Đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật, tuy nhiên bên cạnh đó, đại biểu Phan Thái Bình đặt câu hỏi, dự án luật có tên Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, như vậy, nếu luật được ban hành thì những thành phần không có trong luật có được tham gia giữ gìn trật tự trị an ở cơ sở hay không; khi đó phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc bấy lâu nay xây dựng thì thế nào? Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc mà người ta không tham gia vào đây thì có được tham gia giữ gìn trật tự, an ninh ở cơ sở không?
Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật xác định đây là lực lượng quần chúng tự nguyện nhưng lại chỉ giới hạn các đối tượng là bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách, vậy những đối tượng tự nguyện khác muốn tham gia có được tham gia bảo vệ an ninh trật tự không?
Về vấn đề về kinh phí, đại biểu Phan Thái Bình cho biết hiện nay cả nước có khoảng 180.799 thôn, nếu ở mỗi thôn mỗi lực lượng một người, cụ thể dân phố một người, dân phòng một người, công an xã một người, nhân lên sẽ có 542 người, nhân với mức lương tối thiểu mỗi chức danh 1.490.000 như hiện nay thì tính sơ là 808.171.530 triệu đồng/tháng.
“Tờ trình bảo tiết kiệm tiền thì tôi không biết là tính toán thế nào. Sắp tới đây, chúng ta có tinh giản tiếp tục không? Tôi đề nghị cân nhắc thật kỹ vấn đề này”, đại biểu Phan Thái Bình nói.
Cuối cùng, đại biểu Phan Thái Bình phản ánh, từ thực tế tiếp xúc cử tri ở địa phương cho thấy tình hình an ninh cơ sở rất tốt và càng ngày càng tốt hơn, nhưng tại sao từ khi tăng cường lực lượng công an chính quy thì lại phức tạp tình hình để phải có lực lượng này?
“Tôi không trả lời được câu hỏi này của cử tri, vì vậy xin chuyển câu hỏi này đến và mong rằng trong kỳ họp này có câu trả lời thỏa đáng”, đại biểu Phan Thái Bình nói.