VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

BÁO CÁO
CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
TẠI KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA VII
*

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội, từ kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đến nay.

I- CÔNG TÁC LẬP PHÁP

Theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban pháp luật của Quốc hội, tại phiên họp ngày 24-01-1984, Hội đồng Nhà nước đã thông qua chương trình xây dựng pháp luật năm 1984.

Trong 6 tháng đầu năm 1984, Hội đồng Nhà nước đã công bố Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (đã được kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa VII thông qua, tháng 12 năm 1983), Pháp lệnh bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh; ban hành văn bản quy định tạm thời việc hướng dẫn thi hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; ra nghị quyết quy định những trường hợp công dân không có quyền bầu cử (để phục vụ việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương trong tháng 4 và tháng 5 năm 1984).

Để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét và thông qua sơ bộ Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự vào kỳ họp thứ 7, trong các ngày 19 và 20-4-1984, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã họp với Ban Dự thảo Bộ luật hình sự và các cơ quan có liên quan để cho ý kiến chỉnh lý. Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã cử một số đoàn đi một số địa phương để tranh thủ thêm ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan, đã họp góp ý kiến với Ban Dự thảo. Tại phiên họp ngày 18-6-1984, Hội đồng Nhà nước đã cho ý kiến chỉnh lý lần cuối bản Dự thảo nói trên để trình Quốc hội.

II- CÔNG TÁC GIÁM SÁT

Trong phiên họp ngày 24-01-1984, Hội đồng Nhà nước đã quyết định những vấn đề về kinh tế - xã hội sẽ xem xét trong năm 1984. Hội đồng Nhà nước quyết định cử một số đoàn đi một số địa phương để giám sát các vấn đề: thi hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; tổ chức việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương; tình hình bắt, giam, tha, tập trung cải tạo; tình hình xét và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân và việc thi hành các bản án của Tòa án nhân dân. Đồng thời, Hội đồng Nhà nước đã giao cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội trực tiếp giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giám sát một số vấn đề và làm báo cáo trình Hội đồng Nhà nước.

1. Đối với công tác của Hội đồng Bộ trưởng

Ngày 30-3-1984, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình cải cách giáo dục và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Ngày 26-4-1984, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình bảo đảm cung cấp các mặt hàng theo định lượng cho cán bộ, công nhân viên chức, các lực lượng vũ trang và tình hình thiếu đói trong thời gian giáp hạt.

Ngày 28-5-1984, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao báo cáo về tình hình hai năm thi hành Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Ngày 18-6-1984, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương trong tháng 4 và tháng 5 năm 1984.

Sau khi nghe báo cáo về các vấn đề kể trên, Hội đồng Nhà nước đã thảo luận và có kết luận gửi đến Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, thủ trưởng các ngành có liên quan ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Đối với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Trong các phiên họp thường lệ hàng tháng của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều tham dự để trình bày ý kiến đối với những vấn đề có liên quan đến công tác của ngành mình.

Ngày 29-5-1984, Hội đồng Nhà nước đã nghe đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về tình hình công tác của hai ngành Tòa án và Kiểm sát. Hội đồng Nhà nước đã cho ý kiến, nhận xét và lưu ý những vấn đề cần thiết trong báo cáo của hai ngành trình Quốc hội.

3. Hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội

Ngày 8-3-1984, đồng chí Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước đã họp với các đồng chí Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban thường trực của Quốc hội để bàn chương trình và kế hoạch hoạt động nhằm phục vụ việc giám sát những vấn đề đã được Hội đồng Nhà nước giao trách nhiệm:

- Hội đồng dân tộc:

Từ ngày 4 đến ngày 19 tháng 4 năm 1984, đã cử đoàn do đồng chí Hoàng Trường Minh, Chủ tịch Hội đồng dân tộc làm trưởng đoàn đi Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh để thăm hỏi, động viên đồng bào các dân tộc và một số đơn vị bộ đội ở biên giới, đồng thời xem xét việc định canh, định cư ở một số vùng trọng điểm.

- Ủy ban pháp luật:

Đã cử 5 đoàn đi các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp (từ ngày 01 đến 18-4), Cao Bằng (từ ngày 12 đến 17-4), Thanh Hóa (từ ngày 10 đến 3-5), Đồng Nai - Sông Bé - Long An (từ ngày 23-4 đến 18-5) và Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 2-1984) để tranh thủ ý kiến của các địa phương về một số dự án pháp luật và xem xét việc thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực như bắt, giam giữ, tập trung cải tạo; tình hình thi hành Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

- Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách:

Đã khảo sát tình hình thực tế và làm báo cáo trình Hội đồng Nhà nước tại phiên họp ngày 26-4-1984 về tình hình cung cấp 9 mặt hàng theo định lượng cho công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang.

- Ủy ban y tế và xã hội:

Đã tổ chức hai đoàn đi các tỉnh Thanh Hóa (từ ngày 20 đến 25-3-1984), Đồng Nai, Lâm Đồng (từ ngày 8 đến 23-4-1984) để nghiên cứu tình hình và điều kiện làm việc của lao động nữ, tình hình sản xuất và quản lý thuốc, tình hình chữa bệnh cho nhân dân và tình hình sinh đẻ có kế hoạch.

Thường trực Ủy ban đã họp, nghe báo cáo về vấn đề Dự thảo Luật bảo vệ sức khỏe của nhân dân và đã góp một số ý kiến để Ban Dự thảo chỉnh lý.

Ủy ban văn hóa, giáo dục:

Đã tổ chức đoàn do đồng chí Trần Độ, Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đi hai tỉnh Sơn La, Lai Châu từ ngày 15-4 đến ngày 01-5-1984 để nghiên cứu tình hình quản lý công tác văn hóa - nghệ thuật, tình hình thực hiện cải cách giáo dục và tình hình tổ chức đời sống văn hóa ở cơ sở của đồng bào các dân tộc. Đoàn đã đi xem xét tình hình hoạt động của Nhà hát kịch, Nhà hát ca múa nhạc Trung ương (ngày 18-5-1984).

Thường trực mở rộng của Ủy ban đã nghe Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề và Sở Giáo dục Hà Nội báo cáo về việc sắp xếp mạng lưới của các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, về tình hình ổn định đội ngũ giáo viên và vấn đề giáo dục chính trị, đạo đức trong các trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học.

- Ủy ban khoa học và kỹ thuật:

Đã cử đoàn do đồng chí Trần Đức Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn, đi xem xét tình hình và kết quả điều tra cơ bản phục vụ cho tổng quy hoạch vùng Tây Nguyên, tình hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong việc trồng một số cây công nghiệp (chè, cà phê, cao su) và việc khai thác khoáng sản ở Đắc Lắc, Gia Lai - Kon Tum.

- Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng:

Đã tổ chức đoàn do đồng chí Hồng Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn, đi xem xét tình hình sử dụng lao động thanh niên ở hai tỉnh Sơn La và Lai Châu (từ ngày 18 đến 30 tháng 5 năm 1984).

- Ủy ban đối ngoại:

Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã họp ba lần để nghe Bộ Ngoại giao báo cáo về tình hình quốc tế và hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta. Ủy ban đối ngoại đã cùng với Ủy ban pháp luật thẩm tra và đề nghị Hội đồng Nhà nước phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Nicaragoa.

4. Công tác dân nguyện

Từ sau kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đến nay, đã có 2.437 đơn, thư khiếu tố và dân nguyện gửi tới Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Đơn, thư khiếu nại chiếm 58,35%, tố cáo chiếm 25,93%; còn lại là đơn, thư dân nguyện.

Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tiếp 347 lượt người đến khiếu tố và trình bày nguyện vọng.

Qua các đơn, thư khiếu tố, dân nguyện và qua việc tiếp dân, có những vấn đề đáng chú ý sau đây:

- Tình trạng bắt, giam, giữ không đúng pháp luật xảy ra còn nhiều, có những vụ nghiêm trọng;

- Một số cán bộ có chức, có quyền, nhất là ở cơ sở, sa sút phẩm chất, đã lợi dụng, móc ngoặc, tham ô tập thể tài sản xã hội chủ nghĩa;

- Nhiều vụ, việc được phát hiện, có chứng cứ phạm tội hình sự, nhưng vẫn chỉ xử lý nội bộ;

- Hiện tượng trù dập, trả thù người tố cáo còn nhiều;

- Nhiều đơn, thư của cán bộ về hưu, cán bộ nhân viên ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp phản ánh đời sống quá khó khăn do giá cả tăng vọt, tiền lương hàng tháng chỉ đủ sống ít ngày. Một số thư phản ánh tình trạng đói kém xảy ra trong lúc giáp hạt ở một số địa phương miền Bắc.

5. Việc giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân

Kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương:

Trong tháng 4 và tháng 5 năm 1984, các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước: Nguyễn Hữu Thọ, Chu Huy Mân, Lê Thanh Nghị, Huỳnh Tấn Phát đã đi kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Gia Lai - Kom Tum, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Kiên Giang, Hậu Giang và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp:

Trong 6 tháng đầu năm 1984, nhiều địa phương như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hải Hưng, Hà Bắc, Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh, v.v. đã tổ chức họp Hội đồng nhân dân ba tháng một kỳ, đúng theo Điều 21 của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Nói chung, các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tập trung vào các vấn đề: kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1983, xác định phương hướng phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội năm 1984, quyết toán ngân sách năm 1982, dự toán ngân sách năm 1984, nghe báo cáo của Tòa án nhân dân cùng cấp về công tác xét xử và nghe đoàn đại biểu Quốc hội địa phương báo cáo về kết quả kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, v.v..

Một số địa phương đã tổ chức kỳ họp thảo luận và quyết định những vấn đề cấp thiết về kinh tế - xã hội như: thủy lợi, trồng cây bảo vệ rừng (Hà Sơn Bình), quy tắc trật tự giao thông đường phố (thành phố Hà Nội), sinh đẻ có kế hoạch (Hà Bắc), bài trừ mê tín dị đoan (Vĩnh Phú), v.v..

Các Ban Thư ký của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ Tĩnh, Hà Sơn Bình, Hà Bắc, v.v., mới được tổ chức, bước đầu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc điều hòa, phối hợp các ban chuyên trách hoạt động, nhất là trong việc tổ chức cho các ban hoạt động chuẩn bị kỳ họp Hội đồng nhân dân.

III- CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI

1. Cử đoàn đi thăm nước ngoài

Từ ngày 6 đến ngày 9-01-1984, Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta do đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã dẫn đầu đi dự lễ kỷ niệm lần thứ 5 Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia.

Từ ngày 12 đến ngày 15-02-1984, Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta do đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước dẫn đầu đã sang Liên Xô dự Lễ tang đồng chí Iu. Anđrôpốp, Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô.

- Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội các nước Bungari, Rumani, Pháp, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu đã đi thăm hữu nghị chính thức Bungari (từ ngày 26-3 đến 02-4-1984), Rumani (từ ngày 02 đến 09 tháng 4 năm 1984) và Pháp (từ ngày 16 đến 21-4-1984).

Ngày 25-4-1984, trên đường về nước, dừng lại ở Mátxcơva, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã đến chào mừng đồng chí L. Tôncunốp và đồng chí A. Vêxơ vừa được bầu làm Chủ tịch Viện Liên bang và Chủ tịch Viện dân tộc, Xô viết tối cao Liên Xô.

2. Đón tiếp khách nước ngoài

Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã phối hợp với Bộ Ngoại giao đón tiếp Đoàn đại biểu Ủy ban đối ngoại Hạ nghị viện Thái Lan do ông Criêngxắc Chomanan, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức nước ta từ ngày 18 đến 25 tháng 01 năm 1984 và đoàn nghị sĩ Úc[1] từ ngày 18 đến 25 tháng 6 năm 1984.

3. Tiếp nhận đại diện ngoại giao của nước ngoài

Hội đồng Nhà nước đã tiếp và nhận thư ủy nhiệm của Đại sứ các nước Pakixtan, Ghinê, Nhật Bản, Áo.

4. Hoạt động của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội

Từ ngày 22 đến ngày 23 tháng 12 năm 1984, Hội nghị tư vấn trưởng đoàn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa đã được tổ chức lần đầu tại Hà Nội. Hội nghị đã đánh giá hoạt động của Liên minh Quốc hội và nghiêm khắc lên án một số nghị quyết của Hội nghị Liên minh Quốc hội mùa Thu năm 1983 là sai trái với tinh thần và truyền thống của Liên minh Quốc hội; đã xem xét các biện pháp cần tiến hành tại Hội nghị Gơnevơ nhằm duy trì và phát triển hoạt động của Liên minh Quốc hội theo hướng hòa bình, giải trừ quân bị và hợp tác giữa các nước.

