VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT CỦA QUỐC HỘI VỀ VẤN ĐỀ ỨNG DỤNG CÁC THÀNH TỰU KHOA HỌC
VÀ TIẾN BỘ KỸ THUẬT, VẤN ĐỀ RỪNG VÀ CÂY CÔNG NGHIỆP Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
(Do ông Trần Đức Lương, Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa VII, ngày 24-12-1984)

Kính thưa Quốc hội,

Trong năm 1984, theo sự chỉ đạo của Hội đồng Nhà nước, Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội đã tiến hành nghiên cứu và xem xét tình hình ứng dụng các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, các vấn đề về rừng và cây công nghiệp. Ủy ban chúng tôi đã làm việc với Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Bộ Lâm nghiệp, Tổng cục Cao su, đã tổ chức các Đoàn đại biểu đi tìm hiểu thực tế ở 45 cơ sở tại các tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Đắc Lắc, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Sông Bé và Tây Ninh.

Thay mặt Ủy ban, tôi xin trình bày trước Quốc hội một số ý kiến chung quanh các vấn đề nêu trên.

Khoa học và kỹ thuật đang từng bước trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp ở nước ta. Hiện nay, khoa học và kỹ thuật đang là một động lực mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, góp phần chống nghèo nàn lạc hậu, đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thắng lợi trên đất nước ta. Các hoạt động khoa học và kỹ thuật đã chuyển biến rõ rệt theo hướng phục vụ sát các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, tập trung nỗ lực vào yêu cầu giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, phát triển hàng tiêu dùng, tăng thêm nguồn hàng xuất khẩu, đảm bảo cung cấp năng lượng và nhiên liệu sản xuất và đời sống, tạo thêm cơ sở nguyên liệu cho các ngành kinh tế quốc dân, tìm ra những biện pháp kỹ thuật đồng bộ, những quy trình hợp lý nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong mọi ngành sản xuất. Hoạt động khoa học - kỹ thuật cũng đóng góp tích cực vào việc đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản làm cơ sở cho việc xây dựng các quy hoạch, các luận chứng kinh tế - kỹ thuật để phát triển các ngành kinh tế trong phạm vi cả nước cũng như từng vùng lãnh thổ.

I- MỘT SỐ NÉT LỚN
TRONG VIỆC ĐƯA CÁC THÀNH TỰU KHOA HỌC
VÀ TIẾN BỘ KỸ THUẬT VÀO SẢN XUẤT

Việc đưa khoa học và kỹ thuật vào sản xuất được thể hiện rất đa dạng và rộng rãi trong mọi ngành sản xuất. Nổi bật nhất là ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ: đưa các giống lúa mới vào đồng ruộng trên quy mô tới 2,5 triệu hécta, nhập và lai tạo nhiều giống mới về cây trồng và vật nuôi, sử dụng phân bón hợp lý cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về canh tác, tưới tiêu, chống sâu bệnh...

Nhờ đó, ngành Nông nghiệp nước ta đã có những bước tiến lớn về năng suất và sản lượng lương thực. Năng suất lúa bình quân một vụ năm 1965 là 1,85 tấn/ha, năm 1983 đã đạt tới 2,65 tấn/ha (năm 1939 là 1,3 tấn/ha). Đã phát triển giống lợn lai tới 40% tổng số đàn lợn trong cả nước. Thực hiện việc hợp tác quốc tế với các nước bạn, chúng ta đang phát triển diện tích trồng cà phê và cao su ngày càng nhanh, chất lượng trồng ngày càng tốt hơn. Trong công nghiệp, chúng ta đã và đang xây dựng những công trình có ý nghĩa then chốt của Nhà nước về năng lượng, vật liệu xây dựng, giao thông vận tải có tác dụng lớn đối với nền kinh tế.

Các chương trình nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật cấp Nhà nước cũng đạt được những kết quả đáng chú ý về năng lượng như thuỷ điện nhỏ và vừa, động cơ chạy bằng than củi, hầm khí sinh vật; về tiết kiệm và sử dụng vật tư hợp lý như dùng xi măng lưới thép để sửa chữa và sản xuất tàu, sà lan, dùng phương pháp luyện kim bột để chế tạo hợp kim có chất lượng cao để sản xuất một số phụ tùng máy có tính năng đặc biệt; các xí nghiệp cơ khí chế tạo nước ta từ chỗ sản xuất phụ tùng thiết bị lẻ đang vươn lên chế tạo thiết bị toàn bộ cho trạm thuỷ điện tới 1.000 KW, nhà máy đường 100 và 500 tấn mía/ngày, v.v..

