Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 207c64a1-e90c-90f0-dd35-dac945edbe74.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐẠI BIỂU PHẠM VĂN HÒA: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ VỀ QUÁ TẢI BỆNH VIỆN TUYẾN TRUNG ƯƠNG

31/08/2019

Thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực giảm quá tải bệnh viện, tuy nhiên theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn chưa được giải quyết. Điều này đặt ra yêu cầu đối với ngành Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, nhằm nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Vẫn còn tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương

Quá tải là vấn đề quá quen thuộc tại các bệnh viện lớn, nhất là các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối ở nước ta. Mặc dù thời gian qua ngành y tế đã có nhiều nỗ lực giải bài toán giảm quá tải bệnh viện, nhưng tình trạng này mới chỉ được cải thiện ở tuyến huyện, tuyến tỉnh. Có một nghịch lý đang xảy ra là trong khi các bệnh viện tuyến trên luôn quá tải thì các bệnh viện tuyến cơ sở lại vắng bệnh nhân. Hệ lụy của tình trạng này là người dân mệt mỏi vì phải chờ đợi; cònbác sĩ làm việc quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ.

Các bác sĩ, y tá, điều dưỡng vất vả xử lý hàng trăm ca cấp cứu mỗi ngày. Thiếu phòng mổ, giường bệnh kê san sát, không gian làm việc trật chội, ngột ngạt… là hình ảnh diễn ra hàng ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập từ năm 1990, là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, xếp hạng đặc biệt, tuyến kỹ thuật sau cùng các tỉnh thành phía Nam, trực thuộc Bộ Y tế. Do là bệnh viện tuyến cuối ở khu vực phía nam vậy nên luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng và kéo dài trong nhiều năm nay.

Các bệnh viện tuyến trung ương luôn trong tình trạng quá tải

Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày bệnh viện thực hiện trên 5.000 ca bệnh, trên 300 lượt cấp cứu và hơn 2.600 bệnh nhân điều trị nội trú. Để giải bài toán quá tải, từ năm 2005, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức khám bệnh từ 4h30 sáng; mở rộng cơ sở để tăng thêm giường bệnh, mở thêm phòng khám, bàn khám; hợp tác với một số bệnh viện trong thành phố để chuyển bệnh nhân đến điều trị… Những nỗ lực này đã mang lại kết quả bước đầu tuy nhiên chưa đạt được như kỳ vọng, do số bệnh nhân liên tục gia tăng. Nguyên nhân khiến bệnh nhân đổ dồn lên bệnh viện tuyến trung ương là do thiếu sự tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở y tế tuyến dưới. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng thuốc bảo hiểm ở bệnh viện tuyến quận, huyện không đảm bảo chất lượng so với bệnh viện tuyến trên…

Điều đáng nói tình trạng quá tải không chỉ xảy ra ở Bệnh viện Chợ Rẫy, mà còn diễn ra ở nhiều bệnh viện tuyến trung ương trong cả nước, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu sự tin tưởng của người dân đối với bệnh viện tuyến dưới.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng, mong muốn của người dân là khi có bệnh được đến cơ sở chữa bệnh có nhiều thầy thuốc giỏi, có thiết bị hiện đại là mong muốn chính đáng. Nhưng làm sao giải quyết tình trạng này, giảm tải tuyến trung ương, theo tôi cần đầu tư cho tuyến cơ sở nhưng thời gian qua việc đầu tư cho y tế cơ sở chưa thực sự hiệu quả cho nên việc quá tải ở cơ sở khám chữa bệnh Trung ương vẫn diễn ra.

35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh

Theo thống kê của Bộ Y tế, có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã. Điều này đã gây lãng phí lớn cho xã hội và gây quá tải trầm trọng cho các bệnh viện tuyến trên. Kết quả thống kê của Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế cũng cho thấy, có đến 70% số bệnh nhân không cần thiết phải chuyển lên bệnh viện hạng đặc biệt để điều trị.

Một nguyên nhân nữa khiến người bệnh không tin tưởng vào y tế cơ ở là danh mục thuốc bảo hiểm y tế ở tuyến y tế cơ sở ít, thiếu nhiều loại thuốc, có cơ sở y tế không có bác sỹ dẫn tới hạn chế chỉ định sử dụng các loại thuốc; một số trạm y tế xã mới chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến. gân sách cho trạm y tế chỉ chi lương, không có kinh phí chi hoạt động và chưa có hướng dẫn cơ chế tài chính cho Trung tâm y tế đa chức năng....

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, là người có nhiều năm công tác trong ngành y tế phân tích: Nếu vấn đề bảo hiểm y tế, thông tuyến, xây dựng các bệnh viện, đặc biệt là đào tạo, sử dụng cán bộ mà vẫn như hiện nay thì tình trạng này sẽ không hết được.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí cho biết: “Tôi đã phát biểu nhiều lần tại Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và tại hội trường Quốc hội. Tôi lấy ví dụ, có tình trạng sợ quá tải tại bệnh viện tuyến trên, nên đã sử dụng barrie đó là bảo hiểm y tế, là định mức của đơn thuốc, ra chỉ tiêu số thẻ bảo hiểm cho từng bệnh viện và gần đây nhất hiện tượng này rất nghiêm trọng đó là trần dự toán số lượng bảo hiểm y tế của bệnh viện được phép sử dụng, đã làm cho tình trạng này càng rối lên. Nhiều người quan niệm sử dụng biện pháp hành chính đó là ngăn chặn quá tải bệnh viện tuyến trên, nhưng tôi cho rằng việc này không bao giờ ngăn chặn được mà chỉ làm ảnh hưởng đến người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhìn ra vấn đề này. Tôi hy vọng lãnh đạo Bộ Y tế tiếp tục thay đổi mang tính căn cơ thì mới giải quyết được tình trạng quá tải bệnh viện”.

Để giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối, từ năm 2008, Bộ Y tế đã triển khai Đề án “cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, với mục tiêu để người dân có thể tiếp cận được dịch vụ y tế có chất lượng ngay ở y tế tuyến dưới; không phải vượt tuyến khám chữa bệnh khi bệnh tình không thực sự cần thiết phải can thiệp bằng kỹ thuật cao.

Từ năm 2013, Bộ Y tế triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 92 của Thủ tướng với một loạt các giải pháp quyết liệt trên phạm vi toàn quốc. Nhờ đó, tình trạng quá tải bệnh viện có chuyển biến. Cụ thể, theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế, so với năm 2012, tình trạng nằm ghép ở bệnh viện tuyến trung ương đã giảm từ 58% xuống còn 16,7%, tuyến tỉnh giảm từ 47% xuống còn 11,4%. Việc triển khai toàn diện các giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, phát triển hiệu quả mạng lưới bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới… đã giúp các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện được nhiều kỹ thuật cao trong điều trị, góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên từ 73-99% so với trước khi triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế trong giảm quá tải bệnh viện, Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng, những năm qua tình trạng quá tải bệnh viện xảy ra rất trầm trọng, nhưng 3 năm trở lại đây đã có chuyển biến tích cực. Nhưng những con số báo cáo của ngành y tế vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng quá tải bệnh viện hiện nay, bởi hiện chúng ta vẫn chưa có bộ công cụ để đánh giá chính xác, nghiêm túc mà việc thống kê tình trạng quá tải chỉ theo hình thức “áng chừng” và thủ công.

Theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, để giảm tình trạng quá tải bệnh viện thì cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ, bài bản. Trước tiên cần có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tốt. Nhưng để thu hút bác sỹ giỏi về công tác tại tuyến dưới rất khó, tuy nhiên cần nghiên cứu giải pháp nào để bác sỹ giỏi được đến nhiều nơi tham gia khám chữa bệnh, có như vậy mới có hiệu quả. Thứ hai, cần nâng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, làm sao khám chữa bệnh ở tuyến dưới cũng như ở tuyến trên được hưởng quyền lợi về trần chi phí khám chữa bệnh và danh mục thuốc. Trong luật Bảo hiểm không quy định đóng bảo hiểm bao nhiêu thì được hưởng bấy nhiêu,mức hưởng như nhau, quy định như vậy thì ai cũng muốn lên tuyến trên điều trị. Như vậy là bất cập trong chính quy định hiện hành.

Sau 5 năm triển khai Đề án Bệnh viện Vệ tinh giai đoạn 2013 – 2018, ngành y tế đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh, với 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển. Cử tri và nhân dân đang mong đợi những kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh mà Bộ Y tế đang triển khai tiếp tục phát huy kết quả, giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện, đặc biệt là tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bộ Y tế cũng cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở, góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, củng cố lòng tin của người dân, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến dưới lên bệnh viện tuyến trung ương.

Tăng cường đầu tư y tế cơ sở để giảm quá tải bệnh viện tuyến trung ương

Trước những bất cập trong giảm quá tải tuyến trung ương, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đề nghị Bộ trưởng có giải pháp căn cơ giảm tình trạng quá tải bệnh viện. Sau khi nhận được chất vấn, ngày 21/1/2018, Bộ Y tế đã có Công văn số 7053 trả lời đại biểu.

Công văn của Bộ Y tế khẳng định, so với năm 2012, tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương đã giảm từ 58% xuống còn 16%. Đã có 37/39 bệnh viện tuyến trung ương cam kết không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24-48 giờ nhập viện. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn còn xuất hiện ở một số bện viện lớn tuyến trung ương và tuyến cuối, trong đó có Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Bộ Y tế đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục tập trung triển khai các giả pháp nhằm giảm quá tải bệnh viện như đã tiến hành trong thời gian qua, trong đó đặc biệt chú trọng đến 4 nhóm giải pháp sau:

1, Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chữa bệnh ở tuyến tỉnh, tuyến y tế cơ sở. Theo Bộ Y tế, đây được coi là giải pháp rất quan trọng hiện nay, nhằm cung cấp cho người dân dịch vụ y tế chất lượng tốt ngay ở cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; đồng thời tạo niềm tin của người dân đối với dịch vụ y tế tuyến dưới, giảm vượt tuyến khi không thật sự cần thiết.

2, Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối; đẩy mạnh và mở rộng phạm vi của Đề án bệnh viện vệ tinh chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

3, Đổi mới trong quản lý nhà nước về y tế, trong đó Bộ Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy mạnh hình thành các hình thức khám chữa bệnh nhất là việc phát triển hệ thống y tế tư nhân. Cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao vào khâu khám bệnh, quản lý bệnh viện…

4, Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, để thay đổi nhận thức, thói quen của người dân về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và việc chọn nơi khám bệnh, chữa bệnh hợp lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Trong Công văn trả lời đại biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, ở các bệnh viện tuyến cuối tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để do chính sách hưởng bảo hiểm y tế chưa phù hợp và người bệnh vẫn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Bộ Y tế cũng đã nêu ra một loạt giải pháp giảm quá tải bệnh viện. Vậy những giải pháp này liệu có phù hợp với thực tế hiện nay? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Văn Hòa về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, đại biểu đã chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế. Xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, tôi đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về Báo cáo Bộ trưởng cho rằng các bệnh viện trong cả nước giảm tải được 14% tuy nhiên theo tôi biết, cử tri cũng phản ánh Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh đang trong tình trạng quá tải, không chỉ giảm tải 14% mà số lượng quá tải vẫn trầm trọng. Tình trạng người bệnh nằm ghép, người nuôi bệnh nằm dưới gầm giường vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế như thế nào để giảm tải các bệnh viện tuyến trung ương.

Phóng viên: Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu, ngày 21/11/2018 Bộ Y tế đã có văn bản số 7053 trả lời chất vấn của đại biểu. Đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế ?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế trong đó nêu nhiều giải pháp, tôi cũng hoan nghênh tinh thần cầu thị, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế với nội dung trả lời xác đáng. Tôi rất đồng tình với thực trạng mà Bộ trưởng nêu ra, đây là thực tiễn của các bệnh viện tuyến trung ương luôn trong tình trạng quá tải.

Phóng viên: Tại văn bản trả lời Bộ trưởng Bộ Y tế đã nêu ra nhiều giải pháp nhằm giảm quá tải bệnh viện. Vậy đại biểu đánh giá như thế nào về những giải pháp này ?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi rất đồng tình với giải pháp mà Bộ Y tế đưa ra, có trách nhiệm, căn cơ, cốt lõi, đặt biệt là tại các tuyến bệnh viện trung ương. Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục xây dựng bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2 và có chi nhánh ở Cần Thơ. Tôi cho rằng, sau khi hai cơ sở này đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải đáng kể và người dân có điều kiện chữa bệnh, giảm thời gian và chi phí đi lại. Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiến hành nâng cấp và xây mới cơ sở 2. Bởi tình trạng quá tải ở cơ sở này rất trầm trọng, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã nhìn nhận và có kế hoạch xây dựng mới. Người dân cũng đồng tình và đánh giá cao Bộ Y tế đã coi trọng và đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu để khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương, về mặt chính sách cần có giải pháp căn cơ như thế nào?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trong thời điểm hiện nay khi các cơ sở 2 chưa đưa vào sử dụng, tôi nghĩ giải pháp trước mắt giảm tải bệnh viện tuyến trên là cần tăng cường trang thiết bị hiện đại cho y tế cơ sở, đưa bác sỹ giỏi từ tuyến trên về cơ sở. Thực tế nhiều bệnh viện tuyến dưới trong tình cảnh trang thiết bị lạc hậu, tay nghề bác sỹ chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, đã dẫn tới tình trạng quá tải trầm trọng ở tuyến trên. Mặt khác, chế độ bảo hiểm y tế hiện đã thông tuyến khám chữa bệnh, nếu bệnh viện tuyến dưới không tiếp tục được đầu tư trang thiết bị, đội ngũ cán bộ thì tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trung ương còn tiếp tục diễn ra như hiện nay.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Từ nhiều năm nay, tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện đã trở thành vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội. Điều này cũng đặt ra cho ngành Y tế bài toán không dễ giải quyết là làm thế nào để giảm tải triệt để tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng lớn của người dân tại các tuyến cơ sở. Qua ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa cho thấy, ngành y tế cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung phát triển y tế cơ sở, trong đó đầu tư trang thiết bị hiện đại, có chế dộ thu hút cán bộ y tế có trình độ, y đức về công tác ở tuyến dưới; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để tạo niềm tin của nhân dân, tránh tình trạng người dân đổ xô lên tuyến trên để điều trị, gây nên tình trạng quá tải bệnh viện ở tuyến trung ương./.

Lan Hương