ĐỀ XUẤT BAN HÀNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ TRONG ĐIỀU KIỆN CẤP BÁCH NHƯ PHÒNG CHỐNG DỊCH

08/09/2022

Ngày 07/9, Đoàn giám sát Ủy ban Xã hội của Quốc hội có buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021 và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội và y tế. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đồng chủ trì buổi làm việc.


Triển khai nghiêm túc, hiệu quả chính sách, pháp luật về BHXH và chủ trương, quy định liên quan đến các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, trải qua 3 đợt dịch từ năm 2020 đến nay, căn cứ các quy định của Trung ương, Bộ Y tế, thành phố Đà Nẵng áp dụng triệt để 5 nguyên tắc chiến lược kiểm soát dịch bệnh: ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập - phát hiện sớm bằng giám sát, xét nghiệm - cách ly triệt để - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả theo quy định của pháp luật. Thành phố Đà Nẵng đã tăng cường huy động cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Năm 2021, thành phố Đà Nẵng cơ bản hoàn thành, bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 đối với người trên 12 tuổi (đạt 98,11 % người trên 18 tuổi tiêm mũi 2 và 96,2% người 12-17 tuổi tiêm mũi 2). Năm 2022, với sự quan tâm chỉ đạo, điều hành sâu sát của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng, toàn hệ thống chính trị trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế từ tuyến thành phố đến xã, phường; tập trung các nguồn lực, phấn đấu, quyết tâm triển khai các kế hoạch tiêm chủng theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế; đảm bảo bao phủ nhanh, rộng rãi các mũi vaccine trên các nhóm đối tượng trong điều kiện an toàn tiêm chủng. Tính đến ngày 28-8-2022, thành phố Đà Nẵng đã triển khai tiêm 2.981.905 liều vaccine phòng COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến phát biểu tại buổi làm việc

Cùng với đó, công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ người dân được thực hiện có hiệu quả với nhiều hình thức phù hợp với tình hình dịch bệnh, như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền thông qua ban điều hành khu dân cư, cán bộ đứng tại các điểm, chốt; tuyên truyền qua zalo, thiết kế các chính sách hỗ trợ theo hình thức “infbrgraphic” chuyển qua tin nhắn zalo để người dân dễ hiểu... Hồ sơ, thủ tục, các mẫu biểu theo Kế hoạch số 135/KH-UBND được hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình lập hồ sơ thủ tục nhận hỗ trợ.

Mặc dù các hoạt động hỗ trợ chi tiền mặt, nhu yếu phẩm… được thực hiện trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại thành phố Đà Nẵng, tuy nhiên các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn bộ hệ thống chính trị đã được huy động, với nhiều phương thức cách làm hay để đưa đến tận nhà cho người dân những nhu yếu phẩm, tiền mặt, quà... góp phần làm vơi bớt những khó khăn, được đông đảo người dân ủng hộ. Đến thời điểm hiện nay, chưa có sai sót lớn xảy ra trong quá trình chi trả thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Đối với công tác thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, giai đoạn 2016-2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm túc các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về BHXH, bám sát chỉ đạo của Trung ương và thành phố trong triển khai chính sách tại địa phương, trong đó, đặc biệt chú trọng việc giải quyết kịp thời chế độ BHXH, BHTN, các chính sách hỗ trợ cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP, Nghị quyết số 116/NĐ-CP của Chính phủ; triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển người tham gia, giảm nợ đọng; quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, BHTN theo đúng quy định của pháp luật.

Số người tham gia BHXH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tăng dần qua các năm. Từ 219.644 người tham gia BHXH, trong đó có 1.368 người tham gia BHXH tự nguyện năm 2016, đến cuối năm 2021 tổng số người tham gia BHXH là 237.657 người (tăng 8%), với 16.710 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 1.121%). So với năm 2016, số thu BHXH bắt buộc năm 2019 đạt 3.699.306 triệu, tăng 35,9%; số thu Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 288.066 triệu đồng, tăng 39,7%; số thu BHXH tự nguyện đạt 28.451 triệu đồng, tăng 110%.

Tuy nhiên, đến năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số thu BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp đều giảm so với 2019. Theo đó, số thu BHXH bắt buộc năm 2021 đạt 3.648.126 triệu đồng, giảm 1,38%; số thu BHTN đạt 250.758 triệu đồng, giảm giảm 12,95%; số thu BHXH tự nguyện đạt 51.899 triệu đồng, tăng tăng 82,41% so với 2019. Trong giai đoạn 2016-2021, hằng năm số tiền chi trả các chế độ BHXH, BHTN cho người hưởng luôn cao hơn so với số chi của năm trước, với số chi năm 2021 đạt 5.298.032 triệu đồng, tăng 2.482.790 triệu đồng so với năm 2016 (tăng 82%).

Một trong những khó khăn của việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là nhiều chủ doanh nghiệp chưa chấp hành tốt pháp luật về BHXH, chưa khai báo đóng đủ cả về lao động và mức đóng BHXH, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, công ty gia đình tham gia một lao động hoặc dưới 5 lao động. Việc xử lý đối với những trường hợp này rất khó vì thực tế họ không có trụ sở cố định hoặc không còn hoạt động nhưng không khai báo với cơ quan Đăng ký kinh doanh và cơ quan Thuế để làm thủ tục giải thể hoặc ngưng hoạt động.

Cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, hướng dẫn cụ thể triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách trong điều kiện dịch bệnh, cấp bách

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, COVID-19 là dịch bệnh chưa có tiền lệ, các hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ về các biện pháp phòng, chống dịch, các định mức về sử dụng vật tư y tế, trang thiết bị y tế, thuốc men chưa theo kịp với thực tiễn diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của dịch bệnh. Trước yêu cầu đảm bảo hậu cần theo tinh thần “4 tại chỗ” cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thực hiện công tác mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch trong bối cảnh nhiều khó khăn. Thông tin về chủng loại, giá cả không đầy đủ, chưa cập nhật kịp thời trên các cổng công khai mua sắm, đấu thầu của các cơ quan chức năng.

Đặc biệt, trong các giai đoạn cao điểm bùng phát dịch trên thế giới và nhiều địa phương trên cả nước, đã xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả hàng hóa thay đổi liên tục gây khó khăn cho việc mua sắm. Yêu cầu phòng, chống dịch là cấp bách, “chống dịch như chống giặc” nhưng các thủ tục, quy trình mua sắm theo quy định đòi hỏi thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, do áp lực về thời gian mua sắm nên việc tìm hiểu thông tin, rà soát, kiểm tra các hồ sơ của các nhà thầu, đơn vị cung ứng hàng hóa bị hạn chế; việc thực hiện thẩm định giá của các cơ quan, đơn vị thẩm định giá nhà nước và doanh nghiệp trong giai đoạn giãn cách xã hội, mua sắm khẩn cấp không được thực hiện thường xuyên.

Mặt khác, việc mua sắm hàng hóa phòng, chống dịch chủ yếu do các cơ quan, đơn vị y tế sử dụng thực hiện, trong khi đây là lực lượng tuyến đầu chống dịch, trực tiếp tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch và không có nhiều kinh nghiệm trong công tác mua sắm, đấu thầu. Bối cảnh này đặt ra nhiều rủi ro cho công tác mua sắm khi đồng thời phải đáp ứng yêu cầu vừa sẵn sàng, kịp thời cho công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo mua sắm, sử dụng hiệu quả.

Các chủ trương, chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 cũng chưa có tiền lệ, trong khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan ít có văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc hướng dẫn rất chậm nên có chính sách ở địa phương khó thực hiện và chưa được triển khai thực hiện một cách triệt để. Đội ngũ cán bộ thực hiện rà soát, thẩm định, xác định đối tượng được hỗ trợ còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng, nhất là cấp cơ sở xã, phường; mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến chính sách nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ, dẫn đến thiệt thòi đối với người lao động.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu thống kê đối với đối tượng lao động tự do hầu như không có, dẫn đến việc các địa phương khi xây dựng chính sách rất khó khăn trong công tác tham mưu và chỉ đạo thực hiện. Trong khi văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa được cụ thể. Một số chính sách khó xác định điều kiện để thực hiện hỗ trợ như: hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; hỗ trợ hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt...

“Từ thực tiễn những khó khăn nêu trên, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng, ban hành một luật riêng cho trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ cấp bách, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng kịp thời nhằm mục tiêu bảo vệ an toàn, tính mạng của người dân trước hết, trên hết, tránh tình trạng bị động hay sai phạm không đáng có”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong ghi nhận sự nỗ lực trong chỉ đạo, lãnh đạo của Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng đối với công tác an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống của người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nặng nề lên mọi mặt kinh tế - xã hội, thể hiện qua độ bao phủ chính sách với khoảng 1 triệu người được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trên 1,2 triệu dân số, với tổng kinh phí khoảng 1.300 tỷ đồng chưa kể các nguồn xã hội hoá.

“Thành phố cũng nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 sát với thực tiễn địa phương; đồng thời, chủ động, kịp thời ban hành những văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương để tổ chức thực hiện”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhìn nhận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cũng đồng tình, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của thành phố về việc ban hành cơ chế đặc thù cho cán bộ y tế cơ sở, hay cơ chế, chính sách đặc thù cho phòng chống dịch như: nâng định mức giá trị gói thầu mua sắm thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng đơn vị phù hợp với quy mô đơn vị để tăng quyền tự chủ cho các cơ sở y tế trong việc mua sắm, tránh việc làm chậm trễ công tác đấu thầu mua sắm và để các đơn vị chủ động mua sắm kịp thời, phục vụ công tác khám chữa bệnh; cơ chế tổ chức mua sắm tập trung cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh phục vụ cho các tình huống khẩn cấp nói chung và phòng chống dịch nói riêng, nhằm đảm bảo theo quy định và để các sở chuyên môn tập trung thực hiện công tác quản lý ngành theo nhiệm vụ được giao...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị thành phố Đà Nẵng tiếp tục rà soát tổng thể những chính sách hiện hành để tiếp tục có thêm các chính sách giúp người lao động phục hồi và phát triển sau đại dịch như giảm thuế, đào tạo lao động, hỗ trợ xuất nhập khẩu…; đồng thời, theo dõi, quản lý quá trình kê khai lao động của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và mở rộng độ bao phủ BHXH, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong đóng BHXH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết đúng các chế độ chính sách, chống trục lợi từ chính sách.

(Theo Cổng TTĐT thành phố Đà Nẵng)

Các bài viết khác