TỜ TRÌNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
VỀ BẢN DỰ THẢO PHẦN CÁC TỘI PHẠM CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ ĐƯỢC CHỈNH LÝ
(Do ông Phan Hiền, Bộ trưởng Bộ Tư pháp
trình bày tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VII, ngày 26-6-1984)
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Bộ luật hình sự gồm hai phần: phần chung và phần các tội phạm.
Phần chung quy định nhiệm vụ của Bộ luật hình sự, xác định thế nào là tội phạm, quy định hệ thống các hình phạt, đường lối xử lý và nguyên tắc áp dụng hình phạt... Phần này đã được Quốc hội thông qua sơ bộ trong kỳ họp tháng 6 năm 1983.
Phần các tội phạm quy định các tội phạm cụ thể và hình phạt đối với mỗi tội phạm; hình phạt này có những khung nặng nhẹ khác nhau để áp dụng thích đáng trong từng trường hợp cụ thể.
Trong quá trình biên soạn phần này, Ban Dự thảo đã được sự đóng góp ý kiến nhiều lần của các ngành làm công tác pháp luật và các ngành khác, của cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, của Quân đội, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 12 năm 1983, Quốc hội đã xem xét lần đầu bản Dự thảo. Sau kỳ họp đó của Quốc hội, Ban Dự thảo đã lấy ý kiến thêm của một số đoàn đại biểu Quốc hội, một số cơ quan Đảng và Nhà nước, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã nhiều lần làm việc với Ban Dự thảo. Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng đã nhiều lần nghe báo cáo và cho những chỉ thị cần thiết. Gần đây, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội sau khi nghiên cứu đã ủng hộ bản Dự thảo và tiếp tục góp ý kiến.
Kèm theo bản Dự thảo được chỉnh lý gửi các vị đại biểu Quốc hội có bản đối chiếu giữa bản Dự thảo in tháng 12 năm 1983 và bản in tháng 6 năm 1984. Tiếp thụ những ý kiến hướng dẫn gần đây nhất của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chúng tôi đã tiếp tục bổ sung, sửa đổi bản Dự thảo.
Sau đây chúng tôi báo cáo nội dung chính bản Dự thảo Phần các tội phạm được chỉnh lý.
I
Bộ luật hình sự là công cụ sắc bén để bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động và hiệu lực quản lý của Nhà nước, phục vụ đắc lực hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bộ luật hình sự phải thể hiện tính giai đoạn của cách mạng Việt Nam đang còn ở chặng đầu của thời kỳ quá độ, phản ánh đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, đồng thời tiếp thụ có chọn lọc những kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Căn cứ vào tình hình tội phạm hiện nay và dự kiến tình hình trong thời gian tới, Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự phải nêu đầy đủ những hành vi phạm tội, không bỏ sót tội phạm, nhất là tội phạm nghiêm trọng. Hình phạt phải có sự nghiêm khắc cần thiết, kiên quyết trấn áp kẻ địch chống phá cách mạng, bọn lưu manh côn đồ, đầu cơ buôn lậu, gian thương. Những cán bộ thoái hóa, biến chất cũng cần bị xử phạt thích đáng.
Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, công tác giáo dục và dư luận xã hội góp phần có hiệu quả trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm, bởi vậy, đối với một số hành vi vi phạm pháp luật, nếu xử lý bằng các biện pháp xã hội, hành chính, dân sự cũng đủ để giữ gìn trật tự xã hội, kỷ cương của Nhà nước thì không quy tội để trừng trị.
II
Bản Dự thảo Phần các tội phạm quy định 244 tội, chia làm 12 chương:
Chương I: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Chương II: Các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa.
Chương III: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Chương IV: Các tội xâm phạm những quyền tự do dân chủ của công dân.
Chương V: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân, gia đình và các tội phạm đối với người chưa thành niên.
Chương VI: Các tội xâm phạm sở hữu của công dân.
Chương VII: Các tội phạm về kinh tế.
Chương VIII: Các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính.
Chương IX: Các tội phạm về chức vụ.
Chương X: Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.
Chương XI: Các tội phạm về quân sự.
Chương XII: Các tội phá hoại hòa bình và chống loài người.
Chương I: CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA
Đất nước ta đang ở trong tình thế vừa có hòa bình vừa phải đương đầu với kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng, bá quyền... câu kết với đế quốc Mỹ và các thế lực phản động khác, đồng thời phải sẵn sàng đối phó với tình huống địch có thể gây chiến tranh xâm lược quy mô lớn. Bọn phản động trong nước cũng có âm mưu, hành động ngóc đầu dậy.
Bởi vậy Chương I, mục A, trừng trị nghiêm khắc các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia, thực chất là các tội phản cách mạng, nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục A quy định các tội như: tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội phá hoại; tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa, v.v..
Tiếp thụ những ý kiến mới nhận được sau khi bản Dự thảo đã được gửi tới các vị đại biểu, chúng tôi xếp vào mục A này những hành vi đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia của các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Chương I, mục B quy định một số tội khác cũng nguy hiểm cho an ninh quốc gia như tội chiếm đoạt máy bay, tàu thủy; tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, v.v..
Chúng tôi xin lưu ý các vị đại biểu: Điều 86 trừng trị "tội trốn theo địch, tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống lại chính quyền nhân dân". Đối với những trường hợp trốn đi nước ngoài không có mục đích phản cách mạng, Ban Dự thảo đề nghị phân biệt: những người tổ chức, cưỡng ép người khác trốn thì phải bị trừng trị (Điều 88); còn đối với người trốn đi vì hoàn cảnh gia đình, vì bị lôi kéo, lừa phỉnh thì chủ yếu là giáo dục, răn bảo, xử lý bằng biện pháp hành chính.
Chương II: CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Sở hữu xã hội chủ nghĩa dưới hai hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là cơ sở của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, là nền tảng, nguồn sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, nguồn ấm no của nhân dân. Việc bảo vệ sở hữu xã hội chủ nghĩa là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hiện nay, sở hữu xã hội chủ nghĩa đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm đấu tranh bảo vệ sở hữu xã hội chủ nghĩa nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến một cách cơ bản. Bởi vậy, đồng thời với việc kiên quyết trấn áp bọn phá hoại (quy định ở Chương I) và nghiêm trị bọn đầu cơ, bọn gian thương (quy định ở Chương VII), Chương II này trừng trị đích đáng các tội cướp, trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa; chương này cũng trừng trị những hành vi của cán bộ, nhân viên tham ô, sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa, hoặc thiếu trách nhiệm đến mức gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa.
Chương III: CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE, NHÂN PHẨM, DANH DỰ CỦA CON NGƯỜI
Chương III cùng với các Chương IV, V và VI thuộc nhóm các chương bảo vệ các quyền của công dân: quyền con người, quyền tự do dân chủ, quyền trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình, quyền tài sản.
Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, con người là vốn quý nhất. Tinh thần của Chương III là hết sức xem trọng việc bảo vệ quyền của con người. Các tội giết người, hiếp dâm bị trừng trị nặng; các tội gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe của người khác, cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, v.v. cũng bị xử lý thích đáng.
Một nguyên tắc đã được xác định ở Phần chung (Điều 13) là trường hợp phòng vệ chính đáng trong khi bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể hoặc bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hay của người khác mà gây ra chết người hoặc gây thương tích thì không phải là phạm tội. Còn nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà làm chết người thì phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng hình phạt nhẹ (tùy tình hình cụ thể mà bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm (Điều 115)).
Bản Dự thảo đặc biệt quan tâm góp phần bảo vệ sự phát triển lành mạnh của trẻ em, vì vậy, coi người có quan hệ tình dục với trẻ em dưới 13 tuổi bất kể trong trường hợp nào đều là phạm tội hiếp dâm và bị xử phạt thật nặng (Điều 125). Trường hợp quan hệ tình dục với người chưa thành niên từ 13 tuổi đến 15 tuổi cũng bị trừng trị.
Bản Dự thảo này lược bỏ tội truyền bệnh hoa liễu, tội dâm ô; những hành vi đó, nếu xảy ra, thì sẽ bị xử lý hành chính.
Chương IV: CÁC TỘI XÂM PHẠM NHỮNG QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ CỦA CÔNG DÂN
Trong chế độ ta, nhân dân lao động là người chủ tập thể của Nhà nước, của xã hội. Hiến pháp đã quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 54 Hiến pháp nói rõ: "Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân, công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội".
Việc bảo vệ những quyền của công dân, trong bản Dự thảo, được thể hiện ở nhiều chương, dưới những góc độ khác nhau. Chương IV này trực tiếp quy định một số tội như: tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật (xâm phạm quyền tự do thân thể); tội buộc thôi việc trái pháp luật (xâm phạm quyền lao động); tội xâm phạm quyền bầu cử; tội xâm phạm các quyền tự do hội họp, lập hội, tín ngưỡng; tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ, v.v.. Đối với một số quyền tự do dân chủ, có chú ý cả hai mặt: bảo vệ các quyền đó, đồng thời ngăn chặn việc lợi dụng những quyền này để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của xã hội.
Chương V: CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH VÀ CÁC TỘI PHẠM ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
Trong quá trình dự thảo, việc xử lý hình sự các hành vi vi phạm Luật hôn nhân, gia đình là một trong những vấn đề được chú ý, nhằm bổ sung chế tài đối với các vi phạm nghiêm trọng Luật hôn nhân, gia đình hiện hành. Chúng ta kiên quyết bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của hôn nhân, gia đình xã hội chủ nghĩa. Do vậy, Dự thảo đã quy định tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; tội vi phạm chế độ một vợ một chồng; tội hành hạ, ngược đãi nghiêm trọng cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, v.v.. Để bảo vệ nguyên tắc một vợ một chồng, Điều 143 của bản Dự thảo này đề nghị được bổ sung theo tinh thần là xử lý hình sự những trường hợp đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. Trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, với tình hình thực tế xã hội còn có nhiều sự phức tạp, cần xử lý hình sự trường hợp thật cần thiết, còn chủ yếu là dùng giáo dục, phân rõ phải trái, phê phán, khuyên bảo hoặc xử lý hành chính.
Những hành vi như thông gian, ngoại tình, trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng, trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc giáo dục con cái, v.v. đều là sai trái nhưng xử lý hình sự thì không có lợi bằng những biện pháp xã hội khác thích hợp hơn.
Chương VI: CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU CỦA CÔNG DÂN
Hiến pháp quy định trong Điều 27: "Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu của công dân về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ".
Cụ thể hóa Hiến pháp, Chương VI trừng trị các tội xâm phạm sở hữu của công dân. Các tội cướp, cưỡng đoạt, trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân đều bị trừng trị đích đáng. Đặc biệt, Điều 154 trừng trị những cán bộ, nhân viên lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân. Điều 151 trừng trị nặng tội bắt cóc người làm con tin nhằm cưỡng đoạt tài sản của công dân.
Chương VII: CÁC TỘI PHẠM VỀ KINH TẾ
Đây là một trong những chương được quan tâm nhiều.
Trong chặng đầu của thời kỳ quá độ, cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa diễn ra quyết liệt, kẻ địch lại hàng ngày, hàng giờ phá hoại ta về nhiều mặt, nhất là về kinh tế. Bởi vậy, mọi người nhất trí là phải đấu tranh kiên quyết, mạnh mẽ chống những hành vi phá hoại, trừng trị nghiêm khắc bọn đầu cơ, buôn lậu; làm và buôn bán hàng giả, phá rối thị trường xã hội chủ nghĩa; bọn bóc lột, những cán bộ thoái hóa, biến chất, tiếp tay cho bọn gian thương, bọn trộm cắp, đục khoét kinh tế của Nhà nước, của tập thể.
Trong quản lý kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có những cải tiến, nhưng còn những cái đang hình thành, có khi chưa theo kịp tình hình. Một mặt, phải bảo đảm quyền lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương về những vấn đề cơ bản của công tác quản lý kinh tế - xã hội trong cả nước. Mặt khác, Đảng và Nhà nước mở rộng quyền chủ động, sáng tạo của các ngành, các cấp, các cơ sở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực tế hiện nay đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng đối với hành vi xâm phạm trật tự, quản lý kinh tế, không thể cứng nhắc, tràn lan, cũng không thể buông lỏng, làm mất tính chất nghiêm của luật. Do vậy, bản Dự thảo nêu: tội cố ý làm trái những quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 171); tội lập quỹ trái phép (Điều 172); tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 173).
Xử lý các hành vi sai trái trong lĩnh vực quản lý kinh tế phải kiên quyết nhưng hợp lý, hợp tình, có tính đến trình độ tổ chức, trình độ cán bộ, những khó khăn khách quan của ta hiện nay và một số năm sau; phân biệt những trường hợp chỉ cần xử lý hành chính với những trường hợp phải xử lý hình sự. Trên tinh thần này, tuy quy định các tội cố ý làm trái những quy định của Nhà nước lập quỹ trái phép, báo cáo sai trong quản lý kinh tế, bản Dự thảo nói rõ chỉ coi là phạm tội hình sự khi có động cơ vụ lợi và gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm. Cũng trên tinh thần đó, bản Dự thảo không quy tội những vi phạm về việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của Nhà nước, về việc thực hiện các tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật, về việc sản xuất sản phẩm kém phẩm chất, về việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, cây trồng. Đồng thời cũng sửa lại cách viết đối với một vài tội khác.
Chương VIII: CÁC TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG VÀ TRẬT TỰ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
Hiến pháp trong Điều 78 xác định: "Công dân có nghĩa vụ... bảo vệ trật tự an toàn xã hội..., tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa".
Mục A quy định các tội xâm phạm an toàn công cộng gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người, đến tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Có những tội như tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông; tội vi phạm các quy định về an toàn lao động, về bảo hộ lao động, về an toàn ở những nơi sinh hoạt đông người; tội vi phạm các quy định về xây lắp; tội vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy... Đối với những hành vi quy định trong mục này chỉ bị coi là tội phạm hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng. Người phạm tội có thể là người có chức trách, cũng có thể là công dân thường.
Mục B quy định các tội xâm phạm trật tự công cộng như: tội gây rối ở những nơi công cộng; tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc; tội chứa mãi dâm hoặc môi giới mãi dâm.
Mục C quy định các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Có những tội như: tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự; tội làm trái hoặc cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự; tội giả mạo chức vụ; tội giả mạo giấy chứng nhận; tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; tội không chấp hành các quyết định hành chính về quản chế, cấm cư trú hoặc lao động bắt buộc...
Bản Dự thảo này có thêm: tội trốn tránh nghĩa vụ lao động (Điều 204) và tội làm trái hoặc cản trở việc thực hiện nghĩa vụ lao động (Điều 205).
Chương IX: CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ
Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng nói rõ "Phải xử lý nghiêm minh những cán bộ, nhân viên lợi dụng chức quyền để làm trái pháp luật". Hiến pháp quy định trong Điều 8: "Tất cả các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân... nghiêm cấm mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền". Chương IX quy định các tội như: tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tội lạm dụng quyền hạn hoặc vượt quyền trong khi thi hành công vụ; tội giả mạo trong công tác; tội đào nhiệm... Chương này trừng trị nghiêm khắc tội hối lộ. Để triệt để chống tham nhũng, cần trừng trị người nhận hối lộ và cả người đưa hối lộ; tuy nhiên Điều 223 cũng nói rõ là người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì tùy trường hợp mà được coi là không có tội, hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, được trả lại toàn bộ hoặc một phần tiền của đã dùng để đưa hối lộ.
Chương X: CÁC TỘI XÂM PHẠM HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP
Nếu Chương IX nhằm bảo đảm hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội nói chung, thì Chương X nhằm bảo đảm hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp (các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án). Chương này trừng trị những cán bộ tư pháp đã truy tố người không có tội, ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật, bức cung, nhục hình, giam hoặc tha người trái pháp luật. Ở đây, chúng tôi có cân nhắc đến tình hình thực tế về trình độ cán bộ, cơ sở vật chất - kỹ thuật của ta trong lĩnh vực này, để luật quy định vừa nghiêm vừa sát thực tế. Chương này còn trừng trị những người không phải là cán bộ, nhân viên tư pháp nhưng có những hành vi cản trở nghiêm trọng hoạt động bình thường của các cơ quan tư pháp như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật; không chấp hành án, cản trở việc thi hành án; che giấu hoặc không tố giác những người phạm tội nghiêm trọng...
Thông qua việc bảo đảm hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp, chương này còn trực tiếp góp phần bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của công dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Chương XI: CÁC TỘI PHẠM VỀ QUÂN SỰ
Sức mạnh của quân đội do nhiều yếu tố tạo nên, nhưng trước hết là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức chặt chẽ của cán bộ và chiến sĩ. Chương XI quy định các tội phạm về quân sự chính là nhằm góp phần củng cố kỷ luật, nâng cao ý thức tổ chức trong quân nhân, góp phần tăng cường sức chiến đấu của quân đội.
Có những nhóm tội sau đây:
- Tội xâm phạm quan hệ chỉ huy - phục tùng hoặc quan hệ đồng đội như: tội không phục tùng mệnh lệnh; tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên; tội làm nhục, hành hạ hoặc đánh đập quân nhân dưới quyền; tội làm nhục, hành hung đồng đội...
- Những tội xâm phạm kỷ luật trong chiến đấu như: tội đầu hàng địch, tội bỏ vị trí chiến đấu,...
- Những tội xâm phạm chế độ phục vụ và các quy tắc công tác hàng ngày như: tội đào ngũ, tội trốn tránh nhiệm vụ,...
- Những tội xâm phạm quan hệ quân - dân - chính như: tội quấy nhiễu nhân dân, tội lạm dụng nhu cầu quân sự trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Bản Dự thảo này ghi thêm: tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí, phương tiện chiến đấu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 266); tội giả mạo cấp bậc, quân hàm (Điều 271).
Chương XII: CÁC TỘI PHÁ HOẠI HÒA BÌNH VÀ CHỐNG LOÀI NGƯỜI
Nhân dân ta đã và đang là nạn nhân của những tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người.
Cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, rất anh hùng của nhân dân ta góp phần thúc đẩy phong trào nhân dân thế giới lên án mạnh mẽ các tội phạm trên đây, góp phần xây dựng luật pháp quốc tế. Bởi vậy, ý kiến chung rất nhất trí là có chương này ở vị trí này.
Về nội dung, Chương XII quy định những tội phạm mà công pháp quốc tế đã thừa nhận: tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người bao gồm các tội diệt chủng, diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên; tội phạm chiến tranh; tội tuyển mộ lính đánh thuê; tội làm lính đánh thuê. Như đã báo cáo ở đoạn trên, nay chúng tôi đề nghị chuyển Điều 277 lên Chương I, sau Điều 86, còn Điều 278 thì lược đi vì nội dung đã được thể hiện ở Điều 82 và một số điều khác ở Chương XII.
*
* *
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là nội dung chính bản Dự thảo Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự được chỉnh lý theo những ý kiến của các vị đại biểu trong kỳ họp Quốc hội tháng 12 năm 1983 và cũng đã tiếp thụ những ý kiến đóng góp cho tới những ngày gần đây nhất. Để các vị đại biểu tiện xem xét, chúng tôi đã làm một bản phụ lục bổ sung cho bản in đã gửi tới các vị đại biểu trước kỳ họp này. Chúng tôi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến để tiếp tục chỉnh lý ngay sau khi được Quốc hội thông qua sơ bộ, nhằm làm cho Dự thảo ngày một tốt hơn, chuẩn bị tiến tới Quốc hội thông qua chính thức Bộ luật hình sự, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân và cán bộ cả nước.