Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình - Phú Thọ phát biểu tại Hội trường
Qua quá trình nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đại biểu đóng góp một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về sự cần thiết của dự án luật, đại biểu hoàn toàn tán thành với những lý do mà Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã nêu về sự cần thiết phải xây dựng dự án luật này. Đại biểu khẳng định, việc sửa đổi Luật Giáo dục là một yêu cầu hết sức thiết yếu, nếu không muốn nói là đã chậm so với yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Thứ hai, về phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự thảo luật, theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung 36/114 điều của Luật Giáo dục, chiếm 31,58% tổng số điều. Vì vậy đề xuất lấy tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là đúng quy định. Tuy nhiên, Luật Giáo dục đã được ban hành hơn 10 năm đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập. Hơn nữa, dự án luật này cần phải thể chể hóa được tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục và đào tạo như Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cũng như kỳ vọng của cả dân tộc ta. Vì vậy, cần thiết phải mở rộng phạm vi sửa đổi là tất cả những quy định của luật cũ đã tỏ ra bất cập, chứ không chỉ có 36 điều như dự thảo lần này.
Về tên gọi, có thể gọi là Luật Giáo dục năm 2018, gọi như vậy vừa thể hiện rõ quan điểm sửa đổi căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vừa xứng tầm với nhiệm vụ của sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong thời kỳ mới, lại vừa dễ nhớ, dễ tuyên truyền và phổ biến pháp luật. Vì cần mở rộng phạm vi sửa đổi, vậy có nên thay vì thông qua luật này ở kỳ thứ 6 có thể lùi đến kỳ họp thứ 7 để cơ quan soạn thảo, đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và đông đảo nhân dân có thêm thời gian nghiên cứu cho kỹ lưỡng, đảm bảo dự án luật thật sự có chất lượng.
Vấn đề thứ ba, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân, đại biểu cơ bản nhất trí với những quy định sửa đổi bổ sung Điều 4 Luật Giáo dục như dự thảo luật theo đó hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở liên thông đồng thời quy định cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, cần có quy định rõ hơn về tính chất mở và liên thông của hệ thống giáo dục, đồng thời có thể nghiên cứu, xem xét lại cách gọi của các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay. Vì chúng ta đang sử dụng nhiều tên trường khác nhau thậm chí cùng một cấp học cũng có cách gọi khác nhau nên khó có sự phân biệt giữa các trường, các cấp học. Đại biểu mong cơ quan soạn thảo sẽ xem việc quy định tên gọi các trường sao cho dễ gọi, dễ nhớ. Nên chăng sử dụng lại cách gọi là trường mầm non, trường cấp I, cấp II, cấp III như trước đây sẽ thuận tiện hơn.
Vấn đề thứ tư, về giáo dục mầm non, thời gian qua do nguồn lực đất nước còn hạn chế nên dù đã dành tỷ lệ cao trong ngân sách nhà nước để đầu tư giáo dục nhưng không tránh được việc đầu tư có lúc có nơi chưa phù hợp. Chúng ta luôn băn khoăn trăn trở làm sao tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao nên dành sự ưu ái đầu tư cho các bậc học trên mà dường như chưa nhận ra trước hết cần có những công dân yêu nước, khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần. Nơi có ưu thế nhất đóng vai trò là nền tảng tạo nên những công dân đó chính là bậc học mầm non. Nơi các cháu có 9 giờ mỗi ngày ở trường ăn, ngủ, hoạt động thể chất trong trạng thái thoái mái nhất về tâm lý, không chịu một chút áp lực nào từ học hành thi cử. Nhưng thực trạng bậc học mầm non hiện nay có nhiều vấn đề khiến chúng ta phải lo ngại, chúng ta yên tâm sao được khi mỗi năm số trẻ tăng thêm khoảng 250 nghìn cháu trong khi trường lớp và giáo viên vừa thiếu vừa yếu. Nhiều nơi các cháu còn chưa đảm bảo bữa ăn, giấc ngủ thì làm sao có thế hệ công dân thực sự khỏe về thể chất lẫn tâm hồn.
Với những phân tích trên mong cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định liên quan đến giáo dục mầm non theo đó cần khẳng định đây là bậc học đầu tiên cũng là quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong việc nâng cao tầm vóc và trí tuệ Việt. Đồng thời cần ưu tiên miễn học phí cho bậc học mầm non. Tăng cường đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất, nâng cao trình độ, chế độ đãi ngộ với đội ngũ giáo viên mầm non và cô nuôi trẻ để đảm bảo bậc học mầm non hoàn thành bậc học quan trọng của mình.
Vấn đề cuối cùng là chính sách tín dụng đối với sinh viên sư phạm. Khi nghiên cứu dự thảo luật đại biểu nhận thấy, cơ quan soạn thảo coi đây là một điểm mới quan trọng để có thể thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Đại biểu cũng không phủ nhận những phân tích về những hạn chế của chính sách miễn học phí trước đây và những ưu điểm của chính sách tín dụng sư phạm mà Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa và Giáo dục đã nêu ra. Song, đại biểu cho rằng vấn đề học phí chưa phải là vấn đề căn bản, cốt lõi khiến cho ngành sư phạm trong thời gian qua không thu hút được học sinh giỏi. Vấn đề căn bản là ở việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, là ở chất lượng đào tạo và đặc biệt là chính sách tuyển dụng gắn với chế độ thỏa đáng cho giáo viên, đó mới thực sự là thỏi nam châm cực mạnh để thu hút các em học sinh giỏi đến với nghề dạy học. Bởi vậy, đại biểu mong rằng bên cạnh những thay đổi về chính sách học phí như dự thảo luật đã quy định cần tiếp tục nghiên cứu những vấn đề liên quan đến đào tạo sư phạm, chính sách tuyển dụng và đãi ngộ với nhà giáo mới có thể tạo động lực để sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà đạt được những thành công như kỳ vọng của Đảng, của cử tri và của nhân dân cả nước.