Những thành tựu như đã nêu trên chứng minh cho tiềm năng sáng chế phát minh của những người lao động trí óc, của các viện, trường, chứng minh cho nhiệt tình lao động, sáng tạo của hàng chục triệu quần chúng lao động nước ta đang ngày đêm lao vào giải quyết nhiều yêu cầu nóng bỏng của cuộc sống, thực hiện cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, cuộc cách mạng có vai trò then chốt như đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng ta đã chỉ rõ. Nhờ đó, mặc dù năm 1984, đất nước ta phải trải qua những khó khăn to lớn về thiên tai, địch hoạ, nguồn nhập khẩu nhiên liệu, vật tư - kỹ thuật tiếp tục giảm sút so với các năm trước mà sản xuất của nhiều ngành kinh tế quốc dân quan trọng vẫn tiếp tục được giữ vững và có bước phát triển mới như Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1984 của Hội đồng Bộ trưởng đã chỉ rõ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ủy ban chúng tôi nhận thấy việc đưa các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống và quốc phòng vẫn còn bị hạn chế rất nhiều chưa trở thành một phong trào rộng lớn có quy mô, tầm cỡ và chiều sâu tương xứng với tiềm lực khoa học - kỹ thuật mà đất nước ta đang có. Nếu trong mặt trận nông nghiệp việc ứng dụng nhiều thành tựu mới của khoa học - kỹ thuật về giống và canh tác ít nhiều đã đến với quần chúng thành một phong trào rộng khắp thì trên mặt trận công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác, việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn dừng lại ở mức độ lẻ tẻ, quy mô hạn chế và do đó chưa tạo nên những bước tiến lớn về năng suất, chất lượng và hiệu quả ở quy mô ngành kinh tế - kỹ thuật cũng như quy mô kinh tế quốc dân. Bước vào năm 1984, có trên 300 tiến bộ khoa học - kỹ thuật được đăng ký, trong số đó, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã lựa chọn kiến nghị đưa 50 tiến bộ vào áp dụng trong sản xuất ở cấp kế hoạch nhà nước, song cuối cùng chỉ có 21 tiến bộ được đưa vào cân đối trong kế hoạch.

Đương nhiên, chúng ta gặp những khó khăn khách quan rất lớn về vốn và thiết bị vật tư - kỹ thuật để đưa nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Tuy vậy, điều Ủy ban chúng tôi quan tâm là chúng ta còn có nhiều thiếu sót chủ quan đáng lưu ý trong kế hoạch hóa và chính sách cụ thể nhằm khuyến khích việc nhanh chóng đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Trong số những nguyên nhân chủ quan, chúng tôi muốn được nhấn mạnh mấy vấn đề sau đây:

Một là, vẫn còn có tình trạng dàn trải chưa tập trung cao độ cho những vấn đề cấp thiết nhất của đất nước trong xác lập kế hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Tuy trong kế hoạch 5 năm 1981 - 1985, đã xác lập được 72 chương trình nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cấp Nhà nước là một bước tiến bộ trong tổ chức quản lý công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, song số lượng các vấn đề và đề tài quá lớn, còn phân tán, tản mạn, thiếu liên kết đồng bộ.

Hai là, có tình trạng thiếu cân đối trong tổ chức và kế hoạch nghiên cứu giữa ba khâu: nghiên cứu trong phòng thí nghiệm - nghiên cứu chế tạo - sản xuất thử - nghiên cứu triển khai trong sản xuất đại trà. Khâu chế tạo sản xuất thử đang và khâu yếu nhất hiện nay là do đó làm cho mối liên kết giữa khoa học - kỹ thuật và kinh tế - kế hoạch thiếu sự chuyển tiếp cần thiết.

Ba là, trong khi nói đến việc áp dụng những thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, trong thực tế chúng ta còn quá coi nhẹ việc bắt buộc tôn trọng quy trình kỹ thuật (quy trình công nghệ, quy trình sản xuất) cũng như nội dung khoa học trong công tác quản lý kinh tế. Tình trạng tuỳ tiện thiếu khoa học - kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh đang là một tình trạng khá phổ biến làm hạn chế rất lớn đến hiệu quả kinh tế, và trong nhiều trường hợp dẫn đến những lãng phí rất lớn.

II- MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ RỪNG VÀ CÂY CÔNG NGHIỆP

Các Đoàn công tác của Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội trong năm 1984 tập trung khảo sát ở các cơ sở thuộc các ngành Lâm nghiệp và cây công nghiệp. Chúng tôi muốn được báo cáo với Quốc hội một số vấn đề về các lĩnh vực này.

Chúng tôi muốn được lưu ý Quốc hội về tình trạng suy thoái rừng đến mức độ báo động khẩn cấp. Năm 1943, cả nước ta có 14,3 triệu hécta rừng, che phủ 43,6% diện tích. Hiện nay, chúng ta chỉ còn 7,8 triệu hécta, che phủ có 23,6% diện tích, thấp hơn tỷ lệ che phủ bình quân trên thế giới rất nhiều. Trong 6 năm qua, mỗi năm ta mất trắng 25 vạn hécta rừng. Diện tích đất trống đồi trọc và rừng suy tàn đã lên tới 13,6 triệu hécta chiếm đến 40% diện tích cả nước. Cứ đà này thì chỉ trong vòng 25 - 30 năm nữa nước ta sẽ mất hết rừng. Trữ lượng gỗ của nước ta hiện nay còn không quá 565 triệu mét khối, trong khi đó, sản phẩm của rừng vẫn đang bị lãng phí rất nghiêm trọng ở tất cả các khâu: khai thác, vận chuyển, chế biến và sử dụng. Chỉ tiêu về sản lượng gỗ khai thác ngày vẫn đang tăng lên và vượt quá xa khả năng tái sinh của rừng; rừng đang hàng ngày hàng giờ được khai thác đáp ứng nhu cầu hết sức to lớn về củi và chất đốt dân dụng mà không có con số thống kê, kế hoạch nào nắm chắc; trong những năm qua, diện tích khai hoang (một phần rất lớn đánh vào rừng) đã được quyết toán chi phí trên 1 triệu hécta rừng chỉ có 50 vạn hécta được đưa vào sử dụng và nói chung là không được tính toán đến sự thiệt hại về rừng; việc xuất khẩu gỗ ván sàn thực chất là xuất khẩu gỗ có tiêu chuẩn chất lượng cao chứ không phải là tận dụng bìa, bắp, cành, ngọn; các nhà máy chế biến gỗ lạng đã được nhập và đang hoạt động chỉ thu hồi được 18 - 20%. Sản phẩm từ nguyên liệu; diện tích trồng rừng trong nhiều năm qua chiếm một tỷ lệ rất không đáng kể so với rừng bị phá song tỉ lệ thành rừng chỉ có 40% số diện tích Nhà nước đã bỏ vốn đầu tư để trồng, v.v..

Nhà nước ta đã có Pháp lệnh về bảo vệ rừng, đã có nhiều chủ trương về tiết kiệm gỗ, về trồng cây gây rừng đặc biệt là gần đây đã phát động phong trào về phủ xanh đất trống đồi trọc là những chủ trương hết sức quan trọng. Điều đáng tiếc là, các chủ trương lớn nói trên còn ít được cụ thể hoá thành các giải pháp khoa học - kỹ thuật, giải pháp kinh tế, giải pháp chính trị - tư tưởng và hành chính - pháp chế có căn cứ vững chắc và có khả năng hiện thực. Trong khi làm việc với Bộ Lâm nghiệp và các tỉnh, chúng tôi nhận thấy, các đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm đều đang hết sức băn khoăn lo lắng và rất lúng túng về các biện pháp chủ trương cụ thể. Chỉ nói riêng trên góc độ khoa học - kỹ thuật, Ủy ban chúng tôi cho rằng, cần phải có chương trình nghiên cứu tập trung đồng bộ huy động tiềm lực khoa học - kỹ thuật trên cả nước chứ không thể chỉ là việc của ngành Lâm nghiệp, của các nhà khoa học - kỹ thuật về rừng. Ở đây có cả những vấn đề khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học - kỹ thuật. Trong khi tiếp cận với Liên hiệp lâm công nghiệp Ea Súp được giao phụ trách một diện tích đến 45 vạn hécta rừng, đoàn công tác của Ủy ban chúng tôi thấy, tập thể các đồng chí lãnh đạo và cán bộ khoa học - kỹ thuật ở đây đã có được cách đặt vấn đề ít nhiều có căn cứ khoa học, trên cơ sở nắm vững tài liệu điều tra cơ bản, điều kiện tự nhiên, sinh lý cây rừng..., đã xây dựng được một quy hoạch liên kết các khâu trồng; chăm sóc tái sinh rừng, khai thác hợp lý, lấy rừng nuôi rừng, v.v. với dự kiến khai thác các tiểu khu theo luân kỳ 20 năm và chu trình kín đến 100 năm. Đó là cách làm đáng hoan nghênh song đáng tiếc là một dự án lớn như vậy mà chưa được một hội đồng khoa học - kinh tế - kỹ thuật có thẩm quyền nào của Bộ hoặc của Nhà nước thẩm tra xét duyệt mặc dù đề án đã và đang được liên hiệp tổ chức thực hiện với quy mô đầu tư lớn.

