Góp ý kiến vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ đồng tình cao khi dự thảo Luật đã bổ sung quy định: “Nhà nước có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước; xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái sử dụng, xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt”.
Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước quy định tại Điều 5 cũng như việc bảo đảm an ninh nguồn nước, tuần hoàn tái sử dụng nước thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn, quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là một nội dung quan trọng, đây là chính sách rất cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho biết, tại Việt Nam hiện nay nguồn nước ngọt còn tương đối nhiều, tuy nhiên tình trạng giảm mực nước tại một số dòng sông; việc suy kiệt nguồn nước ngầm; tình trạng hạn hán ở miền Trung, nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… đang đặt ra yêu cầu phải sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn, sử dụng nước tiếp cận theo hướng kinh tế tuần hoàn; đa dạng các nguồn nước.
Về chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu có quy định cụ thể về việc các tổ chức, cá nhân sử dụng nước sông, hồ chứa, đập chứa dưới vùng hạ lưu có trách nhiệm đóng góp kinh phí để chi trả cho những người làm công tác bảo vệ, phát triển rừng vùng thượng lưu để tạo nguồn sinh thủy.
Đối với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 của Chính phủ đã chỉ rõ: “Chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy còn chưa được chú trọng; kinh phí hỗ trợ trồng và bảo vệ rừng không được phân bổ, điều tiết lại từ các địa phương hưởng lợi ở hạ lưu”.
Bên cạnh đó, có quy định cụ thể về chi trả dịch vụ môi trường rừng liên quan đến bảo vệ, phát triển nguồn nước, bảo đảm cho tổ chức, cá nhân duy trì bảo vệ, phát triển nguồn sinh thuỷ thượng lưu được chi trả phù hợp từ tổ chức, cá nhân được hưởng lợi ở hạ lưu.
Về chính sách ưu tiên sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại khoản 4, Điều 66, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị bổ sung đối tượng ưu tiên sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là “công tác bảo vệ, phát triển rừng tạo nguồn sinh thuỷ”. Theo quy định hiện nay, định mức chi trả cho nông dân để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng rất thấp, cần tăng thêm nguồn lực và tăng định mức hỗ trợ cho người dân miền núi để bảo vệ, phát triển rừng, tạo nguồn sinh thuỷ.
Về quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông, dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý tài nguyên nước, khắc phục được tình trạng chồng chéo, không thống nhất trong quản lý giữa lĩnh vực tài nguyên nước và các lĩnh vực chuyên ngành có liên quan đến tài nguyên nước (Điều 37), đồng thời cũng đã xác định “nguyên tắc quản lý tài nguyên nước xuyên suốt là quản lý theo lưu vực sông” và có quy định về tổ chức lưu vực sông trên cơ sở kế thừa Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật còn thiếu cụ thể. Chưa luật hóa được thiết chế tổ chức quản lý lưu vực sông. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều chú trọng đến Ủy ban Quản lý lưu vực sông, ở Việt Nam vai trò của Ủy ban này còn rất mờ nhạt, hiệu quả hoạt động còn hạn chế, chủ yếu là tổ chức các hội nghị, chia sẻ thông tin, các quyết nghị đưa ra tính hiệu lực chưa cao.
Nguồn nước được hình thành và lưu chuyển trọn vẹn trên một lưu vực sông, nếu không có sự thống nhất quản lý theo lưu vực sông sẽ xảy ra mâu thuẫn trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ chất lượng nguồn nước giữa các tỉnh, thành phố.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều hòa khai thác, sử dụng nước; chức năng giám sát khai thác, sử dụng nước; bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái nguồn nước. Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý đặc thù trong hoạt động của tổ chức lưu vực sông; cơ chế để tổ chức này tham gia giám sát, nhất là giám sát chéo giữa các địa phương./.