QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN


HOÀN THIỆN TỔ CHỨC VÀ ĐỔI MỚI NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
    CỦA CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN CỦA QUỐC HỘI
[*]

TS. Bùi Ngọc Thanh**

                          Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

 

1. Lược sử về các cơ quan chuyên môn

1.1. Lược sử hình thành các cơ quan chuyên môn của Quốc hội

Tính từ năm 1946 đến năm 2001, Quốc hội đã trải qua 10 khoá hoạt động với thời gian 55 năm, nhưng cơ quan chuyên môn (gồm Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban) lại mới chỉ ra đời và hoạt động từ năm 1960 đến nay. Cũng không phải tất cả các cơ quan chuyên môn nhất loạt cùng lúc ra đời, mà là sự hình thành và phát triển dần dần qua các khoá Quốc hội.

- Khoá I (1946-1960) chưa có cơ quan chuyên môn nào.

- Khoá II (1960-1964) Quốc hội mới thành lập hai Uỷ ban đó là Uỷ ban Dự án pháp luật và Uỷ ban Kế hoạch và ngân sách.

Uỷ ban Dự án pháp luật có 3 nhiệm vụ: (1) Thẩm tra dự án luật, pháp lệnh và những dự án khác về vấn đề pháp luật do Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho; (2) Căn cứ vào quyết định của Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thảo ra dự án luật và dự án pháp lệnh; (3) Đề ra dự án và ý kiến về vấn đề pháp luật với Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Điều 35, Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960). Uỷ ban Kế hoạch và ngân sách có nhiệm vụ thẩm tra dự án kế hoạch nhà nước, dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước và những dự án khác về kế hoạch nhà nước và về ngân sách nhà nước (Điều 36, Luật đã dẫn).

- Khoá III (1964-1971), ở khoá này, Quốc hội đã thành lập 5 Uỷ ban, ngoài Uỷ ban Dự án pháp luật và Uỷ ban Kế hoạch và ngân sách thì có thêm Uỷ ban Dân tộc, Uỷ ban Thống nhất và Uỷ ban Văn hoá xã hội. Các cơ quan chuyên môn này vẫn hoạt động theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960, nhưng chưa có văn bản nào quy định nhiệm vụ quyền hạn cho ba Uỷ ban mới được thành lập.

- Khoá IV (1971-1975) vẫn duy trì 5 Uỷ ban như khoá III.

- Khoá V (1975-1976) ngoài 5 Uỷ ban đã có, Quốc hội thành lập thêm Uỷ ban Đối ngoại.

- Khoá VI (1976-1981) sau khi thống nhất đất nước, Uỷ ban Thống nhất cũng chấm dứt vai trò lịch sử của mình.

- Khoá VII (1981-1987) và khoá VIII (1987-1992), Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước năm 1981. Ở hai khoá này, Quốc hội thành lập 8 cơ quan chuyên môn, bao gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Uỷ ban (Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Kinh tế, kế hoạch và ngân sách, Uỷ ban Văn hoá và giáo dục, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật, Uỷ ban Y tế và xã hội, Uỷ ban Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Uỷ ban Đối ngoại). Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan chuyên môn được quy định ở 2 điều (1 điều cho Hội đồng Dân tộc, 1 điều chung cho cả 7 Uỷ ban).

- Khoá IX (1992-1997) và khoá X (1997-2002), các cơ quan chuyên môn của Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992, về số lượng vẫn là 8 (gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Uỷ ban) nhưng có sự sáp nhập, đổi tên và thành lập mới. Uỷ ban Kinh tế, kế hoạch và ngân sách được đổi thành Uỷ ban Kinh tế và ngân sách; Uỷ ban Y tế và xã hội được đổi thành Uỷ ban Về các vấn đề xã hội; Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật đổi thành Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường; sáp nhập 2 Uỷ ban (Văn hoá và giáo dục và Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng) thành Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; thành lập mới Uỷ ban Quốc phòng và an ninh.

