VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

THUYẾT TRÌNH
CỦA UỶ BAN THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG CỦA QUỐC HỘI
(Do ông Lê Thanh Đạo, Chủ nhiệm Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
 trình bày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa VII, ngày 24-12-1984)

LÀM TỐT VIỆC PHÂN BỔ VÀ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRẺ
ĐỂ GÓP PHẦN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
 NĂM 1985

Kính thưa Quốc hội,

Thưa các đồng chí đại biểu,

Trong hoạt động năm 1984, Uỷ ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã nghiên cứu xem xét vấn đề phân bổ và sử dụng lao động trẻ, giải quyết việc làm cho thanh niên.

Ủy ban đã nghiên cứu khảo sát một số địa phương, nghe báo cáo và trao đổi ý kiến với Ủy ban nhân dân, các ngành, đoàn thể ở địa phương, xuống các đơn vị sản xuất, các công trường, nông trường, nơi thanh niên trực tiếp lao động và xây dựng.

Trong kỳ họp Quốc hội lần này, chúng tôi xin nêu lên một số nét về tình hình phân bổ và sử dụng lao động trẻ, kiến nghị một số giải pháp cho vấn đề này để góp phần vào việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1985.

I- MỘT VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH PHÂN BỔ
VÀ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRẺ THỜI GIAN QUA

1. Do nhu cầu của sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian qua, các địa phương đã tích cực huy động và sử dụng lực lượng lao động là thanh niên đi vào các mũi nhọn của kinh tế - xã hội, gắn được lao động với đất đai để phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới.

- Hầu hết các địa phương đã nghiên cứu, sử dụng lực lượng lao động trên phạm vi một tỉnh, một huyện, hoặc phường xã, lấy trong "quỹ thời gian" dân công nghĩa vụ hoặc lao động công ích để làm thuỷ lợi, giao thông, xây dựng trường học, nhà trẻ, v.v.. Theo thống kế chưa đầy đủ ở ba tỉnh được khảo sát là Long An, Tiền Giang, Tây Ninh từ 1983 đến nay đã huy động tới 270.094 lượt người tham gia, với số ngày công là 19.814.889 ngày, đào đắp được 7.253.758m3, trồng hàng chục triệu cây và làm ra nhiều sản phẩm lao động khác.

- Ở những công trình trọng điểm của Nhà nước và của tỉnh, ngoài lực lượng công nhân kỹ thuật chuyên nghiệp, lực lượng lao động trẻ đã được huy động với số lượng lớn làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản ban đầu. Họ đã phát huy được vai trò xung kích, đi đầu trong những việc mới, khó khăn nặng nhọc như trên công trình thuỷ điện Sông Đà, Trị An, nhiệt điện Phả Lại, thuỷ nông Dầu Tiếng, các nông trường trồng cây công nghiệp ở Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, vùng duyên hải ven biển, v.v..

Trong quá trình huy động và sử dụng lao động trẻ, một số địa phương đã có cách làm sáng tạo, tổ chức các đội hình thanh niên đi vào xây dựng kinh tế, như Đội thanh niên xung kích (Quảng Ninh), Đội thanh niên xây dựng quê hương (Minh Hải, Tây Ninh), các đoàn Đồng Tháp kết hợp xây dựng kinh tế và quốc phòng (Long An)... Lực lượng thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh khắc phục được tình trạng lúng túng, hành chính bao cấp ban đầu, từ năm 1981 đã bắt nhậy với các hình thái kinh tế xã hội chủ nghĩa, đi vào hạch toán kinh tế, kinh doanh tổng hợp có lãi, đang dần trở thành một mô hình kinh tế - xã hội và giáo dục, đào tạo con người mới, đã góp phần vào việc phân bố lao động, dân cư, giải quyết việc làm cho thanh niên ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một mô hình tổ chức lao động hay cần được tổng kết, rút kinh nghiệm để phát triển cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết 6 của Trung ương Đảng.

2. Tuy nhiên, trong công tác phân bổ và sử dụng lao động trẻ thời gian qua cũng bộc lộ những vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết:

- Nhà nước ta (cả ở Trung ương và từng địa phương) chưa có quy hoạch tổng thể phân bổ và sử dụng lao động, chưa cân đối được việc làm cho số người đến tuổi lao động. Hằng năm, lực lượng lao động còn dư thừa quá lớn (trong đó phần lớn là thanh niên), khả năng tiếp nhận theo các nguồn: tuyển quân, tuyển dụng vào biên chế Nhà nước, tuyển sinh cho đào tạo đại học, trung học và học nghề còn rất hạn chế. Chỉ tính riêng học sinh phổ thông cơ sở hằng năm có 700.000, học sinh phổ thông trung học 200.000 người. Mỗi năm còn tới 500.000 học sinh chưa có ngành, nghề và không có chỗ học lên, nhất là ở thành phố, thị xã, trong đó phần lớn là con em cán bộ, công nhân viên. Số học sinh học xong các hệ trung học chuyên nghiệp, đại học và học nghề (kể cả học nghề ở ngoài nước) còn tồn đọng hàng vạn người. Số thực sự cần phải giải quyết việc làm trong năm 1985 và các năm tới có từ 1,5 đến 2 triệu người.

- Trong quá trình sử dụng lao động trẻ chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa sử dụng và bồi dưỡng, chăm lo đời sống mọi mặt cho thanh niên. Đa số lúc đầu là huy động làm lao động thủ công, chưa chú ý điều tra để sử dụng đúng ngành, nghề, cũng như sau này, bồi dưỡng được nghề nghiệp, giải quyết việc làm lâu dài cho họ. Chúng ta lại chưa có chế độ, chính sách phù hợp, khuyến khích thanh niên đi xa, đến những nơi khó khăn gian khổ. Vì vậy, ở một số lĩnh vực cần tuyển lao động trẻ đi làm xây dựng cơ bản, khai thác than, trồng rừng, v.v. vẫn khó huy động được thanh niên tham gia.

- Về cơ chế để tổ chức thực hiện nhằm phát huy vai trò chủ động của tổ chức Đoàn, tính tích cực xã hội và tinh thần làm chủ tập thể của thanh niên cần được nghiên cứu cho thích hợp, nhất là phương thức quản lý đi vào hạch toán kinh tế để làm ăn có lãi, để giáo dục đào tạo con người mới, trong khi các cơ sở kinh tế cần có lao động ổn định mà lực lượng lao động thanh niên lại biến động nếu thực hiện nghĩa vụ lao động có thời hạn hoặc đưa đi đào tạo, bồi dưỡng các ngành, nghề khác nhau sau khi họ hoàn thành nhiệm vụ.

II- VẤN ĐỀ TỔ CHỨC, GIÁO DỤC THANH NIÊN,
ĐỘNG VIÊN, SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRẺ GÓP PHẦN
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1985

Thưa các đồng chí đại biểu!

Nước ta có nguồn nhân lực dồi dào, với gần 25 triệu lao động và hàng năm tăng khoảng 1 triệu, trong đó gần 11 triệu lao động ở lứa tuổi thanh niên, có trình độ văn hóa, nghiệp vụ và hàng năm được bổ sung hàng chục vạn người. Lực lượng lao động kỹ thuật khoảng gần 2 triệu (8% lực lượng lao động xã hội) và hàng năm cũng được tăng thêm hàng vạn người với nhiều ngành, nghề khác nhau.

Vấn đề phân bổ và sử dụng lao động trẻ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn liền với việc thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới và trước mắt là góp phần thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1985. Sau khi nghiên cứu, Uỷ ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thấy cần thiết nêu lên một số vấn đề sau đây:

1. Điều đặt ra hàng đầu là phải tiếp tục làm tốt việc giáo dục lao động, giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cho thế hệ trẻ, mà trước hết cho lớp thanh niên đến tuổi lao động.

Nội dung và biện pháp giáo dục là tiếp nối và hoàn thiện thêm mục tiêu của giáo dục phổ thông là: "... đào tạo con người mới có lòng yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất, kiến thức và kỹ năng để làm tốt một nghề, hợp với sự phân công lao động trong địa phương và trong cả nước, thích ứng với trình độ phát triển kinh tế, xã hội trong một thời gian nhất định ở nước ta[1]. Phải làm cho thanh niên tự giác với sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn hiện nay, trở thành "những chiến sĩ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào của đất nước để phục vụ Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, sáng tạo ra những giá trị vật chất và giá trị văn hóa, mở mang các ngành, nghề, sử dụng hết lao động, đất đai, rừng biển và mọi năng lực sản xuất trong từng địa phương lớn, nhỏ và trong cả nước, góp phần vào sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của dân tộc"2.

Xây dựng các trung tâm hướng nghiệp, các lớp dạy nghề bằng nhiều hình thức để bồi dưỡng tay nghề cho thanh niên, thiếu niên. Chú ý ở những vùng có ngành, nghề thủ công mỹ nghệ có truyền thống, thu hút thanh niên tham gia học nghề, tạo ra việc làm cho họ.

2. Đối với lực lượng lao động trẻ có việc làm trong khu vực kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể phải tổ chức tốt phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ngày, giờ công; khắc phục những khó khăn trong sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, phấn đấu cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Ứng dụng những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước khai thác theo chiều sâu đến mức cao của tiềm năng lao động và đất đai; thâm canh tăng năng suất, mở rộng các ngành, nghề để có thể sản xuất thêm nhiều lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Tham gia tích cực vào công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa và nông nghiệp ở Nam bộ, cải tạo công thương nghiệp và quản lý thị trường ở các tỉnh miền Nam. Củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, mở rộng trận địa xã hội chủ nghĩa trong cả nước trên mọi lĩnh vực.

3. Quán triệt yêu cầu khai thác tiềm năng lao động và đất đai của cả nước, xác định nhiệm vụ và phương thức tập hợp, tổ chức thanh niên đi vào sản xuất và xây dựng, các cơ quan nhà nước như: Lao động, Ủy ban Kế hoạch cần phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong công tác điều tra, nắm lực lượng lao động trẻ, cân đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có yêu cầu và định hướng việc làm cho thanh niên, tổ chức động viên họ dưới nhiều hình thức thích hợp để lao động xây dựng các công trình kinh tế - xã hội ở địa phương và cung cấp bổ sung cho các công trình trọng điểm của Trung ương.

Việc phân bổ và sử dụng lao động trẻ phải gắn chặt với quy hoạch tổng thể của địa phương, nhất là trên địa bàn quận, huyện, từ đó mà sử dụng tốt lao động tại chỗ để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, mở mang ngành, nghề phát triển tiểu, thủ công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Kết hợp giữa việc huy động và sử dụng có hiệu quả "quỹ thời gian" trong dân công nghĩa vụ (ở miền Bắc), trong lao động công ích hoặc lao động xã hội chủ nghĩa (ở miền Nam) mà tiến hành khoán khối lượng, chất lượng công việc, bảo đảm lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Các tổ chức Đoàn Thanh niên ở địa phương có thể đảm nhận những công trình vừa và nhỏ do chính quyền huyện, xã giao khoán để tổ chức cho thanh niên làm, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa có lợi ích cho thanh niên, có kinh phí cho hoạt động của Đoàn, bồi dưỡng năng lực quản lý kinh tế cho cán bộ Đoàn.

4. Năm 1985 và những năm sắp tới, các công trình trọng điểm của Trung ương và từng địa phương mở ra sẽ có yêu cầu sử dụng lao động trẻ để làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản, để mở mang những vùng đất mới: trồng cao su, cà phê, trồng dừa, trồng rừng, làm đường chiến lược, khai hoang lấn biển, v.v. rất cần thiết phải tổ chức động viên thanh niên thành những đội hình tập trung, xung kích giải quyết những việc mới, việc khó. Cần phải nhanh chóng tổng kết và thừa kế kinh nghiệm của các đội Thanh niên xung phong từ trước đến nay đã làm tốt nhiệm vụ này.

Điều quan trọng ở đây là yêu cầu nhiệm vụ cho rõ ràng, có sự phân công trách nhiệm giữa cơ quan, ngành chủ quản với Đoàn Thanh niên. Đoàn vừa có trách nhiệm, có vai trò chủ động trong việc tổ chức, giáo dục thanh niên, vừa tham gia quản lý kinh tế, tổ chức tốt đời sống mọi mặt cho thanh niên, giáo dục đào tạo con người mới. Trong công tác quản lý cần tránh lối hành chính bao cấp, thực sự đi vào hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa để đem lại hiệu quả cả về kinh tế và giáo dục. Các ngành và đơn vị chủ quản sử dụng lao động trẻ phải có trách nhiệm tạo điều kiện, cộng tác giúp đỡ Đoàn Thanh niên về cán bộ, về kinh nghiệm tổ chức quản lý, đầu tư và sử dụng đúng đắn các nguồn kinh phí để làm nhanh chóng, vững chắc và sớm đem lại kết quả.

Nếu là những vùng đất mới khai hoang, sau khi có lao động thanh niên làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản, cần phải sử dụng tốt sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng để sớm hoàn chỉnh những điểm kinh tế, dân cư mới với số vốn không nhiều của Nhà nước, trên cơ sở sản xuất tập thể, thực hiện đầy đủ việc khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động để nhanh chóng đem lại hiệu quả kinh tế và phục vụ đời sống.

Ở những đơn vị tập trung thanh niên làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế cần phải có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho họ về nghề nghiệp, kiến thức kỹ thuật và quản lý kinh tế. Đây là một trong những cách tốt nhất để bồi dưỡng nhanh, với số lượng lớn lực lượng lao động có kỹ thuật và quản lý kinh tế cho vùng nông thôn ở miền Nam hiện nay, làm cho đất nước ta "có nhiều người giỏi, những người có tài năng, bảo đảm cho đất nước có con đường, bước đi và cách làm sáng tạo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cả sau đó nữa"[2].

5. Sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự trực tiếp chỉ đạo, quản lý của chính quyền các cấp đối với các công trình, các đơn vị lao động của thanh niên là yếu tố có tính chất quyết định, giúp cho Đoàn Thanh niên giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng của thanh niên, giúp cho họ có cống hiến tốt và mau chóng trưởng thành.

6. Trong khi chờ đợi ban hành Bộ luật về lao động một cách hoàn chỉnh, đề nghị các Bộ, ngành hữu quan rà soát lại những chế độ, chính sách có liên quan đến việc phân bổ và sử dụng lao động để sửa đổi, bổ sung cho thích hợp, nhằm khuyến khích động viên thanh niên đi xa, đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn gian khổ, nhất là việc chăm lo đời sống, điều kiện làm việc, bồi dưỡng nghiệp vụ. Thực hiện tốt chính sách đối với thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và đặc biệt chăm lo đến đời sống của bộ đội, thanh niên đang trực tiếp lao động, chiến đấu ở miền núi, biên giới.

*
*       *

Kính thưa Quốc hội,

Thưa các đồng chí đại biểu,

Trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nhìn cả về lâu dài để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề phân bổ và sử dụng tốt lao động trẻ luôn luôn là vấn đề thời sự nóng hổi. Bởi vì, trong tình hình hiện nay, mọi người đến tuổi đều phải làm việc, phải có một nghề nghiệp nhất định để làm ra của cải cho xã hội tiến tới tạo ra những sản phẩm tinh xảo, có giá trị ngày càng cao.

Chúng tôi đề nghị các Bộ, Ủy ban Nhà nước, các ngành và đoàn thể, các cấp uỷ và chính quyền địa phương có kế hoạch và tổ chức tốt việc phân bổ và sử dụng lao động trẻ, giao trách nhiệm cho Đoàn Thanh niên, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đoàn Thanh niên làm tròn nhiệm vụ của mình.

Uỷ ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, trong năm tới sẽ hướng sự quan tâm của mình vào việc nghiên cứu, giám sát vấn đề giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, cùng với các ngành, đoàn thể có liên quan kiến nghị với Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng quan tâm hơn nữa tới lĩnh vực này.

Bước vào năm 1985, năm có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra ở trong nước ta cũng như trên thế giới. Phong trào thanh niên nước ta hướng về "Năm quốc tế thanh niên" và Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 12 tại Mátxcơva sẽ có thêm nghị lực và niềm phấn khởi mới, dấy lên một cao trào thi đua xã hội chủ nghĩa trong học tập, rèn luyện, lao động, chiến đấu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp sức hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1985.

Xin cảm ơn các đồng chí đại biểu.


 

[1], 2. Phạm Văn Đồng: Bài nói với giáo viên và cán bộ giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1984).

[2]. Phạm Văn Đồng, tài liệu đã dẫn trên.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội