QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN


Quốc hội khóa X: 5 NĂM - CÁI NHÌN
CỦA NHỮNG NGƯỜI TRONG CUỘC
*

NCLP

Trong ngày 20/03/2002, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường đánh giá tình hình công tác của Quốc hội trong nhiệm kỳ khoá X vừa qua. Bên cạnh những thành tựu đạt được, điều đáng nói hơn là trong suốt một ngày các đại biểu tập trung nói về những điểm yếu, những điều chưa làm được trong hoạt động của mình và đề xuất giải pháp khắc phục. Sau đây là tổng thuật những nội dung chính được các đại biểu nêu lên

1. Hoạt động lập pháp

Pháp luật còn chậm đi vào cuộc sống

Đó là câu nói được nhắc lại khá nhiều lần khi các đại biểu tổng kết nhiệm kỳ khoá X của mình trong lĩnh vực lập pháp. Các đại biểu bộc bạch khá nhiều những điểm yếu trong lĩnh vực này. Trước hết, điều dễ nhận thấy nhất là tiến độ không được bảo đảm: Quốc hội khoá X chỉ hoàn thành được 60-70% chương trình xây dựng pháp luật đề ra; nhiều luật rất cần thiết cho cuộc sống vẫn chưa có. Điều này có nguyên nhân là chương trình xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ Quốc hội khoá X chưa sát với thực tế, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch, chưa có chiến lược xây dựng pháp luật lâu dài. Đó là ý kiến của ông Trần Mạnh Sang.

Thiếu sự cân nhắc, xem xét lựa chọn thứ tự ưu tiên chưa sát thực, chưa bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật cho nên một số luật rất cần thiết chưa được đưa vào kịp thời, trong khi đó một số luật chuẩn bị chưa kỹ lưỡng thì đã vội thông qua - các đại biểu Lê Công Minh, Trần Thanh Khiêm, Nguyễn Thị Kim, Hoàng Xuân Cừ có nhận xét.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nhược điểm lớn nhất của công tác xây dựng luật là còn thiếu tính nhất quán giữa các luật. Có trường hợp không thống nhất cả nội dung lẫn ngôn ngữ. Các văn bản hướng dẫn dưới luật ban hành chậm, nhiều trường hợp lại hướng dẫn thiếu nhất quán nên hiệu lực pháp luật chưa cao.

Luật pháp của chúng ta còn quá chung chung - nhiều đại biểu cùng có chung nhận xét như vậy. Có những luật chỉ mới đi vào những nguyên tắc chung, điều khoản chung chung nên thường khó thực hiện. Luật phải bổ sung và sửa đổi nhiều nên tính an toàn pháp lý chưa cao. Việc giải thích pháp luật chưa được thực hiện.

Nguyễn Thị Kim cho rằng phần lớn luật, pháp lệnh do cơ quan Chính phủ soạn thảo nên không thể tránh khỏi khi xây dựng dự án chỉ thường chú ý đến yêu cầu lập pháp của ngành mình. Ông Trần Văn Khánh, Khuất Hữu Sơn cũng đồng tình như vậy. Bà Kim còn nhấn mạnh: khi thông qua tại Hội trường, chủ yếu là do các Bộ, ngành chủ trì trực tiếp tiếp thu các ý kiến đóng góp, do vậy có những ý kiến của các đại biểu rất thiết thực, rất xác đáng, nhưng được tiếp thu rất ít.

Ông Khuất Hữu Sơn lo ngại: “Chúng tôi cảm thấy cơ quan, bộ chủ quản nào cũng nặng việc quản lý sao cho thật chặt chẽ mà ít lo sao cho người dân thực hiện được thuận lợi hơn”.

Để đưa pháp luật vào cuộc sống

Cần có một chiến lược lập pháp dài hạn

Có khá nhiều ý kiến của các đại biểu về khía cạnh này (các đại biểu Lê Công Minh, Trần Thanh Khiêm, Hoàng Xuân Cừ...). Ông Huỳnh Đảm đề xuất Quốc hội khoá XI nên sớm xây dựng chiến lược lập pháp 10 năm và có tính đến 20 năm. Từ đó mà đề ra kế hoạch lập pháp 5 năm, hàng năm.

