QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN


QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ- MỘT SỐ LUẬN ĐIỂM VỀ TỔ CHỨC [*] 

ThS. Ngô Huy Cương**

                                                            Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp,

                                                                   Văn phòng Quốc hội

 

Quyền lực là một hiện tượng xã hội phát sinh trong các tổ chức, có thể đòi hỏi hoặc bắt buộc các thành viên thuộc chúng phải tuân thủ các mục tiêu chung đã được đề ra. Trong các tổ chức này, cộng đồng chính  trị (với tính cách là sản phẩm của nền văn minh nhân loại) là một xã hội toàn diện và có cơ cấu chặt chẽ được xem là một quốc gia có uy quyền. Ở đây, quyền lực của giai cấp thống trị được uỷ nhiệm cho nhà nước để sử dụng lực lượng vật chất khuất phục các quyền lực khác và liên kết tất cả các hình thức hoạt động của con người trong cộng đồng chính trị. Con người có thể không tham gia vào một tổ chức cụ thể nào, nhung không thể không tham gia vào một cộng đồng chính trị, không thể không chịu sự ràng buộc của một quốc gia nào mà nhà nước là đại diện. Chính vì nhà nước có một uy quyền tối cao và bao quát như vậy, nên vấn đề nhà nước hay nói một cách khác, chính quyền là vấn đề quan trọng nhất của mọi cuộc cách mạng như các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã nói.

Lịch sử loài người đã chứng kiến những xã hội mà trong đó một người nắm toàn bộ quyền bính trong tay, bóp nghẹt tự do, dân chủ. Vì thế, các học giả tư sản đại diện là J.Locke và S.L Montesquieu đã phát triển học thuyết "phân chia quyền lực" thành các nhánh quyền lực mà ở đó có “quyền lập pháp” và "quyền hành pháp”.

Vậy, “quyền lập pháp” và "quyền hành pháp” là gì và nó được tổ chức thực hiện như thế nào đã, đang và sẽ là những câu hỏi được quan tâm không chỉ của các chính trị gia, luật gia, mà còn của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện quyền lập pháp và quyền hành pháp còn phụ thuộc vào bản chất của chế độ chính trị.

Nghiên cứu các vấn đề này ở Việt Nam phải xuất phát từ hai tiền đề hoặc hai nguyên tắc cơ bản như:

1. Thừa nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất, toàn diện, tuyệt đối của cách mạng và nằm ở trung tâm của hệ thống chính trị Việt Nam;

2. Thừa nhận tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

Các vấn đề này còn được hiểu như các động lực thúc đẩy sự phát triển của cách mạng Việt Nam[1] và đã được ghi nhận vào Hiến pháp năm 1992 (Điều 4 và Điều 2). Ngoài ra, chúng ta còn cần phải khẳng định rằng, nước ta là một nước thống nhất mà nhân dân đã mất bao nhiêu xương máu để giành được, nên không thể xây dựng nhà nước theo kiểu liên bang.

1. Vấn đề phân chia quyền lực

1.1. Trước công nguyên, các nhà tư tưởng lớn như Platon và Aristote đã nhắc tới phân quyền, nhưng chỉ dừng lại ở quan niệm về một sự phân công lao động và phân nhiệm trong bộ máy nhà nước. Cho đến tận thế kỷ thứ XVI- XVIII, J.Locke và S.L Montesquieu đã phát triển các tư tưởng này thành học thuyết "phân chia quyền lực”. Cùng với các ông, nhiều học giả tư sản khác cũng quan tâm đến vấn đề này. Có quan niệm thì phân chia quyền lực thành quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền liên bang (J. Locke); có quan niệm thì phân chia quyền lực thành quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp (S.L Montesquieu, I. Cant)[2]. Nhưng dù sao cũng không ít quan niệm cho rằng quyền lực không thể phân chia hoặc chí ít cũng có mối quan hệ khăng khít không thể tách rời (J.J Rousseau...). Ở Trung Quốc trước kia (Trung Hoa Dân quốc) còn có quan niệm quyền lực được phân chia thành 5 quyền và họ phản ánh 5 quyền đó vào Hiến pháp năm 1947. Vậy có thể nói rằng, việc phân chia quyền lực không hẳn là một nguyên tắc khoa học, hợp lý mà là một thủ pháp chính trị nhằm hạn chế độc tài, chuyên chế, bảo vệ tự do của con người. Tuy nhiên, việc phân công, phân nhiệm trong bộ máy nhà nước là cần thiết để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội.

1.2. Ở các nước tư bản, người ta thường căn cứ vào mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp và hành pháp để phân loại chính thể - với tư cách là một tổ chức gồm các định chế chính trị như: Quốc hội, Tổng thống, Thủ tướng, Toà án tối cao...

Khi hành pháp được tổ chức độc lập với lập pháp thì có chính thể Tổng thống như ở Mỹ. Chính thể này áp dụng tương đối triệt để học thuyết tam quyền phân lập và là một thành công lớn ở Mỹ, nhưng lại không thành công ở các nước Nam Mỹ và một số nước khác.

Khi mà hành pháp kết hợp với lập pháp nhưng phải chịu trách nhiệm chính trị trước lập pháp thì có chính thể Nội các như ở Anh,  một số nước Tây Âu và ở các nơi khác.

Khi lập pháp là đại diện duy nhất của nhân dân, đóng vai trò một cơ quan tập trung quyền lực mà ở đó hành pháp chỉ là tổ chức thừa hành của cơ quan này thì có chính thể Quốc hội như ở Thuỵ Sỹ.

Ở đây, chúng tôi thấy cần phải phân biệt thêm về quyền lập hiến được coi như  một quyền riêng biệt và chính là chủ quyền, trong khi đó thuyết phân quyền chỉ tính đến các quyền được thiết lập. Do vậy, người ta có khái niệm về Quốc hội lập hiến. Ở Việt Nam, việc lập hiến hoặc sửa đổi Hiến pháp phải theo một trình tự và thủ tục đặc biệt, nhưng cũng do Quốc hội lập pháp thực hiện. Cùng với nguyên tắc tổ chức nhà nước tập quyền XHCN (là tập quyền về lập pháp, đối lập với tập quyền về hành pháp), việc thực hiện quyền lập hiến đã thể hiện vai trò đặc biệt của Quốc hội Việt Nam trong đời sống chính trị của đất nước.

            2. Quan niệm về Quốc hội (quyền lập pháp)

2.1. Như trên chúng ta đã xác định hai tiền đề quan trọng là sự lãnh đạo duy nhất, toàn diện, tuyệt đối của Đảng và quyền lực thuộc về nhân dân. Vậy, sự phát triển logic của các tiền đề này trong việc xây dựng bộ máy nhà nước ở Việt Nam nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm cho Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Điều đó có nghĩa là, chúng ta phải xây dựng nhà nước tập trung quyền lực, bởi dưới sự lãnh đạo duy nhất, toàn diện và tuyệt đối của Đảng thì Quốc hội, Chính phủ, Toà án... cũng đều có chung một mục tiêu, một đường lối, chính sách do Đảng đề ra. Ở đây không có quyền lợi nào khác ngoài quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nên không cần phải tạo ra sự đối trọng trong bộ máy nhà nước. Khi quyền lực hoàn toàn của nhân dân thì bộ máy nhà nước phải hoạt động dưới các quy tắc và sự giám sát của cơ quan cao nhất đại diện cho nhân dân là Quốc hội. Nhưng muốn cho nhà nước hoạt động có hiệu quả, thì cần phải có sự phân công, phân nhiệm cụ thể theo hướng chuyên môn hoá.

 C.Mác phê phán quan điểm phân quyền theo Hiến pháp của Pháp sau cách mạng 1814 rằng: Nghị viện chỉ là nơi “bàn cãi suông”, toà án chỉ độc lập giả dối, còn toàn bộ quyền lực tập trung vào cơ quan hành pháp[3]. Xây dựng chính quyền của giai cấp vô sản, V.I. Lênin đã nhấn mạnh nguyên tắc tập quyền và nêu rõ khẩu hiệu “toàn quyền của các Xô viết”[4].

Bên cạnh việc khẳng định bản chất giai cấp của quyền lực nhà nước, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng cho rằng, phân quyền có mối quan hệ chặt chẽ với phân công lao động trong việc tổ chức bộ máy nhà nước nhằm đơn giản hoá và để kiểm tra (Ph. Ăngghen)[5].

Chế độ phong kiến ở Việt Nam cũng đã nói tới “dân là gốc của nước”, nhưng thực chất đó chỉ là khẩu hiệu để duy trì sự thống trị của giai cấp phong kiến. Chỉ khi Cách mạng tháng Tám thành công, chúng ta mới xây dựng được một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân mà tinh thần này được thể hiện qua các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992.

Hun đúc tinh hoa của dân tộc Việt Nam và nhận thức sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chủ tịch nói: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ...”[6], “chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã, do dân tổ chức nên”[7].

Thấm nhuần các tư tưởng này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Xây dựng Nhà nước XHCN của dân, do dân, vì dân...”, “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Qua đây có thể khẳng định vai trò to lớn đại diện cho dân trong việc tổ chức nên bộ máy nhà nước của Quốc hội Việt Nam. Và chính điều này cũng khẳng định rằng các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp là những bộ phận cấu thành nên hệ thống tổ chức nhà nước mà ở đó cần phải tăng cường đồng đều tuỳ theo vai trò, vị trí, chức năng của từng bộ phận trong hệ thống. Rõ ràng là không thể tăng cường bộ phận này, làm yếu bộ phận kia để mất đi tính cân bằng, đồng bộ của hệ thống dễ dẫn đến xa rời bản chất của dân, do dân, vì dân.

2.2. Xuyên tạc vai trò, vị trí của Quốc hội ở các nước XHCN, các học giả tư sản đã phân chia các Quốc hội của các nước trên trên thế giới thành ba loại: Thứ nhất là Quốc hội thiết kế chính sách và có thế lực (Policy- making and influencing assemblies) như Quốc hội Mỹ; Thứ hai là Quốc hội ca kịch (the assembly as theatre) như Quốc hội ở các nước XHCN; Thứ ba là Quốc hội tối thiểu và yếu thế (minimal and vulnerable assemblies) như Quốc hội ở các nước trong thế giới thứ ba[8].

Trong khi đó, cũng các học giả này lại phân chia các Hiến pháp của các nước trên thế giới thành năm loại: Thứ nhất, Hiến pháp là một cơ cấu mềm của chính quyền mà các chi tiết phát triển thông qua tập quán và được bổ sung thêm, như Hiến pháp Hoa Kỳ cần được giải thích nhiều bởi toà án; Thứ hai, Hiến pháp là một bộ luật về nhà nước mà trong đó quyền lực và mối quan hệ giữa các định chế chính trị được quy định chi tiết đáng kể, như Hiến pháp của các nước Đức, Pháp và các nước Tây Âu khác; Thứ ba, Hiến pháp là một tuyên ngôn cách mạng thiết lập chương trình phát triển trong tương lai của xã hội, như Hiến pháp của các nước XHCN; Thứ tư, Hiến pháp thiết lập nên các ý tưởng chính trị tạo ra một hình ảnh của một thế giới mong muốn hơn là hiện thực như Hiến pháp của nhiều nước trong thế giới thứ ba; Thứ năm, Hiến pháp bao gồm nguồn gốc cổ xưa của quyền lực, như Hiến pháp "không thành văn” của Anh tập trung vào chủ quyền của Nghị viện, Hiến pháp của Israel không chính thức hoá, thông qua chủ quyền của Knesset (Nghị viện) bắt nguồn từ thánh kinh của đạo Do Thái[9].

Chúng ta hiểu rằng, điểm cốt yếu nhất của tuyên ngôn cách mạng trong Hiến pháp của các nước XHCN là xây dựng một xã hội mới bảo đảm lợi ích của đại đa số công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự quản lý của nhà nước kiểu mới thực sự “của dân, do dân, vì dân”. Qua đây chúng ta có thể suy luận ra rằng các nước theo con đường XHCN đang cố gắng phấn đấu xây dựng một Quốc hội thực quyền đại diện cho nhân dân.

2.3. Theo chính trị học hiện đại thì Quốc hội thông thường có các chức năng như: chức năng đại diện; chức năng thành lập và giải tán Chính phủ; chức năng thông qua luật, thiết lập các chính sách và giám sát việc thi hành; chức năng chọn lựa và xã hội hoá các thủ lĩnh chính trị... Trong đó chức năng đại diện là quan trọng nhất. Nó xác định vai trò, vị trí của Quốc hội, còn các chức năng khác là sự phát triển logic từ chức năng này, mang tính phái sinh.

Một chính quyền của dân, do dân, vì dân phải có một Quốc hội thực sự đại diện cho dân, quyết định các vấn đề lớn của đất nước là làm Hiến pháp, luật, quyết định chính sách, quyết định ngân sách và giám sát việc thi hành. Quốc hội của ta có vai trò như một cầu nối giữa sự lãnh đạo của Đảng và đời sống thực tiễn. Quốc hội chuyển hoá và cụ thể hoá các đường lối, chính sách của Đảng bằng kỹ thuật pháp lý để trở thành mệnh lệnh cho xã hội, rồi lại giám sát việc thi hành để kiến nghị với Đảng các đối sách thích hợp. Có thể nói, Quốc hội là trung tâm điểm của mối quan hệ “Đảng lãnh đạo- Nhà nước quản lý- Nhân dân làm chủ”.

Muốn để Quốc hội nước ta thực sự gánh vác nổi các trọng trách của mình thì việc trước hết là phải xây dựng được một đội ngũ chuyên gia giúp việc thật sự có năng lực. Cái năng lực ở đây là cái giỏi trong công việc thực, chứ không hoàn toàn có nghĩa là nhiều bằng cấp, học vị cao, làm việc lâu năm mà không được việc. Ngoài các kiến thức về chuyên môn, về Quốc hội, các chuyên gia giúp việc này phải có hiểu biết nhiều về Chính phủ, Toà án, Viện kiểm sát và về các địa phương. Như vậy họ mới có thể giúp các đại biểu của dân thực hiện được hết các nhiệm vụ lớn lao mà nhân dân giao phó.

3. Quan niệm về Chính phủ (quyền hành pháp)

3.1. Nếu quan niệm quyền hành pháp chỉ là quyền nhằm thi hành pháp luật, thì nó tỏ ra không đúng đắn và khó giải thích cho các hoạt động của Chính phủ. Ngoài việc thi hành pháp luật, Chính phủ còn có quyền lập quy, giải quyết công việc hành chính nội bộ, định hướng chính sách và điều khiển công cuộc đối nội, đối ngoại... Vậy, nói cho đúng quyền hành pháp là quyền quản lý.

Khoa học chính trị hiện đại sử dụng thuật ngữ quyền hành pháp chính trị (the Political Executive) và coi đó là hạt nhân có tính lịch sử của chính quyền. Nó phát triển theo quyền lực của chính quyền từ quân chủ lên tới các dạng tổ chức chính quyền hiện đại. Hành pháp dưới thời quân chủ được hiểu như một tổ chức giúp đỡ, tư vấn cho nhà vua và sau đó trong thời hiện đại trở thành một tổ chức hành pháp bắt buộc.

Hành pháp được xem là tập trung điểm của sự điều khiển, điều chỉnh của bộ máy nhà nước, bao gồm các định chế chính trị như Thủ tướng, Nội các, các Uỷ ban, các Bộ... Theo quan niệm hiện đại thì nhiệm vụ của hành pháp là quản lý các công việc của đất nước.

3.2. Chính phủ ngày nay thông thường có một số chức năng như:

- Định hướng rõ cho chính sách của quốc gia và kiến nghị cho cấp có thẩm quyền quyết định;

- Giám sát việc thực hiện chính sách đó;

- Động viên sự ủng hộ cho chính sách được thiết lập;

- Chỉ đạo nghi lễ và biểu dương sự thống nhất của quốc gia;

- Chỉ đạo, khắc phục tình trạng khủng hoảng và thừa hành quyền lực vô hạn trong tình trạng khẩn cấp.

