Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 282967a1-f909-90f0-dd35-defb69979bbd.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG GIÁO DỤC, Y TẾ

26/10/2023

Góp ý về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có giải pháp phù hợp kịp thời tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những khó khăn, nút thắt trong phát triển giáo dục, y tế.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/10: BÁO CÁO TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KT-XH; BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KT-XH...

Tại báo cáo về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, Chính phủ thẳng thắn thừa nhận: Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo còn hạn chế; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, cải cách sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác thanh niên, trẻ em còn tồn tại một số vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ. Chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến chưa rõ nét; nghiên cứu phát triển, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo còn hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024

Quan tâm tới kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về phát triển y tế, giáo dục, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần phân tích làm rõ hơn nguyên nhân của tồn tại hạn chế nêu trên, từ đó có giải pháp căn cơ, tháo gỡ kịp thời,...

Chia sẻ về thực trạng tại địa phương, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, đầu năm học 2023 - 2024, Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên (Đắk Nông thiếu hơn 600 biên chế để choàng gánh công việc hiện tại, nhưng năm qua trung ương chỉ cho 115 chỉ tiêu, không đủ để bố trí). Điều đáng ngại là trong khi giáo viên thiếu nhưng hằng năm vẫn phải tinh giản biên chế 10%. Đáng buồn hơn, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, tỉnh đã giao hàng trăm chỉ tiêu cho ngành giáo dục nhưng… không tuyển dụng được.

Theo đại biểu, việc thiếu giáo viên tại Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung là do thực trạng tăng dân số cơ học quá nhanh thời gian qua ở các tỉnh này, do tình trạng di dân tự do. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đối mặt với tình trạng tương tự. Do đó, theo đại biểu, riêng đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế phải bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, “có bệnh nhân phải có y, bác sỹ”, cần thay đổi phương thức cấp phát ngân sách theo số lượng biên chế sang đặt hàng theo quy mô học sinh, bệnh nhân phù hợp với từng bậc học, từng vùng, miền, từng cấp khám chữa bệnh.

 Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông 

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, ở các địa bàn vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, một số môn không có nguồn tuyển như tin học, ngoại ngữ và các môn học tích hợp. Nội dung này đã được kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chậm được tháo gỡ, gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương, dẫn đến các địa phương phải có nhiều giải pháp trước mắt để xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế, không đảm bảo tính ổn định, lâu dài, không đảm bảo chất lượng dạy và học. Trong khi đó, nguồn tuyển rất khó khăn, hầu hết các sinh viên ra trường không muốn lên công tác vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên ở khu vực này còn thấp chưa đảm bảo cuộc sống.

Do vậy, đại biểu tỉnh Yên Bái đề nghị, để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đảm bảo chất lượng dạy và học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cần có cơ chế cho phép tuyển dụng giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng, nhất là các môn tin học, tiếng Anh, nghệ thuật, sau đó tiếp tục đào tạo nâng chuẩn theo quy định. Đồng thời nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh tăng chế độ, chính sách đối với giáo viên, nhân viên trường học, có chính sách ưu đãi, thu hút trong đào tạo, tuyển dụng đối với giáo viên, nhân viên trường học của các cơ sở giáo dục miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,....

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Góp ý về nội dung này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho biết, câu chuyện thiếu giáo viên, trang thiết bị dạy học của ngành giáo dục chưa được khắc phục. Đại biểu đề xuất, cần có giải pháp chú trọng đầu tư đồng đều về cơ sở vật chất cho giáo dục và những phúc lợi dành cho đội ngũ giáo viên.

Cho rằng chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế của người dân đang ngày càng giảm, đại biểu tỉnh Ninh Thuận chỉ rõ, một trong những nguyên nhân là do thực trạng người dân phải tự bỏ tiền túi ra mua những thuốc không nằm trong danh mục bảo hiểm, khiến người dân không "mặn mà" tham gia bảo hiểm y tế.

Để khắc phục hạn chế này, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị, Chính phủ cần phải nghiên cứu vấn đề này để có giải pháp làm tăng giá trị bảo hiểm y tế. Có như vậy, người dân sẽ tự tìm đến với bảo hiểm y tế.

Cũng theo đại biểu một vướng mắc nữa hiện nay là tình trạng chậm thanh toán bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh. "Vấn đề này đã được Quốc hội thảo luận rất nhiều, có các báo cáo rõ ràng, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được", đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nhấn mạnh.

Việc chậm thanh toán bảo hiểm y tế cũng là một trong những nguyên nhân khiến các cơ sở khám chữa bệnh không có đủ ngân sách để đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, nghiên cứu và có giải pháp thỏa đáng cho vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, cần sớm bổ sung vào danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế, tránh tình trạng rất nhiều vật tư y tế, thuốc điều trị bệnh nhân phải tự thanh toán.

Liên quan đến vấn đề giáo dục, đại biểu tỉnh Bạc Liêu cho biết cử tri rất quan tâm đến nội dung quy định vấn đề xét chọn sách giáo khoa. Hiện nay, theo dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vấn đề xét chọn sách giáo khoa tiến hành trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở thường xuyên theo một quy trình rất cụ thể, chặt chẽ. Theo đó, Hội đồng nhà trường không quá 15 người để xét chọn, trong đó lại có phụ huynh học sinh cũng được tham gia. Danh mục của nhà trường, của thầy cô, với phụ huynh xét thì sẽ thông qua Hội đồng của nhà trường và Hội đồng nhà trường giới thiệu lên cấp trên trực tiếp của cơ sở giáo dục và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là người có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị ban hành sẽ khắc phục được những nhược điểm, những bất cập từ trước đến nay trong câu chuyện sách giáo khoa đối với các em học sinh với quy trình xét chọn sách giáo khoa chặt chẽ, công phu và có sự vào cuộc của nhiều đầu mối. Tuy nhiên, theo đại biểu khi chốt được danh mục để phê duyệt chỉ thông qua một Hội đồng không quá 15 người thì liệu rằng vấn đề xét chọn có thực sự đảm bảo, phù hợp hay không? Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần quan tâm đặc biệt khâu phê duyệt danh mục nhằm đảm bảo chất lượng.

Cũng theo đại biểu, cần phát huy vai trò tự chủ, vai trò quyết định của nhà trường để lựa chọn cho phù hợp với độ tin tưởng của thầy cô, của nhà trường đối với bộ sách giáo khoa; phù hợp, tương đồng với thói quen giảng dạy của thầy cô. Đồng thời, đảm bảo phù hợp với năng lực giáo viên và học sinh của từng nhà trường.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, nguồn lực đầu tư cho văn hóa, giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, thiếu trường, lớp học, thiếu trang thiết bị dạy học diễn ra ở một số nơi. Việc thực hiện sách giáo khoa, chương trình mới, chế độ, chính sách cho giáo viên còn nhiều bất cập. Bạo lực học đường, ứng xử lệch chuẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, lạm thu đầu năm học vẫn diễn ra;…. Những bất cập này cần nhận diện rõ để sớm khắc phục dứt điểm, tránh tình trạng kéo dài từ năm này sang năm khác ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chung trong phát triển kinh tế - xã hội./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác