THUYẾT TRÌNH CỦA UỶ BAN KẾ HOẠCH
VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI
VỀ TỔNG QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 1961
(Do ông Đoàn Trọng Truyến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban trình bày tại kỳ họp thứ 5,
Quốc hội khoá II,
ngày 26-10-1962)
Thưa Chủ tịch Đoàn,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Uỷ ban chúng tôi đã nghiên cứu bản báo cáo của Chính phủ về tổng quyết toán ngân sách nhà nước 1961 và đã thẩm tra bản tổng quyết toán đó.
Sau đây chúng tôi xin thay mặt Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội trình bày những ý kiến và nhận xét của Uỷ ban để Quốc hội xem xét và quyết nghị:
1. Theo báo cáo của Chính phủ, thì tổng quyết toán ngân sách nhà nước 1961 như sau:
Tổng số thu quyết toán là: 1.583.352.097đ
Tổng số chi quyết toán là: 1.563.589.836đ
Thu nhiều hơn chi là: 19.762.260đ
Trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 4 - Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội con số ước thực hiện của ngân sách 1961 - đến nay đối chiếu với số quyết toán chính thức, thì số thu có tăng lên 5tr295.397đ, số chi có tăng lên 4tr439.336đ. Đây là những con số thu, chi đến khi quyết toán chính thức mới có báo cáo cụ thể, Uỷ ban chúng tôi xác nhận rằng những lý do điều chỉnh đều chính đáng.
2. Căn cứ theo các số liệu quyết toán chính thức, Uỷ ban chúng tôi nhận thấy rằng những nhận định của Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 về việc chấp hành ngân sách 1961 vẫn hoàn toàn đúng.
Năm 1961, mặc dầu gặp nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước đã bảo đảm được thu nhiều hơn chi 19tr72.260đ.
Số thu trong nước đã tăng được 9,6% so với 1960; trong đó số thu về các xí nghiệp và sự nghiệp đã tăng được 11,5%, số thu về thuế tăng được 7,5% so với 1960. Số thu nhập của Nhà nước tăng lên được chủ yếu là do nền kinh tế quốc dân của chúng ta đã có những bước phát triển mới, việc quản lý kinh tế tài chính dựa vào phong trào quần chúng sôi nổi thi đua đã có những bước tiến bộ đáng kể.
Tổng số chi ngân sách của Nhà nước 1961 đã tăng 6,2% so với 1960, trong đó những loại chi về kinh tế và văn hóa đã tăng trên 10% so với 1960, những loại chi về hành chính quốc phòng chỉ bằng 98% so với 1960.
Như vậy là số vốn của Nhà nước đã được tập trung hơn cho công cuộc xây dựng kinh tế và văn hóa (gần 75% số vốn ngân sách 1961). Điều đặc biệt cần nêu lên là ngân sách nhà nước 1961 đã dành một số vốn khá lớn để giúp đỡ các hợp tác xã số vốn cấp phát về thủy lợi đã tăng 31% so với 1960. Số vốn cho vay dài hạn do ngân sách Nhà nước cấp cho Ngân hàng Nhà nước đã tăng 4,5 lần so với 1960 - và tăng 88% so với dự toán đầu năm 1961. Công việc đào tạo cán bộ cho hợp tác xã cũng đã được đẩy mạnh hơn v.v.. Như vậy là song song với sự phát triển của kinh tế quốc doanh, nền kinh tế tập thể cũng đã được quan tâm hơn trước, nông nghiệp được giúp đỡ mạnh hơn trước đây đã có thêm điều kiện để phát triển.
Ngân sách nhà nước 1961 thu nhiều hơn chi 19tr762.260đ đã góp phần làm cho việc cân đối vật tư - tiền tệ trong xã hội bớt căng thẳng - góp phần củng cố tiền tệ, ổn định vật giá trong 1961.
3. Tình hình quyết toán thu chi ngân sách nhà nước 1961 cũng xác nhận rõ hơn những nhược điểm và khuyết điểm trong việc quản lý kinh tế tài chính của chúng ta: khả năng tiềm tàng của nền kinh tế quốc doanh chưa được khai thác đầy đủ, còn nhiều xí nghiệp không hoàn thành được kế hoạch sản lượng, kế hoạch tăng năng suất lao động, kế hoạch hạ giá thành sản phẩm, kế hoạch luân chuyển vốn lưu động do đó mà kế hoạch tích lũy tiền tệ của nhiều xí nghiệp cũng không bảo đảm được như chỉ tiêu đầu năm đã định. Chế độ thu nộp cho Nhà nước chưa được tôn trọng đầy đủ, công việc thanh toán trong nền kinh tế quốc dân làm còn thiếu sót, tình trạng nợ nần dây dưa, chiếm đoạt vốn lẫn nhau giữa các xí nghiệp còn là phổ biến.
Mặt khác, công tác thu thuế đối với các xí nghiệp quốc doanh cũng như đối với các xí nghiệp tập thể, và với kinh tế tư nhân làm còn chưa tốt, sự giám đốc còn lỏng lẻo, sự giúp đỡ còn ít ỏi, công tác thuế công thương nghiệp chưa phát huy được hiệu lực giúp vào việc quản lý thị trường, và củng cố việc quản lý tài chính của các hợp tác xã.
Về mặt chi tiêu thì vốn dành cho kiến thiết cơ bản chiếm 52,7% ngân sách nhà nước 1961 - Nhưng khối lượng kiến thiết cơ bản không hoàn thành được hết, nhiều ngành, nhiều đơn vị lại làm thêm việc ngoài kế hoạch, công việc thi công xây lắp chưa bảo đảm được thời gian chuyển vào sản xuất và sử dụng nhanh, còn nhiều lãng phí lớn trong kiến thiết cơ bản.
Vốn lưu động ứ đọng trong các ngành, các xí nghiệp có chiều hướng tăng lên - các việc chi tiêu về sự nghiệp hành chính, quốc phòng cũng còn có khả năng tiết kiệm nhiều hơn nữa.
Vốn tín dụng dài hạn chưa được sử dụng tốt, lực lượng dự trữ vật tư và dự trữ tài chính của Nhà nước chưa được xây dựng đầy đủ trong năm 1961.
Việc quản lý tài chính ở các đơn vị, các ngành các địa phương có tiến bộ hơn những năm trước đây, nhưng cũng vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu quản lý ngày càng chặt chẽ - công tác kế toán chưa được chú ý đúng mức, kỷ luật quyết toán ở các ngành, các đơn vị còn lỏng lẻo… Việc quản lý tài chính còn phần nào tách rời với việc quản lý kinh tế - kỹ thuật - và chưa kết hợp thật chặt chẽ với phong trào thi đua của quần chúng.
Những khuyết điểm và nhược điểm trên đây đã phần nào hạn chế những thành tích của chúng ta trong năm 1961. Chúng ta cần ra sức khắc phục khó khăn, nâng cao trình độ quản lý kinh tế tài chính, để phục vụ tốt hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa nước nhà.
4. Sau khi thẩm tra tổng quyết toán ngân sách nhà nước 1961, và căn cứ vào các nhận xét trên đây, Uỷ ban chúng tôi đề nghị Quốc hội phê chuẩn bản tổng quyết toán ngân sách nhà nước do Chính phủ đã trình bày với Quốc hội.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.