Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang - Nghệ An phát biểu tại Hội trường
Bộ Công an là bộ tiên phong trong đi đầu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngoài việc để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành Luật Công an năm 2014 đảm bảo sự đồng bộ với các văn bản mới thì việc ban hành luật này rất cần thiết để thể chế hóa cũng như thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy. Đại biểu rất đồng tình và ủng hộ việc ban hành Luật Công an nhân dân (sửa đổi) lần này và cho ý kiến thêm về sự cần thiết để xây dựng lực lượng công an xã, phường, thị trấn thành công an chính quy được quy định tại khoản 2 Điều 18 dự thảo.
Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Pháp lệnh Công an xã năm 2008 và Nghị định 73 năm 2009 của Chính phủ đang giao cho công an xã rất nhiều thẩm quyền, thậm chí có cả thẩm quyền tạm giữ người và thẩm quyền về tố tụng hình sự. Cụ thể như thẩm quyền lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai của người bị hại, nhân chứng, thu giữ vật chứng được quy định tại khoản 6 Điều 9 Pháp lệnh Công an xã, thẩm quyền vẽ sơ đồ, lấy lời khai người phạm tội quả tang, lấy lời khai người bị bắt theo lệnh truy nã. Trường hợp tiếp nhận đối tượng do nhân dân giải đến thì lập biên bản vụ việc, cử người vẽ sơ đồ, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ, bảo quản vật chứng v.v.. hay trường hợp khi đến hiện trường người phạm tội đã bỏ trốn thì tiến hành truy xét, lấy lời khai tạm giữ, bảo quản vật chứng. Trường hợp nhận được tố cáo bị xâm hại thì tiến hành ngay hoạt động kiểm tra, xác minh ban đầu v.v.. Đây là những hoạt động vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các vụ án. Trong nhiều trường hợp nếu làm sai lệch thì không thể khắc phục được và luật đang giao cho công an xã được sử dụng nhiều loại vũ khí và công cụ hỗ trợ như súng trường, súng tiểu liên, bình xịt hơi cay, roi điện, rùi cui v.v.. Khi tiến hành những hoạt động này sẽ hạn chế đến quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp bảo vệ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận
Ngoài ra, những năm gần đây Quốc hội đã thông qua nhiều luật mới như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính hay Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì trong đó có bổ sung nhiều nhiệm vụ, quyền hạn cho công an xã. Với yêu cầu, nhiệm vụ cao và thẩm quyền lớn như vậy, nhưng hiện nay tiêu chuẩn về trình độ học vấn để tuyển chọn công an xã đang thực hiện theo Điều 4 Nghị định 73 năm 2009, theo đó thì trưởng, phó công an xã phải là người đã học xong chương trình trung học phổ thông, tức là có bằng hoặc có giấy chứng nhận đã học hết chương trình là được. Công an viên phải tốt nghiệp trung học cơ sở. Đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa không có đối tượng đủ tiêu chuẩn học vấn này thì trưởng, phó công an viên phải là người đã học xong chương trình tiểu học. Đáng lưu ý, ngoài tiêu chuẩn này, nghị định cũng không có yêu cầu phải qua đào tạo nghiệp vụ trước khi tuyển chọn. chúng tôi rất ghi nhận và trân trọng những đóng góp của lực lượng công an nhân dân xã thời gian qua đã không kể ngày đêm, thậm chí là hy sinh tính mạng, sức khỏe của lực lượng này cũng đóng góp hết sức quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng lực lượng an ninh xã, phường cũng chưa đủ mạnh về số lượng và chất lượng. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở xã, phường vẫn còn yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, đã xảy ra nhiều sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân và ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, trong đó có những vụ thậm chí đánh chết người dân, gây thương tích nghiêm trọng, làm sai lệch hồ sơ vụ án, v.v... Theo đại biểu, nguyên nhân về mặt pháp luật của những sai phạm này là chúng ta đang giao cho công an xã quá nhiều công việc phức tạp, nhiều thẩm quyền lớn cùng với những công cụ, phương tiện có thể gây nguy hiểm cao độ. Trong khi ví trí, yêu cầu đầu vào cũng như năng lực, điều kiện đảm bảo chế độ, chính sách còn đang nhiều bất cập, chưa tương xứng.
Với những lý do trên, đại biểu cho rằng việc xây dựng công an xã thành lực lượng chính quy là hết sức cần thiết. Để đảm bảo sự thống nhất về tổ chức, hoạt động của công an xã tương ứng với vị trí, thẩm quyền, nhiệm vụ của công an xã. Việc này cũng đã được khẳng định tại Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. theo hồ sơ dự án luật cho thấy nhiều năm qua, Chính phủ cũng như Bộ Công an đã có nhiều mô hình bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn xã nhưng mô hình bố trí công an chính quy đảm nhận chức danh công an xã là mô hình có hiệu quả nhất. Thực tế hiện nay, Bộ cũng đã bố trí đến 1.065 đơn vị công an xã, thị trấn là chính quy. Hiện chỉ còn 8.516 đơn vị là chưa bố trí chính quy.
Như vậy, nếu như điều luật này được Quốc hội thông qua để xây dựng lực lượng công an chính quy thì Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế để đảm nhận nhiệm vụ chính quy ở công an cấp xã. Nó cũng không làm tăng biên chế của công an. Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định của bộ máy chính quyền xã, phường, thị trấn thì tôi cũng trân trọng đề nghị Chính phủ và Bộ Công an hai việc: Một, cần phải xây dựng một lộ trình để chính quy hóa công an xã một cách rất cụ thể, phù hợp, không làm đồng loạt và ồ ạt. Hai, phải ban hành chính sách cụ thể về việc sắp xếp, bố trí lại công việc cũng như giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách cho đội ngũ trưởng, phó và công an viên cấp xã hiện nay.