VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

THUYẾT TRÌNH
CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở MIỀN NÚI TRONG KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1985
(Do ông Hoàng Trường Minh, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội
 trình bày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa VII, ngày 24-12-1984)

Kính thưa các đại biểu Quốc hội,

Hội đồng dân tộc chúng tôi nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ về kế hoạch nhà nước năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng báo cáo trước Quốc hội.

Dưới đây, Hội đồng dân tộc chúng tôi xin phát biểu một số ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi trong kế hoạch nhà nước năm 1985.

Thưa Quốc hội,

Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta thấy rõ vị trí chiến lược quan trọng của miền núi đối với cả nước, nên luôn luôn quan tâm đến miền núi, đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm từng bước đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp, xóa bỏ sự chênh lệch giữa các vùng, giữa các dân tộc. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội lần thứ IV và lần thứ V của Đảng, các nghị quyết của các Hội nghị Trung ương Đảng khoá V, được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành nhiều chế độ, chính sách về cải tiến quản lý kinh tế, gần đây đã tiến hành khảo sát, điều tra cơ bản vùng Tây Nguyên và vùng Tây Bắc, đã ra Nghị quyết về các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. Đó là những cơ sở, những tiền đề cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội năm 1985 và các năm tới đối với miền núi.

Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết trên, các ngành, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và củng cố miền núi; củng cố và bảo vệ biên giới; đồng bào các dân tộc ngày càng đoàn kết, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước ta, đã và đang phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tích cực phấn đấu thực hiện kế hoạch, đưa nền kinh tế - xã hội miền núi từng bước phát triển, kế hoạch nhà nước từ năm 1981 - 1984 đã đạt được những kết quả đáng kể.

Trong 4 năm qua, mặc dù thiên tai, địch hoạ xảy ra liên tiếp (nhất là năm 1984) và ở vùng biên giới phía Bắc thường xuyên có sự bắn phá quấy rối của bọn bành trướng..., nhưng nông nghiệp miền núi vẫn có tiến bộ trong việc đẩy mạnh thâm canh lúa, mở mang thêm được nhiều diện tích lúa màu và cây công nghiệp. Năm 1983, sản lượng lương thực của 8 tỉnh miền núi phía Bắc và 3 tỉnh Tây Nguyên cộng lại đã đạt 1,8 triệu tấn. Tỉnh Hoàng Liên Sơn, năm 1983 và năm 1984 đã đạt năng suất bình quân lúa ruộng cả tỉnh trên 5 tấn/ha. Đến nay, các tỉnh miền núi nói chung đã có cố gắng trong việc tự cân đối nhu cầu lương thực thuộc phần địa phương và làm nghĩa vụ với Nhà nước ngày càng tăng. Nhiều huyện miền núi đã có bình quân lương thực đầu người một năm từ 400 kg đến 600 kg; có xã, hợp tác xã đã tới 1.000 kg (ở Bình Trị Thiên). Huyện Mèo Vạc (Hà Tuyên) là vùng núi đá tai mèo, nhưng đã sản xuất được lương thực bình quân đầu người 20 kg một tháng và tự cân đối được lương thực thuộc phần địa phương trong huyện.

Tình hình chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, cây thực phẩm ở miền núi đều phát triển. Một số vùng cây công nghiệp, cây xuất khẩu, như chè, quế, trẩu, sở, cà phê, cao su, thuốc lá, luồng, hồi, tiêu, dược liệu, cây lấy sợi và làm giấy, v.v., đã hình thành và đang tạo ra khối lượng hàng hóa cho công nghiệp, cho xuất khẩu ngày càng nhiều.

Về lâm nghiệp, do sản xuất nông nghiệp dần dần đi vào thâm canh, nên rừng ở một số nơi cũng dần dần được bảo vệ. Nạn chặt phá rừng làm nương rẫy và cháy rừng giảm dần. Việc thực hiện Chỉ thị 29 và Nghị quyết 184 của Hội đồng Bộ trưởng từng bước đạt kết quả. Một số huyện miền núi thực hiện định canh, định cư gắn với phát huy nguồn tài nguyên tại chỗ, sản xuất theo phương thức nông - lâm kết hợp, đang hướng vào phát triển tiểu thủ công nghiệp chế biến, phát triển hàng xuất khẩu. Đó là phương hướng đúng, đang mở ra triển vọng lớn cho việc phát triển kinh tế ở miền núi.