Ông Trần Văn Khánh bổ sung thêm là trên cơ sở những vấn đề rất cấp thiết và từ thực tế tiềm lực mà đề ra các chương trình xây dựng pháp luật thế nào cho phù hợp, khả thi. Ông Trần Mạnh Sang cũng đồng tình là cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn, hợp lý dựa trên những nhu cầu bức thiết của thực tiễn.

Chú trọng khâu chuẩn bị, thẩm định, thẩm tra, rà soát

Các đại biểu Trần Văn Khánh, Phạm Thị Hải Chuyền, Vũ Mạnh Kha, Lý Khánh Hồng cho rằng Quốc hội không thể chuẩn bị từ đầu đến cuối một dự án pháp luật, mà nên để Chính phủ, các cơ quan chủ quản chuẩn bị và trình dự án luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, tất cả các vị đại biểu đều có chung một quan điểm là phải đặc biệt chú trọng đến tăng cường chất lượng khâu thẩm định, rà soát, thẩm tra trước khi đưa ra Quốc hội. Muốn vậy, ông Trần Văn Khánh đề nghị mỗi luật nếu liên quan với những Uỷ ban cụ thể thì nên giao cho Uỷ ban đó thẩm tra, đồng thời nên thực hiện cơ chế cho thuê những chuyên gia giỏi để cùng với những Uỷ ban xem xét tu chỉnh, tiếp đó đưa ra rộng rãi lấy ý kiến của nhân dân và chỉnh lý lại, lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi đưa ra Quốc hội.

Ông Khuất Hữu Sơn nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng các dự án pháp luật thì cần phải khắc phục từ khâu chuẩn bị, chuẩn bị phải chặt chẽ và kỹ hơn. Các Uỷ ban của Quốc hội cần tham gia nghiên cứu ngay từ đầu. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cần dành nhiều thời gian hơn trong việc nghiên cứu để lý giải và hướng cho Quốc hội quyết định những vấn đề khó, vấn đề mới và những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để quyết định cho đúng, chặt chẽ hơn mà thời gian lại ngắn hơn.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo gửi sớm các dự án, dự thảo để có thời gian tìm hiểu. Ông Lê Văn Tâm nhắc đến chuyện các đại biểu nhiều lúc đến sát kỳ họp mới nhận được tài liệu nên không có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ.

Ông Trần Mạnh Sang, Vi Văn Mạn đề nghị bắt buộc mỗi đại biểu Quốc hội phải có góp ý bằng văn bản gửi về Ban soạn thảo.

Ông Nguyễn Ngọc Trân lại coi việc tăng cường chất lượng chuyên môn của vụ hay ban pháp chế ở các bộ các ngành là một điều kiện tiên quyết cho vấn đề nâng cao chất lượng của công tác lập pháp.

Coi trọng đội ngũ chuyên gia

Nhiều đại biểu đề xuất Quốc hội cần phải có cơ quan chuyên trách soạn thảo luật để luật có chất lượng và toàn diện hơn, tránh tình trạng cục bộ. Trước mắt chưa làm được việc này thì cần phải tăng cường mạnh hơn trong việc tăng số lượng và chất lượng đại biểu chuyên trách cho Uỷ ban ban pháp luật. Không thể duy trì mãi con số 10% đại biểu chuyên trách trong các Uỷ ban như hiện nay. Vì việc nghiên cứu và thẩm tra của các Uỷ ban không phải chỉ trong hội nghị mà còn phải đi, và phải có lực lượng để nghiên cứu, khảo sát, nghe tổng kết thực tiễn, lấy ý kiến những người am hiểu, những chuyên gia... Bởi vậy, bên cạnh tăng cường số lượng và chất lượng đại biểu chuyên trách thì cũng phải coi trọng đội ngũ chuyên gia, thu hút lực lượng chuyên gia giỏi giúp các uỷ ban thẩm tra các dự án, dự thảo - đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu. 

Nhưng bà Nguyễn Thị Kim lại có ý khác khi đề nghị lập một cơ quan chuyên trách của Quốc hội nhưng để chuyên thẩm tra và phối hợp thẩm tra.

