Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 7d0a66a1-09dc-90f0-19a0-513db00e53ac.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH Tạ Thị Yên: Cần quy định cụ thể chính sách ưu tiên phát triển điện năng cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo

25/10/2024

Theo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày mai (26/10), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Chia sẻ bên lề nghị trường về dự án Luật này, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đánh giá cao Hồ sơ chuẩn bị và nội dung dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 8, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn chính sách ưu tiên phát triển điện năng cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

Quốc hội nghe báo cáo về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Ngày mai (26/10), theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Trước thềm Phiên thảo luận, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên xung quanh dự thảo Luật này.

Phóng viên: Qua nghiên cứu dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu đánh giá thế nào về dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8?

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Trước hết, tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã rất tích cực, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Với tinh thần đầu tư cho phát triển điện lực phải “đi trước một bước” trong phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện thể chế về phát triển điện lực là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cơ sở để phát triển mọi lĩnh vực, ngành kinh tế, xã hội và phục vụ đời sống Nhân dân.

Từ góc độ là đại biểu của tỉnh Điện Biên, vùng miền núi cao điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tôi thống nhất cao với nội dung dự thảo Tờ trình của Chính phủ khi đánh giá về tình hình đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Theo đó, hiện nay còn rất nhiều thôn (bản), một số đảo, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn chưa được sử dụng điện hoặc có điện nhưng không bảo đảm an toàn, những khu vực này đều có suất đầu tư rất cao, nhưng không có hiệu quả về kinh tế - tài chính. Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cấp điện là một thách thức rất lớn, không khả thi nên tôi hoàn toàn đồng tình với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhất là những quy định về ưu tiên phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Các quy định về phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong dự thảo Luật đã khá rõ ràng, từ việc yêu cầu bảo đảm cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ các nguồn điện, lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh; quy định các tổ chức, cá nhân được sử dụng vốn đầu tư công ngân sách nhà nước, vốn tự có để đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã quy định rất cụ thể hỗ trợ đầu tư đường dây dẫn điện từ sau công tơ đến nơi sử dụng điện cho các đối tượng như: hộ nghèo ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hộ gia đình có người dân tộc thiểu số cư trú ở thôn, xã đặc biệt khó khăn.

Phóng viên: Đại biểu quan tâm đến nội dung cụ thể nào trong dự thảo Luật và có kiến nghị, đề xuất gì nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)?

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Tôi ủng hộ các chính sách cụ thể được thể hiện trong dự thảo Luật như:

- Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển nguồn, lưới điện cấp điện sinh hoạt, sản xuất cho các hộ dân; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương;

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng nguồn, lưới điện, kinh doanh cấp điện khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tuy nhiên cần quy định rõ là khuyến khích như thế nào, bằng cách nào, quy trình, thủ tục ra sao, căn cứ lợi ích tổng thể của dự án.

Tôi đề nghị nghiên cứu quy định ưu tiên (so với các vùng, miền, địa phương khác) trong việc sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư của nhà nước, kể cả vốn tài trợ quốc tế từ chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) rõ ràng, cụ thể hơn cho các dự án điện ở khu vực còn nhiều khó khăn này.

Đưa điện lưới quốc gia về các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Ảnh minh họa)

Ngoài các dự án đầu tư tại thôn, xã đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt theo Luật Đầu tư bao gồm dự án đầu tư thủy điện, các nguồn điện nhỏ khác cấp điện cho các hộ dân, tôi đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa với đa mục tiêu: kinh tế, xã hội, môi trường, nhất là các dự án điện gió, điện mặt trời mái nhà và trên mặt nước, điện sinh khối... tự sản tự tiêu không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia phục vụ nhu cầu sản xuất kinh tế hộ, kinh tế trang trại, chế biến nông sản, sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước và công trình công cộng trên địa bàn.

Thật ra, hiện nay Nhà nước đã không cho xây mới nhà máy điện than chưa có trong quy hoạch, thủy điện thì đã sử dụng gần hết tài nguyên, nhà máy điện khí thì chỉ bố trí ở vùng duyên hải, ven biển thuận tiện cho logistics, vậy chỉ còn điện gió, điện mặt trời cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt, cộng với tiến bộ của khoa học công nghệ, nhất là với yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, kể cả hydrogen xanh mà Chính phủ đã ban hành chiến lược, thì theo tôi phải nói rõ hơn, nhấn mạnh hơn các chính sách này.

Phóng viên: Cùng với đó, đại biểu có kiến nghị gì về các chính sách phát triển điện năng cho các vùng đặc thù như vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, nhất là những ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3?

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Tôi cho rằng, Cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu về chính sách giá điện cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo để tạo điều kiện cho kinh tế hộ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong trường hợp cần thiết có thể hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện để ổn định cuộc sống của người dân, nhất là sau siêu bão Yagi vừa qua ở vùng đặc biệt khó khăn theo một lộ trình nhất định.

Từ thực tế ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão vừa qua đã gây nhiều sự cố đường dây và gây gián đoạn, mất điện trên diện rộng ở nhiều địa phương, dẫn tới rớt mạng di động, không thể cung cấp nước sạch cho người dân… Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ các quy định về thẩm quyền quyết định danh mục, các quy định ưu tiên đối với đầu tư dự án, công trình điện khẩn cấp tại các Điều 20, 21 và 22 của dự thảo Luật, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặc dù các chính sách ưu tiên phát triển điện năng cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo đã được chú ý trong dự thảo Luật lần này nhưng hiện còn nằm khá rải rác, chưa thật sự tập trung, rõ nét… Vì vậy, tôi nghĩ rằng, Cơ quan soạn thảo có thể sẽ chi tiết hóa trong các nghị định kèm theo dự án Luật, nhưng bản thân tôi vẫn mong muốn có được sự rõ ràng, chắc chắn và minh bạch hơn, dễ tiếp cận và có tính thực thi cao hơn trong chính dự án Luật để đảm bảo tính pháp lý cao nhất, ổn định nhất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng