Đại biểu Chamaléa Thị Thủy phát biểu thảo luận từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết số 68 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong năm 2019 và năm 2020, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Chamaléa Thị Thủy nêu ý kiến về ba nội dung như sau:
Thứ nhất, việc đầu tư để nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn chưa đạt được mục tiêu trong năm 2020. Điều này sẽ dẫn đến các vấn đề kéo theo là chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu của người có thẻ bảo hiểm y tế ở tuyến xã, tuyến huyện chưa được đảm bảo, chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Vì vậy, nhu cầu người bệnh muốn được thông tuyến trong việc khám và chữa bệnh ngoại trú vẫn tiếp tục được gia đặt ra khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri. Việc hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức cũng cho thấy nhiều khó khăn, bất cập khác trong thực tế, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID diễn biến phức tạp như hiện nay. Vấn đề này Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần phải quan tâm hơn nữa và có những biện pháp giải quyết hiệu quả hơn.
Thứ hai, những vấn đề bất cập trong việc thanh toán khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện nay, Quỹ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội giữ và thực hiện việc giao dự toán kinh phí khám, chữa bệnh hàng năm cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Điều này sẽ dẫn đến một thực tế là các cơ sở khám, chữa bệnh vừa phải khám, chữa bệnh vừa phải tính xem có bị vượt dự toán hay không nên sẽ làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, các khoản chi phí khám, chữa bệnh trong thực tế nhiều hơn mức được giao dự toán hàng năm. Phần vượt này muốn thanh toán bổ sung thì phải được Bảo hiểm xã hội thẩm định, thời gian thanh toán bổ sung kéo dài rất lâu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh, chữa bệnh, vì thiếu nguồn tài chính chi trả cho các loại thuốc, cho các trang thiết bị y tế phục vụ cho việc khám, chữa bệnh và điều trị bệnh cho người dân.
Để khắc phục tình trạng này, các cơ sở khám, chữa bệnh và ngành y tế các địa phương đã kiến nghị cần phải thành lập một Hội đồng thẩm định độc lập, gồm có Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các cơ sở khám, chữa bệnh. Hội đồng này sẽ hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trong việc thẩm định các thanh toán khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo việc thanh toán chi đúng theo thực tế khám, chữa bệnh và đảm bảo tránh được tình trạng lợi dụng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế. Đây là một giải pháp rất hay, vừa thiết thực, vừa hiệu quả. Song, đề xuất kiến nghị này đã được nghiên cứu và xem xét rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện để giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, theo đại biểu cần phải quan tâm nghiên cứu đến ý kiến của Ủy ban Xã hội về sớm triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả một cách toàn diện theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và xem đây là phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh để thay thế phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo phí dịch vụ. Gói dịch vụ y tế cơ bản được xây dựng để đảm bảo cho mọi người dân đều được sử dụng dịch vụ y tế khi có nhu cầu, không phân biệt giữa các nhóm đối tượng, không phụ thuộc vào khả năng tri trả và đáp ứng được khả năng cân đối của Quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách Nhà nước. Đặc biệt hơn, ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả một cách toàn diện sẽ khắc phục cơ bản được các tình trạng đó là giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế từ phía cơ sở khám, chữa bệnh, người bệnh; giải quyết được những bất cập trong phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo phí dịch vụ được áp dụng trong những năm qua và sẽ không còn tình trạng thiếu sự thống nhất giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; chấm dứt được việc giao dự toán chưa sát với thực tế hoặc chậm điều chỉnh dự toán làm cho một số cơ sở khám, chữa bệnh do lo ngại vì không được thanh toán các chi phí vượt dự toán được giao và các bệnh viện cũng sẽ tránh được bị xuất toán, không phải lo chịu trách nhiệm chi phí về những khoản đã chi mà không thu hồi được từ bệnh nhân. Có thể nói, đây là phương thức chi trả hợp lý, hiệu quả để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Thứ ba là việc chậm sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng dẫn giải quyết các bất cập trong việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế. Đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng, các vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế là vấn đề liên quan trực tiếp, thiết thực đến đời sống và nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. nên cần phải sớm được quan tâm, giải quyết, sớm ban hành và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là các quy định về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và địa phương. Về vấn đề này, đề nghị Chính phủ cần tổ chức một hội nghị chuyên đề đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế xem xét một cách cụ thể về kết quả triển khai thực hiện trên từng nội dung, từ quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, phân công, phân cấp, phân quyền và bố trí nguồn lực thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát để tìm ra những nguyên nhân, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan do cơ chế chính sách, trình tự, thủ tục phân cấp và tổ chức thực hiện từ các bộ, ngành Trung ương đến hệ thống y tế, bảo hiểm xã hội ở các tỉnh đã có đầy đủ các cơ sở hoàn thiện và chính sách bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân nhân tốt hơn và đáp ứng nguyện vọng của cử tri cả nước./.