ĐOÀN ĐBQH TỈNH TRÀ VINH TIẾP XÚC CỬ TRI NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

07/10/2022

Sáng 07/10, tại Hội trường Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các điểm cầu trực tuyến tại UBND các huyện, thị xã và thành phố.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TRÀ VINH TIẾP XÚC CỬ TRI HUYỆN CẦU NGANG

Tại điểm cầu trực tuyến của Tỉnh ủy, tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri là lãnh đạo HĐND tỉnh Trà Vinh; các sở, ngành tỉnh, đặc biệt là ngành NN-PTNT; đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị tỉnh Trà Vinh gồm: ông Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách; ông Bế Trung An, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; bà Huỳnh Thị Hằng Nga, Bí thư Huyện ủy Càng Long.

Bà Huỳnh Thị Hằng Nga thay mặt đoàn, thông báo đến cử tri về dự kiến chương trình nghị sự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: kỳ họp dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào ngày 19/11/2022.  

Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đại diện Ban Giám đốc Sở trả lời và thông tin một số nội dung của cử tri kiến nghị.

Với nội dung chủ đề trọng tâm của hội nghị dành cho cử tri ngành NN-PTNT, ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ 09 tháng và nhiệm vụ 03 tháng cuối năm 2022. Trên cơ sở đó, cử tri đại diện ngành NN-PTNT tại các điểm cầu trực tuyến các huyện, thị xã, thành phố kiến nghị đến Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương.

Cử tri đại diện của huyện Trà Cú kiến nghị: sớm có chính sách ưu đãi dành cho nông dân trồng mía. Giá mía hiện nay khoảng 1.300 đồng/kg, chưa đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Do vậy, diện tích mía có thể giảm dần trong thời gian tới.

Cử tri đại diện của thị xã Duyên Hải mong rằng thông qua Quốc hội, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương phân bổ vốn để triển khai thực hiện xây dựng các tuyến kè ven biển của xã Hiệp Thạnh, khoảng 0,9km và xã Trường Long Hòa khoảng 0,7km. Vì đây là những tuyến kè xung yếu, chịu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân.

Cử tri đại diện của huyện Duyên Hải kiến nghị: xã Long Vĩnh, có khoảng 50 hộ nằm trong quy hoạch vùng nuôi thâm canh mật độ cao, nhưng chưa có điện. Mong Trung ương, tỉnh, ngành điện dành nguồn vốn để đầu tư hệ thống lưới điện; cần có chính sách về vốn ưu đãi để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh mật độ cao...

Cử tri đại diện của huyện Châu Thành và Tiểu Cần cho rằng giá dừa khô trong thời gian qua giảm mạnh, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Dừa là cây trồng được xem là chủ lực, do vậy kiến nghị tỉnh nên xem xét, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa.

Các ý kiến của cử tri được lãnh đạo các sở, ngành tỉnh trả lời và ghi nhận thỏa đáng tại hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng NN-PTNT phát biểu với cử tri về nguồn vốn cho vay phục vụ nông nghiêp.

Ông Trần Quốc Tuấn, thay mặt đoàn ghi nhận những ý kiến của cử tri, đồng thời thông tin với cử tri ngành NN-PTNT về một số chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến “tam nông”.

Ông Trần Quốc Tuấn thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu kết luận.

Ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh 03 nội dung: (1) ngành NN-PTNT cần quan tâm đến “bài toán” về sản phẩm nông sản của nông dân: mục tiêu hướng đến là sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; (2) xây dựng lực lượng nông dân mạnh, nòng cốt; mạnh cả số lượng, chất lượng; tiếp cận khoa học - kỹ thuật; (3) giải quyết thị trường đầu ra cho nông dân, không phải thị trường trong nước mà hướng đến xuất khẩu…

“Muốn đạt 03 nội dung trên, không riêng sở, ngành nào nà cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, Sở NN-PTNT, Công thương; Hội Nông dân và Liên minh Hợp tác xã đóng vai trò chủ công”. Ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

(Theo Báo điện tử Trà Vinh)