Hỏi:
- Từ 19 tháng Chạp đến nay cụ đã có nhiều dịp đi kinh lý các địa phương.
Xin cụ cho biết sức chiến đấu của bộ đội và tinh thần dân chúng như thế
nào?
Đáp:
- Tại khắp các mặt trận, bộ đội ta kháng chiến cực kỳ anh dũng. Ai nấy
đều cương quyết và giầu lòng hy sinh, vừa dũng cảm, vừa kiên nhẫn. Tinh
thần dân chúng ở hậu phương cũng rất cao; không cứ già hay trẻ, giai hay
gái, lương hay giáo, giầu hay nghèo, đồng bào đa số hay thiểu số, ai nấy
đều đồng tâm nỗ lực, tuỳ khả năng, tuỳ hoàn cảnh, góp sức vào cuộc kháng
chiến. Điều đó là tất nhiên, bởi chúng ta kháng chiến là vì chính nghĩa,
là vì công lý, là để giữ chủ quyền của dân tộc, là để bảo toàn lãnh thổ
cho Tổ quốc, là để giữ quyền tự do của đồng bào.
Hỏi:
- Ý kiến của cụ đối với những lời cố vấn Vĩnh Thụy vừa tuyên bố và đối
với việc thực dân Pháp đương cố lập Chính phủ bù nhìn như thế nào?
Đáp: - Theo như
báo ngoại quốc thời Ngài cố vấn Vĩnh Thụy, tức là Đức Cựu Hoàng đế Bảo
Đại, sau khi tiếp đại diện thực dân Pháp đến vận động cầu Ngài đứng ra
lập Chính phủ, có tuyên bố rằng: "Chỉ khi nào Cụ Hồ Chí Minh yêu cầu tôi
về cầm chính quyền thời tôi mới về, vì chỉ có cụ Hồ Chí Minh là tiêu
biểu lòng dân Việt Nam mà thôi". Nghe câu tuyên bố ấy, tôi không lấy gì
làm lạ, vì tôi đã được theo Ngài và giúp việc Ngài trong mười hai năm
tròn, nên tôi được biết rõ Ngài là một vị rất sáng suốt, rất trọng dân
quyền, sẵn lòng hy sinh, bao giờ cũng để quyền lợi quốc gia và hạnh phúc
dân chúng lên trên hết. Chắc các ông còn nhớ những lời trong tờ tuyên
cáo thoái vị của Ngài đăng trong Công báo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà số 1
năm thứ nhất. Với trí sáng suốt ấy, với lòng hy sinh ấy, với lòng tôn
trọng quyền lợi quốc gia và ý nguyện nhân dân ấy, lẽ tất nhiên là Ngài
không còn muốn quyền vị gì để người ngoại quốc dâng biếu mà làm trái
nguyện vọng của quốc dân, mặc dầu sự vận động của người ngoài có khôn
khéo đến đâu cũng không thể làm xiêu lòng Ngài được.
Về việc
thực dân Pháp cố lập Chính phủ bù nhìn thời tôi chắc không khi nào cuộc
vận động của họ có kết quả. Hiện nay, toàn thể người Việt Nam ai cũng
tha thiết tranh thủ cho được độc lập và thống nhất. Nhưng người mà thực
dân Pháp có thể mưu đem ra lập chính phủ bù nhìn là hạng người nào? Một
là hạng người tự phụ mình là đặc sắc có thể mưu cho quốc gia độc lập,
nhưng đã là đặc sắc thời tất đủ trí sáng suốt mà hiểu rằng một Chính phủ
do người ngoại quốc lập ra thời ngay cái Chính phủ ấy cũng không còn
nghĩa gì là độc lập nữa, còn mưu độc lập cho Quốc gia sao được? Chữ "Độc
lập" đây là cốt nõi "Độc lập chân chính", chứ nếu chỉ có tiếng là "độc
lập" mà quyền bính vẫn để người ngoại quốc giật giây thời nói làm gì? Đã
là người đặc sắc, biết suy tính xa gần, thời không dại gì mà ra gánh lấy
cái trách nhiệm nặng nề để đến khi chỉ dành được cái hư danh là độc lập
mà quyền bính bị người ngoài giật giây, khi ấy bị mấy mươi triệu đồng
bào chỉ mặt gọi tên, để tiếng cho mấy mươi đời con cháu về sau, ấy là
chưa kể sự nguy hiểm cho thân mình là khác. Hai là hạng người quá ư tầm
thường, chỉ biết tham luyến quyền vị lợi lộc chứ không có kế hoạch gì để
mưu giữ quyền lợi của quốc gia và gây hạnh phúc cho dân chúng. Hạng
người này dù có ngốc chăng nữa cũng biết rằng nếu dựa vào người ngoại
quốc mà đứng lập Chính phủ cũng khó lòng được quốc dân dung thứ.
Hỏi:
- Về vấn đề chiến tranh Việt - Pháp, trong cuộc thảo luận vừa rồi, những
đại biểu Pháp đã có những chủ trương trái ngược nhau, xung đột với nhau.
Xin cụ cho biết Quốc hội Việt Nam có ý kiến di động1
nào về vấn đề này không ?
Đáp:
- Về vấn đề này Quốc hội Việt Nam cũng lấy làm lạ rằng sao ở Nghị viện
Pháp lại có các vị nghị viên chủ trương về sự cứ dùng võ lực để đối phó
với ta. Nói về tâm lý thời nước Pháp là một nước rất trọng Tự do, trọng
Bình đẳng. Mấy lần nước Pháp bị nước Đức xâm lăng thời toàn thể nghị
viện Pháp đều kêu gọi Công lý, hô hào tranh đấu để bảo vệ quyền tự do.
Vậy không lẽ nào biết lo bảo vệ quyền tự do cho dân tộc mình mà lại tự
đi lấn quyền tự do của dân tộc khác? Đã biết quý bình đẳng mà lại muốn
đi đè đầu đè cổ một dân tộc mà mình cho là nhỏ yếu hơn mình. Khi nước
mình bị người Đức xâm lăng thời biết kêu gọi Công lý để chống xâm lăng,
nay sao lại quên công lý mà chủ trương xâm lăng nước khác. Mình đã không
muốn cho người Đức lấn chủ quyền của mình thời sao lại muốn lấn chủ
quyền của nước Việt Nam? Mình đã không muốn mất Alsace và Lorraine thời
sao lại muốn cho Nam bộ rời khỏi Việt Nam được? Nói về mặt "lợi" thời
chủ trương của nước Việt Nam ta là mưu thu Độc lập và Thống nhất trong
khối Liên hiệp Pháp; ta sẵn lòng hợp tác cùng người Pháp, mưu ích lợi
chung về phương diện kinh tế và văn hoá, tôn trọng quyền lợi của nhau
trên lập trường bình đẳng và tự do. Vậy thời lợi cho nước Pháp ở chỗ
nào? chắc những người xét xem tình thế bằng một cớ công bằng đều hiểu
rằng lợi của Pháp là ở chỗ thân thiện cùng ta, không lấn chủ quyền ta,
không phạm lĩnh thổ ta, không phải phí một người thanh niên nào sau khi
biết bao thanh niên và dân chúng nước họ đã khốn khổ về nạn chống cuộc
xâm lăng của Đức, không tốn một đồng "phật lăng" nào trong khi nền tài
chính của họ đã kiệt quệ cũng vì cuộc chống xâm lăng ấy và trong khi
thiếu than, thiếu lúa mì, thiếu biết bao các thứ cần thiết khác, thân
thiện cùng ta để cùng ta mưu ích lợi chung chẳng hơn là hao binh tổn
tướng, tiêu những món tiền khổng lồ, vay mọi thứ cần với ta, kéo dài
cuộc chiến tranh mà không bao giờ nuốt sống được ta, không bao giờ hưởng
được quyền lợi một cách yên ổn trên đất nước ta, chỉ mang tiếng với thế
giới rằng một nước tự phụ là trọng Tự do mà dày xéo quyền tự do của nước
khác quên cả lẽ công bình.
Quốc hội
Việt Nam không hiểu sao trong Quốc hội Pháp lại có ông lầm mà nghĩ đến
các lẽ như thế, đến nỗi sinh ra xung đột với nhau, không như Quốc hội
ta, toàn thể một lòng cố tranh cho được Độc lập và Thống nhất.
Hỏi: - Ông Max Andre, nguyên Trưởng phái đoàn Pháp tại các hội nghị trù bị Đà
Lạt và Fontainebleau vừa nói rằng vấn đề chính là điều đình theo điều
kiện nào. Vậy xin cụ cho biết về phần chúng ta, chúng ta có thể điều
đình theo điều kiện nào với Pháp?
Đáp:
- Về câu hỏi này tôi xin giả lời một cách rất là đơn giản: Chúng ta chỉ
có thể điều đình với Pháp theo một điều kiện là "NƯỚC VIỆT NAM ĐỘC LẬP
VÀ THỐNG NHẤT TRONG KHỐI LIÊN HIỆP PHÁP".
Hỏi:
- Bộ Pháp quốc hải ngoại cho rằng ông Trần Ngọc Danh trưởng phái đoàn ta
ở Pháp không có quyền lấy danh hiệu là đại biểu Nam bộ tại Quốc hội Việt
Nam, vì theo ý Bộ Pháp quốc hải ngoại thì ở Nam bộ chưa có cuộc bầu cử
nào tổ chức một cách hợp pháp. Xin cụ cho biết ý kiến về lời tuyên bố
này của Bộ Pháp quốc hải ngoại?
Đáp: - Bộ Pháp
quốc hải ngoại nói như thế là lầm. Ngay khi ông Trần Ngọc Danh cùng với
phái đoàn Việt Nam sang Pháp, Bộ Pháp quốc hải ngoại đã đón tiếp một
cách long trọng (một việc mà ta vẫn nhớ và thành thực cảm ơn); khi phái
đoàn về nước, để hai ông Trần Ngọc Danh và Dương Bạch Mai ở lại để thay
mặt nước Việt Nam giao thiệp với Chính phủ và Quốc hội Pháp. Bộ Pháp
quốc hải ngoại không từng dị nghị câu gì. Nay sao lại bảo ông Trần Ngọc
Danh không đủ tư cách đại diện cho Việt Nam được.