Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 866064a1-e9ac-90f0-dd35-d8532351ba80.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH LỮ THANH HẢI: CẦN TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNH LANG ATGT ĐƯỜNG SẮT

22/01/2019

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2018 toàn quốc xảy ra 18.736 vụ tai nạn, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người, riêng đường sắt đã xảy ra 147 vụ, làm chết 119 người, bị thương 60 người. Đại biểu Lữ Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, số vụ tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, công tác quản lý, đảm bảo ATGT vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Năm 2018, cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng.

4 ngày xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng

Chỉ trong 4 ngày liên tiếp của tháng 5/2018 đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng trên tuyến đường sắt Hà Nội-TP.HCM, trong đó có 3 vụ tai nạn do lỗi chủ quan của ngành đường sắt gây ra, hậu quả làm 2 người chết và 11 người bị thương, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Cụ thể:

- 0h30 ngày 24/5, tại Km234+050 (xã Trường Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa), tàu SE19 chạy hướng Hà Nội  - TP.HCM đã va chạm với xe tải. Hậu quả 2 người chết, 10 người bị thương, 150 m đường sắt bị hư hỏng. 6 toa tàu và đầu máy bị lật đổ.

- Chiều 26/5, hai tàu chở hàng đã đâm trực diện nhau tại ga Núi Thành (huyện Núi Thành, Quảng Nam) khiến 2 đầu máy và 4 toa xe hàng bị trật bánh, một số toa xe bị bung cửa, hàng hóa văng khỏi toa xe.

- Cũng trong chiều ngày 26/5 tại ga Yên Xuân (Nghệ An) tàu chở hàng trật bánh khiến 1 cột tín hiệu ga bị đổ, hư hỏng 2 toa xe hàng.

- Khoảng 13h (ngày 27/5), đoàn tàu hàng SH3 chạy hướng Hà Nội – TP.HCM đi qua đường ngang tự mở tại xã Diễn An, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đâm vào xe bồn vượt qua đường sắt. Hậu quả lái xe ôtô bị thương.

- 0h45 phút ngày 28/5, tàu hàng đầu máy mang số hiệu 7301 khi đi qua lối mở tại km7+200 khu Giáp Bát – Văn Điển đã va chạm với một xe ô tô tải BKS 29H 005.14.

Ngành đường sắt đã thừa nhận nguyên nhân dẫn đến 5 vụ tai nạn này, bên cạnh lỗi ý thức của người tham gia giao thông thì có lỗi chủ quan của nhân viên trong ngành.

Tư lệnh ngành giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nhận trách nhiệm về những yếu kém, sai sót của ngành đường sắt khi liên tục xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng: “Tôi xin nhận toàn bộ trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân. Tôi xin chân thành gửi lời xin lỗi tới nạn nhân và thân nhân người bị nạn về những yếu kém này của ngành đường sắt”. Nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi, sau khi tai nạn xảy ra, sau khi làm rõ nguyên nhân cũng như nhận trách nhiệm thì ngành đường sắt cũng như người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải sẽ có chiến lược gì để chấn chỉnh để thực hiện nghiêm quy trình vận hành đường sắt. Ngành giao thông cũng sẽ có những biện pháp gì để loại bỏ các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường sắt-một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt hiện nay?

Báo động tình trạng vi phạn hành lang an toàn đường sắt

Đường tàu không biết từ bao giờ đã trở thành đường đi, nơi tụ họp, nơi nấu ăn, vui chơi, làm việc của nhiều người dân Thủ đô, đặc biệt không mấy ai xa lạ “xóm đường tàu” - đoạn cuối phố Khâm Thiên, Trần Phú, Lê Duẩn, nơi có tuyến đường sắt chạy từ ga Long Biên về ga Hà Nội qua 3 quận Đống Đa, Ba Đình và Hoàn Kiếm. 

Vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt xảy ra phổ biến trên dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam

Theo quy định của Nghị định 56/2018 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt trong khu vực đô thị là 5 m, nhưng hầu hết đường sắt đi trong nội đô Hà Nội đều không có được điều này. Đoạn đường sắt qua phố Trần Phú, cửa nhà chỉ cách đường chưa tới 2 m.

Vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn giao thông đường sắt thời gian qua. Thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông đường sắt do do người đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt chiếm 18,6%. Hơn 60% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên các lối đi tự mở và đường ngang dân sinh.

TS.Nguyễn Xuân Thủy cho rằng cần có lộ trình đầu tư cho ngành đường sắt

Chuyên gia giao thông, TS.Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, những vụ tai nạn giao thông đường sắt thể hiện sự yếu kém trong khâu quản lý, giám sát, vận hành, kỷ luật lao động của ngành đường sắt. Hạ tầng yếu kém nhưng nếu không kiểm tra thường xuyên, không giám sát, bảo dưỡng, sửa chữa thì nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao. Theo TS.Nguyễn Xuân Thủy, Nhà nước cần có phương án đầu tư cho ngành đường sắt. Trong khi ngân sách khó khăn, phương án hợp lý nhất là đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, làm từng đoạn, nâng cấp đường sắt hiện tại từ đường đơn thành đường đôi, để tăng năng lực vận chuyển, giảm tải cho đường bộ.

Kịp thời chỉ đạo xử lý những vụ vi phạm an toàn giao thông nghiêm trọng

Sau khi xảy ra hàng loạt các vụ tai nạn giao thông đường sắt, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lữ Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về trách nhiệm của người đứng đầu kịp thời chỉ đạo xử lý những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Sau khi nhận được chất vấn của đại biểu, ngày 18/6/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã có Công văn số 6457 trả lời chất vấn đại biểu Lữ Thanh Hải. Công văn nêu rõ:

- Đối với ý kiến chất vấn: Để kịp thời chỉ đạo xử lý những vụ việc vi phạm an toàn giao thông nghiêm trọng, góp phần làm cho dư luận xã hội an tâm, khi vụ việc xảy ra, Bộ trưởng nên có ý kiến chỉ đạo ngay hay không?

Bộ Giao thông vận tải khẳng định: Để giải quyết, xử lý tai nạn, sự cố giao thông, Bộ trưởng có phân công nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo Bộ phụ trách theo lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan. Vì vậy khi xảy ra tai nạn, sự cố, các đồng chí lãnh đạo Bộ, các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công kịp thời khắc phục hậu quả cũng như đưa ra các giải pháp để phòng ngừa không xảy ra cac vụ việc tương tự.

Đối với các vụ tai nạn, sự cố nghiêm trọng, Bộ trưởng trực tiếp hoặc phân công Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đến hiện trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để kịp thời xử lý khắc phục hậu quả.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn đại biểu Lữ Thanh Hải

- Đối với ý kiến chất vấn: Trong thời gian tới Bộ trưởng có biện pháp gì để khắc phục triệt để tai nạn giao thông trong lĩnh vực đường sắt? 

Công văn của Bộ Giao thông nêu rõ: Bộ đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam:

- Nghiên cứu đẩy mạnh tiến độ xây dựng Đề án đường sắt Bắc –Nam tốc độ cao trình Quốc hội.

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý an toàn giao thông đường sắt.

- Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam siết chặt kỷ cương trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tổ chức huấn luyện, sát hạch đối với các chức danh làm các công việc trực tiếp liên quan đến an toàn chạy tàu.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định 994 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 2017-2020. Trong đó, tập trung xử lý 4.200 lối đi tự mở trái phép tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông như: thu hẹp nhỏ hơn 2,5m, làm đường gom, xây dựng gờ giảm tốc; cương quyết không để phát sinh thêm các lối đi tự mở trái phép.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; vận động các tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ các công trình lấn chiếm, xây dựng trái phép trong phạm vi chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường sắt, từng bước tạo lập môi trường giao thông vận tải đường sắt thông thoáng, thuận lợi, trật tự và an toàn...

Tăng cường quản lý để không phát sinh thêm các lối đi tự mở dọc hành lang đường sắt

Thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam, hiện trên các tuyến đường sắt quốc gia hiện nay có gần 4.200 lối đi tự mở và 1.514 đường ngang các loại. Số vụ tai nạn xảy ra trên các lối đi tự mở và đường ngang chiếm gần 60% tổng số vụ tai nạn giao thông đường sắt, trong đó tai nạn xảy ra trên lối đi tự mở chiếm trên 42%. Trong văn bản trả lời đại biểu của Bộ Giao thông vận tải đã nêu một loạt giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, nhưng liệu các giải pháp này có tính khả thi trong thực tiễn? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Lữ Thanh Hải về nội dung này:

Đại biểu Lữ Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Vậy cụ thể nội dung chất vấn được tập trung vào khía cạnh nào thưa đại biểu?

Đại biểu Lữ Thanh Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa:Trong tháng 5/2018 xảy ra liên tiếp 05 vụ tai nạn giao thông đường sắt, trong đó có 2 vụ có lỗi cố ý và 11 người bị thương. Trước những vụ việc nghiêm trọng như vậy, tôi có chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tình trạng giao thông đường sắt xảy ra liên tục và đề nghị Bộ trưởng có giải pháp khắc phục và trách nhiệm của Bộ trưởng khi xảy ra tai nạn giao thông.

Phóng viên: Sau khi nhận được văn bản chất vấn, ngày 18/06/2018 Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 6457 trả lời chất vấn. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ Giao thông vận tải?

Đại biểu Lữ Thanh Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa: Sau khi nhận được chất vấn của tôi, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn trả lời, tôi đánh giá Bộ trưởng có trách nhiệm cao trong trả lời chất vấn, trong đó đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Tuy nhiên, những giải pháp đó đã được thực hiện như thế nào thì cần kiểm chứng trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa đại biểu, để kịp thời xử lý những vụ việc vi phạm thì vai trò chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có ý nghĩa như thế nào?

Đại biểu Lữ Thanh Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa: Vai trò của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải rất có ý nghĩa trong việc chỉ đạo an toàn giao thông, đặc biệt là an toàn giao thông đường sắt. Trong chất vấn của tôi cũng trọng tâm về ý này. Khi xảy ra tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông đường sắt nói riêng, chúng tôi ít thấy ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng để khắc phục, mặc dù có thì phần lớn là lãnh đạo các Cục, Tổng cục. Sau khi chất vấn, Bộ trưởng có trả lời và Bộ trưởng đã có chỉ đạo lãnh đạo phụ trách các mảng công tác trong ngành giao thông để trả lời. Điều này cũng đúng quy định nhưng với trách nhiệm tư lệnh ngành thì chúng tôi cũng đề nghị Bộ trưởng: khi có tai nạn nghiêm trọng xảy ra Bộ trưởng cũng nên chỉ đạo trực tiếp trên công luận để dư luận, người dân an tâm. Kịp thời chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc tai nạn giao thông, khi nghe chỉ đạo của Bộ trưởng họ sẽ có ý thức cao hơn, chuyển biến nhanh và đồng bộ hơn.

Phóng viên: Tại văn bản trả lời, Bộ Giao thông vận tải đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục triệt để tai nạn giao thông trong lĩnh vực đường sắt. Theo ý kiến của đại biểu, những giải pháp Bộ đưa ra có khắc phục được tình trạng tai nạn giao thông đường sắt hiện nay?

Đại biểu Lữ Thanh Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa: Các biện pháp mà Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đưa ra hạn chế tai nạn giao thông đường sắt tôi thấy có ý nghĩa, nếu đưa vào thực tế tôi thấy có khả thi. Ví dụ, Bộ trưởng đưa ra các biện pháp siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong các bộ phận như lái tàu, gác cổng… nếu xử lý nghiêm thì sẽ giảm các vụ tai nạn an toàn giao thông.

Trong trả lời của tôi, Bộ trưởng có nêu, mặc dù thời gian qua công tác tuyên truyền chưa thật sự mạnh mẽ, hiệu quả. Hơn nữa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa hoàn thiện và Bộ trưởng có hứa sẽ tham mưu hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về an toàn giao thông nói chung và an toàn đường sắt nói riêng. Tôi cũng hy vọng những biện pháp mà Bộ trưởng nên ra sẽ hiệu quả trong thời gian tới.

Phóng viên: Vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, theo đại biểu cần có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Đại biểu Lữ Thanh Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa: Theo thông tin tôi có được, hiện nay có khoảng 4.200 lối đi tự mở của người dân ở các địa phương. Nếu Bộ trưởng lưu tâm và triển khai nghiêm quy chế phối hợp với các địa phương và tăng cường tuyên truyền rộng rãi cho người dân ý thức trách nhiệm cao khi tham gia giao thông thì sẽ giảm tai nạn. Bên cạnh đó, ngăn chặn và quản lý để không phát sinh thêm các lối đi tự mở dọc hành lang đường sắt.

Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian tới để hạn chế tai nạn giao thông đường sắt nói riêng và giao thông nói chung thì đại biểu có kiến nghị đề xuất giải pháp gì

Đại biểu Lữ Thanh Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa: Các biện pháp Bộ trưởng đưa ra là phù hợp nhưng vẫn cần nâng cao trình độ, cũng như thông tin cho bộ phận kỹ thuật lái tàu để áp dụng triệt để vào công nghệ cao, giảm tai nạn giao thông. Chúng tôi thấy trong công tác tuyên truyền Bộ Giao thông nên phối hợp với địa phương tuyên truyền thật mạnh làm sao để người dân hiểu và thực hiện và có trách nhiệm khi tham gia giao thông cũng như không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Chúng tôi cũng mong muốn ngành đường sắt cần tuyên truyền thật hiệu quả. Ngành giao thông cần sớm xây dựng đường sắt cao tốc trình Quốc hội. Nếu được xây dựng sẽ đảm bảo an toàn giao thông hơn các tuyến đường hiện tại.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lan Hương