VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

BÁO CÁO THẨM TRA BỔ SUNG
CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI VỀ "PHẦN CÁC TỘI PHẠM" TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ
(Do ông Trần Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội
 trình bày tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VII, ngày 26-6-1984)

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Tiếp theo bản Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 12 năm 1983, tôi xin thay mặt ủy ban báo cáo bổ sung một số điểm về Dự thảo "Phần các tội phạm" trong Bộ luật hình sự.

Đất nước chúng ta đang ở trong bước đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đang diễn ra rất phức tạp và gay go. Nếu Bộ luật hình sự, nhất là "Phần các tội phạm", được xây dựng tốt, nghĩa là vừa bao quát lại vừa có trọng điểm, vừa đáp ứng những yêu cầu chung lâu dài, lại vừa tính đến những thực tế cụ thể trước mắt, thì nó có thể góp phần tích cực xúc tiến hai nhiệm vụ chiến lược của nhân dân ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hoàn thành sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, từ đó mà tăng cường hơn nữa sự thống nhất của Tổ quốc ta trên lĩnh vực pháp chế xã hội chủ nghĩa, cũng như trên các lĩnh vực khác.

Trong kỳ họp tháng 12 năm 1983, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến chỉnh lý bản Dự thảo "Phần các tội phạm". Việc này, trong thời gian qua, đã được Hội đồng Bộ trưởng tiến hành khẩn trương. Trong suốt quá trình đó, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã nhiều lần họp toàn thể để thẩm tra bản Dự thảo sửa đổi; thường trực Ủy ban cũng dành nhiều thì giờ trực tiếp tham gia cùng Hội đồng Bộ trưởng sửa chữa và bổ sung bản Dự thảo.

Theo chúng tôi, so với bản Dự thảo cũ trình Quốc hội vào tháng 12 năm 1983, bản Dự thảo sửa đổi lần này đã được chỉnh lý tốt hơn, về mặt sắp xếp các chương mục cũng như về nội dung các điều khoản.

Dưới đây, Ủy ban chúng tôi xin trình Quốc hội một số nhận xét về bản Dự thảo sửa đổi.

1. Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cho ý kiến trong kỳ họp trước là các tội phạm và hình phạt trong Chương "Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế" (tức là Chương V trong Dự thảo cũ). Căn cứ vào ý kiến của các vị đại biểu và kết quả khảo sát thêm tình hình thực tế ở nhiều địa phương, trong Chương VII của Dự thảo hiện nay quy định "Các tội phạm về kinh tế", Hội đồng Bộ trưởng đã bỏ 4 Điều (các Điều 186, 187, 191 và 196 cũ), đã chuyển vào chương này 4 Điều (các Điều 104, 105, 106 và 107 cũ) của Chương II về các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa, đồng thời đã soát xét và chỉnh lý một số điều cho chặt chẽ hơn.

Ủy ban chúng tôi tán thành những điểm sửa đổi đó. Một mặt, chúng ta phải kiên quyết trừng trị những vi phạm có tính chất cố ý và gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế, nhằm giữ vững những nguyên tắc lớn như: thực hiện tập trung dân chủ; lấy kế hoạch hóa làm trung tâm; thống nhất quản lý tài chính quốc gia; bảo vệ tài nguyên của đất nước; bảo đảm lợi ích của nhân dân lao động. Mặt khác, chúng ta cần chiếu cố đúng mức đến thực tế trước mắt, là tình hình kinh tế ta còn chưa thật ổn định, trình độ quản lý kinh tế của Nhà nước ta chưa cao, cái đúng, cái sai không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định rõ; vì vậy, trên một số mặt nào đó, nếu quy định quá chặt thì sẽ không có lợi và cũng chưa chắc đã thi hành được. Trong Chương VII quy định "Các tội phạm về kinh tế", việc bỏ một số điều khoản là hợp lý, cũng như việc giữ lại một số điều khoản là cần thiết.

Trong Bộ luật hình sự này, tuy ta bỏ đi một số điều khoản, chưa coi những vi phạm nêu trong những điều khoản ấy là tội phạm hình sự, song điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta sẽ bị bó tay khi xảy ra những vi phạm như thế. Tuy không dùng cách xử lý về hình sự, nhưng khi cần thiết, chúng ta vẫn có thể dùng cách xử lý bằng biện pháp hành chính. Vả lại, sau này, khi tình hình đã chín muồi, chúng ta vẫn có thể bổ sung Bộ luật hình sự.

2. Cùng với việc sửa đổi hoặc điều chỉnh nội dung Chương VII (Dự thảo hiện nay), và một số chương khác, Hội đồng Bộ trưởng cũng đã thay đổi một ít về bố cục các chương của "Phần các tội phạm". Ủy ban chúng tôi tán thành bố cục mới gồm 12 chương như trong Dự thảo hiện nay.

Việc phân chia Chương III của Dự thảo cũ thành ba chương "Chương III, Chương IV và Chương VI) rõ ràng là hợp lý hơn trước, vì ở ba chương đó, đối tượng cần được pháp luật bảo vệ thật sự là có khác nhau, nếu gộp lại thành một chương như trong Dự thảo cũ thì có phần khiên cưỡng.

Việc gộp Chương VI và Chương VII trong Dự thảo cũ thành Chương VIII mới, cũng như việc tách một số tội phạm ở Chương VII và Chương VIII trong Dự thảo cũ làm thành Chương X mới, là đúng đắn và cần thiết.

Cách bố cục như hiện nay, nội dung của "Phần các tội phạm" đã sáng rõ hơn, có tính hệ thống cao hơn so với Dự thảo cũ, do đó tạo thêm thuận lợi cho việc vận dụng và thi hành Bộ luật hình sự, cũng như cho việc nghiên cứu và giảng dạy sau này về Luật hình sự Việt Nam.

3. Riêng về Chương XII, chúng tôi thấy cần trình Quốc hội xem xét thêm về một vài điều. Chương này gồm 6 điều, trong đó 4 điều quy định về các tội phá hoại hòa bình và chống loài người, còn 2 điều khác thì một điều (Điều 277) quy định "Tội phá hoại an ninh quốc gia của các nước xã hội chủ nghĩa anh em", và một điều (Điều 278) quy định "Tội phá hoại đoàn kết quốc tế, gây tổn hại cho sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới". Hai Điều 277 và 278 đúng là nên được cân nhắc kỹ hơn.

Ủy ban chúng tôi cho rằng cần phân biệt rõ hai loại tội phạm khác nhau: một loại là những tội phạm quốc tế, tức là những tội phạm mà pháp luật quốc tế chung (công pháp quốc tế) đã ngăn cấm, như các tội quy định ở các Điều 274, 275, 276, 279 trong Chương XII; một loại khác là những tội xâm phạm an ninh quốc gia của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, như quy định ở Điều 277. Sắp xếp hai loại tội phạm này trong cùng một chương là không hợp lý, vì như vậy tức là làm lẫn lộn tính chất và mức độ nghiêm trọng khác nhau của hai loại tội phạm đó. Một mặt, chúng ta không thể coi những hành vi gián điệp, hoặc tuyên truyền chống một Nhà nước xã hội chủ nghĩa khác, v.v., là những tội phạm cùng loại với các tội gây chiến tranh xâm lược, chống loài người. Mặt khác, chúng ta cũng cần thấy rằng những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia của một nước xã hội chủ nghĩa khác mà xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, như hoạt động tình báo nhằm chống lại một Nhà nước xã hội chủ nghĩa khác, hoặc gây bạo loạn chống cơ quan ngoại giao của một nước xã hội chủ nghĩa khác đặt ở nước ta, v.v. tuy nhằm vào an ninh quốc gia của nước xã hội chủ nghĩa đó, nhưng trước hết là xâm phạm an ninh quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và đương nhiên phải bị trừng trị theo những điều khoản về các tội xâm phạm an ninh quốc gia của nước ta. Chính vì những lẽ đó mà chúng tôi tán thành đưa nội dung Điều 277 ở Chương XII lên Chương I, mục A, thành Điều 87 như đã ghi trong Dự thảo cũ.

Đối với Điều 278 quy định "tội phá hoại đoàn kết quốc tế, gây tổn hại nghiêm trọng cho sự nghiệp hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới", chúng tôi thấy nội dung Điều này quá rộng, quá trừu tượng. Trong Luật hình sự, việc xác định một tội phạm nhất thiết phải rõ ràng, cụ thể, mỗi tội phạm có những dấu hiệu riêng của nó. Nếu quy định quá chung chung, không xác định được hành vi và dấu hiệu tội phạm, khiến không thể hiểu được tội phạm đó là như thế nào, thì không thể đem ra thi hành được. Phạm vi của Điều 278, trong thực tế, không những bao gồm tất cả các tội phạm thuộc Chương XII (các Điều 274, 275, 276 và 279), mà còn bao gồm cả một số tội phạm thuộc Chương I. Nếu những vi phạm thuộc các tội phạm ghi ở Chương XII thì phải trừng trị theo quy định ở Chương XII, nếu thuộc các tội phạm ghi ở Chương I thì phải trừng trị theo quy định ở Chương I, không cần phải có một điều riêng. Chúng tôi tán thành bỏ hẳn điều này, như Hội đồng Bộ trưởng mới đề nghị thêm trong báo cáo đọc trước Quốc hội hôm nay.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Dự thảo "Phần các tội phạm" của Bộ luật hình sự trình ra Quốc hội lần này đã được chỉnh lý tốt. Những vấn đề lớn, những điều khoản quan trọng đã được giải quyết thỏa đáng, đúng mức, rõ ràng và tương đối chặt chẽ, đạt chất lượng khá cao. Sau khi Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp này, Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban pháp luật của Quốc hội sẽ cùng nhau phối hợp để tiếp tục hoàn chỉnh.

Vì vậy, thay mặt Ủy ban pháp luật của Quốc hội, tôi xin trân trọng đề nghị Quốc hội thông qua sơ bộ dự thảo "Phần các tội phạm" trong kỳ họp này. Có như vậy thì các cơ quan có trách nhiệm mới có điều kiện để chuyển sang giai đoạn cuối cùng, tức là giai đoạn soát xét lại lần chót toàn bộ Dự thảo Bộ luật hình sự, gồm "Phần chung" và "Phần các tội phạm", nhằm hoàn chỉnh về mọi mặt và trình Quốc hội thông qua chính thức trong thời gian tới, đáp ứng nguyện vọng thiết tha và sự chờ mong chính đáng của nhân dân cả nước.

Xin cảm ơn các đồng chí!

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội