Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Bắc Kạn phát biểu tại Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về 02 phương án:
Phương án 1: Giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.
Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh nêu trên.
Tán thành với việc đề nghị Quốc hội cho phép được trình 2 phương án để xin biểu quyết và quyết định theo ý chí chung của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy bày tỏ quan điểm cá nhân ủng hộ phương án quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng đối với 03 tội danh Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, thứ nhất, về căn cứ thực tiễn, theo số liệu thống kê do Viện kiểm sát tối cao cung cấp, trong 3 năm từ 2014 đến 2016, trên phạm vi cả nước chỉ có 122 em bị truy tố vì tội cố ý gây thương tích, tức là chia trung bình cho mỗi năm và mỗi địa phương chỉ có khoảng một em ở độ tuổi này gây thương tích đến mức phải xử lý hình sự. Đặc biệt, trong 3 năm cả nước chỉ có 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm và 2 em bị truy tố về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, giữa tổng kết thực tiễn có rất ít các em ở độ tuổi từ 14 đến dưới 16 phạm vào 3 tội này. Đối với những vụ án do người chưa đủ tuổi vị thành niên phạm tội gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua hầu như không thuộc độ tuổi này, mà lại thuộc độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi. Trong khi đó Bộ luật hình sự 2015 lại mở rộng phạm vi xử lý với các em, đại biểu cho rằng vấn đề cần phải được cân nhắc thêm.
Thứ hai, về nguyên nhân, theo thống kê, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các em phạm tội là do các em chưa tìm được chỗ dựa từ mái ấm gia đình. Cụ thể có tới 10% là trẻ mồ côi, 11% có bố mẹ ly hôn, 5% bị bố mẹ từ chối nuôi dưỡng. Đặc biệt rất nhiều em ở vào hoàn cảnh cả bố lẫn mẹ đều nghiện ma túy hoặc có tiền án tiền sự. Bên cạnh đó, môi trường văn hóa giải trí của các em chưa thực sự an toàn. Các trang web đen, các trang web có nội dung xấu tràn ngập trên mạng Internet mà gần như không có bất cứ một sự kiểm soát nào. Đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm, đứng trước tình hình trẻ em phạm tội, vấn đề không chỉ đơn giản là xem xét trách nhiệm của các em mà điều quan trọng hơn là cần phải tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội đối với chính lớp người đang trưởng thành này.
Thứ ba, xử lý như Bộ luật hình sự năm 2015 là rất nặng cho trẻ em và dường như không còn sự phân hóa giữa trẻ em phạm tội với người lớn phạm tội. Bởi, độ tuổi từ 14 đến dưới 16 là độ tuổi diễn ra nhiều sự thay đổi nhất về tâm sinh lý, như tò mò, hiếu động, hành động bột phát, thích bắt chước những điều mới lạ, cùng với đó là sự thiếu hiểu biết về xã hội, hạn chế trong nhận thức pháp luật, dễ dẫn tới các em có những hành vi lệch chuẩn. Thực tế tại nhiều phiên tòa, nhiều em đã nói rằng "Nếu như cháu biết đây là phạm tội thì đã không bao giờ cháu làm". Chính những đặc điểm đó cho nên pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam không quy định truy cứu trách nhiệm hình sự của trẻ em giống như với người lớn. Trong khi đó, Bộ luật hình sự 2015 lại mở rộng phạm vi xử lý với các em về ba tội nêu trên, theo đại biểu là không có sự phân hóa giữa trẻ em phạm tội với người lớn phạm tội.
Thứ tư, về kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Qua theo dõi quá trình hoàn thiện Luật hình sự của các nước trên thế giới, cho thấy pháp luật các nước là đều đang đi theo xu hướng xử lý nhân đạo hơn với người chưa thành niên và đặc biệt là phân hóa rõ chính sách giữa trẻ em phạm tội và người lớn phạm tội.
Đại biểu dẫn chứng, Điều 17 Luật hình sự Trung Quốc được Quốc hội Trung Quốc ban hành năm 2015 quy định: "Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý và thuộc 9 tội danh được liệt kê tại điều này. Trường hợp dù là tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng do lỗi vô ý thì cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự".
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy chia sẻ quan điểm, xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng. Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của các em, điều quan trọng là khi sửa điều luật này chúng ta phải tự hỏi trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu trong sự việc vi phạm của các em và xử lý như thế nào là đúng mức để các em có điều kiện quay trở lại với cuộc đời còn rất dài ở phía trước.
Nhấn mạnh quan điểm cá nhân mình, đại biểu lựa chọn phương án, đối với các cháu đang ở độ tuổi học sinh lớp 8, lớp 9 thì chỉ xử lý về hình sự khi các cháu phạm vào loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng như truyền thống xử lý suốt từ năm 1945 cho tới nay. Đồng thời, đại biểu tán thành với đề nghị Quốc hội cho phép trình 2 phương án để xin biểu quyết và sẽ thực hiện theo ý chí chung của Quốc hội.