Theo Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, hiện nay, việc xử lý rác thải (rác thải rắn, chất thải y tế...) ở nhiều địa phương (cả thành thị lẫn nông thôn) chưa tốt, gây ô nhiễm môi trường, làm cho người dân rất bức xúc. Đại biểu đề nghị Chính phủ đề ra giải pháp giải quyết thực trạng này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam
Thừa Ủy quyền của Chính phủ, ngày 02/4/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Cụ thể:
Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn và khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ dự án đầu tư xử lý chất thải rắn như: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam; Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.
Công tác quy hoạch cũng được Thủ tướng Chính phủ và địa phương quan tâm, tổ chức lập và phê duyệt theo thẩm quyền, làm cơ sở để kêu gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn cũng như việc thực hiện tốt hơn công tác quản lý chất thải rắn. Cụ thể như quy hoạch xây dựng các khu xử lý chất thải rắn bốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam, Vùng đồng bằng sông cửu Long và ba lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Thực tế thời gian qua vẫn còn có sự bất cập trong quản lý chất thải rắn, chưa thống nhất và đồng bộ trong quản lý chất thải từ Trung ương tới địa phương; hiệu lực, hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa cao; xu hướng, mức độ phát sinh chất thải rắn đang tiếp tục gia tăng, nhất là chất thải rắn sinh hoạt ở các khu vực đô thị. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có chế tài áp dụng và đồng bộ cho các công đoạn thu gom, xử lý chất thải rắn tại nguồn, ở các đô thị loại IV và V, công tác thu gom vẫn chưa được cải thiện nhiều do nguồn lực còn hạn chế, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang áp dụng ở nước ta ngày càng đa dạng nhưng hiệu quả thực tế chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, sử lý chất thải rắn sinh hoạt, cụ thể như sau:
- Kiện toàn hệ thống tổ chức phục vụ công tác bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nội dung về quản lý chất thải quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường tới các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý chất thải rắn nhằm thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và quản lý một cách đồng bộ, hiệu quả; ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về mô hình xử lý chất thải phù hợp, theo hướng giảm thiểu chất tải chôn lấp, tăng cường lệ tái chế, tái sử dụng, thu năng lượng từ chất thải phù hợp với điều kiện Việt Nam.
- Rà soát, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã; trách nhiệm các cơ quan chuyên môn; trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý chất thải.
- Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn, nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn ODA và vốn vay ưu đãi), quỹ bảo vệ môi trường, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tiếp tục tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn và áp dụng cơ chế giá dịch vụ công trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành dự án xử lý chất thải.
- Tăng cường nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ và sản xuất thiết bị tái chế, xử lý chất thải rắn. Định hướng các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện của các vùng miền, địa phương và điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cơ quan doanh nghiệp và người dân. Phát triển và nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác quản lý chất thải rắn.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. Nghiên cứu, điều chỉnh các biện pháp chế tài nghiêm khắc, phù hợp với các hành vi vi phạm quy định về thu gom, xử lý chất thải rắn tại nguồn theo từng công đoạn.
- Nhằm thực hiện tốt các nhóm giải pháp cơ bản trên, dự kiến thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường, cụ thể là 100% tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh từ cơ sở y tế phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu trữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; và các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ cơ bản cần thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt.