QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN


CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
[*]

                                                                  TS. Nguyễn Đình Tập

                                                                                    Bộ Công an

Ý nghĩa của chương trình hành động

Trong bất kỳ cuộc bầu cử Quốc hội nào, chương trình hành động (CTHĐ) của ứng cử viên luôn là tài liệu rất quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất. Ngay cả khi cuộc bầu cử đã hoàn thành, Quốc hội đã đi vào hoạt động thì CTHĐ của các đại biểu vẫn không hề giảm đi vai trò quan trọng của nó. Bởi vì:

- CTHĐ được ứng cử viên chuẩn bị kỹ, với sự đầu tư cao về sức lực, trí tuệ. Vì thế, nó vừa phản ánh rất sát trình độ, năng lực về mọi mặt của ứng cử viên, vừa phản ánh phần nào nhu cầu, nguyện vọng của cử tri trong khu vực; là cái mà các ứng cử viên dùng để “thể hiện mình” trước cử tri, phát biểu trước cử tri những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất cũng như các vấn đề mà mình tâm huyết nhất; là một sản phẩm trí tuệ của ứng cử viên.

- Trước bầu cử, CTHĐ là một loại thông tin có độ tin cậy để cử tri nhận thức, đánh giá, sát hạch và lựa chọn người xứng đáng đại diện cho mình. Sau bầu cử, CTHĐ còn là căn cứ để cử tri đối chiếu, giám sát, đánh giá hoạt động của các ứng cử viên khi họ đã trở thành đại biểu Quốc hội. Đồng thời, CTHĐ cũng là cái luôn luôn nhắc nhở, hối thúc đại biểu Quốc hội thực thi những gì mà họ đã hứa trước cử tri khi vận động bầu cử.

- Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI vừa qua, trong số 762 ứng cử viên đã trình bày CTHĐ, thì 498 người đã trúng cử. Nghĩa là, có 498 bản CTHĐ của ứng cử viên đã trở thành CTHĐ của đại biểu Quốc hội. Điều này một lần nữa khẳng định tính chất quan trọng của các bản CTHĐ không phải chỉ trong vận động bầu cử mà còn quan trọng hơn trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội.

- Cuộc bầu cử kết thúc, danh sách các ứng cử viên trúng cử vào Quốc hội đã được long trọng công bố. Bắt đầu từ đây, vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm là hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ. Liệu những người đại biểu được cử tri tín nhiệm lựa chọn có đáp ứng được sự tin cậy của cử tri hay không? Những gì mà họ từng cam kết, hứa hẹn trước cử tri sẽ được thực thi đến đâu? Theo dõi các phỏng vấn tại chỗ do phóng viên các đài, báo thực hiện đối với một số cử tri trong ngày bầu cử 19/5/2002, chúng tôi thấy tất cả cử tri khi được hỏi về cảm tưởng, nguyện vọng đều nêu bật 2 vấn đề trên.

Tất cả những vấn đề đặt ra trên đây vừa đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, vừa phải tăng cường vai trò giám sát của cử tri đối với các bản CTHĐ.

Thực tế

Theo dõi quá trình vận động bầu cử Quốc hội khóa XI cũng như một số khoá trước, chúng tôi thấy có một số hạn chế cần khắc phục xung quanh CTHĐ của đại biểu Quốc hội. Cụ thể là:

- Trong nhận thức của một số người còn có quan điểm lệch lạc cho rằng: Việc ứng cử viên báo cáo CTHĐ trước cử tri là công việc cốt để hoàn thành một thủ tục theo pháp luật quy định. Thực tế vừa qua cho thấy, trong khi rất nhiều ứng cử viên đã chuẩn bị rất cẩn thận CTHĐ để báo cáo với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc địa phương nơi mình ứng cử và trình bày trước cử tri tại các cuộc tiếp xúc, thì vẫn còn có những người không làm được theo yêu cầu đó; thậm chí, có đại biểu không chuẩn bị CTHĐ thành văn bản.

- Rất ít khu vực bầu cử tìm cách tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các bản CTHĐ để mọi cử tri trong khu vực đều có thể được đọc, được nghe. Vừa qua, tình hình chung là các bản CTHĐ mới chỉ được trình bày tại các cuộc tiếp xúc cử tri, chưa được chú ý tuyên truyền trên đài, đăng tải trên báo. Do đó, những cử tri không tham dự các buổi tiếp xúc thì hầu như không có thông tin về CTHĐ của ứng cử viên. Sau bầu cử, CTHĐ chưa được quy định lưu giữ ở đâu. Cử tri nào quan tâm, muốn tìm hiểu thì chưa biết có thể tìm được ở đâu.

- Mới chỉ có một số ít điểm bầu cử tổ chức cho cử tri nghiên cứu, trao đổi, góp ý đối với CTHĐ của ứng cử viên trước khi tổ chức tiếp xúc cử tri.

- Ở hầu hết các điểm bầu cử, cử tri góp ý, bổ sung CTHĐ trong khuôn khổ các buổi tiếp xúc. Tại các buổi này, số lượng cử tri tham gia không được nhiều, thời gian hạn chế; thông thường, cử tri chỉ tập trung nêu với các ứng cử viên những vấn đề bức xúc của đất nước, của địa phương, cơ sở; ít có ý kiến góp ý trực tiếp vào CTHĐ của ứng cử viên. Việc các đơn vị dân cư (phường - xã, thôn - bản...) và các tổ chức chính trị cơ sở (chi bộ, chi đoàn, chi hội,...) tổ chức cho các thành viên góp ý hầu như chưa được đặt ra...

- Từ trước đến nay, nói chung các CTHĐ chưa được sử dụng như một tài liệu để cử tri theo dõi, đối chiếu, đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội sau khi đã trúng cử. Chưa có quy định buộc các đại biểu Quốc hội định kỳ trở lại nơi mình trúng cử để báo cáo kiểm điểm trước cử tri về tình hình thực thi CTHĐ đã nêu ra khi vận động tranh cử.

Những thiếu sót trên đây làm hạn chế tác dụng của CTHĐ, cử tri ít được biết, thiếu quan tâm và có phần thiếu tin tưởng tính khả thi của CTHĐ; cũng có những đại biểu Quốc hội khi đã trúng cử rồi thì thiếu quan tâm đến CTHĐ mà chính mình đã báo cáo trước cử tri; các Đoàn đại biểu Quốc hội chưa nắm và chưa có kế hoạch giúp các đại biểu tổ chức thực hiện CTHĐ mà họ đưa ra khi vận động bầu cử.

Và kiến nghị

Khắc phục những hạn chế trên đây, chúng tôi cho rằng có 5 việc nên làm sau đây:

1. Quốc hội nên yêu cầu các đại biểu Quốc hội khoá XI tiến hành bổ sung, hoàn chỉnh lại CTHĐ của mình (sau khi đã được cử tri góp ý) thành văn bản chính thức nộp lưu tại Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nên đăng tải các CTHĐ này trên báo địa phương và phát trên đài truyền thanh địa phương (việc phát thanh này không chỉ một lần mà nên trích nhắc lại một năm vài lần vào thời điểm trước và sau kỳ họp thường niên của Quốc hội). Việc làm này vừa có tác dụng nhắc nhở đại biểu Quốc hội về CTHĐ của mình, vừa có tác dụng xây dựng, củng cố niềm tin cho cử tri trong khu vực về những điều đại biểu Quốc hội đã hứa hẹn và cam kết với họ. Đồng thời, mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội nên in CTHĐ của các đại biểu thuộc Đoàn thành một tập riêng, phát hành rộng rãi và lưu giữ tại các thư viện - tủ sách địa phương... Làm được như thế thì bất kỳ cử tri nào có nhu cầu đều có tài liệu để tìm hiểu, người không có điều kiện đọc thì có thể được nghe.

2. Các đại biểu Quốc hội định kỳ trở về nơi mình trúng cử tổ chức tiếp xúc cử tri. Trong nội dung tiếp xúc có phần kiểm điểm, đánh giá trước cử tri về tình hình thực thi CTHĐ đã đưa ra khi vận động bầu cử và trả lời các câu hỏi của cử tri liên quan đến CTHĐ. Việc tiếp xúc cử tri lâu nay cũng là việc vẫn làm: trước kỳ họp Quốc hội thì tiếp xúc cốt để nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri; sau kỳ họp thì truyền đạt tới cử tri kết quả kỳ họp đó. Ở đây có 2 đề xuất mới: Một là, các đại biểu cho dù làm việc ở các cơ quan Trung ương hay địa phương, nên định kỳ trở về nơi mình trúng cử tiếp xúc cử tri. Phải coi đây là yêu cầu bắt buộc trong hoạt động của đại biểu Quốc hội. Như thế mới thực sự tôn trọng cử tri nơi đã lựa chọn và bầu làm người đại diện cho họ. Hai là, phải báo cáo với cử tri tình hình thực thi CTHĐ để cử tri thực hiện quyền giám sát, đánh giá của họ. “Nói và làm đi đôi”, đang là phương châm hành động của chúng ta. Cho nên đại biểu Quốc hội càng phải tiên phong, gương mẫu về vấn đề này. Những vấn đề mà đại biểu đã hứa hẹn, cam kết với nhân dân thì phải thực hiện và phải báo cáo lại kết quả trước cử tri.

3. Các Đoàn đại biểu Quốc hội cần coi việc theo dõi, giúp đỡ các đại biểu thuộc Đoàn mình tổ chức thực hiện có kết quả tốt CTHĐ là một nhiệm vụ quan trọng của Đoàn, một trách nhiệm cao quý trước cử tri. Vấn đề này xưa nay chưa đặt ra, nay cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ cấu tổ chức có khả năng nắm sát nhất tình hình hoạt động của các đại biểu  trong Đoàn. Do đó, họ có khả năng nhất định trong việc đánh giá, so sánh kết quả hoạt động của các thành viên so với CTHĐ của mỗi người có khả năng thích hợp nhất trong việc giúp đỡ các thành viên thực thi CTHĐ.

4. Quốc hội khóa XI nên giao cho các cơ quan giúp việc tập hợp tất cả CTHĐ của 498 đại biểu Quốc hội, in thành một tập sách truyền thống, trang trọng (có thể coi đó là tập kỷ yếu). Tài liệu này sẽ có giá trị rất nhiều mặt:

- Đó là bản tập hợp sản phẩm trí tuệ (sáng kiến, đề xuất, kiến nghị,...) của tất cả đại biểu Quốc hội trước cử tri, được phát ra trong thời khắc đặc biệt quan trọng, là khi vận động bầu cử.

- Là bản ghi nhớ tất cả những gì đại biểu Quốc hội đã long trọng hứa với cử tri trong vận động bầu cử; căn cứ để cử tri cả nước theo dõi và đánh giá tình hình thực thi CTHĐ của đại biểu Quốc hội, xây dựng thêm niềm tin của họ đối với các bản CTHĐ.

- Là một trong những tài liêu tham khảo để cân nhắc, lựa chọn các đại biểu cần được giới thiệu tái cử khóa tiếp sau.

5. Để bảo đảm tính tiên tiến, cập nhật và chất trí tuệ của CTHĐ, cứ sau 3 năm hoạt động (trong nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội), các đại biểu Quốc hội nên rà soát, sơ kết lại việc thực thi CTHĐ, bổ sung những vấn đề mới cho phù hợp với tình hình phát triển trong và ngoài nước và sự phát triển nhận thức của mỗi đại biểu.

Làm được 5 việc trên đây, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với CTHĐ của mình sẽ nâng cao hơn; sự giám sát của cử tri có cơ sở hơn, niềm tin của cử tri đối với CTHĐ của đại biểu Quốc hội sẽ tăng lên; quan hệ ràng buộc giữa cử tri với đại biểu Quốc hội xung quanh những cam kết trong CTHĐ đi vào thực chất hơn; CTHĐ trở thành một cầu nối thường xuyên, vững chắc giữa nhân dân với đại biểu Quốc hội./.  


 

[*] Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 7/2002.