TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Phải quy định rõ ràng về tự chủ trong y tế
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, qua nghiên cứu báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu cơ bản đồng tình với những kết quả đạt được cũng như đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ.
Từ báo cáo đã chỉ ra tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2023 đến hết 30/4 đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ dự án đạt 88,1% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao, ước giải ngân kế hoạch vốn đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 18,48%.
Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu cho rằng tỷ lệ này chưa thực sự tương xứng với những nỗ lực trong điều hành, kiểm tra và đôn đốc với quyết tâm rất cao của Chính phủ. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới cú sốc tăng trưởng của những tháng đầu năm chưa được như kỳ vọng. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra trong phần nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và cũng đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra từ sáng đến giờ. Trong đó có đề cập đến tình trạng cán bộ thực thi yếu, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc triển khai dự án chậm trễ, vốn đầu tư công không giải ngân được, các vướng mắc không được giải quyết.
Đại biểu nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có ý kiến trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng cần chấn chỉnh ngay tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, làm việc cầm chừng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cấp. Việc chậm giải quyết các thủ tục hành chính và chần chừ quyết định các công việc theo thẩm quyền đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Và nếu tình trạng đó kéo dài thì sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, giảm lòng tin của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại vẫn là lực lượng cán bộ này đã làm nhiệm vụ nhiều năm nay, tại sao đến giờ mới có nhận định như vậy? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sợ trách nhiệm. Nguyên nhân khách quan là do quy định của pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Điều này được hiện hữu trong các cơ sở y tế hiện nay, trong khi thực hiện tự chủ hoạt động tài chính nhưng hành lang pháp lý cho cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế còn chưa hoàn thiện, chưa có quy định cụ thể và đầy đủ để cho các đơn vị y tế yên tâm để thực hiện tự chủ. Các bệnh viện công lập vận hành theo cơ chế tự chủ nhưng hoạt động thì vẫn theo quy định chung của đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến các vướng mắc ngay trong quá trình tổ chức để thực hiện. Tự chủ nhưng không có cơ chế, phương thức, không đủ nguồn lực để huy động, để chủ động phát huy năng lực chuyên môn. Thậm chí, một số bệnh viện công ngay cả khi có nguồn thu rồi cũng không biết sử dụng thế nào cho đúng.
Theo đại biểu, hiện nay, chưa có quy định chi tiết về danh mục thực hiện mua sắm thường xuyên hay danh mục đầu tư công. Ngành y tế là ngành đặc thù với rất nhiều các danh mục trang thiết bị y tế và danh mục mua sắm thiết bị y tế chuyên dùng khác nhau, do vậy việc xác định các danh mục thực hiện đầu tư công và danh mục mua sắm thường xuyên chưa được rõ ràng.
Bên cạnh đó, các quy định về nguồn vốn, kinh phí từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư công và mua sắm thường xuyên cũng chưa được thống nhất. Do vậy, các đơn vị y tế gặp khó khăn trong việc xây dựng, hoàn thiện kế hoạch mua sắm thường xuyên và kế hoạch đầu tư công ngắn hạn, trung hạn sử dụng nguồn vốn từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Chính vì vậy, kể cả khi nguồn lực tài chính của đơn vị có thực hiện để chi trả người lao động cũng không giống nhau, không tạo ra được thúc đẩy cho cán bộ có trình độ và không có chính sách để thu hút được nhân lực có chuyên môn giỏi.
Đại biểu kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các quy định rõ ràng của tự chủ trong y tế. Bài toán đặt ra ở đây là cơ sở y tế đã đủ điều kiện để thực hiện tự chủ thì cho phép tự chủ hay giao cho họ tự chủ rồi thì mới hoạt động theo phương án tự chủ hiện nay. Theo đại biểu, cần phân định rõ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao. Đối với các hoạt động, nhiệm vụ thiết yếu để chăm sóc sức khỏe nhân dân thì Nhà nước vẫn cần phải đảm bảo kinh phí, chứ không làm sai lệch đi bản chất của tự chủ là chỉ cắt ngân sách khi phân bổ về cho các đơn vị.
Cần có quy định bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá
Chỉ ra nguyên nhân thứ hai của những tồn tai trên, đại biểu nêu rõ, do năng lực, trình độ của một số bộ phận cán bộ còn hạn chế, không cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh làm sai, người có thẩm quyền quyết định thì thiếu chuyên môn, lại không tin tưởng cấp dưới, cấp dưới có trình độ hạn chế, tinh thần làm việc thụ động, sợ trách nhiệm, trông chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Theo đại biểu, một trong những đột phá quan trọng mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ là có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Từ đường lối của Đảng đã khuyến khích bảo vệ cán bộ 6 dám, nhưng trên thực tế, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm thì vẫn đang tồn tại và để hóa giải được tư tưởng sợ trách nhiệm thì một hành lang pháp lý bảo vệ cho cán bộ, công chức là điều hết sức cần thiết. Để khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, một mặt cần tập trung rà soát bất cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và đồng bộ hơn.
Cùng với đó, để khuyến khích tinh thần dám đương đầu vào khó khăn, dám tạo đột phá. Đánh giá cán bộ cũng cần được đổi mới, cách đánh giá cần phải giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó, vững tâm tin rằng nếu mình làm vì lợi ích chung sẽ được nhìn nhận đúng.
Bên cạnh đó, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thì cần phải rõ ràng về quy định, rõ đối tượng, rõ người thực thi, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ thời gian một cách triệt để. Coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá trên cơ sở mở rộng, đề cao dân chủ nhằm kích hoạt tinh thần dám nghĩ, dám làm và các nhân tố mới. Đây cũng là cách thiết thực để cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương đối với khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong đó, tập thể phải là bệ đỡ cho tinh thần trách nhiệm của những cán bộ dám nghĩ, dám làm này.
Từ những nhận định trê, đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành, cụ thể hóa quy định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo; triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc. Chúng ta đã có những cảm nhận rất rõ về bầu không khí khẩn trương, quyết liệt và đầy đủ quyết tâm đang lan tỏa từ Thủ tướng Chính phủ đến các lãnh đạo chính quyền các địa phương. Đây là bầu không khí mà Nhân dân và doanh nghiệp đang chờ đợi, cũng như kỳ vọng rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, song điều đáng quan tâm là cần phải có những giải pháp trước mắt và cả lâu dài để cụ thể hóa các quy định này