1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội

Từ khoá VIII trở về trước, nói chung quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội mới chỉ được quy định rất tổng quát. Cả 7 Uỷ ban chỉ có 1 điều quy định về nhiệm vụ và quyền hạn, tuy nhiên cũng đủ các loại công việc là thẩm tra, giám sát và kiến nghị. Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 có bước tiến bộ rõ rệt và vượt bậc trong việc cụ thể hoá, chi tiết hoá nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc và từng Uỷ ban. Nếu trước đây, nhiệm vụ, quyền hạn của 8 cơ quan chuyên môn của Quốc hội chỉ được quy định trong hai điều luật thì nay được quy định trong 9 điều gồm 27 khoản (một điều chung cho tất cả các cơ quan chuyên môn và mỗi cơ quan có một điều riêng). Uỷ ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban Kinh tế và ngân sách, Uỷ ban Đối ngoại, mỗi cơ quan có 4 loại nhiệm vụ, quyền hạn; các Uỷ ban còn lại, mỗi Uỷ ban có 3 loại. Với những nhiệm vụ, quyền hạn được cụ thể hoá, chi tiết hoá, Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 bước đầu đã chỉ ra phạm vi hoạt động của mỗi cơ quan chuyên môn (trước đây chưa quy định). So với Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước năm 1981 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960 thì Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 quy định, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội đã bao quát tương đối “kín”, tương đối đầy đủ các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội. (Ở khoá II các cơ quan chuyên môn mới chỉ hoạt động ở các lĩnh vực pháp luật, kế hoạch và ngân sách; khoá III và khoá IV được mở rộng thêm ra các lĩnh vực dân tộc, văn hoá và xã hội; khoá V và khoá VI mở rộng thêm lĩnh vực hoạt động đối ngoại. Các khoá VII và VIII tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y tế, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; sang khoá IX và khoá X tăng thêm lĩnh vực công nghệ, môi trường, quốc phòng và an ninh).

2. Đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan chuyên môn

Như đã trình bày, từ chỗ Quốc hội chưa có cơ quan chuyên môn nào đến lúc khởi đầu có 2 cơ quan và cho đến nay có 8 cơ quan, về số lượng là tương đối đủ; những quy định để nhằm thâu tóm những lĩnh vực hoạt động thì cũng khá bao quát. Tuy nhiên, có vấn đề được đặt ra là: tổ chức các cơ quan đã thật hợp lý chưa; những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định cho các cơ quan đó đã được thực thi đầy đủ chưa và hiệu quả đến mức độ nào... thì cần phải bàn thêm.

2.1. Hoàn thiện cơ cấu thành viên của các cơ quan chuyên môn

Có thể coi đây là một chuyên đề có rất nhiều vấn đề phải bàn, nhưng trong phạm vi bài này xin chỉ bàn về cơ cấu thành viên của mỗi cơ quan.

Những yêu cầu về kiến thức

Chúng ta đều biết, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban đều có ba nhiệm vụ chủ yếu là thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, báo cáo; giám sát việc thực hiện pháp luật, nghị quyết, chính sách; kiến nghị những vấn đề trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình. Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đó, cơ cấu thành viên của mỗi cơ quan chuyên môn phải bảo đảm có ba loại kiến thức cơ bản. Một là kiến thức luật pháp, hai là kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực mà luật pháp, chính sách điều chỉnh và ba là kiến thức văn phạm. Cần nói thêm rằng, các văn bản luật, pháp lệnh, các nghị quyết của Quốc hội đều là những văn bản đòi hỏi phải rõ ràng về nội dung, chuẩn tắc về ngôn từ và trong sáng về văn phạm, nhưng rất tiếc là có người không chú ý đầy đủ đến ngôn từ và văn phạm. Nếu coi ba loại kiến thức nói trên là một tiêu thức của cơ cấu hợp lý, cần thiết và soi tiêu thức đó vào Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban, chúng ta thấy hoặc là thiếu kiến thức pháp luật, hoặc thiếu kiến thức chuyên môn, cũng có khi thiếu kiến thức văn phạm. Thiếu sót này tồn tại vì ngay từ đầu hình thành tổ chức, chúng ta đã không tính toán đầy đủ theo nguyên tắc “từ nhiệm vụ mà tìm người”, chúng ta bị chi phối mạnh bởi tên cơ quan chuyên môn (cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thì tiêu thức chi phối tuyệt đối để lựa chọn thành viên phải là đại biểu dân tộc thiểu số; cơ quan chuyên môn về pháp luật thì tuyệt đại bộ phận phải là đại biểu đã học luật và làm công tác pháp luật; cơ quan quốc phòng và an ninh thì tất cả phải là bộ đội và công an; cơ quan chuyên môn về các vấn đề xã hội, thì mọi thành viên phải trải qua công tác xã hội...). Cách lựa chọn cơ cấu thành viên như thế tuy không sai, nhưng không đủ và không hoàn thiện.

Cơ cấu thành viên của các cơ quan chuyên môn

Trong 8 cơ quan chuyên môn của Quốc hội, có thể chia làm 2 loại. Loại cơ quan chuyên về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh (gồm Hội đồng Dân tộc và 6 Uỷ ban và loại cơ quan chuyên về luật pháp, đó là Uỷ ban Pháp luật). Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 và theo “thông lệ” 2 nhiệm kỳ này, không chỉ có Uỷ ban Pháp luật mới “làm luật” mà các Uỷ ban và Hội đồng Dân tộc đều phải “làm luật” (thẩm tra luật, pháp lệnh). Ngược lại, hầu như Uỷ ban Pháp luật không giám sát, kiến nghị gì về các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh, nghĩa là Uỷ ban Pháp luật chỉ chuyên về công tác luật pháp. Hai loại cơ quan này, nếu nói theo kiểu “dân dã” thì “người thiếu thứ nọ, kẻ thiếu thứ kia”.

a. Hội đồng Dân tộc và 6 Uỷ ban phụ trách các lĩnh vực, trong cơ cấu thành viên rất ít người được đào tạo về luật hoặc làm công tác pháp luật. Tính toán một cách tương đối (khi hình thành tổ chức ở kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá X) thì Uỷ ban có tỷ lệ thành viên được đào tạo luật cao nhất là 16,7%; tiếp đó có 2 Uỷ ban có tỷ lệ thấp hơn là 10,5% và 11,7%; 3 đơn vị có tỷ lệ rất thấp là 5%, 3% và 2,9%; đặc biệt có Uỷ ban không có ai được đào tạo về luật, ấy vậy mà lại “làm” rất nhiều luật quan trọng. Như vậy, các cơ quan chuyên môn về các lĩnh vực sẽ rất khó khăn khi thẩm tra, thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, chí ít là về kỹ thuật lập pháp. Có ý kiến cho rằng, cứ làm đi rồi sẽ biết, học trong quá trình làm. Nếu nói cho cả một đời công tác thì đúng nhưng trong một nhiệm kỳ thì đến khi “biết làm” cũng là lúc hết khoá. Đây là một trong các nguyên nhân của tình trạng chất lượng thẩm định các dự án luật, pháp lệnh không cao.

b. Về cơ quan chuyên môn về pháp luật của Quốc hội, cơ quan này được Luật Tổ chức Quốc hội quy định, thẩm tra, giám sát các lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, về hình sự, dân sự, hành chính. Ngoài ra còn phải thẩm tra một số dự án khác do Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao.

Cũng theo tính toán sơ bộ, sau khi hình thành bộ máy (tổ chức) tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá X thì trong cơ quan chuyên môn về pháp luật có 66,7% các thành viên được đào tạo về luật pháp, 12% được đào tạo về ngữ văn, 15% được đào tạo về một vài chuyên môn kinh tế, xã hội, kỹ thuật. Với thế mạnh về kiến thức luật và ngôn ngữ, đối với các luật thuộc các ngành luật hiến pháp, hành chính, dân sự, tố tụng dân sự, hình sự, tố tụng hình sự, cơ quan này có nhiều thuận lợi trong việc thẩm tra, thẩm định cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp. Nhưng đối với những dự án khác có liên quan đến các ngành luật tài chính, đất đai, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình, không phải không có khó khăn. Tuy nói là “một vài dự án khác” nhưng thực tế trong khoá X này, cơ quan chuyên môn về pháp luật được giao khá nhiều dự án được gọi là “khác” như hai lần dự án Luật Đất đai sửa đổi, dự án Luật Hôn nhân và Gia đình, dự án Luật Hải quan, dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Đây là những dự án luật có độ phức tạp khá cao. Các dự án Luật Đất đai, Luật Hải quan có liên quan đến các quan hệ phát sinh trong quá trình sử dụng đất đai; quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất; quan hệ về huy động vốn, hoạt động tín dụng, thuế khoá, ngân sách... Dự án Luật Hôn nhân và Gia đình và dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên quan nhiều đến những vấn đề chính trị, xã hội, đặc biệt là các vấn đề xã hội trong cơ chế thị trường. Chỉ với 15% thành viên có các chuyên môn kinh tế, xã hội, dù có kết hợp khéo đến đâu giữa các loại kiến thức thì cũng không phải là không có khó khăn trong việc xử lý các điều khoản có nội dung kinh tế, xã hội đặc thù. Đó là chưa nói đến khi cơ quan chuyên môn về pháp luật đi giám sát việc thực hiện các luật đó mà mình chưa cao hơn một tầm về tài chính, kinh tế, lao động... so với người tổ chức thực thi pháp luật.

Những phân tích trên đây là trong điều kiện các cơ quan chuyên môn chủ trì “tác chiến” hoặc độc lập “tác chiến”, còn trong thực tế thì bao giờ cũng có sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn, giữa các lực lượng xây dựng luật pháp và giám sát thực hiện. Tuy nhiên, việc phối kết hợp chặt chẽ đến đâu, hiệu quả đến mức độ nào lại là một chuyên đề khác và sẽ bàn vào lúc thích hợp.

Những kiến nghị

Từ những phân tích đó, xin kiến nghị là: Khi hình thành, khi tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, chúng ta không nên quá phụ thuộc (tới mức máy móc) vào “tên tuổi, nhãn mác” của các cơ quan đó, mà phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của nó (tựa như quân đội phải gồm nhiều quân, binh chủng hợp thành, chứ không phải chỉ có bộ binh). Với suy nghĩ như vậy, bước đầu xin được đưa ra một vài con số định lượng cho việc hình thành tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội khoá tới như sau:

- Đối với các cơ quan chuyên môn về các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh (gồm Hội đồng Dân tộc và 6 Uỷ ban):

 + Thành viên được đào tạo về luật pháp chiếm 25% tổng số thành viên.

+ Thành viên được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực mà cơ quan mình phụ trách chiếm 65%.

+ Thành viên được đào tạo về ngữ văn 5%.

+ Thành viên được đào tạo các chuyên môn khác 5%.

- Đối với cơ quan chuyên môn về pháp luật (hiện nay là Uỷ ban Pháp luật):

 + Thành viên được đào tạo về pháp luật chiếm 65% tổng số thành viên.

+ Thành viên được đào tạo về kinh tế, xã hội, kỹ thuật 20%.

+ Thành viên được đào tạo về ngữ văn 10%.

+ Thành viên được đào tạo các chuyên môn khác 5%.

Cả hai loại cơ quan nói trên, nếu các thành viên có chuyên môn, khoa học, kỹ thuật ở nhiều lĩnh vực càng tốt. Đây cũng là một hướng lựa chọn thành viên “một người biết nhiều việc”.

2.2. Đổi mới hoạt động của các cơ quan chuyên môn

Đây cũng lại là một chuyên đề rộng lớn và cũng bao gồm nhiều nội dung, nhiều tình tiết liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan. Trong mục này, xin được đề cập tới một vài việc mà chúng tôi cho là cấp bách và thiết thực.

Một là, Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 đã quy định tương đối đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và nội dung hoạt động của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, nhưng đó mới là những quy định chung nhất cho nên có những mảng công việc thiếu điều kiện thực hiện và thiếu chế tài xử lý khi có vi phạm. Tình trạng này thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực hoạt động giám sát. Cho đến nay các vấn đề như: thế nào là hoạt động giám sát, các hình thức giám sát, nội dung hoạt động giám sát, phạm vi giám sát của mỗi chủ thể giám sát... đang là những vấn đề tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau vì Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 chưa quy định cụ thể các vấn đề trên cho từng Uỷ ban và Hội đồng Dân tộc. Không ít các Uỷ ban đều nhận xét rằng, đã tích cực, cố gắng nhiều trong hoạt động giám sát nhưng hiệu quả không cao, nhiều kiến nghị sau giám sát chưa được tiếp thu thực hiện một cách nghiêm chỉnh[1].

