Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời
Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.Ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân tại Quảng trường Ba Đình. Một trong những nhiệm vụ cấp thiết là xây dựng bộ máy, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng. Khi đó, ở cương vị là Chủ tịch, Hồ Chí Minh đã đề nghị các địa phương tìm người có tài đức có thể làm được những việc ích nước, lợi nhà thì báo cho Chính phủ biết để sử dụng.
GS.Nguyễn Hồng Tung - Viện Trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Ngay sau khi giành chính quyền, từ Bắc đến Nam, ngày 28/8/1945, tức là còn ít ngày nữa thì tới lễ tuyên ngôn độc lập, với sự động viên và chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ cách mạng cao cấp kể cả đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh cũng tự động rút lui khỏi vị trí trong chính phủ Lâm thời để nhường chỗ cho những nhân sỹ, trí thức yêu nước. Tại sao phải làm việc đó? Thứ nhất, bởi vì để chứng tỏ cho toàn dân toàn thế giới thấy rằng chính phủ Lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là chính phủ tiêu biểu cho toàn dân tộc. Thứ hai là những nhân sỹ trí thức yêu nước đó có trình độ có uy tín, ví dụ như cụ Nguyến Văn Tố, ông Nguyễn Mạnh Hà Bộ trưởng Bộ Kinh tế hay Ông Đào Trọng Kim... đều là những người có tài năng được Hồ Chí Minh mời vào chính phủ Lâm Thời và họ có những vị trí xứng đáng để cổng hiến cho sự nghiệp kiến Quốc sau khi giành được độc lập.
Sự khéo léo trong việc trọng dụng và sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Chính phủ lâm thời đã được thể hiện rõ trong việc tổ chức bộ máy. Chính phủ có 9/15 thành viên là nhân sỹ trí thức yêu nước. Không chỉ vậy, những người đứng đầu Chính phủ cũng sẵn sàng nhường lại vị trí cho người tài, đức.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử đảng.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử đảng, cho biết: Khi mà khởi nghĩa thành công, Ủy ban dân tộc giải phóng về Hà Nội cải tổ thành Chính phủ Lâm thời, trong cải tổ đó có một điều rất đặc biệt là có một số đồng chí Lãnh đạo của Đảng Cộng sản xin rút ra khỏi danh sách Chính phủ Lâm thời để nhường ghế cho các nhân sỹ trí thức yêu nước tham gia chính phủ và Chính phủ Lâm thời khi ấy được công bố trên báo chí ngày 28/8/1945, đến ngày 2/9 thì chính phủ ra mắt trong lễ tuyên ngôn độc lập.
PGS.TS Đàm Đức Vượng - nguyên Phó Viện trưởng Học viện Hồ Chí Minh, cho biết: Khi mà thành lập, Chính phủ Lâm thời, với cương vị là Chủ tịch chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng vấn đề trọng dụng nhân tài. Người luôn luôn nhắc nhở các cấp chính quyền phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng những người có ích trong công việc của chúng ta. Người đề nghị, mỗi tháng, các cấp chính quyền và Chính phủ phải báo cáo cho Người biết về vấn đề đã tìm được nhân tài chưa và đã sử dụng nhân tài như thế nào? Đấy là sự quan tâm của Chủ tịch Hồ chí Minh đối với vấn đề nhân tài cho kiến quốc.
Điều đó cho thấy, Chính phủ lâm thời cũng như toàn bộ hệ thống chính trị lúc bấy giờ đều một lòng vì dân, vì nước, cái gì tốt cho dân, cho nước thì thực hiện. Đây cũng chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ đó cho đến nay – khi nước ta xây dựng chính phủ kiến tạo.
GS.Nguyễn Hồng Tung - Viện Trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo GS.Nguyễn Hồng Tung, Viện Trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chính phủ kiến tạo của chúng ta hiện nay trọng kỷ nguyên toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp, mới đây cách mạng công nghiệp 4.0 thì cái đặc điểm của nó là tình hình thế giới biến đổi hết sức mau lẹ phức tạp, vòng đời của các công nghệ rút ngắn rất nhanh, sự đổi mới của tri thức đòi hỏi liên tục, luồng thông tin như vũ bão, thì năng lực của cán bộ, trình độ của cán bộ phải luôn luôn không những theo kịp nhiệm vụ mà phải đi trước cả tình hình. Tức là nhu cầu lãnh đạo quản lý và dự báo rất quan trọng. Cho nên tinh thần trọng dụng nhân tài ở đây phải được tiếp nối từ Cách mạng Tháng 8 đến ngày nay trên cái nền tảng của ý thức mà Bác Hồ nói là một lòng một dạ vì nhân dân vì đất nước. Ý thức phụng sự của công chức, phụng sự của cán bộ rất quan trọng...
Cho đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với một Chính phủ kiến tạo. Cốt tủy của một chính phủ kiến tạo là cán bộ và công tác cán bộ. Việc trọng dụng nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực trí tuệ, bản lĩnh, một đội ngũ cán bộ phải hết lòng, hết sức, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Ngày nay, trong kỷ nguyên văn minh trí tuệ với kinh tế tri thức và xu thế toàn cầu hóa, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển của nước ta. Việc ký kết Hiệp định CPTPP của nước ta sẽ đặt ra nhiều thách thức, buộc chúng ta phải thay đổi để tồn tại và phát triển, đồng thời cũng mở ra cơ hội lớn vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu đó nếu đất nước có một đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đảm lãnh nhiệm vụ lãnh đạo đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Song việc phát hiện, tuyển chọn đội ngũ cán bộ tài năng là công việc đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức với cái nhìn thực sự công tâm, sáng suốt. Đặc biệt là việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trẻ tuổi, làm phát lộ sớm những mầm mống tài năng và cả những thiên tài trong tương lai. Đây là công việc không đơn giản, được ví như việc “đãi cát tìm vàng”. Nên công tác trọng dụng nhân tài trước yêu cầu phải thực hiện đột phá để phát triển nhanh và bền vững, bao quát cả một hệ vấn đề rộng lớn và phức tạp. Đó là giáo dục nhận thức và hình thành dư luận xã hội tích cực, đồng thuận, sao cho toàn dân, cả nước, cả dân tộc đều quan tâm tới nhân tài.
Trao đổi về vấn đề này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội.
Phóng viên: Thưa đại biểu, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trú trọng đào tạo và sử dụng nhân tài. Đại biểu đánh giá như thế nào về cách kêu gọi những người tài để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân của Bác?
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh: Bác đã có những phương pháp rất thuyết phục kêu gọi nhân tài ra giúp nước
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Những chính sách mà Bác sử dụng nhân tài, Bác kêu gọi rất đơn giản. Khi đất nước giành độc lập năm 1945 thì muôn vàn khó khăn, khó khăn về tất cả mọi mặt nên phải có đội ngũ cán bộ tốt phải có đội ngũ nhân tài giúp đất nước. Bác xác định việc trọng dụng nhân tài nó có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sự tồn vong và phát triển của đất nước. Có nhân tài có nguồn lực tốt thì sẽ hiến kế cho đất nước cho nhân dân để cùng chung tay xây đắp đất nước, khi kêu gọi những người tài có ở trong nước cũng như ngoài nước, Bác đã có những phương pháp rất thuyết phục kêu gọi nhân tài ra giúp nước.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Nhìn lại lịch sử từ khi thành lập nước năm 1945 đến nay, giai đoạn đầu khó khăn nhất Bác Hồ đã mời những người tài thực sự để tham gia vào chính phủ, Bác có khái niệm lúc đó là đảng viên hay không đảng viên, ví dụ như Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Nguyên hay một số Bộ trưởng chuyên gia hàng đầu khác thì đều do Bác mời về, chính những tư tưởng đó của Bác làm cho chính phủ đầu tiên non trẻ thành công và cho tới ngày hôm nay.
Đại biểu Trương Minh Hoàng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau
Đại biểu Trương Minh Hoàng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Trong quá trình xuyên suốt của Bác dạy thì Bác đánh giá cao cán bộ và Bác cũng khẳng định mọi sự thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay cán bộ kém.Trong quá trình xuyên suốt như vậy, tôi nghĩ đến nay cũng không là cũ, mà trong tương lai cũng vậy.
Phóng viên: Đất nước ta đang xây dựng một chính phủ kiến tạo, việc kêu gọi và sử dụng người tài để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân đã được Đảng và nhà nước ta thực hiện như thế nào trong thời gian qua, và chúng ta cần phải làm gì để có thể kêu gọi người tài để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân?
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Tốc độ phát triển của đất nước, dân trí cao hơn, trình độ phát triển cao hơn, chúng ta thấy rằng sự thu hút tuyển chọn nhân tài nó sẽ khác nó không giống như trước đây. Đội ngũ cán bộ các cấp khác nhau, chuyên viên cán bộ hay viên chức thì cái yêu cầu tức là xác định vị trí việc làm để tuyển con người nó sẽ thay đổi hoàn toàn. Hiện nay Đảng nhà nước đã triển khai rất mạnh mẽ vấn đề này và đang có xu hướng tốt dần lên và đang có nhiều giải pháp tốt hơn để làm sao giữ chân những người thực sự tài năng của đất nước, những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực. Sinh viên, học sinh những người trẻ rất giỏi nhà nước cũng tranh thủ nguồn nhân lực này để mình ươm mầm tài năng, sẽ phát hiện những nhân tài sớm để đạo tạo họ trưởng thành dần lên, thì sẽ có những chuyên gia đầu ngành cho đất nước trong tương lai.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Để thực hiện được việc trọng dụng và thu hút nhân tài thì trước hết phải quán triệt cho đầy đủ cho đúng các nghị quyết của trung ương về công tác cán bộ. Trên cơ sở đó cần ban hành những chính sách cho phù hợp để có thể trọng dụng được người có tài để người ta đưa cái tài ra giúp dân giúp nước đó là cái quan trọng.
Đại biểu Trương Minh Hoàng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Người cán bộ là người quyết định thành công hay thất bại của một địa phương, một đơn vị, một cơ quan, một nhóm, một tổ. Yếu tố làm gương của người đứng đầu là cực kỳ quan trọng, đem lại hiệu quả cao hay không. Nếu người đứng đầu, trụ cột của cơ quan, làm gương tốt thì các thành viên trong cơ quan đơn vị đó tin chắc là sẽ xử lý công việc tốt hơn và đưa lại hiệu quả cao hơn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các Đại biểu!