Từ ngày 02 đến ngày 07-4-1984, Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội do đồng chí Phan Anh, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu tham gia Hội nghị lần thứ 71 của Liên minh Quốc hội tại Giơnevơ.

IV- VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ƯỚC, HIỆP ĐỊNH

Theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, tại phiên họp ngày 31-3-1984, Hội đồng Nhà nước đã phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam với Nicaragoa, ký ngày 6-9-1983 tại Managoa.

V- TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ CỦA NHÀ NƯỚC

1. Về tổ chức

Tại phiên họp ngày 29-5-1984, Hội đồng Nhà nước đã thông qua đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc đổi tên Ủy ban Thanh tra của Chính phủ thành Ủy ban Thanh tra Nhà nước.

2. Về nhân sự của Hội đồng Bộ trưởng

- Tại phiên họp ngày 24-01-1984, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định cử đồng chí Nguyễn Văn Chính giữ chức Bộ trưởng Bộ Lương thực thay đồng chí La Lâm Gia nhận công tác khác.

Tại phiên họp ngày 29-5-1984, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định đồng chí Đoàn Trọng Truyến thôi giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước để giữ chức Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng thay đồng chí Nguyễn Hữu Thụ nhận công tác khác.

3. Về bổ nhiệm đại sứ

Tại phiên họp ngày 31-3 và phiên họp ngày 29-5-1984, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại một số nước.

4. Cử Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Tại phiên họp ngày 29-5-1984, Hội đồng Nhà nước đã cử 5 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

VI- CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG

Hội đồng Nhà nước đã quyết định:

- Tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho đồng chí Nguyễn Thị Thập và Anh hùng Núp đã có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng.

- Tặng Huân chương Độc lập cho 29 cán bộ đã có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng và 1 đơn vị đã lập nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

- Tặng Huân chương Lao động cho: 346 đơn vị và 37 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước và trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc; 33 chuyên gia Liên Xô đã có thành tích xuất sắc trong thời gian công tác ở Việt Nam.

- Tặng Huân chương Kháng chiến cho 30.195 người đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Tặng Huân chương Quân công cho 11.884 cá nhân, 226 đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

- Tặng Huân chương Giải phóng cho 94 gia đình đã có nhiều người thân thoát ly tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cho 42.704 cán bộ, chiến sĩ đã có công lao phục vụ trong Quân đội nhân dân.

- Tặng Huân chương Hữu nghị cho 14 cá nhân thuộc các nước xã hội chủ nghĩa đã có công giúp Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VII- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Từ sau kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (tháng 12-1983), các đoàn đại biểu Quốc hội đều có kế hoạch phân công đại biểu báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp. Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước được 5/40 đoàn gửi báo cáo về tình hình hoạt động (Bến Tre, Bình Trị Thiên, An Giang, Tây Ninh, Gia Lai - Kon Tum). Đặc biệt, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên đã tổ chức báo cáo tại 14 điểm với 3.511 người dự.

Tính đến nay, đã có 36/40 đoàn tổ chức việc tiếp dân (còn ba đoàn chưa tổ chức việc tiếp dân: Bến Tre, Thanh Hóa, Sông Bé). Mặc dù còn có khó khăn về địa điểm, phân công đại biểu (nhiều đại biểu quá bận công tác chuyên môn), nhiều đoàn đã duy trì tốt việc tiếp dân, như: Hà Nội, Nghệ Tĩnh, Hà Bắc, Bình Trị Thiên, Thành phố Hồ Chí Minh. Các đại biểu Quốc hội đã quan tâm đến việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Mặc dù số vụ, việc giải quyết còn bị hạn chế, nhưng do có tác động của đoàn nên một số vụ, việc tồn đọng kéo dài đã được giải quyết, gây được niềm tin trong nhân dân. Điều đáng quan tâm và cần xử lý là hiện nay có những vụ, việc đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng cán bộ cấp dưới không thực hiện nghiêm chỉnh hoặc tìm cách dây dưa kéo dài..., ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

*
*       *

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây là những điểm chính về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội, về hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đến nay.

Hội đồng Nhà nước xin báo cáo với các đồng chí đại biểu Quốc hội.

 

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC


 

* Báo cáo này được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, không trình bày trước Quốc hội (BT).

[1]. Ôxtrâylia (BT).

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội