ĐBQH NGUYỄN MINH TÂM: HOÀN THIỆN VIỆC SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ - CƠ HỘI ĐỂ HÀ NỘI BỨT PHÁ PHÁT TRIỂN
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN TRONG GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)
SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 26/3, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Nhất trí cao với những nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia góp ý về nội dung phát triển văn hóa, thể thao được quy định tại Điều 21 của dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn Thủ đô
Đại biểu bày tỏ tán thành với các quan điểm phát triển văn hóa, thể thao và ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn Thủ đô trong dự thảo Luật, nhất là việc HĐND TP.Hà Nội quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa có trong quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên theo khả năng cân đối ngân sách thành phố đối với nhiều trường hợp được quy định cụ thể trong khoản 4 Điều 21. Trong đó có nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể, việc truyền dạy, thực hành và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Với gần 2000 di sản văn hóa phi vật thể các loại hình đang hiện hữu, Hà Nội là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhất cả nước và thành phố có hàng trăm người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, hiện nay chế độ đãi ngộ nói chung cho các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu còn khá ít ỏi, thường mang tính chất động viên tinh thần là chính. Do đó, việc đãi ngộ xứng đáng sẽ động viên, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy các giá trị di sản đang nắm giữ. Điều này góp phần quan trọng làm nên giá trị ngàn năm văn hiến của Thủ đô.
Đại biểu cũng cho rằng, Hà Nội hiện cũng có nhiều di sản văn hóa phi vật thể cần được ưu tiên bảo vệ khẩn cấp, đặc biệt là các di sản thuộc loại hình diễn xướng dân gian (như hát tuồng, hát trống quân, hát ví, hát ca trù…). Đây là các di sản không được thực hành thường xuyên, những người nắm giữ di sản thường tuổi đã cao và hiếm đối tượng trao truyền, không gian và điều kiện để thực hành di sản không nhiều do môi trường sống có nhiều thay đổi.
Toàn cảnh Hội nghị
Cần quy định cụ thể đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được hưởng ưu đãi đặc thù
Bởi vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, việc quan tâm đến chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể và việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là vô cùng cần thiết, ý nghĩa, hiệu quả trong việc bảo vệ, phát triển văn hóa thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là nền tảng quan trọng để phát triển văn hóa, du lịch tại Thủ đô.
Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Hải Dương cho rằng, điểm a khoản 4 Điều 21 dự thảo Luật quy định đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa có trong quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên là “người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật” còn quá chung chung nên sẽ khó xác định.
“Ví dụ với những công chức hưởng lương từ ngân sách làm việc trong ngành văn hóa (sở văn hóa, phòng văn hóa, công chức văn hóa xã - phường) có được coi là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hay không? Hoặc những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhưng không có thành tích nổi trội đóng góp cho sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật Thủ đô cũng như của đất nước thì có được hưởng hỗ trợ không khi mức hỗ trợ đó chưa có trong quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên?”, đại biểu băn khoăn.
Vì vậy, đại biểu Việt Nga đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về đối tượng này hoặc bổ sung thêm: HĐND TP. Hà Nội quy định cụ thể đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được hưởng ưu đãi đặc thù. Quy định như vậy sẽ chặt chẽ và dễ xác định hơn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tham dự Hội nghị
Về các khu vực, di tích và di sản được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa quy định tại khoản 3 Điều 21 của dự thảo Luật, điểm g có nêu: “Biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị”. Đại biểu nhận thấy, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị không phải là khu vực, không phải là di tích và cũng chưa phải là di sản văn hóa.
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi năm 2029, di sản văn hóa vật thể được xác định là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Đại biểu Việt Nga cho rằng, các biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị văn hóa tại Thủ đô Hà Nội khá nhiều và khá đặc biệt, vì vậy cần thiết tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, để chặt chẽ hơn, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “và công trình kiến trúc” vào khoản 3 Điều 21 dự thảo Luật và được sửa lại là: “Các khu vực di tích, di sản và công trình kiến trúc sau đây được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa”. Quy định như vậy đảm bảo chặt chẽ và chính xác hơn./.