Đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu tại phiên họp
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quách Thế Tản đánh giá cao thành tích nổi bật của ngành giáo dục như hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020. Đánh giá đây là một thành tích rất lớn, rất đáng tự hào, đại biểu nhấn mạnh ngành giáo dục đã sáng tạo, linh hoạt trong dạy và học trực tuyến, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, mạnh mẽ trong ngành giáo dục. Đồng thời, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành công, đảm bảo gọn nhẹ, an toàn, hiệu quả, giảm áp lực, tốn kém cho học sinh, sinh viên và gia đình học sinh, sinh viên. Đây không chỉ là thành tích riêng của ngành giáo dục, đào tạo mà còn có sự tham gia tích cực của các ngành như y tế, thông tin, truyền thông, của các ngành khác ở các địa phương, trong đó có vai trò nòng cốt của ngành giáo dục, đào tạo.
Đại biểu đánh giá cao việc ngành giáo dục hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì và nâng cao chất lượng tiểu học và trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục phổ thông đại trà cũng như mũi nhọn đều được nâng lên. Tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học. Tuy nhiên, lĩnh vực đào tạo cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, đội ngũ nhà giáo còn nhiều khó khăn, bất cập. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chất lượng chưa đồng đều. Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất và danh dự nhà giáo. Cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu, lại xuống cấp, nhất là khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa được chú trọng đúng mức, chưa có giải pháp hữu hiệu. Việc phối hợp 3 môi trường giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội còn thiếu chặt chẽ, cho nên một bộ phận học sinh, sinh viên có những biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, thiếu ý thức tu dưỡng, lười lao động, thích hưởng thụ, bạo lực học đường còn xảy ra ở nhiều nơi, v.v..
Một hạn chế rất đáng quan tâm là việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc đào tạo nhân lực còn bất cập cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên và qua kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Quách Thế Tản đề xuất một số kiến nghị và giải pháp sau:
Một là, cần quan tâm đến chất lượng thẩm định sách giáo khoa, trước mắt có các giải pháp phù hợp để khắc phục những nội dung còn khiếm khuyết của sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1. Tiếp đó là, việc chỉ đạo giám sát việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt các bộ sách giáo khoa tiếp theo đối với các lớp tiếp theo.
Hai là, ngành giáo dục ở các địa phương cần quy hoạch, rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, nhất là việc sắp xếp, sáp nhập các điểm trường lẻ cách trường tiểu học và trung học cơ sở. Tức là thực tế vừa qua đã có một số địa phương dồn về các điểm trường sáp nhập trường một cách cơ học hiệu quả không cao.
Thứ ba là, cần tăng cường nội dung, biện pháp giáo dục lao động đối với học sinh ở bất cứ các bậc học và tùy theo lứa tuổi vì đây là một trong những nguyên tắc giáo dục rất cơ bản để hình thành nhân cách cho người học.
Bốn là, việc tinh giản biên chế 10% chưa phù hợp với đặc thù ngành giáo dục. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu kỹ vấn đề này và báo cáo Chính phủ để có định hướng phù hợp.
Năm là, vấn đề nhân lực. Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhấn mạnh về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước bối cảnh phát triển nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đề cập đậm nét về xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh việc học tập suốt đời. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn để ra những nhiệm vụ và giải pháp tích cực hơn để thực hiện chủ trương này.
Gần đây, Kết luận số 49 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 489 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập cũng nêu nhiệm vụ là phấn đấu mỗi tổ chức, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân. Đại biểu cho rằng đây là việc làm thiết thực để người lớn chúng ta học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập suốt đời. Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đồng chí Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội trong những phát biểu gần đây về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập nhằm đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho giai đoạn phát triển mới của đất nước./.