Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được Phiếu chất vấn số 233/GS-PCCV ngày 08/11/2019 của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, với nội dung: Mỗi loại hình báo chí, mỗi cơ quan báo, đài hoạt động có thế mạnh riêng, theo cách thức khác nhau. Việc ghép các cơ quan báo chí hiện nay có đánh giá tác động kỹ để triển khai thực hiện chưa. Các cơ quan báo chí đã ghép lại, hiệu quả hoạt động ra sao? Có làm giảm sức mạnh, thế mạnh riêng của mỗi loại hình báo chí hay không?
Trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 03/4/2019. Trong quá trình xây dựng Quy hoạch, Bộ TTTT đã nhiều lần báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Ban Cán sự Đảng Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Quy hoạch và tác động của việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.
Việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo mô hình cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí xuất phát từ xu hướng các loại báo chí in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử có thể hội tụ trên một nền tảng công nghệ nhằm tăng cường sức mạnh của cơ quan báo chí đa phương tiện. Việc thành lập mô hình cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo không vượt quá số lượng cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mặt khác thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 18-NQTW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, một số địa phương đã tiến hành triển khai thành công việc sắp xếp tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, có việc sắp xếp quy hoạch báo chí trên nguyên tắc sáp nhập các cơ quan báo chí hiện có để thành lập mô hình cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Hiện nay, trên cả nước có 3 mô hình sắp xếp các cơ quan báo chí. Theo đó, mô hình thứ nhất là giữ nguyên như hiện trạng không sáp nhập) nếu đảm bảo không vượt quá số lượng cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mô hình thứ hai là sáp nhập thành một trung tâm truyền thông với đầy đủ 04 loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Mô hình này đã được tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên thực hiện.
Mô hình thứ ba: Sáp nhập cơ quan Đài Phát thanh - Truyền hình và cơ quan Báo thành một cơ quan thuộc Ủy ban Nhân dân. Mô hình này đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước triển khai trong giai đoạn vừa qua. Tùy theo đặc điểm, nhu cầu của từng địa phương, cơ quan chủ quản báo chí sẽ lựa chọn mô hình nào cho phù hợp nhất.
Về hiệu quả các cơ quan báo chí đã ghép lại: Cơ bản các cơ quan báo chí tại các địa phương đều tương đối nhỏ nên khi sáp nhập lại thành một cơ quan báo chí đa phương tiện với sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ sẽ làm cơ quan báo chí đó mạnh lên rất nhiều. Điều này không làm giảm thế mạnh của từng loại hình báo chí mà ngược lại các loại hình báo chí này còn bổ trợ lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Trước khi đề nghị Bộ TTTT xem xét, cấp giấy phép hoạt động báo chí với mô hình mới, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bình Phước đã chủ động nghiên cứu kỹ mô hình hoạt động, xây dựng Đề án và kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn và đã được Ban Bí thư đồng ý về chủ trương đối với mô hình hoạt động báo chí Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh và Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đồng ý cho tỉnh Bình Phước sáp nhập các cơ quan báo chí thành một đầu mối. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản đánh giá việc đề xuất sáp nhập các cơ quan báo chí của địa phương là cần thiết và nhất trí ủng hộ việc sáp nhập các cơ quan báo chí để thành lập mô hình cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí.
Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên thực hiện sáp nhập các cơ quan báo chỉ để thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, với 04 loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Sau gần 01 năm triển khai hoạt động mô hình mới, tuy chưa có tiền lệ nhưng có thể đánh giá Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã làm tốt việc tinh gọn đầu mối, bố trí vị trí việc làm đúng với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho từng nhân sự, phát triển hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, xây dựng được một mô hình hoạt động trên nền tảng hội tụ, hiện đại hóa dần từng bước bắt nhịp với xu hướng hội tụ công nghệ hiện đại hiện nay và vẫn đảm bảo mỗi loại hình giữ được bản sắc riêng, phục vụ cho mọi đối tượng độc giả. Mặt khác, thông qua việc phát triển báo chí theo mô hình mới nhằm phù hợp với chiến lược, quy hoạch ngành và quy hoạch chung về kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, có thể thấy, đã có nhiều đơn vị, địa phương đến trao đổi, học hỏi xây dựng mô hình mới của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh./.