Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội và một số đại biểu cho rằng Chính phủ nghiên cứu một số chính sách xã hội phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Cụ thể, về chính sách bảo hiểm y tế, mục tiêu năm 2022 chúng ta đạt được bảo hiểm y tế toàn dân phấn đấu là 92,6% nhưng chúng ta không đạt, đặc biệt là bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi trong các con số thông báo là đã đạt được 95% năm 2021 nhưng đến năm 2022 lại giảm xuống. Nguyên nhân của thực trạng này một phần là Quyết định 861 của Chính phủ, các xã được công nhận là nông thôn mới, các hộ thoát nghèo, các xã, bản thoát nghèo thì ngân sách không cấp để hỗ trợ bảo hiểm y tế, những tỉnh lớn và những tỉnh được công nhận về nông thôn mới giảm một cách đáng kể. Đại biểu chỉ rõ, người cao tuổi ở Việt Nam tuổi thọ so với khu vực và thế giới là cao, nhưng chúng ta không khỏe. Thực tế 95% người cao tuổi Việt Nam là có 2,9 bệnh nền, mà bây giờ không có bảo hiểm y tế thì sẽ rất khó khăn.
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Nhân thực tế này, đại biểu đề nghị Chính phủ phải trình Quốc hội nên dùng ngân sách để mua bảo hiểm cho người cao tuổi. Hiện nay, nếu theo con số thống kê thì ta còn khoảng 5% người cao tuổi chưa có bảo hiểm. Tuy nhiên, trong 5% này, đại biểu cho rằng những người không cần nhà nước mua bảo hiểm y tế chắc cũng phải 1- 2%. Đại biểu đề nghị Chính phủ phải trình Thường vụ Quốc hội vấn đề này. Nếu không có nghị quyết của Quốc hội thì chắc chắn không thể thực hiện được.
Về chính sách bảo hiểm xã hội, đại biểu phân tích, chúng ta coi chính sách bảo hiểm xã hội là chế độ ưu việt đối với xã hội và bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động để cho các tầng lớp nhân dân mua bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng lên. Đây chính là một tương lai xã hội tốt mà chúng ta áp dụng rất nhiều biện pháp ở đây.
Đại biểu cũng chỉ rõ, hiện nay chỉ có 3,1 triệu người là có lương hưu trong 16 triệu người cao tuổi và 1,9 triệu người là có trợ cấp xã hội. Như vậy, chúng ta mới có 5 triệu người trong tổng số 16 triệu người có nguồn thu nhập từ bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội, còn lại 11 triệu người hiện nay vẫn phải lao động chân tay để kiếm sống hằng ngày.
Từ thực tế này, đại biểu đề nghị cần có chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội đối với các hộ nghèo và các hộ cận nghèo như thế nào và Luật Bảo hiểm xã hội nên tính toán lại, phải rút ngắn lại hoặc có thể có những bảo hiểm đặc biệt cho những người cao tuổi, thậm chí là cho những người trung tuổi thì chỉ cần khoảng 10 hoặc thậm chí 15 năm để người ta sau này khi về già hoặc là khả năng lao động yếu kém thì có ổn định về cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Cùng quan tâm đến những vấn đề xã hội, đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nêu rõ, trong báo cáo của Chính phủ có nêu những vấn đề liên quan đến chất lượng và nguồn nhân lực, xuất hiện tình trạng người lao động mất việc tại một số địa phương, khu cụm công nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh thiếu niên thì còn cao và số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, đây mới là một khía cạnh của vấn đề. Tỷ lệ thất nghiệp như trong báo cáo và trong số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho quý 1/2023 có nêu là tỷ lệ thất nghiệp trong quý 1, tức là số lượng người thất nghiệp trong quý 1 là hơn 1 triệu người, chiếm tỷ lệ 2 phẩy mấy phần trăm, đối với thanh thiếu niên là 7,61% và các số liệu này theo đánh giá của Tổng cục Thống kê có giảm hơn so với cả quý trước. Nhưng qua thực tế giám sát, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì số lượng người đang mất việc, đang phải giãn việc, thu nhập giảm sút trong xã hội tăng lên rất nhiều.
Đại biểu chỉ rõ, điều này dẫn đến việc rất nhiều lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập và ở đây chúng ta mới nói về tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên là lứa tuổi từ 15 đến 24 tuổi, nhưng qua phản ánh thì hiện tại có một nguy cơ rất lớn đối với cả nhóm lao động trên 40 tuổi, đặc biệt là lao động ở các khu công nghiệp.
Đối với nhóm lao động này là những người tham gia các dây chuyền sản xuất, có thời gian làm việc lâu năm, thu nhập cũng đạt được một mức độ nhất định. Nhưng khi doanh nghiệp thiếu việc làm hay là cần phải giãn việc hoặc là sa thải lao động thì đây lại là nhóm dễ bị tác động nhiều nhất. Và nhóm này khi đã mất việc thì việc tìm lại việc làm rất khó. Đây là những nội dung sẽ phát sinh những vấn đề xã hội rất to lớn. Nhưng trong báo cáo của Chính phủ cũng như các giải pháp đề ra thì cũng chưa chú trọng đến nhóm đối tượng này. Do đó, đề nghị Chính phủ phải quan tâm hơn đến nội dung này.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh
Ngoài ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh và một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, bắt đầu những tháng đầu năm 2023 chúng ta thấy đã xuất hiện những vấn đề cần phải quan tâm, cần phải có giải pháp. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I của chúng ta so với bối cảnh chung thì chúng ta đạt 3.32. Nếu chúng ta để đà suy giảm này tiếp tục suy giảm thì thất nghiệp sẽ gia tăng và bức tranh về thương mại của thế giới tác động đến thương mại ở trong nước.
Đại biểu nêu rõ, khi xuất khẩu suy giảm thì nhiều doanh nghiệp bị cắt đơn hàng tác động đến vấn đề an sinh xã hội, người lao động. Mặc dù chưa cập nhật số liệu một cách đầy đủ nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình lao động, về tình hình cắt giảm giờ làm việc, giờ lao động, trong số liệu đó cũng vài trăm ngàn người lao động đã bị mất việc làm. Cho nên dẫn đến vấn đề về an sinh xã hội. Đại biểu cho rằng chúng ta cần phải tập trung để có những giải pháp cấp bách, nhưng đồng thời cũng phải có những giải pháp lâu dài để chúng ta đảm bảo kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong thời gian tới.