Người ta đánh giá rằng, tổ chức và quản lý các quốc gia hiện đại là một quy trình lớn đòi hỏi kỹ xảo, kinh nghiệm và chuyên môn. Vì vậy, bộ máy hành chính là tối cần thiết cho việc thực hiện các chức năng của Chính phủ.

Qua nhiều thế kỷ, bộ máy quan liêu hay còn gọi là bộ máy thư lại đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị. Nhà cầm quyền luôn luôn quan tâm tới vấn đề gìn giữ việc kiểm soát có hiệu quả đối với các công chức hành chính. Ảnh hưởng của bộ máy thư lại đối với việc thiết lập chính sách phát triển, cùng với sự mở rộng của Chính phủ là rất lớn. Nhưng ở đây, cũng cần phải phân biệt giữa hành pháp và hành chính. Hai thuật ngữ này không trùng khớp với nhau. Nếu hiểu hành chính là hành chính công (Public Administration) thì nó là một phương tiện quan trọng và chủ yếu để quản lý xã hội và thực hiện quyền hành pháp. Vậy, việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện quyền hành pháp không thể tách rời việc nghiên cứu, tổ chức bộ máy quan liêu (đựơc hiểu theo nghĩa là một định chế thực hiện các chức năng, trách nhiệm của quốc gia).

Theo nhà xã hội học người Đức, Max Weber thì bộ máy quan liêu có các đặc điểm sau:

- Bao gồm các bộ phận chuyên môn được xác định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng;

- Quyền lực phi cá nhân và phụ thuộc vào các quy tắc;

- Nhân viên được tuyển dụng căn cứ vào khả năng được kiểm tra hoặc ít nhất có tiềm năng phát triển;

- Công chức được thăng chức phù hợp với thâm niên và công trạng;

- Hệ thống cấp bậc chặt chẽ mà mỗi người đều phụ thuộc vào quyền lực của cấp trên.

Ở trung ương, Chính phủ là một tập thể bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên có vai trò chính trị to lớn định hướng các chính sách và điều phối chặt chẽ giữa các bộ, các ngành và các địa phương trong toàn quốc. Thủ tướng lãnh đạo Chính phủ, chăm lo việc củng cố, tổ chức Chính phủ, theo dõi hoạt động của các bộ và các địa phương, đề xuất chính sách để Chính phủ quyết. Các bộ thực hiện việc quản lý ngành, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển ngành trong tổng thể phát triển chung của các bộ, ngành và các địa phương khác. Bộ đi sâu vào quản lý hành chính trong phạm vi ngành.

3.3. Hiện nay trên thế giới, người ta cho rằng xây dựng Chính phủ nên theo sơ đồ sau:

- Căn cứ vào mục đích: Tổ chức các bộ theo mục tiêu cụ thể phục vụ cho các nhu cầu xã hội, như Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp, Giao thông vận tải...;

- Căn cứ vào khu vực: Tổ chức một bộ chịu trách nhiệm về tất cả các chính sách của Trung ương đối với các địa phương (áp dụng cho các nước có lãnh thổ thuộc địa);

- Căn cứ vào đối tượng phục vụ: Tổ chức một bộ cung cấp các dịch vụ quản lý đối với một nhóm công dân nhất định (như cựu chiến binh, trẻ em...);

- Căn cứ vào quy trình: Tổ chức một bộ phụ trách tất cả các dạng hoạt động chuyên môn, như kế toán, thống kê...

Việc tổ chức Chính phủ ở Việt Nam nên theo khuynh hướng giảm bớt các cơ quan thuộc Chính phủ và để một số cục nằm trong Bộ hoặc Uỷ ban. Bộ chịu trách nhiệm chung về việc thiết lập chính sách phát triển, lập quy hoạch, kế hoạch, còn việc điều hành chuyên môn thuộc cục. Các Cục Hàng không, Cục Hàng hải, có thể tổ chức theo dạng (Quasi-autonomous Governmental Organization - Tổ chức Chính phủ chuẩn tự trị) vừa thực hiện nghiệp vụ quản lý hành chính công, vừa thực hiện một số hoạt động kinh doanh tự hạch toán (nhưng đặc biệt không được kinh doanh trong lĩnh vực mình có mục tiêu quản lý chính, ví dụ Cục Hàng không, Cục Hàng hải không được kinh doanh vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hoá mà chỉ được kinh doanh sân bay, bến cảng...). Đây là mô hình mà nhiều nước trên thế giới làm theo, do đặc thù quản lý của các ngành này.

3.4. Chính phủ và Thủ tướng tập trung vào việc định hướng chính sách, xây dựng văn bản pháp quy và theo dõi việc thực hiện chính sách, tránh tình trạng chạy theo công việc hành chính đơn thuần thuộc chức trách của các bộ. Các chính sách này phải nhất quán để đạt được mục tiêu và được thể hiện thông qua các dự luật, các văn bản pháp quy và các báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch nước. Chính phủ cần thường xuyên theo dõi việc thực hiện chính sách tại các bộ, địa phương và điều chỉnh chính sách. Ở đây, cần nhấn mạnh đến quyền lực chính trị của Chính phủ chứ không phải đặt nhiệm vụ hành chính lên cao hơn.

3.5. Hoạt động của Chính phủ muốn có hiệu quả cần phải có một đội ngũ cán bộ, công chức vừa hồng, vừa chuyên. Để đạt được điều đó thì cần phải tạo ra một cơ chế để nhân dân được tham gia trực tiếp vào việc thiết lập chính sách cán bộ; phải tìm được những người có tài, có đức thực sự để gánh các trọng trách của Đảng và Nhà nước. Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do đó nhân dân phải được bày tỏ sự mong muốn của mình với đội ngũ cán bộ, công chức; được góp ý, phê bình, tố cáo các cán bộ, công chức làm sai, lạm dụng chức vụ quyền hạn nhũng nhiễu nhân dân.

Qua các phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng, Quốc hội cần giám sát Chính phủ kỹ lưỡng hơn nữa để bảo đảm cho việc tập trung quyền lực như một nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước của Việt Nam đi vào cuộc sống. Quốc hội cần có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm các Bộ trưởng. Thực tế, ở hầu hết các nước trên thế giới cho thấy một quy luật, là: Chính phủ thường chi phối hoặc có thế lực hơn so với Quốc hội, bởi Chính phủ có bộ máy chuyên môn sâu, hoạt động thực tiễn nhiều... Do đó, để tránh khuynh hướng này cần tăng cường chức năng quyết định chính sách, giám sát, tổ chức, nhân sự, ngân sách và kiểm sát kế toán công của Quốc hội. Cùng với việc tăng cường các chức năng này, chúng tôi thấy phải đặt tổ chức kiểm toán quốc gia thuộc Quốc hội./.


 

[*] Nghiên cứu Lập pháp, số 1/1999.

**Hiện là Tiến sĩ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.


 

[1] Xem GS,TS. Đào Trí Úc: "Những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước và pháp luật". Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội- 1995, tr. 20, 21, 22, 23.

[2] Xem PTS. Đinh Văn Mậu: "Đại hội VIII Đảng Cộng sản Việt Nam và những vấn đề cấp bách của khoa học về nhà nước và pháp luật". Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội- 1997, tr. 86, 87, 88, 89.

[3] Xem PTS. Đinh Văn Mậu: "Về cấu trúc quyền lực nhà nước và tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước trong thực tế" trong cuốn "Đại hội VIII Đảng Cộng sản Việt Nam và những vấn đề cấp bách của khoa học về nhà nước và pháp luật". Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội-1997, tr. 93, 94.

[4] Xem PTS. Đinh Văn Mậu- Sđd.

[5] Xem PTS. Đinh Văn Mậu- Sđd.

[6] Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Về đạo đức". Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội- 1993, tr. 95.

[7] Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Toàn tập". Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội- 1993, tr. 5, 698.

[8] Xem Rod Hague, Martin Harrop and Shaun Breslin: "Political Science- A Comparative introduction"- St. Martin's Press- New York,  p. 262, 229, 305.

[9] Xem Rod Hague, Martin Harrop and Shaun Breslin "Political Science- A Comparative introduction"- St. Martin's Press- New York, p. 262, 229, 305.

 

 

   
Về trang mục lục

Trở về đầu trang