Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: a13d64a1-e9d4-90f0-19a0-5a6a67df2103.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH PHAN THÁI BÌNH: KHẮC PHỤC LỖ HỔNG TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN CÔNG

06/10/2018

Năm 2015, Luật Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội khóa XIII thông qua đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động giám sát tài sản, tài chính công. Tuy nhiên theo ý kiến của đại biểu Phan Thái Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, sau 3 năm đi vào cuộc sống, luật đã nảy sinh những tồn tại bất cập, phần nào cản trở và tạo khoảng trống pháp lý trong hoạt động giám sát tài sản công, tài chính công.

Sau 3 năm thi hành Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 đến nay đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung

Luật Kiểm toán nhà nước được Quốc hội khóa XIII thông qua vào năm 2015 đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, là văn bản pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của kiểm toán nhà nước, bảo đảm kiểm toán nhà nước có đủ năng lực, thực hiện kiểm tra, giám sát nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí.

Từ khi áp dụng Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 cho thấy, quy mô và đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước từng bước được mở rộng; trung bình mỗi năm Kiểm toán nhà nước thực hiện trên 200 cuộc kiểm toán (năm 2016: 205 cuộc, năm 2017: 283 cuộc, năm 2018 dự kiến kiểm toán 205 cuộc). Trong 2 năm 2016 và 2017, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý truy thu 129.683 tỷ đồng, chiếm trên 40% so với tổng số kiến nghị từ khi thành lập ngành đến nay. Đặc biệt, nhiều kết luật, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đã gây ra sự chú ý của dư luận xã hội. Đó là sai phạm trong quản lý, sử dụng xe công; bất cập trong thu chi ngân sách; sự kém hiệu quả và thua lỗ trong đầu tư ra ngoài của một số doanh nghiệp nhà nước.

Kết quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước không chỉ được thể hiện, ghi nhận bằng những số liệu kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng, mà còn góp phần quan trọng giúp các cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh công tác quản lý tài chính - ngân sách, kế toán, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, tham ô, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì sau gần 3 năm thực thi luật đã bộc lộ những bất cập, khiến hiệu lực, hiệu quả của kiểm toán nhà nước chưa cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên mở động đối tượng, phạm vi kiểm toán

Với quan điểm một đồng ngân sách cũng cần được kiểm toán, nhiều ý kiến cho rằng, quản lý tài chính công, tài sản công không chỉ được đánh giá ở khâu tổ chức thực hiện, mà quan trọng hơn là kiểm toán ngay từ khâu ban hành chính sách, phương thức huy động, khai thác và tập trung nguồn lực cho nhà nước. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng, phạm vi kiểm toán là cần thiết.

Thực tế hoạt động kiểm toán thời gian qua cũng cho thấy, hiện pháp luật còn thiếu những quy cụ thể liên quan tới việc xử lý tổ chức, cá nhân không thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu cho Kiểm toán nhà nước, gây khó khăn cho hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

Theo thống kê của Kiểm toán nhà nước, riêng năm 2017, có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu khiến các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch; có nhiều trường hợp chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu. Bên cạnh đó, việc thực hiện kiến nghị của kiểm toán cũng không được nhiều đơn vị quan tâm. Năm 2015 có trên 35% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 8.179 tỷ đồng; năm 2016 có hơn 24% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 5.097 tỷ đồng chưa được các đơn vị thực hiện… làm thất thu ngân sách Nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật.

Theo Kế hoạch số 07 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 27/11/2017, Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để thực hiện đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, trong đó có Luật Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, sửa đổi như thế nào để bảo đảm nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, trung thực, khách quan, Kiểm toán nhà nước phải có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay. Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thái Bình, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam.

Theo đại biểu Phan Thái Bình, Luật Kiểm toán 2015 đã khắc phục được lỗ hổng trong quản lý nhà nước đối với tài sản công, tài chính công

Phóng viên: Thưa đại biểu, sau 3 năm thi hành Luật Kiếm toán năm 2015 đã góp phần quan trọng vào công tác giám sát quản lý tài chính công, tài sản công, tuy nhiên cũng phát sinh những bất cập. Theo đại biểu, những vấn đề tồn tại khi thực thi luật trong thực tế là gì?

Đại biểu Phan Thái Bình, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Sau khi Luật Kiếm toán được ban hành đã thể chế rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước đặc biệt là quan điểm về Kiểm toán trong Hiến pháp 2013. Cụ thể, Kiểm toán dần dần trở thành chế định độc lập và nguyên tắc được xác định trong thực hiện đã thể hiện rõ. Đó là nơi nào có quản lý tài chính công, quản lý tài sản công thì nơi đó phải có kiểm toán. Khi triển khai thực hiện Luật Kiểm toán 2015 đã khắc phục được lỗ hổng trong quản lý nhà nước đối với tài sản công, tài chính công; góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, phòng chống tham nhũng, lãng phí thông qua công tác kiểm toán của nhà nước; thể chế hóa kịp thời các quy định trong quản lý, sử dụng tài sản của các cơ quan nhà nước cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập… Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 cũng bộc lộ một số vấn đề còn vướng mắc, bất cập, hạn chế. Điển hình như đối tượng kiểm toán, thì theo quy định tại Hiến pháp 2013 cũng như Điều 4 của Luật Kiểm toán nhà nước, đối tượng kiểm toán là các cơ quan nhà nước có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhưng tại Điều 55 về các đơn vị được kiểm toán thì lại quy định những đơn vị cụ thể mà Kiểm toán nhà nước được kiểm toán, trong đó một số đơn vị thuộc quản lý về tài chính công, tài sản công nhưng lại không thuộc đơn vị được kiểm toán theo quy định của Điều 55.

Thứ hai, kiểm toán nhà nước là chế định độc lập, nhưng với quản lý giám sát việc sử dụng tài sản công và tài chính công, ngoài Luật Kiểm toán còn nhiều chế định quy định về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính, tài sản công. Do vậy, trong một số trường hợp có chồng chéo về đối tượng, thời gian kiểm tra, giám sát, gây lãng phí thời gian và ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị được kiểm tra, giám sát. Đó là chưa kể, cùng một nội dung, đối tượng kiểm toán lại cho kết quả khác nhau khiến việc sử dụng kết luận thanh tra, kiểm tra có vấn đề.

Ngoài ra, một cơ quan kiểm toán được quy định là một chế định độc lập giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài chính, tài sản công, nhưng theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định đối với Hội đồng nhân dân các địa phương là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương. Như vậy, trong thực tiễn có những vấn đề của địa phương mà Hội đồng nhân dân cho rằng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhưng khi Kiểm toán làm việc thì lại có quan điểm khác nhau về cùng một nội dung, sự việc. Trong khi đó, hiện nay chưa có quy định nào xác định rõ, trong trường hợp có quan điểm khác nhau thì cơ quan nào là trọng tài và sử dụng kết quả nào là kết quả cuối cùng. Chấp hành kết luận của Kiểm toán hay là tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Về nguyên tắc thì kết luận của Kiểm toán là phải được thi hành nhưng khi xuất hiện các quan điểm khác nhau nên việc thực thi trong thực tế vẫn còn hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều kết luận của kiểm toán không được thực thi trong thực tế.

Đại biểu Phan Thái Bình, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Phóng viên: Kiểm toán Nhà nước được kỳ vọng như một hiến định độc lập trong giám sát tài sản công, tài chính công, nhưng đến nay mục đích này chưa đạt được như kỳ vọng. Thực tế cho thấy việc chấp hành kiến nghị của kiểm toán có thời gian chỉ đạt 60-65%. Theo quan điểm của đại biểu, cần sửa đổi bổ sung nội dung gì trong Luật hiện hành?

Đại biểu Phan Thái Bình, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Để khắc phục những tồn tại này, theo tôi cần luật hóa một số quy định mang tính nguyên tắc của cơ quan kiểm toán nhà nước. Trong đó, làm rõ hơn vai trò độc lập tương đối của cơ quan kiểm toán nhà nước. Có như vậy, mới đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác kiểm toán.

Thứ hai, Luật cũng cần quy định rõ và phân biệt nơi nào, đơn vị nào, lĩnh vực nào có tài sản công, tài chính công thì phải kiểm toán. Trong lộ trình thực hiện công tác kiểm toán cũng cần phân định rõ vai trò chức năng nhiệm vụ kiểm toán với công tác thanh tra của Thanh tra nhà nước; phân biệt công tác giám sát của Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; phân biệt với giám sát của mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội… để tránh chồng chéo.

Thứ ba là làm rõ nội dung và đối tượng kiểm toán. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm toán và người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan kiểm toán. Bởi không phải lúc nào kết luận của cơ quan kiểm toán cũng chính xác, khách quan, do vậy trong luật cần có chế tài quy định rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm toán và người có thẩm quyền.

Đối với những vấn đề có quan điểm khác nhau về cùng một sự việc, cùng một nội dung thì cần có quy định về một cơ quan trung gian làm trọng tài, xác định kết luận của kiểm toán là đúng quy định. Theo tôi có thể nghiên cứu bổ sung quy định là khi có vụ việc có quan điểm khác nhau có thể khởi kiện ra tòa, như một số nước trên thế giới có tòa án kiểm toán, là cơ quan quyết định và độc lập.

Thứ tư, cần có quy định xác định đối với những vấn đề có quan điểm khác nhau giữa cơ quan kiểm toán với cơ quan ở địa phương như Hội đồng nhân dân. Nếu có quan điểm khác nhau giữa Hội đồng nhân dân với Kiểm toán thì cũng cần có trọng tài để phán quyết Kết luận của Kiểm toán là đúng hay Nghị quyết của Hội đồng nhân dân là có căn cứ, từ đó tránh việc thực hiện không nghiêm túc kết luận của kiểm toán.

Phóng viên: Theo kế hoạch số 07 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để thực hiện đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong đó có Luật Kiểm toán nhà nước. Theo đại biểu, việc sửa đổi nên được thực hiện như thế nào để vừa đảm bảo tăng cường hoạt động của kiểm toán, vừa đảm bảo việc sắp xếp tinh gọn bộ máy?

Đại biểu Phan Thái Bình, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của kiểm toán và tinh gọn bộ máy theo chủ trương chung thì chúng ta cần rà soát, đánh giá lại đặc biệt Quốc hội, Chính phủ, các ngành xem xét trong thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Kiểm toán. Thứ hai là tổ chức của Kiểm toán do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, như vậy cũng cần rà soát lại tổ chức bộ máy của cơ quan kiểm toán nhà nước, từ đó xác định chức năng nhiệm vụ nào mà chồng chéo với chức năng nhiệm vụ của cơ quan thanh tra và các cơ quan giám sát thì loại bỏ. Chỉ giữ lại chức năng độc lập của kiểm toán trong những lĩnh vực nhất định, cần thiết phải kiểm toán mà không có cơ quan nhà nước khác có thể thay thế được. Trên cơ sở rà soát chức năng nhiệm vụ thì mới đánh giá lại cơ cấu tổ chức bộ máy để đảm bảo giảm đầu mối, đảm bảo tinh nhưng vẫn gọn. Khi loại bỏ được chồng chéo thì sẽ xác định được vị trí việc làm trong tổ chức bộ máy, biên chế của kiểm toán nhà nước. Theo tôi, có như vậy sẽ đảm bảo được tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo lộ trình chung của cả nước; đồng thời đảm bảo được hiệu lực, hiệu quả của kiểm toán nhà nước trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương