KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XV: HỘI NGHỊ CÓ Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CHO VIỆC HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ LẬP PHÁP CỦA KỲ HỌP THỨ 7
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 cho ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Một trong những dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến, và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới là dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa dổi). Góp ý hoàn thiện luật tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa được tổ chức, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cơ bản tán thành với nhiều quy định mới, được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo, khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện hành trong công tác xét xử hiện nay, sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác Tòa án khi Luật có hiệu lực thi hành như: quy định về mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp…
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật liên quan đến quy định về tổ chức Tòa án nhân dân tại Điều 4 Dự thảo, đại biểu lựa chọn Phương án 1 của dự thảo. Theo đó, giữ nguyên tổ chức Tòa án ở địa phương hiện nay gôm Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện. Theo đại biểu hiện nay, mặc dù tên gọi của Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện gắn với đơn vị hành chính địa phương nhưng hoạt động của Tòa án vẫn độc lập với bộ máy chính quyền địa phương, về cơ cấu tổ chức vẫn thuộc sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo ngành dọc mà không chịu sự chi phối của chính quyền địa phương. Hệ thống Tòa án hiện nay hoạt động ổn định, hiệu quả và có sự thống nhất giữa các văn bản có liên quan trong hệ thống pháp luật.
Đối với phương án 2, việc đổi mới chỉ đơn thuần là đổi tên gọi của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay thành Tòa phúc thẩm, Tòa sơ thẩm, còn về tổ chức bộ máy vẫn được bố trí theo địa giới hành chính như hiện nay tại mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và tại mỗi địa bàn cấp huyện; về cơ cấu trong Tòa án vẫn không có sự thay đổi so với bộ máy đang được vận hành. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, hạn chế phát sinh các chi phí do thay đổi tên gọi, thống nhất với một số cơ quan khác có liên quan. Vì vậy sự thay đổi này là không cần thiết, việc đổi mới không tạo những chuyển biến khác biệt trong công tác xét xử.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Đối với quy định về tiêu chuẩn Hội thẩm tại Điều 122 dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, dự thảo quy định tiêu chuẩn độ tuổi của Hội thẩm từ đủ 28 đến 70 tuổi tại điểm b khoản 1 điều 122. Theo đại biểu, việc quy định độ tuổi của Hội thẩm là không cần thiết bởi vì tại Khoản 1 điều 122, dự thảo Luật đã quy định rất nhiều các điều kiện về năng lực, phẩm chất, sự uy tín, hiểu biết và sức khỏe. Nếu đảm bảo các điều kiện đó, người dưới 28 tuổi hay người trên 70 tuổi đều có thể trở thành hội thẩm. Bên cạnh đó, cần phải trải qua thủ tục bầu của Hội đồng nhân dân cùng cấp thì mới có thể trở thành Hội thẩm, như vậy, quy trình cũng rất chặt chẽ.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, thanh niên có xu hướng trưởng thành và thành công sớm hơn các giai đoạn trước, rất nhiều người trẻ có sức ảnh hưởng lớn, có uy tín và hiểu biết trong những lĩnh vực nhất định. Tuổi nghỉ hưu hiện nay cũng đã được quy định tăng lên.
“Không có lý do gì để chúng ta phải giới hạn sự đóng góp cho xã hội của những người cao tuổi bởi chính độ tuổi của họ. Nếu họ vẫn còn đủ sức khỏe và đủ các điều kiện về năng lực, phẩm chất thì việc chúng ta có thể sử dụng những kinh nghiệm, trí tuệ của họ là rất đáng quý. Do đó, tôi đề nghị không quy định về độ tuổi đối với hội thẩm như trong dự thảo”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.
Về lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử tại Điều 135 dự thảo, Điều 135 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã bổ sung quy định “Chánh án Tòa án quyết định phân công ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan theo quy định của pháp luật”.
Các đại biểu dự Hội nghị
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nên có nguyên tắc phân công Thẩm phán và Hội thẩm tham gia xét xử, ví dụ như nguyên tắc luân phiên, số lượng vụ án, vụ việc được phân công ngang nhau…. hay một nguyên tắc cụ thể nào đó và đảm bảo những quy định khác trong pháp luật tố tụng. Bởi nếu để sự phân công là ngẫu nhiên hoàn toàn do Chánh án Tòa án quyết định, rất có thể ảnh hưởng đến sự độc lập của Thẩm phán trong quá trình xét xử, Thẩm phán có thể dễ chịu sự chi phối trong quá trình xét xử bởi do chánh án phân công. Ngẫu nhiên mà không nguyên tắc, dễ dẫn tới sự không khách quan trong quá trình phân công thẩm phán.
Góp ý hoàn thiện quy định về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp tại điều 141 dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, trong giai đoạn việc ghi hình ảnh, âm thanh và lan truyền thông tin một cách quá dễ dàng như hiện nay, việc quy định chặt chẽ việc đưa tin, thông tin tại các phiên tòa là vô cùng cần thiết.
Việc thông tin không đầy đủ, không chính xác, chỉ thông tin các nội dung, tình tiết nhằm định hướng dư luận là vô cùng nguy hiểm, có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xét xử, công tác tuyên truyền pháp luật và làm giảm niềm tin của nhân dân vào chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Thực tế cho thấy, rất nhiều các vụ việc, vụ án được đưa tin tràn lan trên báo chí, mạng xã hội, internet một cách không chính thống, cũng với đó là sự phân tích có, công kích có… và rất nhiều các cảm xúc khác nhau đến từ hàng ngàn người tạo những tác động và áp lực không nhỏ đến người tiến hành tố tụng tham gia vụ án.
Tuy nhiên, đối với nội dung này, cần rà soát và quy định cẩn trọng, không làm trái nguyên tắc xét xử công khai của Tòa án đã được quy định trong Hiến pháp.
Bên cạnh đó, đại biểu băn khoăn việc quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên mới được tham dự phiên tòa xét xử công khai có cần thiết hay không, đã là công khai tại sao chỉ công khai đối với đối tượng trên 16 tuổi. Bởi đối với trẻ em dưới 16 tuổi, các em cũng đã có những nhận thức nhất định về pháp luật, ở cấp trung ọc cơ sở đã được học và tiếp cận với kiến thức pháp luật cơ bản thuộc môn Giáo dục Công dân. Do đó, đại biểu đề nghị giải trình làm rõ và cân nhắc lại nội dung quy định này.
Ngoài ra, đối với quy định về phòng xử án và phòng hòa giải đối thoại tại Điều 137, 138, đại biểu cho rằng, quy định phòng xử án, phòng hòa giải đối thoại mới cần phù hợp với điều kiện, nguồn lực bố trí cơ sở vật chất tại Tòa án địa phương. Tránh tình trạng nhiều địa phương hiện nay gặp khó khăn trong việc bố trí phòng xử án theo quy định hiện hành do cơ sở vật chất không đảm bảo.