Thủ tục thảo luận, thông qua luật

Ông Vũ Mạnh Kha nêu lại thực tế là cách thảo luận, thông qua hiện nay thay đổi luôn, mỗi lúc làm một cách và ông thấy cần xây dựng một cách làm thống nhất. Ông Hoàng Thiện Cát gọi tình trạng làm luật hiện nay là “làm văn tập thể” và nhấn mạnh yêu cầu phải khắc phục tình trạng đó.

Thời gian qua nhiều khi Quốc hội còn sa đà vào câu chữ, tiểu tiết. Nhưng điều quan trọng mà Quốc hội cần thông qua chính là ý và nội dung của luật - Ông Khuất Hữu Sơn nhấn mạnh. Ông Trần Mạnh Sang đồng tình và bổ sung thêm rằng việc xem xét, thảo luận câu chữ của dự án luật tập trung chủ yếu tại các kì họp là một điều không hợp lý, theo ông khi ra Hội trường chỉ cần bàn những vấn đề chưa thống nhất và biểu quyết thông qua những vấn đề lớn, như thế sẽ rút ngắn thời gian thảo luận.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương lưu ý chủ toạ điều khiển thảo luận cần phải dứt khoát hơn, không nên để một vấn đề nhỏ mà phải phát biểu nhiều lần, không cần thiết khi nói đã quá rõ. Về vấn đề này, ông Lê Văn Tâm đề nghị khi có ý kiến khác nhau giữa ban soạn thảo và Đại biểu thì Đoàn chủ tịch phải đưa ra quan điểm, ý kiến chỉnh lý của mình để bảo đảm tính khách quan, không nên giao cho Ban soạn thảo.

Giám sát việc triển khai luật

Ông Khuất Hữu Sơn nhấn mạnh cần phải xem những luật của Quốc hội thông qua đã đi vào cuộc sống chưa, và vào cuộc sống như thế nào? Bởi vậy, cần phải có kiểm tra xem xét việc ra các Nghị định, Thông tư hướng dẫn có kịp thời không. Quốc hội cần phải dành thời gian vào giữa nhiệm kì và cuối nhiệm kì để đánh giá, sơ kết xem việc thực hiện những luật mới ban hành trong nhiệm kì triển khai đến đâu để có sự bổ khuyết, bổ sung kịp thời.

2. Giám sát - khâu yếu, có thể nói vẫn là khâu yếu nhất

Câu nói này của đại biểu Vi Văn Mạn cũng là đánh giá chung về công tác giám sát của Quốc hội nhiệm kỳ qua. Thực trạng đó thể hiện qua những khía cạnh khác nhau.

Tính hình thức

Giám sát mới chỉ dừng ở sự kiến nghị, ít đôn đốc và kiểm tra việc giải quyết các kiến nghị, cho nên còn mang tính hình thức - ông Vi Văn Mạn nhấn mạnh và ý kiến của ông được nhiều đại biểu tán đồng như ông Trần Văn Khánh, ông Lê Công Minh, Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, ông Nguyễn Văn Châu... Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, ông Nguyễn Văn Châu lý giải thêm bởi chưa có quy định nào ràng buộc nên mới ít đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết kiến nghị.

Ông Trần Mạnh Sang nói: “Các Uỷ ban của Quốc hội đi đến đâu chỉ nghe các ban ngành ở địa phương báo cáo và đoàn giám sát ghi nhận, tổng kết tình hình, chuyển cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thế là xong một chuyến giám sát”. Hoặc nói như bà Phạm Thị Hải Chuyền là các đoàn giám sát chưa phân tích được nguyên nhân của tình hình.

Đại biểu được gửi văn bản đến nhưng cụ thể cái nào đúng, đúng đến đâu, vấn đề đặt ra như thế nào thì hoàn toàn không biết - ông Lê Văn Tâm thừa nhận.

Các đại biểu đề xuất nhiều biện pháp khác nhau để giám sát được hiệu quả, thực chất hơn như: nên lựa chọn những vấn đề nổi lên ở từng khu vực để có kế hoạch cụ thể, trên cơ sở đó hình thành đoàn kiểm tra, thành phần của đoàn ngoài các Đại biểu Quốc hội cũng nên có các đồng chí có thực quyền; thông qua luật giám sát; Uỷ ban thường vụ Quốc hội nên xây dựng một chương trình giám sát hàng năm; cần tập trung giám sát ở một số lĩnh vực; bám đến cùng để xem kết quả xử lý đến đâu; áp dụng bỏ phiếu tín nhiệm

Chưa có cơ chế phối hợp giám sát

Đó là đánh giá của ông Trần Văn Khánh khi nói về giám sát, bởi lẽ - như ông Trần Mạnh Sang, bà Nguyễn Thị Kim lý giải - mới chỉ có các uỷ ban của Quốc hội đi giám sát, còn các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội xem như đứng ngoài việc thực hiện chức năng này, cũng như chưa có sự phối hợp giữa các uỷ ban với HĐND các cấp. Bởi vậy, các đại biểu cho rằng nên mời đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương trực tiếp tham gia đoàn giám sát để nắm bắt được những vấn đề và tình hình ở địa phương. Ông Lê Văn Tâm đề nghị Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội cần được thông tin thường xuyên hơn từ các Bộ chủ quản về phạm vi mình phụ trách và được tham gia  một số cuộc họp thường kỳ của Chính phủ.

Giám sát ngân sách

Ông Trần Văn Khánh nhận định “nội dung lớn nhất là công tác tài chính nhưng do Quốc hội chưa có cơ quan kiểm toán độc lập nên không thể gọi là giám sát và phê chuẩn đúng đắn được". Ông Khánh và nhiều đại biểu khác cho rằng Quốc hội cần có cơ quan kiểm toán độc lập để giám sát trong lĩnh vực tài chính một cách thực chất và có chất lượng hơn. Tương tự, ông Lương Ngọc Toản nói: “không có bộ máy giúp việc, không có người am hiểu chuyên môn thì làm sao giám sát được".

Chưa có chế tài

Rất nhiều đại biểu bức xúc là tại sao cho đến bây giờ Quốc hội vẫn chưa xây dựng được Luật giám sát với những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giám sát, thẩm quyền và hiệu lực của các kết luận giám sát, nên chưa xác định được các cơ chế bắt buộc và trách nhiệm, do vậy nhiều kiến nghị qua giám sát chưa được các đối tượng chịu giám sát giải quyết một cách nghiêm túc, một số cơ quan còn xem nhẹ ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Theo bà Nguyễn Thị Kim, chính vì do nguyên nhân này mà dẫn đến tính hình thức, làm cho các kiến nghị giám sát không có hiệu lực pháp lý và hiệu quả giám sát chưa cao. Bởi vậy, nhu cầu cần sớm ban hành Luật giám sát được các đại biểu nhấn mạnh đến nhiều lần[1].

Trả lời chất vấn

Ông Trần Văn Khánh bức xúc: Việc trả lời chất vấn liên tục trong nhiều kỳ họp trùng lặp nhau, nói đi nói lại nhưng vẫn chưa rõ ràng, không dứt mạch, hoặc không thực hiện những điều đã hứa nên kỳ sau phải tiếp tục kiến nghị tiếp, hiệu quả giải quyết còn hạn chế. Hay nói cách khác, trả lời chất vấn - từ lời nói đến việc làm nhiều khi là một khoảng cách khá xa.

Ông Trần Mạnh Sang nêu lên một khía cạnh nhạy cảm là phạm vi nội dung được đưa ra công khai tại diễn đàn Quốc hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong các kỳ chất vấn, do không quy định rõ ràng về nội dung này, cho nên nhiều khi người trả lời chất vấn rất khó trả lời, nếu nói hết và đáp ứng yêu cầu của người chất vấn, của cử tri thì lại tiết lộ bí mật Nhà nước, hoặc có những vấn đề không có lợi cho quốc kế dân sinh.

Theo ông Trần Mạnh Sang, cần phải có một quy chế rõ ràng, cụ thể hơn về việc chất vấn và trả lời chất vấn, ràng buộc rõ ràng trách nhiệm giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn. Ông Hoàng Thiện Cát mong muốn cả người hỏi và ng­ời trả lời chất vấn cần phải chuẩn bị tốt hơn và trả lời đi vào trọng tâm hơn. Ông Nguyễn Ngọc Phi đề xuất nên tổ chức Đoàn giám sát một số vấn đề mà các thành viên của Chính phủ đã báo cáo, trả lời chất vấn tr­ớc Quốc hội.

