VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÁO CÁO CỦA HỒ CHỦ TỊCH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ KHÁNG CHIẾN
TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 1, QUỐC HỘI KHOÁ I
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
1 NGÀY 2-3-1946

 

Thưa Quốc hội,

Trước khi báo cáo về việc tổ chức Chính phủ kháng chiến, tôi xin nói để Quốc hội biết rằng một số đại biểu ở Nam bộ và một phần Nam Trung bộ đã ra đi nhưng chưa tới, một phần đông nữa vì công việc kháng chiến nên không ra họp được, vậy tôi xin Quốc hội gởi lời chào thân ái cho những vị ấy.

Bây giờ tôi xin báo cáo về việc lập Chính phủ kháng chiến. Chắc Quốc hội cũng biết rằng Chính phủ này ra mắt gồm có các đại biểu các đảng phái và các anh em không đảng phái, trước đây đã thương lượng và thỏa thuận với nhau, vì vậy sự tổ chức mới được nhanh chóng như thế.

Bây giờ tôi xin giới thiệu những bộ trưởng cử ra, đều là những người có tuổi tác, có danh vọng, đạo đức, một mặt có thể giúp ý kiến cho Chính phủ, một mặt có thể điều khiển quốc dân. Lại có thêm một Uỷ ban kháng chiến.

Tôi xin đọc tên từng người của Chính phủ để ra mắt Quốc hội:

- Bộ Ngoại giao: Ông Nguyễn Tường Tam.

- Bộ Nội vụ: một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết: Cụ Huỳnh Thúc Kháng.

- Bộ Kinh tế: Một người đã bôn ba hải ngoại về công việc cách mạng: Ông Chu Bá Phượng.

- Bộ Tài chính: một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm, mà cũng nhiều năm ở trong tù tội của đế quốc: Ông Lê Văn Hiến.

- Bộ Quốc phòng: Một thanh niên trí thức và hoạt động, quốc dân ta đã từng nghe tiếng: Ông Phan Anh.

- Bộ Xã hội kiêm cả Y tế, Cứu tế và Lao động: Một nhà chuyên môn có tiếng trong y giới: Bác sĩ Trương Đình Tri.

- Bộ Giáo dục: Một người đã lâu năm hoạt động trong công việc giáo dục quốc dân và là người mà quốc dân có thể tin rằng nếu đem việc giáo dục giao cho để gánh vác thì người ấy sẽ làm hết nhiệm vụ: Ông Đặng Thai Mai.

- Bộ Tư pháp: Cũng là một trong đám người trí thức và đã hoạt động rất nhiều trong công cuộc cách mạng: Ông Vũ Đình Hòe.

Trong 10 Bộ thì 2 Bộ Chính phủ định để dành cho đại biểu đồng bào Nam bộ, chắc Quốc hội cũng đồng ý. Trong lúc đại biểu Nam bộ chưa đến, thì 2 Bộ đó do anh em trong các đảng phái thỏa thuận cử những người mà quốc dân có tín nhiệm ra gánh vác:

- Bộ Giao thông công chính: Ông Trần Đăng Khoa quản lý.

- Bộ Canh nông: Ông Bồ Xuân Luật.

Phó Chủ tịch do Quốc hội cử ra tức là Cụ Nguyễn Hải Thần, còn Chủ tịch là tôi đây.

Về cố vấn đoàn thì do Tối cao Cố vấn Vĩnh Thụy đảm nhiệm.

Về Kháng chiến ủy viên hội, thì do hai người tuy là thanh niên nhưng về sự hoạt động thì phần nhiều đại biểu ở Quốc hội cũng đã biết:

- Kháng chiến Ủy viên Chủ tịch: Ông Võ Nguyên Giáp.

- Kháng chiến Uỷ viên Phó Chủ tịch: Ông Vũ Hồng Khanh.

Thế là Chính phủ kháng chiến đã thành lập, và bây giờ tôi xin phép Quốc hội để cho Chính phủ, Cố vấn đoàn và Kháng chiến Ủy viên tuyên thệ nhậm chức.

 

Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2002, t.4  (1945-1946),
xuất bản lần thứ hai, tr. 193-194.


 

1. Đầu đề do chúng tôi đặt (BT).