Trước tình hình này, đã đến lúc phải xây dựng và ban hành một đạo luật về hoạt động giám sát[2]. Đạo luật này phải phân biệt rõ hoạt động giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước với hoạt động giám sát của các đoàn thể nhân dân; phân biệt được hoạt động giám sát với hoạt động kiểm sát; phân biệt được hoạt động giám sát với hoạt động thanh tra của các cơ quan hành pháp... Đặc biệt, phải làm rõ phạm vi, giới hạn hoạt động giám sát của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, phải quy định rõ các hình thức giám sát, nội dung hoạt động giám sát, nội dung hoạt động giám sát của các Uỷ ban và Hội đồng Dân tộc. Ngoài ra, phải quy định thật rõ hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát nhằm ràng buộc đối tượng được giám sát trong một thời hạn nhất định phải khắc phục sai sót, khuyết điểm và phải trả lời bằng văn bản cho chủ thể giám sát.

Hai là, phải từng bước khắc phục những trùng chéo công việc giữa các cơ quan chuyên môn với nhau. Theo một cách phân chia khác, thì 8 cơ quan chuyên môn của Quốc hội hiện nay được tổ chức theo 3 mô hình khác nhau. Mô hình thứ nhất là mô hình tổ chức theo lĩnh vực hoặc theo vấn đề, bao gồm 6 Uỷ ban (Đối ngoại; Quốc phòng và an ninh; Các vấn đề xã hội; Kinh tế và ngân sách; Pháp luật; Khoa học, công nghệ và môi trường). Mô hình thứ hai là mô hình tổ chức theo những lĩnh vực và đối tượng. Đó là Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (văn hoá và giáo dục là lĩnh vực; còn thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là đối tượng- đối tượng của luật pháp, chính sách). Mô hình thứ ba là mô hình tổ chức theo đối tượng và địa bàn. Đó là Hội đồng Dân tộc (các dân tộc thiểu số là đối tượng, mặc dù tên của Hội đồng không có chữ miền núi nhưng các đối tượng này chủ yếu là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa- nơi có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; hoạt động giám sát theo đoàn của Hội đồng Dân tộc cũng chủ yếu diễn ra trên các địa bàn này).

Ba mô hình tổ chức này dẫn đến sự khó phân biệt, khó bóc tách trong việc quy định và thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ, cần giám sát để góp phần giải quyết tình trạng một bộ phận trẻ em nghiện ma tuý là người các dân tộc thiểu số thì cơ quan nào của Quốc hội thực hiện? Trên giác độ tệ nạn xã hội thì Uỷ ban Về các vấn đề xã hội phải làm nhưng trên giác độ đối tượng thì phải chăng là Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; song, cũng có thể Hội đồng Dân tộc phải thực hiện vì đối tượng đó là con em đồng bào các dân tộc thiểu số thì Hội đồng thấu hiểu họ hơn. Tương tự như vậy, vấn đề văn hoá, nghệ thuật ở miền núi thì Hội đồng Dân tộc hay Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng xử lý? Xoá đói giảm nghèo ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc công việc của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội hay Hội đồng Dân tộc?... Chúng ta thường nói, khi thực hiện phải phối, kết hợp, phải huy động tổng hợp mọi lực lượng, nhưng ai kết với ai, ai huy động ai, nếu không có quy định thật rành mạch, không quy ước một cách dứt khoát.

Từ tình hình này, đương nhiên sẽ đi đến giải pháp là Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)[3] phải cụ thể hoá đến mức tối đa (trong khuôn khổ một đạo luật) nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Những nhiệm vụ đúng với chức năng của cơ quan nào thì đương nhiên thuộc công việc của cơ quan đó, nhưng những nhiệm vụ “ai làm cũng thấy được” thì phải quy ước, xác định người làm. Khi luật đã cụ thể hoá tối đa rồi mà vẫn còn có điểm chưa thật rõ thì nên chăng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết phân công, giao việc cho các cơ quan chuyên môn của Quốc hội (giống như nghị định quy định chức năng nhiệm vụ cho các bộ, ngành của Chính phủ)./.

 

 


 

[*] Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11/2001.

** Hiện là Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.


 

[1] Đến nay, những vấn đề này đã được khắc phục một bước tại Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 (BBT).

[2] Luật Hoạt động giám sát được ban hành năm 2003 (BBT).

[3] Luật Tổ chức Quốc hội đã được Quốc hội thông qua năm 2001 (BBT).

 

   
Về trang mục lục

Trở về đầu trang