Những chất vấn có tính chất cá nhân thì không nên đưa ra chất vấn, mà nên chọn lọc đưa những vấn đề liên quan đến cả nước - ông Nguyễn Quốc Thước nói.

Tiếp xúc với dân

“Giám sát, đôn đốc giải quyết khiếu nại của nhân dân còn là vấn đề rất bức xúc. Các cơ quan hành pháp có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại tố cáo của nhân dân còn rất hạn chế. Đây là một lĩnh vực mà nhân dân rất bức xúc, coi trọng và xem Đại biểu của mình có gần dân không” - đấy là tâm tư của ông Vũ Mạnh Kha. Ông Trần Văn Khánh đề nghị: trước khi họp, ngoài việc tổ chức nghe cử tri rất sâu, rất sát ở từng thôn, từng ấp thì cũng phải hết sức chú ý nghe những ngành có liên quan đến những nội dung của kỳ họp. Về vấn đề tiếp dân phải có những hồ sơ dân nguyện ở các huyện, ở các khu đông dân cư. Trên cơ sở đó, hàng tháng, hàng quý Đoàn đại biểu Quốc hội nên chủ động làm việc với từng ngành có liên quan để trao đổi về việc giải quyết những nguyện vọng của cử tri. Đồng thời, cũng nên chủ động mời những cử tri có những nguyện vọng cần thiết gặp Quốc hội, tham gia ý kiến với Quốc hội, để các đại biểu có thể lắng nghe và có những ý kiến giải quyết cho triệt để.

3. Quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước

Thiếu thông tin

Thiếu thông tin nên liều đưa ra

“Liều” là từ mà ông Lê Công Minh dùng để chỉ tình trạng “mỗi lần thông qua các dự án, mỗi lần bàn định những quyết sách lớn của quốc gia, cứ liều đưa ra chưa thật chuẩn xác”. Ông nêu lên sự thật là các đại biểu không được cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin trước kỳ họp, trong kì họp về các dự án mình tham gia. Ông cho biết, ngay các vị Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội đến “sát nút” cũng chưa có những tài liệu xác đáng để có thể trình bày rõ những nội dung về về dự án Thuỷ điện Sơn La. Còn bản thân các đại biểu Quốc hội thì “chưa có gì cả”, như vậy sắp tới tham gia thảo luận như thế nào? Nói tóm lại, ông cho rằng “quyền này chưa được tôn trọng và chưa được phát huy đầy đủ”.

Thiếu thông tin nên sinh ra hình thức

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương cũng công nhận: do không có điều kiện và tư liệu, thông tin và thời gian để nghiên cứu kỹ nên việc quyết định những vấn đề như nhiệm vụ kinh tế - xã hội, Ngân sách hàng năm, 5 năm, các chính sách lớn ít đi vào chiều sâu, việc giải quyết vấn đề quan trọng của đất nước trên chừng mực nào đó vẫn còn mang tính hình thức. Nhiều đại biểu nhắc lại có những công trình như đường Hồ Chí Minh ở Trường Sơn, hoặc Thuỷ điện Sơn La “cao” hay “thấp”, các đại biểu đang bàn bạc để thông qua, nhưng công tác chuẩn bị đã được triển khai, như vậy có quyết cũng là hình thức...

Thiếu thông tin nên dựa vào cảm tính

Bà Hương còn cho rằng, khi biểu quyết thông qua nhiều đại biểu tin tưởng vào Chính phủ, vào chủ toạ kỳ họp, vào sự thẩm tra của Uỷ ban mà biểu quyết. Điều này phần nào cho thấy nhiều khi các đại biểu dựa vào cảm tính để quyết.

Quyết ngân sách

Bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trong việc thẩm định các báo cáo về tài chính và quyết toán ngân sách chưa đạt kết quả như mong muốn. Theo bà, nguyên nhân chính là không có một đội ngũ cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực này. Các thành viên Uỷ ban chủ yếu là kiêm nhiệm, mỗi thành viên có một trình độ chuyên môn riêng. Do vậy không có đủ điều kiện để phân tích lý giải những vấn đề thực bức xúc thực tiễn đặt ra. Từ đó sức thuyết phục không được cao và chưa giúp các đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét.

Một số giải pháp

Bà Chuyền đề nghị, tới đây rất cần có một bộ phận chuyên sâu lĩnh vực này và một cơ quan kiểm toán giúp cho Quốc hội thẩm tra vấn đề này, vì nếu chỉ để Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách làm như hiện nay thì không đáp ứng được yêu cầu. Ý kiến của bà nhận được sự đồng tình của khá nhiều đại biểu.

Theo ông Đỗ Tiến Dũng, cần chú ý tới những điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế, xã hội của từng vùng, từng miền cụ thể để có những chương trình cụ thể, sát thực, phù hợp, đặc biệt là đối với những miền, vùng còn nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng cần phân biệt rõ những vấn đề quan trọng của đất nước về ý nghĩa chính trị, giá trị kinh tế đến mức nào đó thì mới trình Quốc hội.

4. Tổ chức các cơ quan của Quốc hội

Với một cơ cấu tổ chức chưa hợp lý, cộng với thiếu quy chế làm việc cụ thể, rõ ràng, nhất là trong việc quy chế giám sát, hiệu quả làm việc của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội còn hạn chế - đó là đánh giá của ông Trần Mạnh Sang.

Bởi vậy, các đại biểu đều thống nhất là cần tăng cường các đại biểu chuyên trách cho các uỷ ban, Hội đồng dân tộc, cho các đại biểu, Văn phòng Quốc hội, nên có chọn những người vừa có năng lực nhưng lại cũng có điều kiện hoạt động vào UBTV và các uỷ ban.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Trân, còn nhiều mảng Uỷ ban thường vụ Quốc hội chưa làm được, ví dụ như vấn đề giải thích luật, Hiến pháp. Ông cũng cho rằng Uỷ Ban thường vụ Quốc hội cần có một tầm nhìn thoát ra khỏi những vấn đề cụ thể của từng uỷ ban hoặc của Hội đồng dân tộc.

5. Đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội

Theo ông Trần Mạnh Sang, các qui định pháp lý về Đoàn Đại biểu Quốc hội còn khá chung chung. Đoàn Đại biểu Quốc hội trên thực tế chưa phải thực sự là một cơ chế tổ chức chặt chẽ. Vì vậy rất khó có thể đánh giá được hiệu quả hoạt động của mỗi đoàn Đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội khá nhiều quyền nhưng cơ chế làm việc, và điều kiện làm việc thì không được quy định cụ thể. Và cũng chưa có vị Đại biểu Quốc hội nào sử dụng tối đa quyền của mình được quy định trong Luật, kể cả quyền trình dự án luật và pháp lệnh và nếu vậy thì rõ ràng quyền lực của Quốc hội chưa được phát huy một cách đầy đủ và tốt nhất.

“Chọn nhân sự giới thiệu vào Quốc hội, chúng tôi đề nghị lấy tiêu chuẩn làm trọng”- đó là ý kiến của ông Lương Ngọc Toản và cũng là của nhiều đại biểu khác. Ông Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh đến chất lượng đại biểu, cơ cấu là cần thiết nhưng phải là những người tiêu biểu nhất: “Nếu không chọn được người tiêu biểu thì Quốc hội ngồi đây không thể là tiêu biểu được. Đủ các giới, các thành phần là đúng rồi, nhưng phải là tiêu biểu”.

Ngoài các tiêu chuẩn được nhiều người nhắc đến như trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, ông Vi Văn Mạn còn nhấn mạnh đến yếu tố thời gian cũng là một tiêu chuẩn cần tính đến của đại biểu. Hay như ông Hoàng Xuân Cừ nói đến độ tuổi của đại biểu. Còn ông Lương Ngọc Toản đề xuất là người được đề nghị để được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nên chăng nên có thêm chương trình hành động, trong đó nên có cam kết chống tham nhũng, không tham nhũng và không để cơ quan mình tham nhũng.

Ông Lương Ngọc Toản tỏ ý “tiếc là có đại biểu cả nhiệm kỳ không thấy phát biểu điều nào, lời nào”.

6. Quốc hội trong hệ thống chính trị

Hãy tôn trọng lẫn nhau

Ông Huỳnh Đảm mong muốn: “Các bộ phận trong hệ thống chính trị hãy thật sự hiểu nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng vị trí chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ phận hợp thành trong hệ thống chính trị. Cử tri có nhận xét, Chính phủ, các thành viên Chính phủ chỉ “ngán” Quốc hội, “ngán” Đại biểu Quốc hội trong mấy ngày chất vấn có truyền hình trực tiếp. Còn các cơ quan của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội thì chỉ “ngán” Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên khi chuẩn bị bầu cử, khi tiếp xúc với cử tri. Mặc dù những nhận xét này theo nhận thức của tôi chưa hẳn hoàn toàn như vậy, nhưng cũng nói lên điều gì đó”. “Điều gì đó” ở đây chính là mong muốn của cử tri đối với việc phát huy vai trò của Quốc hội thường xuyên hơn, không chỉ trong thời gian kỳ họp.

Còn ông Nguyễn Trọng Nhân tâm tư: “Chúng tôi rất mong các đồng chí đang ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân và lắng nghe ý kiến của những người nhiệt tình với sự nghiệp của đất nước. Chúng tôi rất mong được gặp gỡ để nói rõ thêm và giải thích những điều chưa rõ, để thống nhất hành động, nhưng rất tiếc là không phải lúc nào cũng được như vậy. Đôi khi nghĩ rằng, lắm khi mình xin phép gặp để nói chuyện mà còn không được thì nhân dân quả là cực khổ”.

Lãnh đạo và dân chủ

Ông Nguyễn Ngọc Trân cho rằng phương thức lãnh đạo của Đảng cần được suy nghĩ nhiều hơn nữa để vừa bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời mở ra những khả năng hoạt động khác.

Ông Nguyễn Trọng Nhân nói: “Nguyên tắc Đảng lãnh đạo được ghi trong Hiến pháp, nhưng Đảng lãnh đạo Quốc hội không có nghĩa là có quyền chỉ huy mọi việc không cần tham khảo ý kiến Quốc hội. Vì thế chúng tôi đề nghị tập trung phải có kèm theo dân chủ, tập trung có dân chủ rộng rãi thì tập trung mới có hiệu quả. Kinh nghiệm kỳ này đã nhiều lần chứng minh rằng vì tập trung quá mà thiếu dân chủ thì thất bại. Chúng ta đang nói nhiều đến dân chủ cơ sở, nhưng nên nhớ rằng ở cấp cao dân chủ cũng chưa phải là tốt”.

Đại biểu Ngô Đình Loan nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của đại biểu, không nên dựa vào nguyên tắc Đảng lãnh đạo mà né tránh trách nhiệm. “Phải phát huy dân chủ và tinh thần tự chịu trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy, không dám tự chịu trách nhiệm, sẽ hạn chế đến kết quả của Quốc hội. Tôi đề nghị, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng đồng thời phải phát huy dân chủ trong Quốc hội” - ông Loan nói.

*

*       *

Phải nói rằng các đại biểu đã nhìn nhận hết sức thẳng thắn, về những điểm yếu trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua và đưa ra những giải pháp. Chưa bàn về việc những đánh giá đó đã trọn vẹn, bao trùm hết mọi vấn đề và đã nêu trúng những điểm xung yếu hay chưa. Nhưng tinh thần tự phê nghiêm túc nói trên thật dáng trân trọng. Hy vọng rằng những kinh nghiệm của khoá này sẽ được tiếp thu trong khoá tới. Để kết thúc, xin dẫn lời của ông Nguyễn Trọng Bằng: “Nhân dân cho rằng  có một luồng gió mới thổi vào không khí Quốc hội khoá X. Đi đến đâu người dân cũng chỉ tôi, nhiều khi dân không biết tôi  làm nghề gì, mà chỉ biết ông này là ông Nghị sĩ. Như thế, tôi thấy rằng nhân dân đã theo dõi hoạt động của Quốc hội. Đó là một điều đáng mừng. Chúng tôi hy vọng rằng Quốc hội khoá XI sẽ tiếp tục giữ không khí đó, phát huy dân chủ, thẳng thắn xây dựng...”.

                                            


 

* Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 4/2002.


 

[1] Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật về Hoạt động giám sát của Quốc hội, ngày 17/6/2003 (BBT).

 

 

   
Về trang mục lục

Trở về đầu trang