Việc trồng cây công nghiệp, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang được coi là mũi nhọn đầu tư để xuất khẩu hiện nay và trong nhiều năm tới. Chúng tôi phấn khởi thấy rằng trong năm 1984, việc trồng cây công nghiệp dài ngày đã có những chuyển biến tốt. Chúng tôi hoan nghênh những cố gắng gần đây của các ngành cao su, cà phê, chè trong việc từng bước xây dựng các vùng chuyên canh và trong việc bước đầu coi trọng kỹ thuật canh tác cây công nghiệp. Ủy ban chúng tôi thấy cần nhắc lại rằng việc trồng cây công nghiệp ào ạt trong những năm 1977 - 1981 đã đưa những hậu quả rất đáng tiếc. Trong những năm đó, ở một số vùng thuộc miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên đã có hàng chục nghìn hécta rừng và đất hoang được khai phá để trồng cây công nghiệp. Đến nay, phần lớn số diện tích nói trên cây trồng đều bị chết hoặc còi cọc không cho sản lượng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nói trên là do không tôn trọng những cơ sở khoa học - kỹ thuật của việc canh tác cây công nghiệp và trong tính toán kinh tế. Cụ thể là:

- Thiếu những tài liệu điều tra cơ bản có căn cứ khoa học về đất đai, về điều kiện khí hậu tự nhiên.

- Không tôn trọng những quy trình kỹ thuật tối thiểu đối với từng loại cây tương ứng từ các khâu giống, làm đất, kỹ thuật trồng, chăm bón, tưới tiêu, v.v..

- Thiếu những tính toán vững chắc và có chính sách đầu tư đồng bộ hợp lý.

Tuy hiện nay, các xí nghiệp, nông trường trồng cây công nghiệp đang từng bước khắc phục có kết quả những vấn đề trên, song khi nhìn vấn đề trên góc độ quy hoạch lớn, dài hạn, các đoàn công tác của ủy ban chúng tôi vẫn còn thấy rất lo ngại.

- Hiện nay, các ngành và các địa phương có liên quan đang soạn thảo quy hoạch trồng cao su, cà phê đến quy mô nhiều chục vạn hécta trong các năm tới, song tài liệu điều tra cơ bản về đất đai, điều kiện tự nhiên còn rất nhiều, phần lớn các vùng mới chỉ có tài liệu điều tra tổng quát ở tỉ lệ nhỏ. Thực tế là Ban phân vùng quy hoạch các tỉnh, rất lúng túng trong việc phân vùng quy hoạch cụ thể, có tình trạng tranh chấp đất quy hoạch giữa các loại cây, giữa cây công nghiệp với rừng và cây lương thực.

- Thiếu những tài liệu nghiên cứu, kết luận dứt điểm về điều kiện sinh thái và hiệu quả kinh tế của cây trồng để lựa chọn hướng đầu tư tối ưu cho từng vùng.

- Thiếu những điều kiện kỹ thuật và kinh tế cụ thể để bảo đảm cho việc tôn trọng quy trình trồng và chăm bón tối thiểu đối với từng loại cây trồng nhất là đối với các nông trường thuộc địa phương.

- Thiếu những tài liệu điều tra và tính toán cụ thể để xây dựng được các luận chứng kinh tế - kỹ thuật có đầy đủ căn cứ khoa học, để lên các quy hoạch đồng bộ nhất là những yêu cầu chung quanh việc đưa những lực lượng lao động lớn đến các vùng cây công nghiệp tập trung (lương thực, giao thông vận tải, vật liệu xây dựng, y tế, giáo dục, v.v.).

III- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Kính thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội!

Từ những điều trình bày trên đây, Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội xin kiến nghị với Quốc hội và Hội đồng Nhà nước lưu ý Hội đồng Bộ trưởng và các ngành các cấp những vấn đề sau đây:

A- VỀ ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KHOA HỌC KỸ THUẬT

1. Cần chỉ đạo xây dựng các chương trình nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật một cách có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa trên cơ sở bám sát các mục tiêu và các vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách nhất của đất nước.

2. Cần có sự quan tâm trước hết đến những vấn đề có tính phổ cập, dễ đầu tư giải quyết bằng điều kiện sẵn có trong nước, dễ đưa thành phong trào quần chúng rộng rãi và do đó, dễ thu được hiệu quả xã hội lớn. Ví dụ: giải quyết triệt để hơn nữa vấn đề hệ thống giống lúa 4 cấp; vấn đề chất đốt dân dụng; vấn đề thuỷ điện nhỏ, vừa và hầm khí sinh vật; vấn đề khai thác tận dụng nguyên liệu khoáng sản sẵn có tại các địa phương phục vụ phân bón nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nguyên liệu phụ gia cho công nghiệp, v.v..

3. Trong tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác nghiên cứu đề nghị có sự huy động phối hợp lực lượng có tính cách liên ngành; chú trọng thích đáng về lực lượng và đầu tư cho khâu chế tạo và sản xuất thử; xây dựng thành quy chế, cách đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, có chính sách giải quyết vật tư kỹ thuật cho ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng đòn bẩy kinh tế thích đáng đối với việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

4. Có chính sách cụ thể kích thích cán bộ khoa học - kỹ thuật về cơ sở sản xuất, đặc biệt là ở các vùng kinh tế quốc phòng quan trọng như Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc.

B. VỀ VẤN ĐỀ RỪNG VÀ CÂY CÔNG NGHIỆP

1. Đề nghị Nhà nước thành lập một Ủy ban đặc biệt xem xét mọi vấn đề có liên quan đến rừng và đề ra những biện pháp khẩn cấp có hiệu lực để bảo vệ và phát triển vốn rừng.

2. Tổ chức một phong trào rộng lớn giáo dục về vấn đề nguy cơ huỷ diệt môi trường sống do mất rừng, nâng cao giác ngộ của nhân dân.

3. Nhà nước xem xét quyết định những biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ rừng, và tiết kiệm tiêu dùng gỗ. Trong đó, Ủy ban chúng tôi đề nghị: Hết sức coi trọng cân đối kế hoạch về khai thác gỗ củi và khả năng tái sinh vốn rừng; không để các lâm trường chỉ khai thác gỗ mà không bảo đảm trồng và cân đối tái sinh vốn rừng; mô hình hoá và giải quyết đồng bộ các vấn đề kinh tế - kỹ thuật của việc phủ xanh đất trống đồi trọc trong đó có biện pháp nghĩa vụ bắt buộc; có chính sách rõ ràng về trồng cây lấy củi và đưa vào cân đối kế hoạch vấn đề củi và chất đốt trong toàn xã hội; khuyến khích đặc biệt việc tận dụng và chế biến các sản phẩm gỗ, chấm dứt việc khai hoang nhằm vào rừng; nghiên cứu hướng thu hút đồng bào các dân tộc miền núi vào các lâm trường hoặc nông trường trồng cây công nghiệp như kinh nghiệm bước đầu của Liên hiệp các xí nghiệp cà phê, Liên hiệp lâm công nghiệp Ea Súp và tỉnh Đắc Lắc đang thực hiện, coi là một hướng có triển vọng góp phần giải quyết vấn đề định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc miền núi.

4. Đề nghị có chỉ thị cho tất cả các ngành có liên quan tập trung giải quyết nhanh chóng tài liệu điều tra cơ bản cho các vùng rừng và chuyên canh cây công nghiệp tập trung.

5. Trong kế hoạch hoá việc trồng rừng và trồng cây công nghiệp không lấy diện tích trồng làm chỉ tiêu pháp lệnh mà phải lấy sản lượng, sản phẩm hoặc số cây sống đủ tiêu chuẩn sinh trưởng làm chỉ tiêu chủ yếu.

6. Yêu cầu các ngành hữu quan ban hành các quy trình kỹ thuật trồng và tái sinh rừng, trồng và chăm bón các loại cây công nghiệp và bắt buộc chấp hành. Đề nghị Ngân hàng đầu tư kiên quyết từ chối thanh toán đối với các diện tích trồng rừng và cây công nghiệp không bảo đảm quy trình.

7. Kế hoạch trồng rừng và trồng cây công nghiệp cần được tính toán chặt chẽ, tiết kiệm đầu tư và có lãi song phải được cân đối đồng bộ.

8. Cần có chính sách cụ thể khuyến khích việc liên kết về mặt kinh tế - kỹ thuật giữa các khâu giao trồng, chế biến kinh doanh rừng và cây công nghiệp.

Gấp rút giải quyết vấn đề giá cả hợp lý cho các sản phẩm ngành Lâm nghiệp và cây công nghiệp.

Kính thưa Quốc hội!

Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội mong được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước xem xét, chấp thuận những đề nghị trên đây của Ủy ban chúng tôi.

Kính chúc sức khỏe các đồng chí đại biểu,

Kính chúc kỳ họp Quốc hội thành công tốt đẹp.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội