VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

THƯ CỦA TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI VIỆT NAM GỬI ÔNG NGUYỄN  BÌNH

 

Kính gửi:       Trung tướng Nguyễn Bình;

    Uỷ viên quân sự Nam bộ;

    kiêm Khu trưởng Khu VII Việt Nam 

Thưa Ngài,

Ban Thường trực Quốc hội rất vui mừng khi nhận được thư của Ngài do Đoàn đại biểu Nam bộ chuyển giao, nhất là được tin Ngài vẫn luôn luôn mạnh và bộ đội Nam bộ gần đây đã liên tiếp thắng nhiều trận oanh liệt. Một tấm tình yêu kính nồng nàn như muốn hiện thành một vật hữu hình để gửi đến các chiến sĩ tiên phong Nam bộ, để bộc lộ sự thân yêu và biết ơn các chiến sĩ đã đêm ngày, suốt hơn 3 năm nay, không ngừng kháng chiến, mong đánh đuổi quân thù là bọn thực dân phản động Pháp ra khỏi bờ cõi nước nhà.

Những cái chết anh hùng, những sự hy sinh dũng cảm của chiến sĩ Nam bộ đã làm cho Quốc hội muôn vàn thương tiếc, xót xa, cũng như bao cuộc thắng trận ở Đồng Tháp Mười, ở cầu La Nhà, ở "Giông Dưa"[1], ở khắp Nam bộ đã làm cho Quốc hội hân hoan tin tưởng vào sự hết lòng vì nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc của các chiến sĩ dưới quyền tổng chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và do Ngài trực tiếp chỉ huy.

Thay mặt Ban Thường trực Quốc hội và toàn thể quốc dân, tôi trân trọng nhờ Ngài chuyển tới các chiến sĩ Nam bộ lời chào hoan nghênh và thân ái, thiết tha chúc các chiến sĩ trong cuộc luyện quân lập công và thi đua yêu nước này luôn luôn mạnh khoẻ, dẻo dai để chiếm những công đầu trong toàn quốc. Là những người đã có cái vinh dự đứng lên tiên phong chống giặc, các chiến sĩ Nam bộ phải cố gắng làm sao để cùng tiên phong ca khúc khải hoàn.

Ban Thường trực Quốc hội luôn luôn ở bên cạnh Chính phủ Hồ Chí Minh do Quốc hội đại diện 20 triệu dân Việt Nam bầu ra, cùng với Chính phủ này chăm lo mọi việc kháng chiến kiến quốc, đi sát với toàn thể đồng bào và nhất là chú ý luôn luôn đến các chiến sĩ và đồng bào Nam bộ.

Sau, tôi xin kính chúc Ngài luôn luôn mạnh để lãnh đạo.

Chào thi đua và quyết thắng.

 

KT. TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
PHÓ TRƯỞNG BAN

 

Linh mục PHẠM BÁ TRỰC

                                                                                            

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


[1]. Có lẽ là “Giồng Dừa “ (BT).