Các tỉnh biên giới phía Bắc hàng ngày có chiến đấu ác liệt với bọn bành trướng... nhưng sản xuất vẫn phát triển, đoàn kết được tăng cường, an ninh trật tự ổn định, đời sống vẫn được bảo đảm. Các tỉnh vùng Tây Nguyên đã và đang xây dựng có kết quả các vùng kinh tế mới và tổ chức đồng bào định canh, định cư. Nhiều nơi ở Tây Nguyên có phong trào tách nhà dài thành các hộ nhỏ, xây dựng bản làng mới, phát triển sản xuất lương thực và thế mạnh cả trong quốc doanh, tập thể và gia đình, từng bước đổi mới bộ mặt kinh tế - xã hội ở các vùng này.

Do sản xuất phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc miền núi, kể cả các vùng cao, biên giới, vùng có chiến đấu hàng ngày với bọn bành trướng... ở biên giới phía Bắc, cơ bản đã đủ ăn về lương thực. Các nhu cầu về hàng tiêu dùng thiết yếu của đồng bào được các ngành có trách nhiệm và các địa phương cung ứng khá hơn trước. Sản phẩm hàng hóa ở miền núi, nhiều nơi đang ngày càng tăng. Đường giao thông phát triển thêm và sự đi lại ở miền núi thuận tiện hơn trước. Văn hóa, giáo dục, vệ sinh phòng bệnh có tiến bộ.

Tuy nhiên, thực trạng của tình hình kinh tế - xã hội ở miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, tuy có tiến bộ, phát triển, nhưng chưa đồng đều và còn chậm so với các vùng khác. Sản xuất lương thực tăng khá, nhưng chưa vững chắc, vì phần tăng đó chủ yếu là do quảng canh và phát rừng làm nương rẫy du canh. Các thế mạnh của từng vùng chưa phát triển mạnh mẽ. Rừng và các tài nguyên rừng tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng. Theo số liệu báo cáo của Bộ Lâm nghiệp thì mấy năm gần đây rừng vẫn tiếp tục bị phá đi nhiều do nhiều nguyên nhân, mỗi năm từ 23 - 25 vạn ha và tỷ lệ đất rừng có tán che phủ chỉ còn 23% trong toàn quốc. Có nơi đang có tình trạng đi chặt cây để tìm trầm, đốt rừng để tìm sắt thép vụn, gây nên nguy cơ phá hoại rừng càng trầm trọng (Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Trị Thiên).

Diện du canh, du cư còn rất lớn (trong 2,2 triệu người du canh, du cư, đến nay mới hoàn thành cuộc vận động định canh, định cư được độ 60 vạn người).

Giao thông, vận tải, thuỷ lợi và giao lưu kinh tế ở vùng cao, xa xôi, hẻo lánh vẫn còn kém phát triển. Kinh tế hàng hóa ở miền núi, phát triển chưa mạnh, vẫn mang nặng tính tự cấp tự túc.

Quan hệ sản xuất mới ở miền núi, nói chung còn nhiều yếu kém kéo dài, do chưa thoát khỏi khuôn khổ của nền sản xuất độc canh, quảng canh, tự cấp tự túc.

Về mặt văn hóa, xã hội ở miền núi cũng phát triển chậm. Số học sinh đi học ngày càng giảm. Nạn mù chữ và tái mù chữ tăng lên ngày càng nhiều. Ở vùng cao, có nơi còn tới 50% số cán bộ chủ chốt ở cơ sở không biết chữ và nhiều xã chưa có đủ các lớp cấp I hoàn chỉnh. Có xã đã qua 30 năm nay, nhưng tìm được người lớp 2, lớp 3 cũng rất hiếm (xã Tả Thàng, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn). Nhiều nơi còn thiếu nhiều cán bộ y tế và thuốc chữa bệnh. Mê tín dị đoan, tập tục lạc hậu có chiều hướng phát triển trở lại. Ở vùng cao, biên giới, xa xôi, hẻo lánh, có nơi hàng năm nhân dân không được xem văn nghệ, chiếu bóng 1 lần; có nơi dầu, muối cũng còn thiếu, phải mua ngoài tới 20 đồng một chai dầu hoả (như ở xã Hướng Hiệp, huyện Hướng Hoá, tỉnh Bình Trị Thiên). Ở biên giới phía Bắc, còn có những nơi tổ chức sản xuất, cư trú của đồng bào chưa thật ổn định, mấy năm nay đã có nhiều hộ tự di cư đi nơi khác, kể cả vào vùng Tây Nguyên và miền núi phía Nam. Đời sống của đồng bào, cán bộ và bộ đội ở miền núi, nhất là vùng cao, biên giới giáp Trung Quốc, còn nhiều khó khăn. Có nơi thiếu cả chăn áo ấm (như ở điểm tựa 13.364 Hoàng Su Phì, Hà Giang, 7 chiến sĩ mới có 3 áo bông, v.v.).

Tình hình tồn tại, yếu kém trên là do nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng hơn cả là do nhận thức đối với miền núi và vùng các dân tộc thiểu số của các cấp, các ngành chưa đầy đủ; sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện và việc cụ thể hoá các chủ trương, phương hướng đã được Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra đối với miền núi của các ngành, các cấp chưa được nghiêm túc.

Nhiều nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ không được nghiên cứu và ban hành kịp thời và đầy đủ, làm cho các địa phương miền núi rất lúng túng trong quá trình vận dụng thi hành các chỉ thị, nghị quyết đó.

Về mặt xây dựng và thực hiện kế hoạch nhà nước hàng năm thì cũng còn ở tình trạng không cụ thể đối với miền núi. Trong báo cáo về kế hoạch nhà nước thường chỉ chú ý phân bổ và cân đối, tổng hợp, phân tích theo ngành, còn từng khu vực lãnh thổ thì miền núi cũng chưa được cụ thể hoá bằng các chỉ tiêu, mức độ và biện pháp, chính sách cụ thể.

Vừa qua, lần đầu tiên, Hội đồng dân tộc tổ chức nghe báo cáo của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và một số Bộ về kế hoạch năm 1985 đối với miền núi, nhưng các cơ quan này không nắm được sâu tình hình và rất lúng túng trong việc chuẩn bị nội dung báo cáo, vì không có bộ phận giúp việc chuyên trách về miền núi (trừ Bộ Giáo dục và Ban định canh, định cư Bộ Lâm nghiệp).

Thưa Quốc hội,

Xuất phát từ nhiệm vụ cách mạng chung của cả nước và những yêu cầu miền núi, Hội đồng dân tộc chúng tôi đã nhiều lần trình bày thực trạng của miền núi và đã kiến nghị nhiều vấn đề trong các kỳ họp trước của Quốc hội. Lần này, chúng tôi xin tiếp tục đề cập và có một số kiến nghị như sau:

1. Về kinh tế - xã hội:

Để đưa nền kinh tế cả nước tiến nhanh lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, sớm kết thúc bước đi ban đầu, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược và bốn mục tiêu về kinh tế - xã hội, thì chỉ có thể và phải bằng cách đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các vùng và các ngành kinh tế quốc dân, trong đó không thể không quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vì miền núi là một bộ phận quan trọng của cả nước và đang cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhất là vùng biên giới phía Bắc. Do đó, cả nước cần có trách nhiệm đối với miền núi, trước mắt là đối với vùng biên giới phía Bắc. Trong kế hoạch nhà nước năm 1985 phải được cụ thể hoá, thể hiện bằng các chỉ tiêu biện pháp và chính sách cụ thể đối với nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở miền núi, làm cho miền núi nhanh chóng có những cơ sở vật chất - kỹ thuật để phát triển kinh tế - xã hội và cùng cả nước đánh bại âm mưu xâm lược nham hiểm của bọn bá quyền, bành trướng...

Cần hoàn thành sớm việc lập quy hoạch kinh tế cụ thể và xác định phương hướng sản xuất ở từng vùng trên địa bàn từng huyện và miền núi, gắn quy hoạch và kế hoạch các ngành, với kế hoạch xây dựng vùng kinh tế mới, với định canh, định cư. Quy hoạch, phương hướng sản xuất và kế hoạch kinh tế - xã hội miền núi phải được xây dựng từ cơ sở lên, gắn đất đai tài nguyên mỗi nơi mà bố trí và phân công lại lao động, cả quốc doanh, tập thể và gia đình, nhằm phát huy các thế mạnh, bảo đảm được các nhiệm vụ:

a) Phát triển sản xuất lương thực (cả lúa và các loại chất bột) đến mức cố gắng cao nhất, để tự trang trải nhu cầu lương thực tại chỗ trên địa bàn từng huyện, bằng con đường thâm canh, tăng năng suất, tăng vụ, sản xuất nông - lâm kết hợp trên từng đơn vị diện tích, đồng thời bằng cách khai thác và phát triển các thế mạnh của miền núi để trao đổi lấy lương thực, nhưng không chặt phá rừng để trồng lương thực. Sản xuất phải đi đôi với tiết kiệm lương thực và tiêu dùng mọi mặt để phát triển sản xuất và bảo đảm đời sống.

