TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Các văn bản hướng dẫn để thực hiện tích hợp, điều chỉnh chưa kịp thời
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, trong báo cáo có đánh giá là cuối năm 2022 và đầu năm 2023 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường thì kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức, từ đó Chính phủ đã tiếp tục đưa ra 10 nhóm giải pháp trọng tâm để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đặt ra trong năm 2023.
Cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp mà báo cáo đã nêu, tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn đối với nhóm giải pháp thứ năm vì đây là giải pháp tháo gỡ những khó khăn, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách để bảo vệ tính mạng con người trước nhiều dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, đại biểu đồng tình với đại biểu Khánh ở Lai Châu, hiện nay các bộ, ngành trung ương, các địa phương đang hết sức khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch theo cách của mình. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay thì còn rất nhiều các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, vì vậy nhiều dự án chậm triển khai đầu tư do thiếu quy hoạch.
Các quy hoạch có tính chất chuyên ngành kỹ thuật thì không được lập mới mà thực hiện điều chỉnh, tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia theo Nghị quyết 64 của Chính phủ ban hành ngày 6/5/2022 để tiếp tục triển khai thực hiện. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn để thực hiện tích hợp, điều chỉnh thì chưa kịp thời gây khó khăn cho địa phương trong việc xem xét, điều chỉnh tích hợp các nội dung vào quy hoạch tỉnh.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia cũng như hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn lập quy hoạch để địa phương làm căn cứ điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch có tính chất chuyên ngành kỹ thuật tích hợp vào các quy hoạch tỉnh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án.
Sớm đầu tư kéo lưới điện quốc gia cho các xã đảo
Đối với vấn đề về điện cho vùng biển đảo, đại biểu cho biết, đầu tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc tại tỉnh Kiên Giang và đã có ghi nhận một số kiến nghị của tỉnh. Thủ tướng đã có kết luận và Văn phòng Chính phủ đã có thông báo tại Công văn số 99 ngày 5/4/2022 về chỉ đạo giải quyết các kiến nghị trên, trong đó có việc đầu tư kéo lưới điện quốc gia cho 2 xã đảo An Sơn và Nam Du của Kiên Giang.
Cụ thể, thông báo có nêu sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phê duyệt điều chỉnh dự án để sớm triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thành việc kéo lưới điện quốc gia tại 2 xã đảo An Sơn và Nam Du vào tháng 6/2023, nhưng đến nay Tập đoàn điện lực Việt Nam vẫn chưa kéo lưới điện cho 2 xã này.
Đại biểu cho biết vừa nhận được công văn của Bộ Công Thương trả lời tỉnh về việc chậm thực hiện đầu tư lưới điện quốc gia tại 2 xã đảo An Sơn và Nam Du, chung quy là không có vốn để bố trí, việc này đồng nghĩa với việc người dân nơi đây tiếp tục phải chờ đợi. Trong khi đó, Nhân dân ở những nơi này rất thiệt thòi về hưởng thụ các thiết chế công cộng, các điều kiện hỗ trợ đời sống từ hạ tầng cơ sở, chính vì thế chiến lược phát triển kinh tế biển là chủ trương của Đảng để khơi thông điểm nghẽn cho phát triển kinh tế biển, nhưng đến nay việc sơ, tổng kết đánh giá thực hiện các mục tiêu của chiến lược này để đề ra giải pháp cho giai đoạn tới vẫn chưa có.
Đại biểu nhấn mạnh, hiện nay, phát triển kinh tế hướng biển là vấn đề hết sức cấp thiết và người dân ở những vùng biển này là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền của đất nước, tôi nhận thấy đầu tư cho đời sống của Nhân dân ở vùng biển chính là thực hiện mục tiêu của chiến lược này. Đại biểu kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan quan tâm đến nguyện vọng của đồng bào vùng biển, đảo nói chung và 2 xã đảo của Kiên Giang nói riêng, cụ thể là đầu tư ngay đối với vấn đề điện để người dân nơi đây an tâm, bám biển và phát triển kinh tế biển theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.