Trong các ngày 16,17 tháng
8 năm 1945 tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã diễn ra một sự
kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, đó là việc tiến hành Đại hội đại biểu quốc
dân (sau đây gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Sáng kiến về việc triệu tập Quốc
dân Đại hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành từ Hội nghị Trung ương
lần thứ 8 (tháng 5 năm 1941) tại Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị đã quyết định phát
động cao trào giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh đuổi Nhật
– Pháp, “lập nên một Chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo
tinh thần dân chủ. Chính phủ đó do Quốc dân Đại hội cử lên”.
Quốc dân Đại hội Tân Trào
đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị to lớn: thông qua chủ trương
tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và bầu Uỷ ban Giải
phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời).
Có thể nói Quốc dân Đại hội
Tân Trào có vai trò như là một Quốc hội lâm thời hay là một tiền Quốc hội, tạo
cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự ra đời chế độ dân chủ cộng hòa của nước ta và một
Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới.
Sau thắng lợi vĩ đại của
Cách mạng tháng Tám năm 1945, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thử thách và ở trong
tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng lúc phải đối phó với thù trong, giặc
ngoài, cả nước ta đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày
6-1-1946. Ngày đó, mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt
già, trẻ, gái, trai, dân tộc, tôn giáo, giàu, nghèo đều có quyền dân chủ, bình
đẳng, tự do lựa chọn người xứng đáng, thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước
trong Quốc hội.
Thắng lợi tốt đẹp của cuộc
Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa I - Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đầu
tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước
cách mạng Việt Nam. Lịch sử đã sang trang, một thời kỳ mới đầy triển vọng bắt
đầu - thời kỳ nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến
pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền của dân, hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về
mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân về đối nội, đối ngoại... Kết quả của cuộc
Tổng tuyển cử đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm vừa kháng
chiến vừa kiến quốc, xây dựng và bảo vệ chế độ mới của nhân dân ta.
Năm 2006, Quốc hội nước ta
tròn 60 tuổi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể từ Quốc dân
Đại hội Tân Trào đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 11 nhiệm kỳ hoạt động và
dù ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh khác nhau đều đã có những công lao, đóng góp to
lớn vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc, đặc biệt trong công cuộc đổi mới
toàn diện đất nước hiện nay.
Trong 60 năm qua, Quốc hội
đã có một khối lượng văn kiện, tài liệu khá đồ sộ, phản ánh các mặt hoạt động
phong phú, có hiệu quả của Quốc hội trong việc thực hiện ba chức năng chủ yếu:
lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Các hoạt động đó gắn liền với thực tiễn sinh động của cuộc đấu tranh cách mạng
đầy gian khổ, hy sinh của các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả các vị đại biểu
Quốc hội để giành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng một chế độ xã hội mới -
chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Những văn kiện của Quốc dân Đại hội Tân Trào và
của các nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo có giá trị quý báu cả về lý luận và thực
tiễn, cũng như đã để lại những bài học kinh nghiệm về xây dựng Nhà nước của dân,
do dân và vì dân ở nước ta.
Dưới sự chỉ đạo của Ban
Thường trực Quốc hội (nay là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội), từ sau ngày hòa bình
lập lại (7-1954), việc biên soạn, xuất bản các văn kiện, tài liệu của Quốc hội,
Ban Thường trực Quốc hội ngày càng được quan tâm hơn. Song, việc xuất bản các
văn kiện này còn chưa có hệ thống, nhiều văn kiện quý báu hiện nằm trong kho lưu
trữ quốc gia, hoặc đang thất lạc, tản mát ở
nhiều nơi, ở nhiều cơ quan, chưa được sưu tầm, nghiên cứu để xuất bản, nhất là
các văn kiện của thời kỳ Quốc dân Đại hội Tân Trào và một số khóa Quốc hội tiếp
theo. Việc xuất bản các văn kiện Quốc hội chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu lưu trữ
tài liệu và nghiên cứu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan nhà
nước nói chung, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội và các
cán bộ nghiên cứu khoa học quan tâm đến vấn đề nhà nước.
Nhằm đáp ứng những yêu cầu
nói trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã ra Nghị quyết số 732/NQ-UBTVQH 11
ngày 06-10-2004 về việc xuất bản Văn kiện Quốc hội Toàn tập, bắt đầu từ
Quốc dân Đại hội Tân Trào.
Đây là lần đầu tiên, Uỷ ban
Thường vụ Quốc hội quyết định xuất bản bộ sách lớn Văn kiện Quốc hội Toàn tập
một cách tương đối đầy đủ và hệ thống về các Văn kiện Quốc hội trong hơn 60 năm
qua.
Mục đích của việc xuất bản
Văn kiện Quốc hội Toàn tập nhằm góp phần phản ánh một cách khách quan,
trung thực quá trình tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội
từ năm 1946, phản ánh quá trình xây dựng và phát triển của Nhà nước ta; cung cấp
những tư liệu lịch sử chính xác và có hệ thống cho công tác lý luận, biên soạn
lịch sử Quốc hội, tuyên truyền, giáo dục và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và nhân
dân, nhất là lớp trẻ về truyền thống của Quốc hội, của Nhà nước ta.
Các
tập Văn kiện Quốc hội Toàn tập được xuất bản mang tính liên tục
theo trình tự thời gian của các sự kiện lịch sử, từ Quốc dân Đại hội Tân Trào
(16-17/8/1945) trở đi, có phân ra từng thời kỳ. Trước mắt, sẽ xuất bản Văn
kiện Quốc hội Toàn tập, Tập I: từ Quốc dân Đại hội Tân Trào đến hết nhiệm kỳ
Quốc hội khóa I (năm 1960).
Do
điều kiện thời gian quá lâu, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân
Pháp, để không rơi vào tay giặc, có lúc chúng ta đã phải sơ tán, cất giấu các
văn bản, tài liệu của Quốc hội ở nhiều nơi, thậm chí phải tiêu huỷ, nên việc sưu
tầm đầy đủ văn bản gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, các văn bản thời kỳ này
thường được đánh máy bởi loại máy chữ cơ không có dấu, hoặc chỉ được in thạch,
hoặc là bản viết tay, chữ rất mờ, nên việc xác minh, thẩm định, phục hồi nội
dung theo đúng bản gốc là công việc hết sức khó khăn, phức tạp. Trong hoàn cảnh
ấy, công tác sưu tầm, tuyển chọn bản thảo đòi hỏi tốn rất nhiều công sức, trí
tuệ, bảo đảm nguyên tắc trung thành với bản gốc. Hơn nữa, trong một số tài liệu
có sử dụng từ ngữ quen dùng ở thời kỳ đó, nay không còn phù hợp, hay có những từ
ngữ mà nghĩa của nó đã thay đổi, một số từ gốc tiếng nước ngoài được phiên âm
Hán - Việt, nay không dùng nữa thì vẫn được giữ nguyên theo bản gốc, nhưng chúng
tôi có chú thích theo nghĩa thông dụng hiện nay, hoặc phiên âm mới.
Để
giúp cho bạn đọc dễ theo dõi, ở cuối mỗi tập Văn kiện Quốc hội Toàn tập đều có kèm bản chú thích về một số sự kiện và bản chỉ dẫn về tên người.
Việc
xuất bản bộ Văn kiện Quốc hội Toàn tập thể hiện sự quyết tâm của
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với một công trình nghiên cứu - sưu tầm rất có ý
nghĩa này của Quốc hội; nói lên sự cố gắng lao động nghiêm túc của các cán bộ
khoa học và nghiệp vụ trong công tác sưu tầm, xác minh và tuyển chọn. Mặc dù
việc biên tập, xuất bản đã có nhiều cố gắng, song không tránh khỏi những thiếu
sót. Rất mong các đồng chí lãnh đạo, các cán bộ nghiên cứu và bạn đọc chân thành
góp ý để giúp cho việc xuất bản những tập tiếp theo của Văn kiện Quốc hội
Toàn tập đạt kết quả tốt hơn.
Nhân
dịp xuất bản lần thứ nhất bộ Văn kiện Quốc hội Toàn tập, Hội đồng xuất
bản chân thành cảm ơn Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Thư viện Quốc gia, Nhà
xuất bản Chính trị quốc gia và tập thể giáo sư, cán bộ nghiên cứu, biên tập viên
đã tích cực đóng góp trí tuệ, công sức trong việc sưu tầm, xác minh và xuất bản.
Chúng tôi hy vọng Văn kiện Quốc hội Toàn tập sẽ đem lại cho quý vị bạn
đọc những tư liệu quý giá, bổ ích để tìm hiểu, nghiên cứu chặng đường lịch sử và
những đóng góp quan trọng của Quốc hội nước ta trong hơn 60 năm qua.