Đại biểu Nguyễn Như So - Đoàn ĐBQH Bắc Ninh thảo luận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Như So nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày có 400 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, tăng 2,49% trong cùng kỳ năm 2020. Sức khỏe của doanh nghiệp yếu đi, đồng nghĩa với việc động lực cho tăng trưởng suy giảm.
Theo đại biểu, thời gian qua, Chính phủ có nhiều nỗ lực trong gói kích thích kinh tế, các gói hỗ trợ nhưng kết quả còn khiêm tốn. Các đối tượng khó tiếp cận đầy đủ các tiêu chí vì nguồn vốn hỗ trợ còn rườm rà. Đại biểu kiến nghị, cần phải rà soát, đánh giá, nâng cao hiệu quả của các gói hỗ trợ thông qua việc lựa chọn đúng trọng tâm, đối tượng, phân loại ngành nghề, quy mô có điều kiện, tiêu chí, tránh lãng phí, trục lợi chính sách hỗ trợ rủi ro về đạo đức.
Bên cạnh đó, cần tập trung hỗ trợ đòn bẩy cho các doanh nghiệp đang nỗ lực và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cơ hội phát triển, tạo hiệu ứng lan tỏa, tránh tích lũy trục cung ứng; chú trọng phát triển khu vực tư nhân, đổi mới năng động, sáng tạo, tiếp tục tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư cho cơ hội bỏ vốn, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các Chỉ thị 20, 0268, v.v., tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng kết quả chưa đạt kỳ vọng, môi trường đầu tư vẫn xếp hạng trong khu vực thấp, đứng thứ bảy trong khối ASEAN. Trong đó cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt bỏ các phí, đa dạng hóa hình thức sản phẩm cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, cung cấp thông tin thị trường ngành hàng quy định, những rào cản của thị trường xuất khẩu, giới thiệu khách hàng và nhà cung cấp; cần có chính sách thuế hợp lý theo hướng nuôi dưỡng nguồn thu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, nâng cao năng suất lao động là yếu tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như của từng doanh nghiệp. Năng suất lao động ở nước ta thấp, chỉ bằng 8,4% so với Singapore, 23,1% so với Malaysia, 41,5% so với Thái Lan, tụt hậu so với Nhật khoảng 60 năm, đối với Malaysia khoảng 40 năm và Thái Lan là 10 năm.
Do vậy, cần xây dựng chiến lược tăng năng suất bài bản hơn, không chỉ thay đổi tư duy, nhận thức của từng doanh nghiệp, người dân mà còn tạo hệ sinh thái để tăng năng suất cho doanh nghiệp, tận dụng và khai thác lợi thế, đi sâu vào tăng cường sử dụng công nghệ cao thông qua nhập khẩu, mua bán bản quyền, thuê bao sản phẩm từ nước ngoài, tăng cường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ FDI, đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo theo hướng tăng cường thực hành đào tạo theo nghề đặt hàng, xây dựng mô hình đại học doanh nghiệp, khuyến khích xây dựng cơ chế cho doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia, tham gia đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
Cùng với đó, tăng cường cơ chế đủ mạnh cho các doanh nghiệp nông nghiệp, vì theo đại biểu Nguyễn Như So, trải qua đại dịch, nông nghiệp càng chứng tỏ là tầm quan trọng của mình, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm, làm tốt vai trò chủ đỡ, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhưng có một nghịch lý, đó là vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản lại thấp, chỉ chiếm khoảng 1,9% GDP và 5,8% tổng vốn đầu tư cho toàn xã hội. Do vậy, cần đẩy mạnh đầu tư và có những chính sách hỗ trợ tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị tập trung làm tốt công tác quy hoạch nông nghiệp, vùng sản xuất nguyên liệu để xây dựng cơ cấu sản phẩm hợp lý, hạ giá thành sản xuất. Cần có cơ chế giao cho địa phương quy hoạch, tích lũy riêng quỹ đất sạch, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chiến lược “xây tổ để đón đại bàng” để giải quyết bài toán về mặt bằng đầu tư đang thực sự khó khăn, cấp bách hiện nay.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, chế biến sâu và gia tăng giá trị sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, giúp định danh cho sản phẩm nông sản Việt, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết bài toán đầu ra.
Đại biểu Nguyễn Như So cũng đề nghị cần xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù đủ mạnh cho các doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt như hỗ trợ xây dựng trục sản xuất, tiêu thụ nông sản, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng giống, bảo hiểm và vật nuôi.