VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

   

BÁO CÁO
VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

DO ÔNG NGUYỄN VĂN TỐ, TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
TRÌNH BÀY TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA I, NGÀY 30-10-1946

Thưa các bạn đồng Viện,

Như chúng tôi đã trình các ngài buổi sáng hôm qua, trong số 380 đại biểu Quốc hội; 3 vị đã mệnh một. Ngoài ra lại còn một vị mất tích.

Trong lúc chúng ta vui vẻ gặp nhau và hội họp thân mật như thế này, còn một số các bạn đồng Viện vắng mặt hoặc ở xa không về kịp, hoặc vì đương tiếp tục công tác ngoài mặt trận hay ở các địa phương, hoặc vì trong khi phấn đấu cho nền độc lập của Tổ quốc chẳng may đã sa vào tay quân địch và hiện đương sống trong cảnh giam cầm, chịu bao nhục hình đau khổ.

Vắng mặt các bạn đó, hôm nay chúng ta ai chẳng thấy bùi ngùi tấc dạ.

Thưa các ngài,

Trong phiên họp ngày 2-3-1946, trước khi bế mạc, Quốc hội đã bầu ra một Ban Thường trực và một Ban dự thảo Hiến pháp.

Chúng tôi xin báo cáo sơ lược cùng các ngài công việc mà Ban Thường trực đã làm từ ngày 2-3-1946 đến nay. Về chi tiết rất nhiều, các ngài cần biết thêm điều gì, xin để hỏi sau, chúng tôi sẽ xin trả lời. Bản dự án Hiến pháp do Ban Hiến pháp khởi thảo sẽ đem trình các ngài trong một phiên sau.

Chúng tôi sẽ lần lượt nói về việc tổ chức Ban Thường trực Quốc hội và những công việc mà Ban Thường trực Quốc hội đã làm trong tám tháng vừa qua.

Trước hết chúng tôi xin nói sơ lược về cách tổ chức. Sau khi thỏa hiệp với chúng tôi, Chính phủ đã đặt trụ sở Ban Thường trực Quốc hội ở số 71 phố Hàng Trống.

Trong phiên họp đầu tiên vào ngày 4-3-1946, Ban Thường trực đã bầu 5 Ủy viên thường vụ:

    1-     1 Trưởng ban: Nguyễn Văn Tố.

    2-     2 Phó trưởng ban: Phạm Văn Đồng và Cung Đình Quỳ.

    3-     2 Thư ký: Hoàng Minh Giám và Dương Đức Hiền.

Nhưng xem bản danh sách các uỷ viên trong Ban Thường trực mà Quốc hội đã cử ra, không có vị nào là đại biểu Nam bộ. Tuy có bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng là người Nam bộ, nhưng bác sĩ lại là đại biểu tỉnh Nam Định ở Bắc bộ. Sở dĩ thiếu sót như thế là vì hồi đó các đại biểu Nam bộ không ra kịp do những sự khó khăn ở dọc đường.

Để tỏ rõ ý chí thống nhất của dân tộc Việt Nam, với sự thỏa thuận của tất cả các ngài, các vị đại biểu quốc dân Nam bộ sau này đã được cử vào Ban Thường trực Quốc hội:

    1-     2 Ủy viên chính thức: Cụ Tôn Đức Thắng và ông Dương Bạch Mai.

    2-     2 Ủy viên dự khuyết: Ông Nguyễn Ngọc Bích và ông Huỳnh Tấn Phát.

Cũng trong phiên họp ngày 4 tháng 3, Ban Thường trực Quốc hội lại thảo một bản nội quy về cách làm việc.

Về phương pháp tiến hành công việc thì các ủy viên Ban Thường trực Quốc hội chia ra làm 3 tiểu ban.

- Tiểu ban pháp chính.

- Tiểu ban kinh tế và tài chính.

- Tiểu ban xã hội.

Những việc mà Ban Thường trực Quốc hội đã làm trong tám tháng vừa qua, tôi xin tóm tắt như thế này:

Đối ngoại, theo nghị quyết của Quốc hội ngày 2-3-1946, khi muốn tuyên chiến hay đình chiến, Chính phủ bắt buộc phải hỏi ý kiến Ban Thường trực Quốc hội.

Ngày 6-3-1946, Ban Thường trực Quốc hội có họp tại dinh cụ Chủ tịch Chính phủ để nghe Hồ Chủ tịch báo cáo về chính sách đối ngoại. Sau khi đã nhận định rõ ràng tình hình quốc tế và tình hình trong nước, và thảo luận kỹ càng về mọi phương diện Ban Thường trực Quốc hội đã tán thành đường lối chính trị của Chính phủ và sau đó vài giờ, cụ Chủ tịch Chính phủ Việt Nam và đại biểu Chính phủ Pháp đã ký bản Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp để mở đầu cho một giai đoạn mới trong việc giao thiệp Việt - Pháp.

Để gây tình giao hảo giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Pháp, giữa dân chúng Việt Nam và dân chúng Pháp, để sửa soạn cuộc đàm phán chính thức giữa hai Chính phủ Việt - Pháp, ngày 16-4-1946, một phái đoàn Quốc hội khởi hành sang Pháp. Ông đoàn trưởng Phạm Văn Đồng và phái đoàn luôn luôn cố sức gây mối thiện cảm giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Phái đoàn đã thâu được nhiều kết quả khả quan và dân chúng Pháp đều ước mong cho hai dân tộc Việt - Pháp chóng đi tới sự thỏa thuận.

Nhưng trái lại, ở nước nhà, nhất là ở Nam bộ và Nam Trung bộ, quân Pháp phản động vẫn luôn luôn có những thái độ khiêu khích phản bội Hiệp định sơ bộ.

Ban Thường trực Quốc hội đã lớn tiếng phản kháng và tố cáo những hành vi trái tín nghĩa và trước dư luận thế giới và hô hào quốc dân đồng bào đoàn kết chặt chẽ để sẵn sàng đối phó. Những lời kêu gọi của Ban Thường trực, quốc dân đồng bào đã hưởng ứng và chúng tôi tin chắc rằng với tinh thần phấn đấu, đoàn kết và tôn trọng kỷ luật của toàn dân Việt Nam, nước ta nhất định phải thống nhất và đi tới độc lập.

Bây giờ, chúng tôi xin nói về những chủ trương của Ban Thường trực Quốc hội đối với việc nội trị.

Theo lời nghị quyết của Quốc hội về quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Thường trực, thì Chính phủ chỉ phải hỏi ý kiến Ban Thường trực Quốc hội khi nào muốn tuyên chiến hay đình chiến, tức là trong mọi trư­ờng hợp khác, Chính phủ được toàn quyền định đoạt.

Quốc hội sở dĩ ấn định như vậy là vì khi ấy nước nhà đang vào một tình thế nghiêm trọng đặc biệt. Muốn tổ chức một việc kháng chiến, Quốc hội đã tạm giao quyền cho Chính phủ.

Sau khi ký kết bản hiệp định sơ bộ 6-3-1946, tình thế đã xoay chuyển, Ban Thường trực Quốc hội đã tham gia vào công cuộc kiến thiết.

Chính phủ đã gửi sang để Ban Thường trực Quốc hội chúng tôi xét 98 dự án sắc lệnh. Những sắc lệnh đó đều có tính cách các đạo luật. Những đề nghị sửa đổi của Ban Thường trực Quốc hội, Chính phủ phần nhiều đều nghe theo.

Về pháp chính, có nhiều dự án sắc lệnh đáng chú ý, như­ Sắc lệnh về việc hội họp, việc ấn loát v.v..

Về kinh tế, Ban Thường trực Quốc hội đã can thiệp để sự chuyên chở thóc gạo được dễ dàng.

Về tài chính, Ban Thường trực đã xét các ngân sách toàn quốc và ngân sách các kỳ.

Về xã hội, đáng chú ý nhất có dự án sắc lệnh về lao động và giáo dục.

Ngoài ra, chúng tôi còn tiếp được nhiều đề nghị cải tạo đời sống ở hương thôn. Các đề nghị ấy, chúng tôi đều xét kỹ l­ưỡng và chuyển giao cho các cơ quan phụ trách của Chính phủ.

Đối với toàn thể quốc dân, Ban Thường trực Quốc hội chủ trương sự thống nhất quốc gia và sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân.

Ngày 3-5-1946, Ban Thường trực Quốc hội có cụ linh mục Phạm Bá Trực, ủy viên trong Ban Thường trực Quốc hội cùng đi với phái đoàn Chính phủ vào Trung Bộ giải thích cho toàn thể đồng bào chính sách quốc gia liên hiệp của Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 14-8-1946, một phái đoàn Quốc hội gồm có hai ông Dương Văn Dự và ông Nguyễn Tri được cử vào Nam Trung bộ úy lạo các chiến sĩ.

Mỗi lần bọn Pháp phản động mưu mô chia rẽ dân tộc Việt Nam, Ban Thường trực Quốc hội chúng tôi đều có tuyên ngôn hiệu triệu quốc dân đoàn kết chặt chẽ để tranh đấu cho nền độc lập của Tổ quốc và sự thống nhất của quốc gia. Những mưu mô tách Nam bộ ra khỏi nước Việt Nam, lập Chính phủ Nam Kỳ tự trị, những việc oanh tạc lương dân, bắt bớ giam cầm và tra tấn các chiến sĩ và các đại biểu Quốc hội ở Nam bộ và Nam Trung bộ, chúng tôi đều phản kháng và lần nào cũng được toàn thể quốc dân ủng hộ.

Riêng về vấn đề Quốc kỳ, Ban Thường trực Quốc hội, từ lúc được Quốc hội ủy nhiệm đến nay, vẫn giữ được nguyên lá cờ đỏ sao vàng.

Sau hết, phần đông dân chúng đều tưởng Quốc hội cũng như một cơ quan hành chính, nên chúng tôi thường tiếp được nhân dân hoặc tự thân đến trụ sở Ban Thường trực Quốc hội, hoặc gửi đơn đến khiếu nại về các việc thuộc quyền định đoạt của Chính phủ. Chúng tôi có giải thích rõ ràng cho nhân dân hiểu biết và các đơn từ chúng tôi đều chuyển giao các cơ quan phụ trách xét định.


*
*      *

Thưa các ngài,

Trong phiên họp ngày 2-3-1946, Quốc hội có ủy nhiệm cho Ban Thường trực Quốc hội những quyền hạn, chúng tôi xin nhắc lại, như sau này:

1/ Góp ý kiến với Chính phủ.

2/ Phê bình Chính phủ.

3/ Triệu tập Quốc hội:

a) Khi Chính phủ yêu cầu.

b) Khi quá nửa số đại biểu yêu cầu.

c) Khi quá nửa ủy viên thường trực xét cần triệu tập.

4/ Khi tuyên chiến hay đình chiến, bắt buộc phải được hỏi ý kiến.

5/ Khi ký hiệp ước với nước ngoài phải triệu tập Quốc hội để chuẩn y.

Nhân danh một cơ quan đại diện cho toàn thể đồng bào, trong phạm vi quyền hạn do Quốc hội đã ấn định, chúng tôi đã hết sức góp ý kiến với Chính phủ và làm việc theo chế độ dân chủ.

Nay xin trình sơ lược để các ngài rõ.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.