b) Đi đôi với sản xuất lương thực, cần đẩy mạnh phát triển các cây thực phẩm, chăn nuôi (nhất là các loại ăn cỏ), cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, cây đặc sản, cây xuất khẩu, để nhanh chóng tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng nhiều cho công nghiệp và xuất khẩu.

c) Về lâm nghiệp, cần hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho quốc doanh, tập thể và gia đình quản lý và kinh doanh theo hướng nông - lâm kết hợp trên từng đơn vị diện tích. Cần thật sự coi trọng công tác lâm sinh, bảo vệ, nuôi dưỡng và tái sinh rừng hơn nữa, trong kế hoạch năm 1985 cũng như các năm tiếp theo. Cần có chính sách quy định việc thực hiện phương châm "lấy rừng nuôi rừng" ở miền núi một cách cụ thể để các địa phương áp dụng (vì hiện nay, các địa phương đang lúng túng vấn đề này).

d) Công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp ở miền núi cần được quan tâm hơn đến việc đẩy mạnh phát triển, nhất là các ngành, nghề thủ công chế biến màu, nông lâm đặc sản, hàng xuất khẩu. Đồng thời, cần phát triển lưu thông, phân phối, giao lưu kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu của các địa phương, bảo đảm phục vụ tốt hơn nữa các mặt hàng thiết yếu và hợp thị hiếu của đồng bào và chiến sĩ ở miền núi, nhất là vùng cao, biên giới, nơi xa xôi hẻo lánh.

đ) Trong kế hoạch nhà nước năm 1985 và các năm tiếp theo, Nhà nước cần tăng mức đầu tư và có phương án từng bước xây dựng các cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống ở miền núi; trong đó chú ý phát triển giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện nhỏ ở các vùng kinh tế, vùng định canh, định cư, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế ở vùng biên giới. Kế hoạch đầu tư cần toàn diện, nhằm phục vụ việc phát huy các thế mạnh ở miền núi theo tinh thần tập trung, đồng bộ, dứt điểm, từ ban đầu đến khi có sản phẩm thu hoạch và mở rộng sản xuất. Cần quan tâm giúp đỡ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao, biên giới và vùng căn cứ cách mạng cũ.

e) Về mặt văn hóa - xã hội, cần chăm lo tốt hơn công tác vệ sinh phòng bệnh cho đồng bào các dân tộc, trước hết cần tích cực dập tắt bệnh sốt rét đang tái phát ở một số vùng, bệnh bướu cổ và một số bệnh xã hội khác. Đồng thời, phải đẩy mạnh phát triển phong trào giáo dục, thanh toán nạn mù chữ, bổ túc văn hóa, phong trào văn hóa, văn nghệ, phổ biến khoa học - kỹ thuật, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, chống mê tín dị đoan, v.v., ở miền núi, nhất là ở vùng cao, biên giới.

g) Để bảo đảm sản xuất và đời sống ở vùng biên giới phía Bắc, vấn đề có tính chất quyết định là phải gắn sản xuất với sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ sản xuất, tăng cường đoàn kết và nêu cao cảnh giác, chống địch phá hoại sản xuất, mua chuộc, dụ dỗ đồng bào, chiến sĩ ta. Các ngành thương nghiệp quốc doanh cần bảo đảm cung cấp tương đối đủ tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng cần thiết cho các vùng này. Đây là một biện pháp quan trọng để góp phần chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng.... Việc kết nghĩa và giúp đỡ của các tỉnh miền xuôi, các tỉnh tuyến sau với các tỉnh miền núi và tuyến I, bằng việc góp người, góp vốn, góp cán bộ đi xây dựng biên giới, cần được Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo chặt chẽ, có kế hoạch và nội dung cụ thể, nhằm đem lại kết quả thiết thực.

2. Về công tác vận động định canh, định cư:

Số đồng bào còn du canh, du cư ở nước ta còn lớn, lại là những vùng cao, núi đá, có rất ít ruộng đất, ở biên giới và nơi xa xôi hẻo lánh, giao thông vận tải còn rất khó khăn. Vì vậy, để hoàn thành nhanh cuộc vận động định canh, định cư trong một vài năm tới, kể cả việc sắp xếp và ổn định dân cư, tổ chức lại sản xuất và sẵn sàng chiến đấu ở các vùng giáp biên giới phía Bắc, chúng tôi thấy, Hội đồng Bộ trưởng và các ngành, các cấp cần tăng cường sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện, có sự đầu tư và giúp đỡ toàn diện, đồng bộ và tập trung, dứt điểm hơn thời gian qua.

Cần tiến hành tổng kết và kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết 38 của Hội đồng Chính phủ từ năm 1968 đến nay, nhằm đúc rút và phổ biến những kinh nghiệm, nhân nhanh các điển hình tốt ra diện rộng, đồng thời bổ sung các chủ trương, biện pháp, chính sách cần thiết để nhanh chóng hoàn thành cuộc vận động định canh, định cư.

Phương hướng và nội dung định canh, định cư là: trên cơ sở quy hoạch kinh tế cụ thể sát hợp với tình hình thực tế ở mỗi vùng, gắn đất đai, rừng núi và tài nguyên của miền núi với nguồn lao động tại chỗ và lao động kỹ thuật, có nghề sẽ bổ sung để phát huy các thế mạnh của mỗi vùng, tổ chức đồng bào đi vào định canh, định cư theo cả ba hình thức: quốc doanh, tập thể và gia đình. Ví dụ: ở vùng Tây Nguyên, đã và đang có phong trào đưa mạnh lao động vào các nông, lâm trường quốc doanh để phát triển cao su, cà phê, kết hợp làm một phần lương thực, thực phẩm, xây dựng bản làng mới, xây dựng vườn cây, vườn rừng của tập thể và của các gia đình để định canh, định cư lâu dài. Đó là phương hướng đúng cần được phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Hoặc như ở vùng Quảng Ninh, cũng có thể tổ chức đồng bào ở một số vùng du canh, du cư thành các cơ sở quốc doanh và hợp tác xã trồng cây công nghiệp xuất khẩu; trồng gỗ chống lò cho vùng mỏ than ngay tại chỗ và làm kinh tế gia đình, để đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, vừa đáp ứng yêu cầu cải thiện đời sống nhân dân, vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế chung của đất nước.

Kế hoạch về định canh, định cư, cũng như kế hoạch xây dựng vùng kinh tế mới (kể cả kế hoạch đầu tư vốn và các chế độ, chính sách) cần được kết hợp chặt chẽ với nhau trên một địa bàn của mỗi vùng ở miền núi. Vì thực chất của định canh, định cư cũng là tổ chức lại sản xuất, bố trí lại lao động xã hội từ trình độ thấp tiến lên một nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế mới trên từng vùng lãnh thổ. Kế hoạch đó phải được cụ thể hoá bằng các chỉ tiêu, biện pháp và thống nhất vào kế hoạch nhà nước từ Trung ương đến địa phương, do Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo thực hiện, còn cơ quan định canh, định cư chỉ làm nhiệm vụ tham mưu, kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn nghiệp vụ. Ban định canh, định cư Trung ương và các tỉnh cần được củng cố, kiện toàn theo hướng đó, trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban nhân dân các cấp (như Nghị quyết số 38 của Hội đồng Chính phủ quy định). Có như vậy, Ban định canh, định cư mới đủ hiệu lực trong việc điều hoà, phối hợp và huy động các ngành tham gia cuộc vận động, vì nội dung định canh, định cư không chỉ là lâm nghiệp mà liên quan đến trách nhiệm của tất cả các ngành kinh tế, văn hóa, kế hoạch nhà nước và các ngành khác.

3. Đối với việc xây dựng và tăng cường cấp huyện ở miền núi:

Miền núi, nhất là các huyện vùng cao, biên giới có những đặc điểm khác, cho nên nội dung xây dựng và tăng cường cấp huyện ở các huyện miền núi cần được nghiên cứu, hướng dẫn khác với các vùng về hình thức, phương pháp và bước đi cụ thể, kể cả vấn đề tổ chức biên chế các cơ quan cấp huyện và xã ở miền núi.

Hội đồng Bộ trưởng nên có các quy định và các ngành Trung ương có kế hoạch hướng dẫn cụ thể về việc phân giao cho huyện chủ động, cùng cơ sở bố trí cơ cấu sản xuất, kinh tế trên địa bàn huyện, giao cho huyện chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh với các hình thức thích hợp, cả quốc doanh, tập thể và gia đình, phát triển các hình thức liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế trong huyện, với các huyện đồng bằng, các thành phố lớn và các xí nghiệp quốc doanh ngoài huyện.

Về mặt quản lý thị trường, thu mua sản phẩm, mở mang thị trường xã hội chủ nghĩa, bảo đảm phân phối hàng hóa trong huyện và làm nghĩa vụ với Nhà nước, cũng cần được quy định rõ cơ chế và các chế độ, chính sách cụ thể, giao cho huyện quyền chủ động. Đối với sản phẩm ngoài kế hoạch và vượt kế hoạch cũng như các sản phẩm ứ đọng do các ngành thương nghiệp không thu mua, nên giao cho huyện được quyền tổ chức lưu thông ra ngoài huyện (kể cả việc gửi hàng để xuất khẩu). Như vậy là, để tạo cho huyện có khả năng tự lo liệu một phần vốn đầu tư trở lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và trang trải thêm các nhu cầu đời sống trong huyện, đồng thời đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế chung của cả nước.

4. Về công tác đào tạo cán bộ dân tộc địa phương:

Số cán bộ người dân tộc địa phương ở miền núi hiện nay ngày càng giảm tỷ lệ trong tổng số cán bộ, đa số ở vào lứa tuổi già, chưa được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là về quản lý kinh tế, khoa học - kỹ thuật. Nguồn để đào tạo cán bộ mới và trẻ có nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi đề nghị Nhà nước và các cấp, các ngành cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho miền núi. Cần đặc biệt chú ý đào tạo các loại cán bộ quản lý kinh tế, khoa học - kỹ thuật, công nhân có nghề ở cấp huyện và cơ sở.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này, Nhà nước cần có sự đầu tư vốn thêm và bổ sung, sửa đổi các chế độ, chính sách đối với công tác cán bộ, như: chính sách ưu tiên chiêu sinh, tuyển sinh con em các dân tộc thiểu số vào các trường dạy nghề, các trường trung học chuyên nghiệp, đại học và dự bị đại học; chính sách phát triển các trường lớp thanh niên, thiếu niên dân tộc, các trường phổ thông cơ sở và trung học ở các huyện vùng cao, biên giới; chế độ cung cấp sinh hoạt phí, lương thực và trang cấp các điều kiện ăn học cho các trường dân tộc; chính sách khuyến khích cán bộ miền xuôi lên miền núi; đãi ngộ cán bộ hoạt động miền núi, nhất là cán bộ đã ở lâu năm miền núi, cán bộ xã và các ngành ở cơ sở, v.v..

5. Về lãnh đạo và chỉ đạo công tác ở miền núi:

Để giúp Đảng và Nhà nước lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ hơn đối với nhiệm vụ từng bước tích cực đưa miền núi tiến kịp miền xuôi và xóa bỏ chênh lệch giữa các vùng, các dân tộc, thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, chúng tôi đề nghị Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nghiên cứu, chấn chỉnh các tổ chức bộ máy về công tác dân tộc, về miền núi của Hội đồng Nhà nước và của Hội đồng Bộ trưởng, để bảo đảm sự chỉ đạo tập trung; có chất lượng.

Cần tiến hành tổng kết kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng về công tác dân tộc và kế hoạch nhà nước từ năm 1981 đến nay về mặt phát triển kinh tế - xã hội đối với miền núi trong các cấp, các ngành.

Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm, đề ra chủ trương, phương hướng và biện pháp mới cho thời gian tới và chuẩn bị cho kế hoạch nhà nước 5 năm 1986 - 1990.

Trước mắt, chúng tôi đề nghị các Bộ, các ngành ở Trung ương cần tổ chức ngay bộ phận giúp việc chuyên trách về miền núi và phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách chỉ đạo công tác đối với miền núi, như trong các chỉ thị, nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng và Ban Bí thư Trung ương đã đề ra.

Thưa Quốc hội,

Trên đây là những ý kiến của Hội đồng dân tộc về vấn đề kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đối với miền núi trong kế hoạch nhà nước năm 1985, đề nghị Quốc hội nghiên cứu và xem xét.

Xin cảm ơn và kính chúc các đồng chí đại biểu Quốc hội mạnh khỏe.

Kính chúc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội thành công tốt đẹp.

 

Toàn văn Văn kiện
lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội