BÁO CÁO CỦA BỘ TÀI CHÍNH
VỀ TÌNH HÌNH
THỰC HIỆN
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1961
VÀ
DỰ ÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962
(Do ông Hoàng Anh, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày
tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá II, ngày 18-4-1962)
Thưa các vị
đại biểu,
Tôi xin thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về tình hình chấp hành ngân sách nhà nước năm 1961 và dự án ngân sách nhà nước năm 1962.
PHẦN THỨ NHẤT
NHỮNG NÉT CHÍNH VỀ TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1961
Trong kỳ họp Quốc hội tháng 4 năm 1961 Quốc hội đã thông qua ngân sách năm 1961: tổng số thu là 1.690.021.000đ và tổng số chi là 1.690.021.000đ.
Qua một năm phấn đấu để thực hiện ngân sách nhà nước, dựa trên nền sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ngày càng phát triển, lưu thông hàng hóa được mở rộng, tổng số thu tài chính nhà nước đã tăng lên 7,5% và tổng số chi tăng lên 5,9% so với năm 1960, thu nhiều hơn chi 18 tr,9. Tuy nhiên so với những chỉ tiêu đề ra trong ngân sách nhà nước, thì thu chi đều không đạt được dự toán đầu năm:
Về Thu kế hoạch đầu năm ghi 1.690tr, ước thực hiện 1.578tr bằng 93,3% kế hoạch, riêng phần thu trong nước bằng 93,8% kế hoạch.
Về Chi kế hoạch đầu năm ghi 1.690tr, ước thực hiện 1.559tr,1 bằng 92,3% kế hoạch, riêng phần chi về kiến thiết kinh tế bằng 97,9% kế hoạch.
Sau đây chúng tôi xin báo cáo một số nét chính về tình hình thu chi năm 1961:
Về thu:
Năm 1961, vì ảnh hưởng của vụ Đông xuân 1960 thất bát, chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước. Nhờ sự cố gắng của các cấp, các ngành và của nhân dân ta các chỉ tiêu kinh tế năm 1961 đều tăng lên so với năm 1960.
Những phong trào rộng rãi của quần chúng thi đua với Duyên Hải, Đại Phong, Thành Công, xuất hiện từ đầu năm 1961, đang tiếp tục phát huy tính ưu việt của quan hệ sản xuất mới trong các xí nghiệp quốc doanh, công trường kiến thiết cơ bản, trong các hợp tác xã.
Bên cạnh những thuận lợi như đã nói ở trên, tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và lưu thông hàng hóa, số thu tài chính nhà nước (số thu trong nước) năm 1961 chỉ đạt được 93,8% so với kế hoạch, tăng 10,3% so với 1960.
1. Thu về xí nghiệp và sự nghiệp
Kế hoạch thu về xí nghiệp và sự nghiệp đầu năm dự trù là
948tr, thực hiện 889tr6 bằng 93,8% kế hoạch và tăng 10,8% so
với 1960.
Số thu về xí nghiệp và sự nghiệp chỉ đạt 93,8% kế hoạch chủ yếu là do các khoản thu về thương nghiệp, lâm nghiệp, giao thông và kiến trúc không đạt kế hoạch. Các ngành khác đều đạt hoặc vượt kế hoạch. Các khoản thu về công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, và điện lực dự toán đầu năm là 193tr283, thực hiện 193tr666, vượt kế hoạch một ít và tăng 153,4% so với năm 1960.
Trong năm 1961 sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết nguyên liệu, phụ tùng, và tiêu thụ sản phẩm, một số xí nghiệp mới không bước vào sản xuất theo đúng kế hoạch đầu năm, nhưng các Bộ chủ quản và các xí nghiệp đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, nên thu nộp tài chính đạt được kế hoạch.
Số thu về thương nghiệp cả nội thương và ngoại thương hụt 33 triệu, chỉ đạt 93,1% kế hoạch là vì doanh số mua vào và bán ra của mậu dịch quốc doanh, doanh số xuất nhập khẩu đạt tỷ lệ thấp. Trong năm 1961 để khuyến khích phát triển sản xuất và chiếu cố tiêu dùng một số mặt hàng nhất định, Chính phủ đã nâng giá thu mua một số mặt hàng nông nghiệp và hạ giá bán một số mặt hàng công nghiệp cũng làm cho số thu thương nghiệp giảm xuống khoảng 15 triệu.
Tổng số thu về xí nghiệp sự nghiệp đạt 93,8% so với kế hoạch trong lúc nhiều chỉ tiêu kinh tế liên quan trực tiếp đến số thu tài chính đạt tỷ lệ thấp hơn, điều đó chứng tỏ sự cố gắng và tiến bộ của các ngành, các cơ quan và các đơn vị xí nghiệp và sự nghiệp trong công tác quản lý và thu nộp tài chính. Tuy nhiên, trong công tác quản lý kinh tế và tài chính còn nhiều khuyết điểm và nhược điểm, lãng phí còn nhiều. Trong nhiều ngành sản xuất vì bố trí sản xuất chưa tốt, công suất thiết bị máy móc còn thấp… việc sử dụng nguyên liệu, bố trí và sử dụng lao động chưa tiết kiệm nên không đạt được kế hoạch hạ giá thành đề ra từ đầu năm. Một số xí nghiệp chưa chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật thu nộp cho tài chính nhà nước. Tình trạng chiếm dụng vốn nhà nước, không nộp đủ và kịp thời so với trước có giảm xuống, nhưng vẫn chưa hết. Trong thương nghiệp, tổ chức thu mua nắm nguồn hàng trong tay nhà nước còn yếu, màng lưới thu mua và phân phối tổ chức chưa hợp lý, tốn người nhiều nhưng chưa sát với cơ sở sản xuất, nếu tổ chức tốt hơn thì doanh số mua vào bán ra còn có thể tăng lên và giảm được phí lưu thông nhiều hơn nữa.
Công tác quản lý biên chế tiền lương còn thiếu chặt chẽ, cũng đã làm cho giá thành thực tế trong nhiều ngành tăng lên.
Tình hình trên đây cho thấy: chúng ta có nhiều khả năng thực tế để thực hiện tốt hơn, kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 1961 và nếu công tác quản lý của chúng ta tốt hơn, chặt chẽ hơn thì chúng ta còn có khả năng để tăng thu cho ngân sách.
2. Thu về thuế
Số thu về thuế công thương nghiệp đầu năm dự trù 300tr449 thực hiện 276tr735, đạt 92,1% kế hoạch, và tăng 12,5% so với 1960. Đại bộ phận số thu thuế công thương nghiệp là thu vào doanh thu của các ngành sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và doanh số mua vào và bán ra của thương nghiệp. Trong năm 1961 các chỉ tiêu sản lượng, chỉ tiêu luân chuyển hàng hóa và mua vào bán ra của thương nghiệp đạt tỷ lệ thấp, là nguyên nhân chủ yếu làm cho số thu thuế công thương nghiệp không đạt được kế hoạch. Một mặt khác, vì công tác quản lý thị trường làm không tốt, nhiều khoản thu bị buông lỏng, thuế sát sinh, thuế rượu, thuế buôn chuyến bị thất thu nhiều.
Thuế nông nghiệp đầu năm dự trù thu 520.000 tấn thóc, thực hiện 499.000 tấn đạt 96% kế hoạch. Tính ra tiền thì số thu là 97tr921 so với dự toán đầu năm tăng 2%. Số thu thuế nông nghiệp tính ra tiền cao hơn kế hoạch một ít là vì ngành lương thực phải thanh toán số thóc thuế theo giá mới cao hơn giá đầu năm.
3. Sử dụng tiền viện trợ và vay
Số thu về viện trợ và vay năm 1961 chỉ đạt 88,4% kế hoạch, chủ yếu là vì kế hoạch dùng tiền vay để nhập thiết bị lẻ và nguyên vật liệu đạt được một tỷ lệ thấp. Kế hoạch nhập thiết bị toàn bộ và nguyên vật liệu, thiết bị lẻ đi theo thiết bị toàn bộ đều đạt hoặc vượt kế hoạch.
Từ trước chúng ta dùng một phần rất quan trọng tiền viện trợ và vay để nhập nguyên vật liệu, thiết bị lẻ và hàng tiêu dùng; càng về sau này chúng ta càng phải dựa vào kế hoạch xuất khẩu, lấy ngoại tệ để mua nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng và thiết bị lẻ. Số tiền vay và viện trợ dùng để mua những thứ hàng đó ngày càng ít đi. Tình hình đó tạo nhiều thuận lợi để đẩy mạnh kiến thiết cơ bản lên, đồng thời cũng đòi hỏi phải tính toán chặt chẽ và cố gắng nhiều trong việc tăng xuất khẩu bảo đảm nhập nguyên vật liệu, và thiết bị lẻ cho nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.
Về chi:
Chi về kiến thiết kinh tế, bằng 97,9% kế hoạch và chiếm tỷ trọng 63,8% trong ngân sách nhà nước (tỷ trọng trong ngân sách đầu năm là 60,2%).
Chi về công nghiệp nặng bằng 113,4% kế hoạch. Chi về công nghiệp nhẹ 84,3% kế hoạch, chủ yếu là do thiết bị về không kịp.
Chi về thủy lợi đạt 97,2% kế hoạch đầu năm, chi về cho vay dài hạn giúp đỡ hợp tác xã nông nghiệp, nghề cá, thủ công nghiệp vượt kế hoạch đầu năm 88%.
Số chi về kiến thiết kinh tế chỉ bằng 97,9% kế hoạch một phần là vì nhiều khoản chi về vốn lưu động; trước đây dự trù cao, sau đã rút xuống. Tuy số chi có thấp hơn kế hoạch nhưng căn bản bảo đảm được các nhu cầu của việc xây dựng kinh tế.
Chi về văn - xã
Chi về văn - xã chỉ đạt 91,6% là vì kế hoạch kiến thiết cơ bản về văn xã chỉ đạt 77,3%, kinh phí về sự nghiệp đạt 98,3%. Riêng các bộ trung ương thì chỉ đạt 93,6% là vì đầu năm dự trù các đoàn ra thăm các nước và các nước vào thăm nước ta quá nhiều; kế hoạch lấy học sinh của các bộ văn hóa, giáo dục không đạt kế hoạch; việc thanh toán chi phí cho lưu học sinh ở ngoài nước làm chậm.
Nếu tính cả những chi phí về đào tạo cán bộ thuộc các ngành kinh tế và những khoản chi có tính chất văn hóa xã hội ở các ngành khác thì số chi về văn xã so với số thu trong nước năm 1959 là 20,4%, 1960: 25%, năm 1961: 25,7%. Tốc độ tăng lên và tỷ trọng số chi về văn xã trong ngân sách chứng tỏ sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và xã hội. Nếu công tác quản lý vốn, sử dụng vốn chặt chẽ hơn, tiết kiệm hơn thì kết quả công tác còn có thể nhiều hơn.
Chi về hành chính và quốc phòng
Kế hoạch đầu năm dự trù chi về hành chính và quốc phòng là 338tr937, ước thực hiện là 326tr494 bằng 96,3% kế hoạch.
Chi về hành chính bằng 99,9% dự toán đầu năm, và bằng 101,1% so với 1960. Việc quản lý biên chế hành chính còn thiếu chặt chẽ, riêng chi phí hành chính ở các địa phương vượt dự toán 0,8%.
Dưới đây xin báo cáo một số vấn đề cụ thể:
1. Vốn kiến thiết cơ bản:
Số chi về vốn kiến thiết cơ bản của ngân sách nhà nước đầu năm dự trù 844tr3, ước thực hiện 824tr8 bằng 97,7% kế hoạch. So với năm 1960 tăng 5,6%.
Số chi kiến thiết cơ bản về kinh tế đạt 99,4% dự toán đầu năm và chiếm 89,5% tổng số chi về kiến thiết cơ bản; số chi kiến thiết cơ bản về công nghiệp bao gồm các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, điện lực và thăm dò địa chất chiếm tỷ trọng 45,4% tăng 22,2% so với năm 1960; chi về nông nghiệp, nông trường quốc doanh và thủy lợi chiếm tỷ trọng 18,6% tăng 42,7% so 1960. Các khoản chi về kiến trúc, về giao thông vận tải, bưu điện, về nội thương và lương thực năm 1960 chiếm 27,9% trong tổng số vốn kiến thiết cơ bản, năm 1961 tỷ trọng 18,1% và chỉ bằng 68,3% năm 1960.
Công tác quản lý kiến thiết cơ bản, công tác thăm dò thiết kế, tổ chức thi công đều có tiến bộ so với trước.
Các ngành và các đơn vị kiến thiết cơ bản đã cố gắng huy động số vốn tồn kho năm trước đưa vào sử dụng vượt định mức đầu năm. Đại bộ phận các công trình trên hạn ngạch trong năm 1961 đều tiến hành cấp phát theo khối lượng công trình. Nhờ vậy công tác tài vụ và cấp phát vốn kiến thiết cơ bản có điều kiện để quản lý chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên trong công tác quản lý vốn kiến thiết cơ bản còn nhiều nhược điểm và khuyết điểm cần phải ra sức khắc phục.
Khối lượng kiến thiết cơ bản ước thực hiện đến cuối năm so với kế hoạch đầu năm cũng như so với kế hoạch điều chỉnh đều không đạt được, và riêng vốn xây lắp và kiến thiết cơ bản khác, so với kế hoạch điều chỉnh thì tỷ lệ đạt được lại còn thấp hơn so với kế hoạch đầu năm.
Trong công tác quản lý vốn kiến thiết cơ bản, khâu cấp phát vốn và khâu quản lý thi công là các khâu công tác rất quan trọng, nhưng làm chưa tốt. Nói chung là thiếu chặt chẽ, gây ra ứ đọng vốn, mặt khác nhiều lúc cứng nhắc thiếu linh hoạt, làm cho một số đơn vị kiến thiết cơ bản gặp lúng túng khó khăn. Một số công trình kiến thiết cơ bản trên hạn ngạch chưa cấp phát theo khối lượng công trình, riêng các công trình hạng vừa và hạng nhỏ ở địa phương, và số lớn công trường thủy lợi còn vừa thiết kế vừa thi công và cấp phát theo thực chi, nên gây ra lãng phí nhiều. Nhiều nơi không theo trình tự kiến thiết cơ bản Nhà nước đã quy định: chưa chuẩn bị đã thi công sinh ra tình trạng có người nhưng không có nguyên vật liệu, không có thiết kế, hoặc trái lại có thiết kế, có người nhưng không có nguyên vật liệu, nên vốn và vật liệu bị ứ đọng, gây ra lãng phí nhiều.
Quản lý nguyên vật liệu trên các công trường là khâu quan trọng nhưng hiện nay còn rất yếu. Tình trạng vật tư nơi thiếu nơi thừa sinh ra ứ đọng để mất mát hoặc sử dụng không hợp lý, quá định mức là phổ biến.
2. Về vốn lưu động và dự trữ vật tư:
Việc quản lý vốn lưu động của các ngành trong năm 1961 đã có tiến bộ so với trước.
Vòng quay vốn lưu động của các ngành trong năm 1961 nhanh hơn so với năm 1960.
Vòng quay vốn lưu động trong công nghiệp nặng năm 1960 là 1,65 vòng, năm 1961 tăng lên 1,9 vòng, trong thương nghiệp năm 1960 là 2,1 vòng năm 1961 tăng lên 2,4 vòng. Tuy vậy so với định mức nhiều ngành vẫn chưa đạt kế hoạch đã định. Một phần là vì thiếu nguyên liệu, phụ tùng nên số sản phẩm dở dang tăng lên, sản lượng thương phẩm giảm xuống, và có những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Một mặt khác vì dự trữ vật tư của Nhà nước còn ít, các ngành sản xuất và lưu thông còn phải làm một phần nhiệm vụ dự trữ. Nhưng nguyên nhân trực tiếp làm cho vòng quay vốn lưu động chậm là vì quản lý vốn và quản lý vật tư còn thiếu chặt chẽ, vật tư bị ứ đọng nhiều. Trong điều kiện vật tư và vốn của chúng ta có hạn, vật tư và vốn bị ứ đọng càng làm cho chúng ta thêm khó khăn.
3. Về tín dụng và tiền tệ:
Trong năm 1961, để giúp đỡ hợp tác xã nông nghiệp, nghề cá, nghề muối và thủ công nghiệp phát triển sản xuất, cải tiến kỹ thuật, Nhà nước đã mở rộng cho vay đối với kinh tế tập thể. Vốn cho vay dài hạn đối với hợp tác xã thực hiện trong năm 1961 vượt kế hoạch đầu năm 88%.
Việc Nhà nước mở rộng cho vay đối với hợp tác xã nhất là cho vay dài hạn đã có tác dụng tích cực trong việc giúp đỡ hợp tác xã nông nghiệp đẩy mạnh khai hoang, tăng vụ, làm thủy lợi, sắm thêm nông cụ, trâu bò. Số diện tích khai hoang trong năm 1961 đã tăng lên vượt bực so với những năm trước, một phần quan trọng là nhờ có sự giúp đỡ về vốn, phương tiện của Nhà nước. Số thuyền lưới cho đánh cá bể cũng tăng lên nhiều. Sự giúp đỡ về vốn của Nhà nước đối với hợp tác xã đã có tác dụng rất lớn trong việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của xã viên và của hợp tác xã, góp phần củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn.
Bên cạnh những ưu điểm nói trên công tác quản lý tiền tệ và tín dụng trong năm 1961 còn nhiều khuyết điểm cần phải ra sức khắc phục: công tác cho vay vốn chưa kết hợp chặt chẽ với việc khuyến khích tiết kiệm và sử dụng tốt vốn tích lũy của hợp tác xã; cho vay vốn chưa đi đôi giải quyết vật tư, huy động tiết kiệm và thu hồi nợ; công tác quản lý tiền mặt, quản lý quỹ tiền lương làm chưa tốt. Đến cuối năm 1961 các hợp tác xã đánh cá nợ nhà nước bình quân mỗi hộ gần 1.000 đồng. So với số thuyền lưới được tăng lên, số tiền nợ trên đây là nhiều. Trong điều kiện khả năng vật tư còn có hạn, công tác quản lý tín dụng và tiền tệ chưa tốt, đã gây ra nhiều khó khăn trong việc bảo đảm thăng bằng tài chính tiền tệ và vật tư trong năm 1961.
NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
Do nhiều chỉ tiêu kinh tế không đạt được kế hoạch, tổng số thu của ngân sách địa phương đầu năm dự trù 284tr2 (kể cả kết dư năm trước), thực hiện 276tr2 bằng 96,9% kế hoạch. Ngân sách trung ương phải trợ cấp thêm tiền cho một số địa phương để bảo đảm những công tác thường xuyên và làm thêm một số công tác cần thiết như làm thủy lợi, xây dựng công nghiệp địa phương và một ít công trình phúc lợi cho nhân dân.
Trước tình hình thu chi tài chính gặp khó khăn, nhiều địa phương đã tích cực tăng thu và tiết kiệm chi, nên đã bảo đảm được những yêu cầu trọng điểm như: thủy lợi, công nghiệp địa phương, văn hóa, giáo dục v.v..
Tổng số thu của ngân sách địa phương mấy năm nay đã tăng lên và chiếm tỷ trọng ngày càng cao so với tổng thu của ngân sách nhà nước.
Năm 1959 tổng số thu của ngân sách địa phương là 186tr9 bằng 18,9% tổng số thu của ngân sách nhà nước (thu trong nước), 1960: 237tr3 bằng 20%, 1961: 278tr2 bằng 20,6%.
Trong tổng số thu của ngân sách địa phương, số thu xí nghiệp và sự nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng tăng: năm 1960 bằng 29,4% năm 1961 bằng 30,9%.
Nhờ số thu của ngân sách địa phương tăng lên, và có sự giúp đỡ của ngân sách trung ương, nên tổng số chi của ngân sách địa phương đã tăng lên 6,7% so với 1960, bảo đảm thu chi thăng bằng và bội thu được 17 triệu.
Tổng số chi đầu năm dự trù 284tr2. Thực hiện cuối năm 259tr2 đạt 91,1%.
Trong tổng số chi của ngân sách địa phương, số chi về kiến thiết kinh tế và văn hóa ngày càng tăng lên: năm 1959 tổng số chi về kiến thiết kinh tế và văn hóa 111tr5 chiếm 61,6% tổng số chi của ngân sách, năm 1960: 159tr6 chiếm 65,6%; năm 1961: 191tr6 chiếm 73,9%; riêng số chi về kiến thiết kinh tế năm 1959 là 57tr9; năm 1960 90tr2, năm 1961: 113tr7.
Những con số trên đây chứng tỏ sự phát triển của công cuộc xây dựng kinh tế và văn hóa ở các địa phương.
Ngân sách của địa phương từ trước là một ngân sách chủ yếu nhằm bảo đảm cho bộ máy nhà nước càng về sau, số thu về xí nghiệp và sự nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, và đại bộ phận số chi là chi vào phát triển kinh tế và văn hóa.
Công tác quản lý tài chính ở nhiều địa phương trong năm 1961 đã có nhiều tiến bộ rõ rệt so với trước. Nhờ tăng thu và tiết kiệm chi, một số địa phương đã bảo đảm thu chi thăng bằng mà còn bội thu một ít. Việc bội thu được 17 triệu của ngân sách địa phương đã góp phần giảm bớt những khó khăn về vật tư tiền tệ tài chính trong những tháng cuối năm.
Trong năm 1961, ngoài công tác thu chi tài chính nhà nước, nhiều địa phương đã tích cực giúp hợp tác xã nông nghiệp đào tạo cán bộ tài vụ và kế toán, góp phần vào việc củng cố quản lý của hợp tác xã.
Tuy nhiên, đến nay công tác quản lý tài chính ở các địa phương còn nhiều khuyết điểm và nhược điểm cần phải ra sức khắc phục. Nhiều cơ quan tài chính địa phương chưa chú ý đi sâu vào phân tích hoạt động kinh tế của các ngành của các đơn vị xí nghiệp và sự nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển, và thực hành tiết kiệm, quản lý thu chi nhiều nơi còn thiếu chặt chẽ.
Công tác thu đối với các xí nghiệp quốc doanh còn thiếu chặt chẽ, thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp còn thất thu nhiều, đó là nguyên nhân quan trọng làm cho số thu năm 1961 bị hụt nhiều so với kế hoạch đầu năm.
Về chi thì khuyết điểm chính là còn ít chú ý đi sâu vào kiểm tra kết quả sử dụng vốn, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn định mức của Nhà nước, quản lý biên chế tiền lương còn thiếu chặt chẽ.
Về kiến thiết cơ bản thì hầu hết các địa phương còn theo lối thực thi thực thanh, không theo trình tự kiến thiết cơ bản, nên gây ra lãng phí nhiều.
Một điểm cần chú ý là ở các địa phương, ngoài số thu chi của ngân sách địa phương, số thu và số chi của ngân sách trung ương cũng rất lớn, đến nay nhiều địa phương ít chú ý đi sâu vào nắm tình hình thu chi tài chính của trung ương ở địa phương. Số thu chi tài chính của Trung ương cũng như của địa phương ngày càng tăng lên, và đại bộ phận số thu chi của ngân sách nhà nước đều thực hiện ở các địa phương. Việc tăng cường quản lý thu chi tài chính ở các địa phương có một tầm quan trọng rất lớn. Nó sẽ giúp cho địa phương không những thực hiện được tốt ngân sách địa phương mà còn có thể thông qua thu chi tài chính mà kiểm tra được hoạt động của các ngành ở địa phương bao gồm cả các cơ sở kinh tế và sự nghiệp của Trung ương ở địa phương.
*
* *
PHẦN THỨ HAI
DỰ ÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962
Bước vào năm 1962, năm thứ hai của kế hoạch 5 năm, dựa vào nền sản xuất công nông nghiệp ngày càng phát triển, chúng ta có nhiều điều kiện để tăng thu cho ngân sách nhà nước, mặt khác để bảo đảm nhiệm vụ của kế hoạch, yêu cầu chi về kiến thiết cơ bản, tăng cường dự trữ vật tư nhà nước, cho vay dài hạn, giúp đỡ các hợp tác xã cải tiến tư liệu sản xuất đều tăng lên; những khó khăn về vật tư tiền tệ năm 1961 chuyển sang mà năm 1962 phải giải quyết, cũng sẽ ảnh hưởng đến số thu tài chính và đòi hỏi một số khoản chi về tài chính phải tăng lên.
Nhiệm vụ tài chính năm 1962 là phải ra sức khai thác mọi yếu tố tích cực để tăng thu, một mặt khác phải hết sức tiết kiệm chi để có thể thỏa mãn những yêu cầu nói trên, bảo đảm nhiệm vụ chính trị và kinh tế của Nhà nước. Căn cứ vào nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 1962, tổng số thu dự toán là 1.400tr187, và các địa phương sẽ sử dụng thêm 4tr trong số 17tr kết dư của năm 1961. Như vậy số thu trong nước năm 1962 là 1.404tr187. Số tiền sử dụng viện trợ và vay là 320tr965.
Tổng cộng số thu ngân sách 1962: 1.725tr152 tăng 9,3% so với 1961, và số chi ngân sách 1962: 1.725tr152 tăng 10,6% so với 1961.
Về thu:
1. Thu về xí nghiệp - Tổng số thu về xí nghiệp năm 1962 dự trù 966tr291 tăng 8,9% so với năm 1961.
Số tiền về xí nghiệp do Bộ Công nghiệp nặng quản lý năm 1962 dự trù là 107tr012 tăng 30,5% so với năm 1961. Tổng giá trị sản lượng Bộ Công nghiệp nặng tăng 35,9%, giá thành hạ 4,05%. Số thu trên đây có thể bảo đảm được, nếu quản lý xí nghiệp kịp thời bảo đảm được nguyên liệu, nâng cao hơn nữa công suất thiết bị và tổ chức tiêu thụ sản phẩm được tốt thì số thu còn có thể tăng hơn.
- Số thu về xí nghiệp do Bộ Công nghiệp nhẹ quản lý năm 1962 dự trù là 89tr062, nếu tính cả số thu chênh lệch giá bông đã chuyển sang khâu thu về ngoại thương thì số thu về công nghiệp nhẹ tăng lên 15,1% so với năm 1961.
- Thu về lâm nghiệp năm 1962 dự trù là 43tr079 tăng 21,8% so với 1961.
Sản lượng gỗ năm 1962 dự kiến tăng 29% so với 1961, nhưng so với yêu cầu trong nước và xuất khẩu thì chưa đủ. Cần phải ra sức tăng cường việc khai thác gỗ, hết sức cố gắng tổ chức việc vận chuyển gỗ kịp thời và hợp lý để có thể đạt và vượt chỉ tiêu sản lượng và giá thành, trên cơ sở đó mà bảo đảm thu cho ngân sách.
- Thu về xí nghiệp giao thông và bưu điện năm 1962 dự trù 94tr918 tăng 13,3% so với năm 1961.
- Thu về thương nghiệp nội địa - Năm 1962 dự trù 215tr211 tăng 5,7% so với năm 1961. Năm 1962 doanh số bán ra của thương nghiệp tăng lên 25% so với năm 1961, phí lưu thông của ngành thương nghiệp tiếp tục giảm xuống so với trước nên số thu thương nghiệp tăng lên, nhưng vì năm 1962 thi hành chính sách hạ giá bán ra một số hàng công nghiệp phẩm và nâng giá thu mua một số hàng nông phẩm, nên số thu thương nghiệp không tăng theo tốc độ tăng doanh số thương nghiệp.
- Thu về ngoại thương năm 1962 bằng 100,8% so với năm 1961, doanh số xuất nhập khẩu năm 1962 tăng 28,5% so với năm 1961 nhưng số thu về ngoại thương chỉ tăng 0,8% là vì năm 1962 giá thu mua một số mặt hàng nông nghiệp để xuất khẩu tăng lên, hàng nhập khẩu đại bộ phận là nguyên liệu và thiết bị; một nguyên nhân quan trọng khác làm cho số thu ngoại thương tăng chậm là vì năm 1962 chúng ta phải trích một phần kim ngạch để trả nợ nhập siêu những năm trước.
2. Thu về thuế công thương nghiệp
- Thuế công thương nghiệp năm 1962 dự trù thu là 308tr986 so với năm 1961 tăng 11,6%.
Thuế công thương nghiệp dự trù trên đây là căn cứ vào chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước, mức dự trù như trên là có căn cứ. Muốn bảo đảm mức thu đó, cần phải có những biện pháp tích cực để qua công tác thuế mà thúc đẩy hạch toán kinh tế trong các xí nghiệp quốc doanh, mặt khác tăng cường tham gia quản lý thị trường, chống thất thu, cần chú trọng các khâu còn thất thu như thuế sát sinh, thuế rượu.
Trong năm 1961, việc tiến hành thí điểm chế độ thu quốc doanh ở các xí nghiệp dệt Nam Định, diêm và thuốc lá đã thu được kết quả tốt. Trong năm 1962, cần mở rộng chế độ thu quốc doanh đối với các sản phẩm do quốc doanh sản xuất và kinh doanh. Chế độ thu này có tác dụng khuyến khích các xí nghiệp quốc doanh phát huy tính tích cực phát triển sản xuất thực hành tiết kiệm, mặt khác đòi hỏi các xí nghiệp tăng cường hạch toán kinh tế và làm nhiệm vụ thu nộp kịp thời và đúng cho tài chính nhà nước. Chế độ thu quốc doanh đòi hỏi công tác quản lý của các bộ, các xí nghiệp phải chặt chẽ, đòi hỏi sự giám đốc tài chính phải kịp thời.
3. Thu về thuế nông nghiệp
Dự trù là 95tr460 bằng 97,5% năm 1961. Số thu này tính toán căn cứ theo chính sách hiện hành và trên cơ sở diện tích sản lượng không có sự thay đổi, vì trong năm 1962 quan hệ sản xuất và sản xuất nông nghiệp chưa ổn định, việc thay đổi chính sách thuế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, biện pháp thu hiện nay lấy nông hộ xã viên làm đối tượng không còn thích hợp với tổ chức sản xuất mới ở nông thôn. Cho nên cần sửa đổi biện pháp thu theo phương hướng nhà nước coi hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị tính thuế và nộp thuế, và hết sức giản đơn, việc tính toán tránh bớt những phiền phức không cần thiết.
Sử dụng tiền viện trợ và vay
Để bổ sung cho số thu trong nước, căn cứ vào kế hoạch kim ngạch năm 1962, số tiền vay và viện trợ có thể sử dụng là 320tr965 tăng 17,1% so với năm 1961.
Số tiền viện trợ và vay trên đây là lớn, đại bộ phận dùng để nhập thiết bị toàn bộ, và một số thiết bị lẻ và nguyên liệu cần thiết. Để bảo đảm yêu cầu sản xuất và những nhu cầu thiết yếu cho đời sống nhân dân trong nước, cần phải ra sức tăng xuất khẩu, mặt khác phải hết sức tiết kiệm trong việc sử dụng ngoại tệ để có thể rút bớt chênh lệch giữa yêu cầu nhập với khả năng nhập khẩu.
Về chi:
Căn cứ vào khả năng thu của ngân sách và nhiệm vụ kế hoạch nhà nước, tổng số chi dự toán 1.725tr152 tăng 10,6% so với năm 1961 và hướng phân phối chi của ngân sách như sau:
Vốn tích lũy là 1.001tr048 chiếm tỷ trọng 58,2% trong ngân sách. Vốn tiêu dùng 672tr678 chiếm tỷ trọng 39% và dự bị phí nếu bao gồm cả dự bị kiến thiết cơ bản bằng 2,4% của ngân sách.
Vốn kiến thức cơ bản - Theo khối lượng kiến thiết cơ bản ghi trong kế hoạch nhà nước vốn cấp phát tài chính về kiến thiết cơ bản năm 1962 là 834tr741 ngoài ra để có thể làm thêm những công trình cần thiết nhất là những công trình ít vốn sản xuất nhanh, ngân sách còn dành thêm 15tr làm vốn dự bị kiến thiết cơ bản. Việc sử dụng số vốn dự bị này sẽ do Hội đồng Chính phủ xét và quyết định cụ thể.
Vốn lưu động - Trong năm 1962 nhiều nhà máy mới bước vào sản xuất, yêu cầu vốn lưu động do đó phải tăng lên. Vốn lưu động cấp thêm trong năm 1962 là 78tr511 tăng 19,6% so với năm 1961. Để có thể tiết kiệm được vốn, tăng vòng quay vốn lưu động, cần phải ra sức giải quyết vật tư ứ đọng và tổ chức việc tiêu thụ sản phẩm được tốt. Cần đi đến định mức dự trữ vật tư hợp lý cho các bộ, các xí nghiệp và tổ chức quản lý tốt, nhằm bảo đảm sản xuất và chống ứ đọng vốn, ứ đọng vật tư như hiện nay.
Về cho vay dài hạn:
Năm 1962, Nhà nước cần tiếp tục mở rộng việc cho vay dài hạn đối với hợp tác xã nông nghiệp, nghề muối, nghề cá, và thủ công nghiệp. Cần phải quản lý chặt chẽ việc cho vay, phát huy hiệu lực tiền vốn nhà nước giúp đỡ hợp tác xã cải tiến tư liệu sản xuất, thúc đẩy tiết kiệm, tránh tình trạng ỷ lại vào nhà nước.
Ngoài số vốn thu hồi nợ cũ, nhà nước sẽ cấp thêm cho ngân hàng 35 triệu. Cần phải thu hồi khoảng 15 triệu tiền nợ bán chịu phân bón trước đây, trích thêm 5 triệu giao cho ngân hàng thêm vốn cho vay dài hạn.
*
* *
Theo phương hướng trên đây, dự án ngân sách nhà nước năm 1962 phân phối như sau:
Chi về kiến thiết kinh tế là 1.072tr751 tăng 7,8% so với 1961; chiếm tỷ trọng 62,2%.
Chi về văn - xã là 194tr198, tăng 9,8% so với 1961, chiếm tỷ trọng 11,2%.
Chi về quốc phòng và quản lý hành chính là 344tr803, tăng 5,6% so với 1961, chiếm tỷ trọng 20%.
Sau đây chúng tôi xin báo cáo về một số vấn đề cụ thể:
1. Chi về kiến thiết cơ bản
Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch nhà nước kiến thiết cơ bản năm 1962, số cấp phát vốn kiến thiết cơ bản của ngân sách nhà nước là 834tr741, trong đó vốn trong nước là 590tr005. Ngoài ra, ngân sách còn dành thêm 15 triệu dự bị kiến thiết cơ bản để có thể bổ sung vốn kiến thiết cơ bản.
Vốn kiến thiết cơ bản dành cho các Bộ công nghiệp và công nghiệp địa phương chiếm tỷ trọng 31,6% trong tổng số vốn kiến thiết cơ bản. Số vốn dành cho nông nghiệp bao gồm cả Bộ Nông trường, chiếm tỷ trọng 12,9%; vốn kiến thiết cơ bản về thủy lợi tăng 40,9% so với năm 1961. Vốn kiến thiết cơ bản về văn xã và hành chính chiếm tỷ trọng 9,1%.
Phân phối như trên là nhằm tập trung vốn vào sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.
Năm 1962 nhiệm vụ kiến thiết cơ bản rất nặng, việc phân phối vốn và vật tư cho kiến thiết cơ bản có những khó khăn, để bảo đảm nhiệm vụ kiến thiết cơ bản trong năm 1962 và chuẩn bị tốt cho năm 1963, cần phải hết sức tăng cường công tác quản lý kiến thiết cơ bản, ra sức tiết kiệm vốn, tiết kiệm vật tư, tiết kiệm nhân lực và cố gắng đưa nhiều công trình vào sản xuất tốt hơn, nhanh hơn.
Để bảo đảm những yêu cầu nói trên, trong công tác quản lý kiến thiết cơ bản, cần phải hết sức chú trọng tăng cường các khâu:
- Xét duyệt thiết kế và dự toán kiến thiết cơ bản chặt chẽ, kịp thời và tiết kiệm để làm căn cứ cho việc quản lý được tốt.
- Phân phối và chuẩn bị nguyên vật liệu hợp lý, không phân tán, không quá sớm hoặc quá chậm.
- Quản lý thi công tốt, sử dụng nhân lực, nguyên liệu, tiết kiệm và nâng cao năng suất của máy móc thi công, phải cố gắng chấp hành tốt và vượt mức các định mức kiến thiết cơ bản đã ban hành nhằm hạ giá thành xây dựng xuống, mặt khác phải bảo đảm chất lượng công trình tốt.
- Phải có kế hoạch nắm và sử dụng vật tư tồn kho trên các công trường và trong các ngành để đưa ra sử dụng kịp thời, giảm mức cấp phát cho tài chính và giảm bớt khó khăn về vật tư.
- Một khâu quan trọng trong kiến thiết cơ bản là bảo đảm vật liệu, sản xuất và vận chuyển vật liệu hợp lý, tiết kiệm. Riêng việc tổ chức khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng tại chỗ cũng có thể tiết kiệm được rất lớn.
2. Chi về vốn lưu động và vật tư dự trữ
Năm 1962, ngân sách nhà nước phải cấp thêm về vốn lưu động và vật tư dự trữ là 92tr847.
Trong khi tính toán mức vốn lưu động các ngành đã chú ý động viên nguồn vật tư ứ đọng từ những năm trước đưa vào sản xuất, và tăng nhanh vòng quay vốn so với trước.
Tuy nhiên so với khối lượng vật tư bị ứ đọng thì số vật tư được huy động vào sản xuất còn thấp, hiệu lực của vốn lưu động chưa được phát huy đúng mức. Trong quá trình chấp hành ngân sách, cần phải chú ý giải quyết tốt một số vấn đề cụ thể sau đây:
- Phải có biện pháp tích cực huy động vật tư ứ đọng trong các ngành, các xí nghiệp đưa vào sản xuất giảm bớt khó khăn về cung cấp vật tư của Nhà nước và giảm bớt số cấp phát ngân sách. Cần phải tiến hành sớm việc kiểm kê nắm tình hình vật tư ứ đọng và có kế hoạch đưa ra sử dụng được tốt.
- Các ngành phải quản lý tốt vốn lưu động và có kế hoạch điều hòa kịp thời vốn từ xí nghiệp thừa sang xí nghiệp thiếu, tránh ứ đọng vốn, và đỡ cấp phát cho ngân sách.
- Xúc tiến xây dựng định mức dự trữ nguyên vật liệu hợp lý ở các xí nghiệp, chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành các định mức đó, để bảo đảm hoạt động điều hòa của các xí nghiệp và tránh tình trạng dự trữ thừa gây ra ứ đọng.
Về vốn cấp cho dự trữ vật tư, thì căn cứ theo khả năng thu mua và nhập khẩu, năm nay ngân sách phải cấp thêm một số tiền để tăng thêm vật tư dự trữ nhà nước và dự trữ thêm một số nguyên vật liệu máy móc lẻ cần thiết cho sản xuất.
3. Chi về sự nghiệp kiến thiết kinh tế và kinh phí chuyên dùng
Chi về sự nghiệp kiến thiết kinh tế và kinh phí chuyên dùng dự trù là 144tr041 so với năm 1961 tăng 32,5%.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế, công tác khảo sát thiết kế, nghiên cứu thí nghiệm, đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật đều phải tăng cường, nên số chi về kiến thiết kinh tế và kinh phí chuyên dùng phải được tăng lên. Năm 1962 tổng số chi của ngân sách chỉ tăng 10,6%, số chi về sự nghiệp kinh tế và kinh phí chuyên dùng tăng 32,5%, so với năm 1961, điều đó chứng tỏ sự quan tâm của Nhà nước ta đối với công tác này.
Để bảo đảm kết quả công tác được tốt, cần phải ra sức tăng cường việc quản lý chi, tập trung khả năng vào những trọng điểm, hết sức tiết kiệm chi, nâng cao hiệu lực của tiền vốn, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước. Mặt khác cần phải tích cực tăng thu về sự nghiệp để có thể tăng chi.
Riêng về kinh phí chuyên dùng, cần phải hướng việc sử dụng vốn vào phục vụ cho việc cải tiến kỹ thuật, chế biến sản phẩm mới, hết sức hạn chế việc mua sắm tài sản cố định linh tinh.
4. Chi về sự nghiệp văn hóa xã hội:
Số chi về văn hóa xã hội năm 1962 dự trù là 146tr008 tăng 18,9% so với năm 1961.
- Căn cứ vào chỉ tiêu phát triển giáo dục của kế hoạch nhà nước năm 1962, số chi về giáo dục và huấn luyện dự trù là 73,6 triệu tăng 16% so với năm 1961.
- Chi về sự nghiệp y tế dự trù là 43tr518 tăng hơn 1961 là 31,7%. Trong năm 1962 nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô công tác tiêu diệt bệnh sốt rét sẽ được tiến hành trên quy mô lớn.
- Chi về sự nghiệp văn hóa dự trù 9tr647, tăng 4,9% so với năm 1961.
- Các khoản chi về nghiên cứu khoa học, về thể dục thể thao, về thông tấn truyền thanh cũng được tăng lên.
5. Công tác tín dụng và tiền mặt
Căn cứ vào nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước và dự toán ngân sách nhà nước năm 1962, yêu cầu đối với công tác ngân hàng là phải kết hợp chặt chẽ với công tác lưu thông hàng hóa và thu chi tài chính, mà quản lý tốt công tác tín dụng và lưu thông tiền tệ, phát huy tác dụng của công tác tín dụng và tiền tệ thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng lưu thông hàng hóa và góp phần thực hiện tốt ngân sách nhà nước; mặt khác thông qua công tác tín dụng và quản lý tiền mặt, mà tham gia giám đốc hoạt động kinh tế của các ngành; trên cơ sở đó mà củng cố không ngừng nền tiền tệ của chúng ta. Trong năm 1962, phải ra sức bảo đảm thu chi tiền mặt thăng bằng và cố gắng bội thu một ít.
Năm 1962, để tăng khả năng nắm vật tư trong tay nhà nước, yêu cầu thu mua phải tăng lên nhiều so với những năm trước; công tác kiến thiết cơ bản và nhiều mặt công tác của Nhà nước đều được đẩy mạnh; mặt khác nhà nước tiếp tục mở rộng cho vay giúp đỡ hợp tác xã cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất; do đó tiền mặt phải chi ra nhiều, trong khi đó khả năng hàng hóa bán ra để rút tiền về còn có hạn; công tác tín dụng và tiền mặt có nhiều khó khăn. Cần phải đẩy mạnh việc tập trung và huy động vốn, động viên tiền tiết kiệm và bằng nhiều hình thức huy động được tiền còn nhàn rỗi của xã hội đưa vào sản xuất. Phải quản lý chặt chẽ việc cho vay; chú trọng việc thu hồi nợ đến hạn, quản lý chặt chẽ quỹ tiền lương, mở rộng và tiến hành tốt việc thanh toán, đẩy mạnh vòng quay của vốn, với số vốn có hạn cố gắng thỏa mãn yêu cầu phát triển sản xuất và mở rộng lưu thông hàng hóa.
6. Về ngân sách địa phương
Căn cứ vào chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước và yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa trong năm 1962, dự án ngân sách địa phương được phân phối là 300tr570 tăng 16% so với năm 1961, và chiếm 21,5% số thu trong nước. Như vậy, về con số tuyệt đối cũng như về tỷ lệ so với tổng số thu của ngân sách (thu trong nước), ngân sách địa phương năm 1962 đều tăng lên so với 1961.
Ngân sách địa phương năm 1962 tăng 16% trong khi ngân sách nhà nước tăng 10,6%, là nhằm bảo đảm những chi phí cần thiết để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi, giao thông ở địa phương; bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước về giáo dục, y tế, văn hóa… Ngoài ra, ngân sách địa phương năm nay phải bảo đảm một số chính sách mới ban hành như: bảo hiểm xã hội, tiền hưu và thương tật, phụ cấp cán bộ xã… và đài thọ một số khoản chi cần thiết như khai hoang, đội máy bơm v.v..
Theo phương hướng trên ngân sách địa phương năm 1962 phân phối như sau:
Chi về kiến thiết kinh tế chiếm 44,1% và tăng 16,5% so với năm 1961.
Chi về văn hóa xã hội chiếm 30% và tăng 15,7% so với năm 1961.
Chi về quản lý hành chính giữ mức chi của năm 1961.
Riêng về kiến thiết cơ bản tăng 10,3% so với 1961 trong đó kiến thiết cơ bản về công nghiệp tăng 57,6% nông nghiệp và thủy lợi tăng 29,5%.
Trong lúc kiểm điểm tình hình thực hiện ngân sách 1961 và xây dựng ngân sách 1962 nhiều địa phương đã đi sâu vào kiểm tra công tác quản lý của các ngành, các xí nghiệp ở địa phương, phát hiện và chú ý khai thác những khả năng tiềm tàng trong nền kinh tế đẩy mạnh sản xuất và lưu thông hàng hóa để tăng thu và tiết kiệm chi cho ngân sách. Đó là những tiến bộ quan trọng cần được phát huy. Tuy nhiên, đến nay những địa phương xây dựng và quản lý tốt ngân sách còn ít.
Để bảo đảm nhiệm vụ kế hoạch nhà nước và thực hiện tốt ngân sách 1962, việc tăng cường quản lý tài chính ở các địa phương bắt đầu từ việc xây dựng ngân sách, và chỉ đạo việc thực hiện ngân sách của chính quyền và cấp ủy các địa phương có một tầm quan trọng rất lớn.
PHẦN THỨ III
BẢO ĐẢM THỰC HIỆN TỐT NGÂN SÁCH
NHÀ NƯỚC NĂM 1962
Dựa trên nền sản xuất công nghiệp và nông nghiệp được đẩy mạnh và lưu thông hàng hóa được mở rộng, ngân sách nhà nước năm 1962 phải bảo đảm tập trung và tích lũy vốn để thỏa mãn yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa, và những yêu cầu khác của Nhà nước.
Dự trù thu của ngân sách là căn cứ vào những chỉ tiêu sản xuất, lưu thông hàng hóa của kế hoạch nhà nước. Về phân phối chi, dự toán ngân sách đã cố gắng bảo đảm nhiệm vụ của kế hoạch. Một số khoản chi chưa thể tính toán được đầy đủ, yêu cầu chi còn có thể tăng lên; trong điều kiện đó, ngân sách phải dành một số dự bị chi phí khá, nhưng vì khả năng thu có hạn nên tổng số dự bị phí chi năm nay bao gồm cả số dự bị kiến thiết cơ bản chỉ dành được 41 tr 9 bằng 2,4% tổng số chi của ngân sách. Bố trí chi như vậy là khẩn trương, tuy nhiên khả năng tăng thu và tiết kiệm chi cho ngân sách còn có nhiều.
Để bảo đảm thực hiện ngân sách 1962 cần phải chú trọng những biện pháp chủ yếu sau đây:
1. Phải ra sức bảo đảm những chỉ tiêu về sản xuất và thu mua nắm nguồn hàng trong tay nhà nước, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch xuất nhập khẩu
Sản xuất nông nghiệp và công nghiệp phát triển là yếu tố quyết định hàng đầu để tăng nguồn thu tài chính nhà nước. Cần phải có những cố gắng rất lớn bảo đảm những chỉ tiêu về diện tích và sản lượng nông nghiệp của kế hoạch, hết sức chú trọng việc chăm bón vụ chiêm, đẩy mạnh việc khai hoang tăng vụ, trồng mầu, trồng cây công nghiệp, tích cực chuẩn bị vụ thu và vụ mùa sắp đến. Phải có những cố gắng rất lớn để bảo đảm những vụ thu hoạch sắp đến có sản lượng cao, và trong điều kiện có thiên tai bất trắc cũng không đến nỗi khó khăn lắm. Các xí nghiệp quốc doanh cần phải ra sức phấn đấu vượt những chỉ tiêu về sản lượng, tăng năng suất lao động và hạ giá thành, hạ phí lưu thông để bảo đảm tăng thu và tiết kiệm chi cho ngân sách.
Đi đôi với việc đẩy mạnh sản xuất phát triển, cần phải hết sức bảo đảm kế hoạch thu mua nắm nguồn hàng trong tay nhà nước, để cung cấp cho yêu cầu công nghiệp và xuất khẩu đổi lấy những thiết bị và nguyên liệu mà trong nước chưa sản xuất được.
2. Tăng cường công tác thống kê, kế toán và quản lý tài chính trong các ngành kinh tế quốc dân và cơ quan nhà nước
Số thu chi tài chính của Nhà nước cũng như của mỗi đơn vị kinh tế tập thể hàng năm tăng lên rất lớn, tài sản cố định ngày một tăng lên.
Tình hình đòi hỏi công tác quản lý phải khoa học chính xác. Công tác thống kê, kế toán và tài vụ là những công cụ không thể thiếu trong công cuộc kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân.
Một cơ quan, một xí nghiệp, một công trường, cũng như một hợp tác xã không làm tốt công tác thống kê, kế toán và tài vụ, thì không thể quản lý và sử dụng tốt tiền vốn lao động và tài sản
của mình.
Gần đây, Chính phủ đã ban hành những chế độ cần thiết về quản lý, và đã giao trách nhiệm cho thủ trưởng các ngành, chính quyền các cấp, cán bộ phụ trách của các xí nghiệp phải trực tiếp nắm công tác tài vụ. Các ngành các địa phương cần phải chấp hành nghiêm chỉnh những chế độ đã ban hành, quản lý chặt chẽ tài chính trong cơ quan, xí nghiệp, hoặc địa phương, thông qua công tác thu chi tài chính mà kiểm tra hoạt động kinh tế của
các ngành.
3. Tích cực bảo đảm kế hoạch thu nộp tài chính nhà nước và quản lý chặt chẽ chi . Đại bộ phận nguồn thu tài chính nhà nước là dựa vào các ngành kinh tế quốc doanh, việc tăng cường quản lý tài chính và kỷ luật thu nộp trong các đơn vị, xí nghiệp quốc doanh có một tầm quan trọng rất lớn. Để bảo đảm thu nhập tài chính nhà nước làm cho số thu tài chính phản ánh được hoạt động của các ngành và có tác dụng thúc đẩy hạch toán kinh tế và tiết kiệm, năm 1962 sẽ mở rộng chế độ thu quốc doanh trong các xí nghiệp quốc doanh. Đi đôi với việc tăng cường khâu thu đối với kinh tế quốc doanh cần phải tăng cường các khâu thu về thuế, khắc phục tình trạng thất thu và bảo đảm kỷ luật nộp kịp thời đầy đủ. Một mặt khác phải quản lý chặt chẽ chi, đặc biệt chú trọng quản lý tốt vốn kiến thiết cơ bản và vốn lưu động. Trong năm 1962 phải tăng cường công tác quản lý biên chế và tiền lương đối với khu vực sản xuất cũng như phi sản xuất.
4. Tăng cường công tác quản lý tài chính ở các địa phương
Dựa vào nền sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ngày càng phát triển, và theo nguyên tắc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương, hàng năm khả năng thu và yêu cầu chi của các địa phương đều tăng lên. Hơn nữa, đại bộ phận các khoản thu chi tài chính nhà nước đều thực hiện ở các địa phương, việc phát huy đúng mức vai trò và trách nhiệm của chính quyền và cơ quan tài chính các địa phương trong việc tham gia quản lý tài chính nhà nước, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kế hoạch nhà nước nhưng đối với những cơ quan và xí nghiệp địa phương cũng như đối với các xí nghiệp, sự nghiệp của Trung ương ở địa phương có tác dụng rất lớn trong việc tăng cường quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước.
Để thực hiện được yêu cầu nói trên cần phải ra sức tăng cường tổ chức và năng lực quản lý tài chính ở các địa phương. Các địa phương phải có nhiều cố gắng và các ngành ở Trung ương phải có kế hoạch giúp đỡ cụ thể.
5. Ra sức thực hiện tốt cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô lãng phí và quan liêu"
Trước yêu cầu về quản lý kiến thiết cơ bản và dựa vào những kinh nghiệm đã thu được trong thời gian qua, trong năm 1962, sẽ tiến hành cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính chống tham ô, lãng phí và quan liêu" trong các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan hành chính các cấp và một phần trong các hợp tác xã. Cuộc vận động này được tiến hành tốt sẽ có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao trình độ lãnh đạo và quản lý kinh tế tài chính của Đảng, của Nhà nước. Cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải thực sự là một phong trào rộng rãi của quần chúng, có tổ chức, có lãnh đạo chặt chẽ, và phải có tác dụng đẩy mạnh thi đua cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất, hạ giá thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước. Các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị phải có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, tiến hành từng bước, nắm vững trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm cuộc vận động thu được kết quả.
Thưa các vị đại biểu,
Kết quả việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 1961 và những năm về trước và dự án ngân sách năm 1962, phản ánh những tiến bộ không ngừng của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, phản ánh tinh thần thi đua lao động không mệt mỏi, tinh thần yêu nước yêu xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta, phản ánh quyết tâm của Đảng của Nhà nước tập trung sức người, sức của để phát triển sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân.
Những thắng lợi của nhân dân ta không thể tách rời với những sự giúp đỡ to lớn và vô tư của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc.
Yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và nhiệm vụ đấu tranh để thực hiện thống nhất đất nước đang đặt ra trước nhân dân ta nhiệm vụ vẻ vang là phải phát huy đến cao độ truyền thống dũng cảm lao động và tiết kiệm, hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước, trên cơ sở đó mà hoàn thành tốt dự án ngân sách năm 1962.