VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

LỜI CỤ BÙI BẰNG ĐOÀN, TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI,

PHÚC ĐÁP CÂU HỎI CỦA MỘT NHÀ BÁO VỀ CUỘC HỘI ĐÀM GIỮA CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI VÀ ÔNG BOLLAERT

 

Hỏi: - Xin Cụ cho biết ý kiến về cuộc hội đàm vừa rồi giữa cựu Hoàng đế Bảo Đại và ông Bô-Léc[1]:

Trả lời: - Ngài cựu Hoàng đế tức là Ngài cố vấn Vĩnh Thụy, là người rất trọng danh dự, bao giờ cũng để quyền lợi quốc gia lên trên hết. Nếu Ngài đã hội đàm với ông Bô-Léc, chỉ là vì:

1- Ngài ở nước ngoài đã hơn một năm trời, tình hình chân thật trong nước nhất là tình hình kháng chiến, không đạt được hết đến tai Ngài, phần thời bọn người Pháp mưu mô chia rẽ đồng bào ta, phần thời một số người mình hoặc vì thành kiến, hoặc vì nhận định sai lạc, hoặc vì mưu đồ lợi riêng, đều bày tỏ cùng Ngài một cách dối trá về tình hình trong nước. Lại còn một số người vì oán ghét một vài cán bộ Việt Minh ở địa phương, lại thêu dệt thêm rằng Việt Minh là Cộng sản, mà Chính phủ Hồ Chí Minh là Chính phủ Việt Minh, thường cũng độc tài, độc đoán, v.v.. Các lời nói dối ấy đã làm xiêu lòng Ngài. Ngài bèn cho rằng đàm phán với Pháp thời sẽ lợi cho quốc gia và tránh sự đau khổ cho quốc dân.

2- Người Pháp khôn quyệt2, họ hứa hẹn với Ngài rằng nếu Ngài đứng ra đàm phán cùng họ thời họ sẽ công nhận cho nước mình được Độc lập và thống nhất, chứ điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh thời họ không muốn, v.v...

Đứng trước lời hứa hẹn ấy, Ngài cho rằng nếu Ngài không ra thời lỡ một dịp hay cho Tổ quốc và quốc dân.

Nhưng sự hội đàm giữa Ngài và ông Bô-Léc sẽ đi đến chỗ nào ? Ta thử xét xem. Tôi tưởng:

Hoặc là sau mấy lần hội kiến và đàm phán, người Pháp tỏ ra rằng họ chỉ thừa nhận cho mình được Độc lập và thống nhất một cách hữu danh vô thực, chứ quyền ngoại giao họ vẫn giữ cả, binh bị họ không để cho mình có riêng, hoặc có riêng nhưng họ lại đóng quân để hòng đè binh lực của ta vân vân. Như vậy thì chắc Ngài sẽ vì danh dự đối với quốc dân và lịch sử mà cự tuyệt họ, không chịu tiếp tục đàm phán với họ nữa, quyết không khi nào Ngài để họ lợi dụng được danh nghĩa của Ngài. Sự cự tuyệt ấy, theo nguyện vọng của quốc dân và có lợi cho cuộc tranh thủ độc lập sẽ làm tăng thêm danh dự của Ngài và lòng sùng kính của quốc dân đối với Ngài.

Hoặc là người Pháp vì bối rối về nội tình, nhất là vì bị hao tổn rất nhiều binh lính tiền tài trước cuộc kháng chiến anh dũng của ta mà không thu được kết quả gì thực tế, họ đành chịu thừa nhận nền Độc lập và thống nhất chân thật của nước ta, nhưng họ lại vì vấn đề thể diện mà yêu cầu đàm phán với Ngài chứ không chịu đàm phán với Chính phủ kháng chiến như vậy thời: phần thì Ngài thừa hiểu rằng thực dân Pháp, nguyên muốn đặt lại nền đô hộ, thế mà nay chịu nói đến đàm phán, ấy là nhờ có sự kháng chiến anh dũng của toàn dân ta do cụ Hồ Chủ tịch sáng suốt lãnh đạo;

Phần thì Ngài nhận thấy rằng mặc dù một số người vu cáo cụ Hồ Chí Minh vẫn đầy uy tín trước quốc dân;

Phần thì Ngài thừa biết rằng trong công cuộc kiến quốc về sau cũng như trong công cuộc kháng chiến ngày nay, tất phải có người tài trí xuất chúng như cụ Hồ Chí Minh mới đảm đương được.

Vậy Ngài sẽ cùng cụ Hồ Chí Minh hợp tác trên nền dân chủ để mưu hạnh phúc chung cho dân tộc. Nghiễm như có khi Ngài đã nói rằng: Nước mình ít người, may ra có ông Hồ Chí Minh có thể mưu xong Độc lập mà thôi, thời biết rằng Ngài vẫn sẵn lòng cùng cụ Hồ Chí Minh hợp tác. Cụ Hồ cũng đã có lần tuyên bố rằng Cụ chỉ vì muốn làm cho nước nhà được Độc lập và thống nhất chân thật mà tranh đấu chứ không vì quyền vị. Vậy nếu hai vị Quốc trưởng cũ và Quốc trưởng hiện thời đồng tâm cộng tác thời sẽ làm vinh quang cho dân tộc biết là chừng nào...

 

BÙI BẰNG ĐOÀN

                                                                                                                         

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


1. Tức Bollaert, Cao uỷ Pháp ở Đông Dương từ 3-1947 đến 9-1948 (BT).

2. m ý là ranh ma, quỷ quyệt (BT).