23 đến ngày 30 tháng 3 năm 1985).
IV- VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ƯỚC, HIỆP ĐỊNH
Tại phiên họp ngày 26 tháng 02 năm 1985, Hội đồng Nhà nước đã phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước ta và Hunggari, ký ngày 21 tháng 11 năm 1984.
Tại phiên họp ngày 26 tháng 3 năm 1985, Hội đồng Nhà nước đã phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề nhân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa nước ta và Cuba, giữa nước ta và Hunggari.
V- TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ CỦA NHÀ NƯỚC
1. Bổ nhiệm đại sứ:
Tại phiên họp ngày 27 tháng 02 năm 1985, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Philíppin.
2. Cử Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tối cao:
Tại phiên họp ngày 26 tháng 3 năm 1985, theo đề nghị của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Nhà nước đã cử một số Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tối cao.
VI- CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
Hội đồng Nhà nước đã quyết định:
- Tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ 39 tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương (trừ thành phố Hà Nội được tặng thưởng năm 1984) đã có công lao và thành tích to lớn trong 40 năm đấu tranh cách mạng, chiến đấu chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội đồng Nhà nước cũng đã quyết định tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho các đồng chí Nguyễn Thị Thập, Hoàng Quốc Việt và Nguyễn Duy Trinh đã có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
- Tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho 2 đơn vị và 15 cán bộ đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 4 đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
- Tặng thưởng Huân chương Độc lập cho 401 cá nhân đã có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng hoặc lập được nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
- Tặng thưởng Huân chương Lao động cho 590 đơn vị và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước và trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
- Tặng thưởng Huân chương Kháng chiến cho 183.259 người đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
- Tặng thưởng Huân chương Quân công cho 6.490 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
- Tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cho 17.001 cán bộ, chiến sĩ đã có công phục vụ trong Quân đội nhân dân.
- Tặng thưởng Huân chương Hữu nghị cho 18 cá nhân thuộc các nước xã hội chủ nghĩa đã có công giúp Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VII- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Các đoàn đại biểu Quốc hội đã gửi báo cáo về tình hình và kết quả hoạt động của đoàn từ sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (12-1984) đến nay. Nhìn chung, hoạt động của các đoàn có một số việc chính sau đây:
- Các đoàn đều có kế hoạch phân công đại biểu báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp Quốc hội; tiếp xúc và giải quyết các khiếu tố, ý kiến, nguyện vọng của cử tri. Một số đoàn như Quảng Ninh, Hà Tuyên, Sơn La đã đi báo cáo và thăm hỏi, động viên đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ở một số huyện và cơ sở trên vùng biên giới.
- Thực hiện Điều 20 của Quy chế đại biểu Quốc hội, nhiều đoàn duy trì đều đặn việc tiếp dân. Tuy gặp khó khăn, các đoàn Hà Nội, Vĩnh Phú, Hải Hưng, Thái Bình, Lâm Đồng, Kiên Giang, An Giang, v.v. đã có nhiều cố gắng. Đoàn Hà Nội tổ chức họp trao đổi, thống nhất ý kiến giải quyết các vụ việc khiếu nại giữa đồng chí Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội với đại diện các cơ quan hữu quan, rút ngắn được thời gian giải quyết các vụ việc khiếu nại của nhân dân.
Một số đoàn chưa làm đều đặn việc tiếp dân như Lạng Sơn, Hà Tuyên, Long An; riêng ở Hà Tuyên, từ đầu năm 1985 đến nay, đoàn chưa tiếp dân được buổi nào.
Để công tác tiếp dân ngày càng đi vào nền nếp, tránh hình thức và mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đã kiến nghị với Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng về việc tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
- Các đoàn đại biểu Quốc hội đã cùng Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thảo luận, đóng góp ý kiến vào bản Dự thảo Bộ luật hình sự, Dự thảo Pháp lệnh về nghĩa vụ lao động, dự thảo Pháp lệnh về đất đai,... và đã cử đại biểu tham gia các đoàn kiểm tra bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
*
* *
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trên đây là những điểm chính về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội, hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đến nay.
Hội đồng Nhà nước xin báo cáo với các đồng chí đại biểu Quốc hội.
Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 1985
HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC