HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TIẾP TỤC THỂ HIỆN TINH THẦN ĐỔI MỚI, VÌ LỢI ÍCH NHÂN DÂN
Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
Trong năm 2023, các hoạt động giám sát được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức thực hiện, được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất; nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả, phản ứng linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề thời sự quan trọng của đất nước; tăng tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần hành động tích cực, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về vấn đề được giám sát.
Trong đó, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Hoạt động “giám sát lại” được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa; chuẩn bị và tổ chức chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV, khóa XV thực chất, hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được thảo luận kỹ với nhiều yêu cầu đổi mới theo hướng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên...
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Phóng viên: Thưa đại biểu, giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội. Với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, đại biểu có đánh giá như thế nào về kết quả cũng như những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2023?
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, là năm bản lề quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội đã được tổ chức triển khai hiệu quả, toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tiến độ, hoàn thành các nội dung theo kế hoạch.
Có thể chỉ ra những kết quả tiêu biểu như: Quốc hội đã tổ chức thành công hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, hoạt động “giám sát lại”, triển khai có hiệu quả 04 chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 04 phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;…Trên cơ sở giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Một điểm mới nổi bật phải kể đến là, Quốc hội tiến hành giám sát ngay trong giai đoạn đầu triển khai các chương trình, dự án,…; chú trọng những vấn đề “nóng”, cấp thiết nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Thông qua giám sát, đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, chậm trễ trong triển khai để có giải pháp tháo gỡ;…
Kết quả của hoạt động giám sát cho thấy tinh thần đồng hành của Quốc hội cùng Chính phủ, các Bộ, ngành trong tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát, bảo đảm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách quan trọng đã được Đảng, Quốc hội quyết định. Đồng thời, sẵn sàng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định để khắc phục những điểm chưa phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.
Ngoài ra, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri tiếp tục được tăng cường, đổi mới và trở thành hoạt động thường xuyên. Hoạt động giám sát văn bản được thực hiện bài bản;…
Tất cả các hoạt động giám sát nêu trên đều tạo ra những chuyển biến nhất định trên thực tế, giúp hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng thực chất, hiệu quả, được cử tri và Nhân dân cả nước ghi nhận, đồng tình, đánh giá cao.
Phóng viên: Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2024 Quốc hội tiếp tục tiến hành nhiều chuyên đề giám sát quan trọng. Đại biểu có nhận định gì về chương trình giám sát năm 2024?
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Năm 2024, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ giám sát quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu giám sát phải được triển khai đồng bộ với quá trình triển khai xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật.
Trong đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 02 chuyên đề: Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và về một số dự án quan trọng quốc gia và Về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiến hành giám sát 02 chuyên đề: Về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Để triển khai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chuẩn bị “từ sớm, từ xa” cho các hoạt động giám sát năm tới, trong đó, đã cho ý kiến sớm về kế hoạch, đề cương báo cáo giám sát của 04 chuyên đề năm 2024 ngay tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2023. Đến nay, 04 Đoàn giám sát đã ban hành kế hoạch và đề cương báo cáo gửi các cơ quan chịu sự giám sát, các địa phương để triển khai các hoạt động theo kế hoạch.
Trên cơ sở kế hoạch giám, các Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tăng cường tổ chức hoạt động giám sát thông qua các hoạt động: giám sát chuyên đề việc thi hành pháp luật ở địa phương; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và cử đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; bảo đảm chất lượng, khả thi, hiệu quả, tránh hình thức, phù hợp với khả năng, nguồn lực, nhất là đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương.
Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng sẽ chủ động đổi mới hoạt động giám sát của mình theo hướng tăng cường tính độc lập. Tích cực giám sát văn bản và tổ chức giám sát vụ việc cụ thể theo hướng đăng ký cụ thể về nội dung và địa điểm giám sát để Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát tại địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Phóng viên: Để triển khai hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, theo đại biểu đâu là các giải pháp cần chú trọng thực hiện?
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Để thực hiện đồng bộ và hiệu quả chương trình giám sát năm 2024, cần tiếp tục phát huy những điểm mới, kết quả tích cực đã đạt được trong phương thức triển khai hoạt động giám sát từ năm 2023. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội quan tâm chú trọng một số giải pháp như sau:
Một là, sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Hai là, tiếp tục cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò và thẩm quyền giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, thẩm tra, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo các kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời; chú trọng giám sát lại vấn đề đã kiến nghị của các cuộc giám sát trước.
Ba là, tăng cường chế độ bảo đảm phục vụ hoạt động cho hoạt động giám sát và việc huy động sự tham gia của chuyên gia vào công tác giám sát của Quốc hội.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát; quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giám sát cho đại biểu Quốc hội và đội ngũ công chức giúp việc để nâng cao chất lượng giám sát...
Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề, trong đó coi trọng sử dụng thông tin từ cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong xây dựng báo cáo và nghị quyết giám sát; tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn; tăng cường hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát văn bản quy phạm pháp luật một cách thường xuyên,...
Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với quyết tâm đổi mới, và sự vào cuộc “từ sớm, từ xa” thể hiện ngay từ Hội nghị triển khai Chương trình giám sát, tôi tin tưởng và kỳ vọng hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2024 tiếp tục tạo đột phá, chuyển biến trong các lĩnh vực giám sát, đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!