QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI)
Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 08 chương với 65 điều, bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.
Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam phát biểu tại phiên thảo luận
Tham gia góp ý vào dựt hảo Luật, Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam đề nghị, tại Điều 5, cân nhắc bổ sung 01 khoản quy định: “Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân nước ngoài góp vốn đầu tư với các tổ chức, cá nhân trong nước trong hoạt động kinh doanh lưu trữ”. Bởi vì, việc bổ sung nội dung này để thống nhất, phù hợp với quy định tại khoản 6, Điều 5 của dự thảo luật.
Đối với quy định tại Điều 16 về hủy tài liệu lưu trữ, đại biểu tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị viết lại điểm b, khoản 3, Điều 16 như sau: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thuộc trường hợp nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử quyết định hủy tài liệu hết giá trị sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp”. Lý giải đề xuất này, đại biểu cho biết, các cơ quan, đơn vị thường không có người làm lưu trữ chuyên trách, cần ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên thẩm định trước khi hủy tài liệu để tránh trường hợp hủy tài liệu lưu trữ vẫn còn giá trị.
Liên quan đến nội dung tại khoản 1 và khoản 2 Điều 53 quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đại biểu cho rằng, việc xác định các ngành nghề trên là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần được cân nhắc, xem xét đối chiếu với nội dung quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 5 của dự thảo luật. Theo quan điểm của đại biểu, việc ràng buộc điều kiện kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ dường như đi ngược lại chính sách này. Mặt khác, không nhận thấy lợi ích công cộng nào bị ảnh hưởng/tác động nếu không kiểm soát điều kiện của tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ lưu trữ tài liệu tư - đây là yếu tố quan trọng để xác định có cần thiết phải áp dụng điều kiện kinh doanh hay không. Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020 quy định “ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Bên cạnh đó, trong hoạt động lưu trữ tư, các bên có thể tự thỏa thuận về việc lưu trữ để đảm bảo an toàn của tài liệu. Nhà nước không nhất thiết phải can thiệp vào mối quan hệ này. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc không xác định các hoạt động trên là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong trường hợp cần thiết phải bổ sung vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần bổ sung các nội dung để chứng minh sự phù hợp với Điều 7 Luật Đầu tư 2020 và quy định rõ các điều kiện kinh doanh dự kiến áp dụng đối với các ngành nghề này để có thể nhận diện rõ hơn về chính sách, đánh giá tính hợp lý của các điều kiện kinh doanh.
Ngoài ra, phân tích quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 55: “Bộ Nội vụ hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ trong phạm vi toàn quốc; cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động dịch vụ lưu trữ và việc cấp, sử dụng và quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ”; điểm b, khoản 1 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ theo thẩm quyền quản lý”, đại biểu nhấn mạnh, một dự án, một hoạt động dịch vụ lưu trữ có đến ba cấp quản lý có thể thanh tra, kiểm tra từ Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định cụ thể giữa hoạt động hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ, nếu quy định như trong dự thảo sẽ dẫn đến sự chồng chéo trong việc thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tạo áp lực cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ và dễ phát sinh tiêu cực.
Đối với quy định về kinh phí bảo đảm lưu trữ (Điều 60), đại biểu cho biết, trên thực tế, trong mục ngân sách chưa có nội dung cụ thể cho hoạt động lưu trữ nằm trong khoản chi thường xuyên, phân bổ kinh phí hàng năm cho các cơ quan, tổ chức. Hiện tại, chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức chủ yếu phục vụ các công việc khác, không dành cho hoạt động lưu trữ dẫn đến tình trạng tồn đọng, chưa được chỉnh lý, lựa chọn để nộp vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử. Do đó, để đảm bảo tính khả thi các quy định của Luật Lưu trữ trên thực tế khi ban hành, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ mục lục ngân sách cấp cho hoạt động lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam cũng lưu ý, xem xét, bổ sung một số nội dung tại dự thảo luật, cụ thể:Tại Chương I của dự thảo, xem xét, bổ sung thêm quy định “Đảm bảo an toàn thông tin đối với tài liệu lưu trữ” để từ đó đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và phát triển Chính phủ điện tử; Tại Chương VII của dự thảo, bổ sung thêm một điều quy định về việc “Xử lý hành vi vi phạm pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động lưu trữ” để khi có sai phạm thì việc áp dụng quy định xử lý được thuận lợi hơn./.